Nghề hành hương đã phát triển từ khi con người chưa có camera, mọi hình chiếu đều chỉ có thể truyền qua tranh vẽ. Từ khi ấy người xưa đã phát hiện một điều, tranh miêu tả không thể quá giống.

Chuyện là có một dân hành hương muốn bán báu vật ông ta vừa kiếm được. Ông ta bèn nhờ người bạn là một họa sĩ tài giỏi vẽ cho bức tranh thật giống để đem đi chào hàng. Người bạn sau khi vẽ xong liền dẫn dân hành hương về nhà nghiệm thu thành quả. Dưới ánh nến tù mù, người bạn cho ông ta xem hai bức. Một bức vô cùng đẹp, một bức vô cùng đáng sợ.

“Một bức tôi miêu tả vật anh mang đến, một bức tôi miêu tả tranh của chính tôi.”

Người bạn chỉ nói vậy, rồi trầm ngâm hỏi dân hành hương muốn lấy bức nào. Dân hành hương chả hiểu gì về nghệ thuật, chỉ nghĩ thằng bạn mình đúng là hâm, lựa chọn cái đéo, tất nhiên phải lấy bức đẹp rồi. Sau đó ông ta đem bức tranh đi quảng bá, chẳng ngờ gây nên một chuỗi phản ứng tương tự hội chứng sợ lỗ (Trypophobia).

Bức tranh tạo cho người xem một cảm giác ức chế tâm lý cực kỳ, chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi, ngứa ngáy, hoảng loạn, nói chung là chỉ muốn đốt quách cho xong nhưng ứ dám. Sau khi bị trả hàng về quá nhiều lần, dân hành hương đem bức tranh đến hỏi rõ người bạn, bạn ông ta bình tĩnh hỏi lại.

“Anh đã xem kỹ bức tranh chưa?”

“Rồi, mỗi lần người ta gọi tôi đến lấy tranh về tôi đều xem rất kỹ, có thấy vấn đề gì đâu.”

“Người ta chỉ gọi anh vào buổi tối, trong một căn phòng đóng kín và chỉ thắp một trản đèn thôi phải không?”

Tất cả đều chính xác như người bạn họa sĩ miêu tả. Dân hành hương còn chưa kịp thắc mắc, người bạn lại nói tiếp.

“Anh xem thử bức tranh vào buổi sáng anh sẽ hiểu.”

Dân hành hương nghe theo, sáng hôm sau ông ta đem bức tranh ra giữa sân, khi tấm vải trùm được kéo xuống, mặt ông lập tức tái mét.

… Và hết.

Tôi còn chưa kịp chửi má nó, thì đã có người đặt câu hỏi ở dòng tiếp theo.

“Ông ta thấy gì?”

Thằng Nam trả lời:

“Xem tấm ảnh gói trong lụa đen kẹp ở bọc da mặt sau.”

Tôi lật mặt sau, đúng là có một mảnh lụa đen nhét dưới vách kép được tạo thành từ bọc da và bìa sổ, nhưng bên trong trống rỗng. Một nửa mảnh lụa đã khô cứng, góc hơi tủa chỉ. Tôi đưa lên ngửi, lại dí sát mũi vào lớp vách kép, thấy một mùi khét thoang thoảng. Da, lụa và giấy đều có khả năng giữ mùi lâu, nhưng không hiểu sao mùi khét này chỉ ngửi được trên da và giấy còn trên lụa thì không, trong khi tôi đoán chính lụa mới là thứ bị cố đốt. Nói là cố đốt, bởi vì tình cảnh khi ấy hẳn là thế này:

Người bạn của Nam xem xong ảnh cũng bị hội chứng gần giống trypophobia, phản ứng dữ dội đến nỗi cương quyết đốt luôn tấm ảnh. Nhưng như là kiêng kỵ cái gì, nó chẳng dám cứ thế đốt mà đi bọc tấm ảnh vào lụa đen rồi mới đốt. Đốt hồi lâu, lụa không cháy, lại phải bỏ lụa ra, có thể ảnh đã bị đốt sau đó, có thể ảnh bị lấy đi nhưng nói chung, sự quan tâm bây giờ lại chuyển sang tấm lụa kháng lửa này.

Tôi chỉ biết người ta dùng loại sợi poly cotton đặc biệt để may đồ bảo hộ cho nhân viên phòng cháy chữa cháy, phổ biến nhất là vải aramid với khả năng chịu nhiệt 500 độ C. Nhưng thứ mềm mỏng đang ở trên tay tôi chắc chắn là lụa, mà lụa bình thường thỉ chỉ giỏi bắt lửa chứ kháng quái gì được. Vậy đây là tấm lụa bất thường sao?

Tôi lật trang sau của đề mục, à lên một tiếng. Mịa, thảo nào thấy quen thế.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play