Trên tờ giấy vẽ một hình dáng giống như khúc cây nằm ngang, nhưng tôi biết đấy không phải khúc cây, mà là một chiếc quan tài, chiếc quan tài tôi bị vu tội lấy cắp.

“Cái này…”

“Không phải cái ta bị mất.” Bà Diêu chưa cần nghe hết câu liền lập tức phủ định. “Cậu cảm thấy giống, bởi vì về cơ bản hai cỗ quan tài này cùng một kiểu cách, rất phổ biến vào khoảng hơn 2000 năm trước tại Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc, được gọi là mộ thân cây hoặc mộ thuyền.”

Mộ thuyền thì tôi có nghe qua. Năm 2001 khi tìm đề tài cho đồ án tốt nghiệp, tôi được một giáo sư sử học rủ tham gia dự án phục dựng đời sống cư dân Đông Sơn thông qua việc khai quật mộ thuyền ở Hưng Yên. Tôi lúc đấy còn than rằng đúng là giáo sư sử chuyên đi sau thời đại, có đôi mộ Kiệt Thương ở Hải Dương vừa đào lên kìa, đến đấy làm nghiên cứu cho đỡ mất công, thế là bị giáo sư cho cái bạt tai.

Giáo sư nói nếu đi nghiên cứu cái có sẵn thì tôi gọi cậu làm gì, tôi nghe người dân ở một ngôi làng tại Kim Động, Hưng Yên phát hiện nhiều mộ thuyền dưới lòng ruộng, nghi ngờ nơi đấy là một di chỉ nghĩa địa lớn, mới cần cậu đi thăm dò địa tầng. Tuy rất nể mặt giáo sư, nhưng do chẳng có tý hứng thú nào với mồ mả nên cuối cùng tôi vẫn không nhận đề tài này.

“Cỗ quan tài Nam Mộc Tơ Vàng Âm Trầm cậu thấy được chú tôi khai quật năm 1946 ở châu tự trị Ngawa thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, giữ tại nhà đến năm 49 mới bán. Gần đây không biết thế nào lại rơi vào tay Lưu Ly tháp, cuối cùng tôi qua đấu giá mua trở về.”

Do lịch sử, chất liệu, tay nghề thủ công và tính toàn vẹn mà giá trị của cỗ quan tài đã vượt qua giá trị vàng cùng khối lượng. Giàu như bác hai đến khi nghe tôi năn nỉ đền hộ, chẳng than một câu đền không nổi còn gì.

Trở lại với hình vẽ trên tờ giấy mà cậu trai khá mang đến, bà Diêu vừa nhìn đã nhận ra đây là vật gì, cũng đoán được giá trị của nó. Trong sách truyền nghề mà tổ tiên nhà Diêu để lại cho con cháu, có ghi chép về một cực phẩm báu vật với miêu tả y chang hình vẽ này.

“Ban đầu ta khá hoài nghi. Bỏ qua nhiều lý do chuyên môn, cái vô lý nhất là chỉ với bốn người họ làm cách nào để khiêng cỗ quan tài nặng cả tấn đấy ra?"

Đúng vậy, đây cũng là nghi vấn ban đầu của tôi. Trừ phi, tôi chợt nghĩ đến một khả năng nói:

"Trừ phi do không được bảo quản tốt cỗ quan tài đã bị mục ruỗng nên rất nhẹ."

Bà Diêu lắc đầu.

"Không, nó vốn được chôn dưới bùn dày, trong môi trường yếm khí, chất liệu gỗ vẫn như mới."

Tổ tiên nhà bà Diêu từng có lần đào được cỗ quan tài này trong bụng rồng, bởi vì không có cách nào mang đi nên mới ghi chép lại cho con cháu đời sau biết đến.

Nhưng cậu trai khá lại nghĩ: Có thể chia cỗ quan tài thành nhiều mảnh để đem ra.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play