Trong lúc dỡ hành lý chất lên lưng ngựa, tôi chợt nhớ tới câu sư béo dỏm nói lúc mới gặp, liền thắc mắc:
“Jịt Jẹ anh đi làm nhiệm vụ vẫn còn hóng hớt được à, mà hóng hớt từ ai đấy?”
“Trên thuyền mụ nội Diêu ngài ta đồn ầm cạ lên.”
“Mẹ kiếp toàn tây trang giày da sao lắm mồm thế. Sarah có biết không?”
“À ờ, nhắc mới nhớ tau chơ chộ em họ mi hay thèng cận.”
Tôi hỏi thêm về Julie, sư béo dỏm lắc đầu nói không gặp ai có hình dung như thế cả. Nhưng hắn bảo tôi bà Diêu điều tận hai tàu tham gia chuyến hành hương lần này, hắn chỉ có nhiệm vụ ở một chiếc, nếu ba người kia đi cùng bà Diêu thì chắc trên chiếc còn lại. Tôi có hơi lo lắng, tính ra thì kể từ khi rời Pháp tôi vẫn chưa thấy mặt Sarah, lúc đoàn bà Diêu xuất phát tôi đã định ra xem rồi, nhưng lại đau chân đến phát sốt phải nằm bẹp trên giường không dậy nổi.
“Thế giừ răng?” Sư béo dỏm cúi xuống chỉ cổ chân tôi.
“Đã khỏe, nhờ ông Lâm cả đấy. Hồi trước bác hai tôi bị tai biến, cũng nhờ ông ấy cấp cứu kịp thời.” Tôi khởi động vài bước cho hắn xem.
“Ngài trong nghề ni thâm sâu lắm. Lắm tài nhơng cụng đại tật.”
Sư béo dỏm soạn xong hai chiếc ba lô, thảy cho tôi một chiếc, lại đeo lên lưng một chiếc. Hai chúng tôi theo đoàn người bắt đầu hành trình vượt suối băng rừng. Đoạn đường hiểm trở khó đi lại, mọi người phải luôn tập trung cao độ dưới chân nên hầu như không ai nói được câu gì, đề tài của chúng tôi cũng dừng ở đó.
Truyện Truyện TeenĐi đường rừng tầm hai ngày chúng tôi bắt đầu lên núi, leo trèo gần năm ngày, cuối cùng cũng thấy được một hẻm sông len giữa hai vách đá. Nằm nhấp nhô bên dưới hẻm sông chính là đích đến, làng Cổ Cổng.
Dưới ánh hoàng hôn thơ mộng, tôi thấy những nóc nhà sàn mái tranh vô cùng cổ kính, lưng dựa núi mặt hướng sông, nhìn sang phía đối diện là từng thửa ruộng bậc thang đều tăm tắp. Từ trên cao trông xuống làng Cổ Cồng tựa như lớp trầm tích của lịch sử nhân loại, lắng đọng tất cả nếp quần cư đơn sơ mà độc đáo.
Tôi hít căng buồng phổi, cảm giác ruột gan đều sảng khoái, thầm nghĩ công sức bỏ ra mấy ngày nay thật đáng giá…mấy ngày... khoan.
“Jịt Jẹ sao lúc trước anh làm nhiệm vụ thăm dò cho ông Chung cả đi cả về mất vỏn vẹn có ba ngày vậy?”
Tôi hỏi sư béo dỏm đang cầm ống nhòm đứng bên cạnh.
“Thì tau đi làng Cổ Cồng trẹ, còn ni lờ làng Cổ Cồng già.”
Sư béo dỏm giải thích với tôi làng Cổ Cồng cũng như bao bản làng dân tộc miền núi khác, cũng gặp phải vấn đề về biến động di cư. Những người trẻ tuổi không nhận thấy cơ hội ở quê nhà nên đã bỏ làng bỏ bản đi phương xa làm ăn, dần dà tạo thành một làng Cổ Cồng trẻ. Những người lớn tuổi hoặc không thể đi theo, hoặc không muốn đi theo, đã ở lại gìn giữ ngôi làng nguyên thuỷ đến tận giờ.
“Ngựa thồ mạn ợ làng Cổ Cồng trẹ nì.”
Sư béo dỏm vỗ vỗ chú ngựa vừa bước đến cạnh hắn, con ngựa giống như có linh tính ngửa cổ hý dài.
Táo dại vốn mọc ở rìa làng Cổ Cồng già, sau đấy được người trong làng Cổ Cồng trẻ đem về gieo trồng, gặt hái, bán lại cho các đối tượng sản xuất ma tuý táo đỏ. Giống táo dại này chỉ có thể trồng trên đất người Cổ Cồng sinh sống, đi nơi khác là chết ngay, nên mấy tháng nay người làng Cổ Cồng trẻ làm ăn rất khá. Nhưng đồng thời họ cũng rất đau đầu về chứng bệnh chỉ đường đang lan rộng trong cộng đồng của mình.
Khi làm nhiệm vụ cho Chung lừa đảo sư béo dỏm lấy trò cũ trọng thi, hoá trang thành một tu sĩ có đạo hạnh cao thâm, tự nhận được trời cao giáng mệnh tế thế cứu đời. Chẳng biết nói hươu nói vượn thế nào mà lại được người Cổ Cồng trẻ đón tiếp rất long trọng.
“Quân lừa đảo, tuyên truyền mê tín dị đoan.” Tôi khinh bỉ liếc hắn.
“Chứ mi bảo tau phại mần răng?” Hắn đưa ống nhòm cho tôi nói “Chúng ta chị cần vô thánh địa, bệnh của họ tự khọi, vậy cũng tính lờ tau gián tiếp chựa cho họ nhé. Lơng tâm nỏ đau nhé.”
Tôi xua tay chấm dứt câu chuyện, bắt đầu cầm ống nhòm lên nhìn theo hướng chỉ của sư béo dỏm. Nhà sàn của dân tộc nơi đây cầu kỳ hơn mong đợi, những vách ngăn giữa sàn và mặt đất được khắc nổi hình chim thú rất đẹp. Trước cửa nhà đóng giá treo nhiều nhạc cụ, còn giữa làng dựng một cái chòi sặc sỡ che chắn chiếc trống đồng khá to bên dưới.
“Dân bản địa chắc rất yêu âm nhạc, nhìn cái cách họ luôn sẵn sàng kìa.” Tôi nhận xét.
Sư béo dỏm lắc đầu bảo tôi quan sát kỹ lại rồi hỏi:
“Mi nỏ thấy cấy chi bất thàng răng?”
“Có gì bất thường đâu” Tôi chợt giật mình, bắt đầu rà soát kỹ càng lần nữa. Lẩm nhẩm liệt kê, tôi mới nhận ra.
“Kèn, trống, đàn đá.. Sao không thấy cồng?”
- -----------------
Chú thích:
Cậu không thấy cái gì bất thường sao?
Chứ cậu bảo tôi phải làm gì? Chúng ta chỉ cần vào thánh địa, bệnh của họ tự khỏi, vậy cũng tính là tôi gián tiếp chữa cho họ nhé. Lương tâm không đau nhé.
Ngựa thồ mượn ở làng Cổ Cồng trẻ đấy.
Thì tôi đi làng Cổ Cồng trẻ còn đây là làng Cồng già.
Người trong nghề này thâm sâu lắm. Lắm tài nhưng cũng nhiều tật.
À ờ nhắc mới nhớ, tôi không thấy em họ cậu hay thằng cận