Trên đường đi, tôi cùng A Việt và anh Thái tùy ý trò chuyện mấy câu, cuối cùng không kiềm được hỏi: “Các cậu đi theo anh Đỗ từ lúc nào?”

Nghe tôi hỏi, A Việt vốn nói rất nhiều lập tức im lặng, anh Thái thì bình tĩnh cười đáp: “Anh Dương, tôi và A Việt cùng với vài anh em khác nữa đều từ khu Tam Giác Vàng ra”.

“Ồ?” Tôi thấy hơi kinh ngạc, nơi đó quả thực có rất nhiều người Hoa Hạ. Sau khi chiến tranh giải phóng kết thúc thì có vài đội bại binh chạy trốn đến đó, bám trụ trên vùng núi đó thoáng cái đã mấy chục năm, hơn nữa đã sinh ra hai ba thế hệ.

Bố của Đỗ Minh Cường chính là một trong số đó, còn là một sĩ quan nhỏ. Năm xưa ông cụ không muốn theo mấy người sĩ quan trồng thứ hại người ấy ở khu Tam Giác Vàng, nên đã đưa một nhóm binh sĩ dưới trướng chạy đến vùng bắc Xiêng La dừng chân.

Theo lời Đỗ Minh Cường, năm xưa có hơn hai mươi người đi theo bố ông ta ra ngoài, nhưng dọc đường bị truy sát, lại còn bị thế lực phức tạp khó lường ở khu vực đó chặn đường. Cuối cùng, người còn sống vào đến Xiêng La và được chính phủ địa phương thu nhận chỉ còn lại bảy người.

Nhờ có bảy người cấp dưới từng trải qua chiến tranh và thử thách sinh tồn đó, bố ông ta mới có thể làm nên sự nghiệp lớn, sau cùng tích góp được gia sản vô cùng giàu có.

Nhưng cũng vì vậy, trong gia tộc lớn của bọn họ lại chia ra thành mấy gia tộc nhỏ. Sau khi những người cấp dưới đi theo bố ông ta thành gia lập nghiệp, đời sau của bọn họ cũng tham gia vào sự nghiệp của gia tộc lớn, không ai là ngoại lệ.

Bao nhiêu năm qua, thế hệ trẻ tuổi của những người đó khó tránh khỏi có chút xung đột. Dù không xảy ra những chuyện lớn như nội chiến, nhưng cục diện phe phái mọc lên như rừng càng lúc càng rõ ràng, mỗi gia tộc nhỏ trừ thành viên huyết mạch thì đều chiêu nạp một số tay chân nhất định.

Trong bảy người năm xưa chỉ có hai người còn sống đến hiện tại, vì công lao, vai vế và trực hệ tích lũy mấy chục năm đều ở đây, nên thực lực và danh vọng của hai cụ già đó ở trong gia tộc cực kì cao, thậm chí đã đến mức công lao lớn như quân vương.

Hơn nữa, hai người này đều trở thành trở ngại lớn nhất trong sự biến chuyển của Đỗ Minh Cường.

Nói cách khác, hai vị nguyên lão trong gia tộc này đều phản đối quyết định đi con đường chân chính của Đỗ Minh Cường.

Một trong hai người đã chuyển hướng sang Đỗ Minh Hào, âm thầm ủng hộ đối phương. Người còn lại tuy không thích phong cách làm việc của Đỗ Minh Hào, nhưng cũng không tán thành quyết định của Đỗ Minh Cường, nên thuộc kiểu không lấy lòng cả hai bên.

Hiện tại những gì Đỗ Minh Cường làm chính là cố gắng giành lấy sự ủng hộ của các phe phái khác nhau trong gia tộc. Trước mắt mà nói, tỉ lệ ủng hộ ông ta cao hơn Đỗ Minh Hào một chút, nếu so sánh thực lực tổng thể của những người theo phe thì cũng mạnh hơn bên Đỗ Minh Hào kha khá.

Bây giờ, ông ta đang cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của ông lão không theo cả hai bên kia. Nếu được sự ủng hộ của ông ấy, thực lực của ông ta sẽ vượt xa Đỗ Minh Hào, không sợ gã quấy phá nữa.

Mặc dù ông ta là người cầm lái, nhưng làm nghề như bọn họ thì quyền phát biểu chân chính luôn chỉ có thực lực.

Nếu như trong tay ông ta không có một đội quân hùng hậu và sự ủng hộ tuyệt đối của những gia tộc nhỏ khác, ông ta đã bị người khác thay thế, thậm chí là tiêu diệt từ lâu.

“Anh Dương, sao thế?” Anh Thái quay đầu lại, thấy tôi đang thất thần thì không khỏi lên tiếng hỏi.

Dòng suy nghĩ của tôi bị kéo trở về, tôi cười nói: “Không sao, vừa rồi anh nói anh và A Việt, còn có vài anh em khác đều có xuất thân từ khu Tam Giác Vàng, vậy là anh Đỗ chạy đến bên đó kêu gọi người, kéo các anh ra khỏi đó à?”

Anh Thái lắc đầu: “Không phải, nhưng cũng có thể coi là vậy. Tôi cùng A Việt và cả những anh em đó đều là trẻ mồ côi. Anh biết đấy, ở trong đó rất hỗn loạn, hay có người chết, người nhà của chúng tôi đều chết vì chiến tranh phe phái hoặc cướp địa bàn. Khi ấy, bố anh Cường sắp xếp người ở bên đó nhận nuôi trẻ mồ côi Hoa kiều, sau đó đưa đến Chiêng Ray”.

“Lúc sáu tuổi tôi đã được đưa qua đây, từ nhỏ, tôi đã lớn lên cùng với bọn A Việt. Lúc mười sáu tuổi, anh Cường hỏi bọn tôi có muốn theo anh ấy làm việc hay không, đồng ý thì ở lại, không thì có thể đi”.

“Anh Cường lớn hơn tôi mười tuổi. Năm đó, anh ấy đã bắt đầu tiếp nhận công việc của gia tộc. Tôi biết gia tộc làm công việc gì, cũng đã sớm chuẩn bị tâm lý, cho nên không hề do dự mà đi theo anh Cường”.

“Tôi cũng vậy, nhưng tôi mười tuổi mới đến đây”, A Việt ngồi đằng trước tiếp lời.

Tôi thấy hơi kinh ngạc, những chuyện này Đỗ Minh Cường chưa từng nói với tôi, nên tôi không khỏi hỏi: “Nghĩa là bố anh Đỗ nhận nuôi trẻ mồ côi từ nhỏ đến lớn, sau đó nhóm người này sẽ trở thành thuộc hạ trung thành nhất của gia tộc?”

“Tam gia nhận nuôi trẻ mồ côi không phải để bồi dưỡng thuộc hạ”, anh Thái lắc đầu: “Mà những đứa trẻ ông ấy nhận nuôi đều là hậu duệ của những người cùng chi đội ông ấy trước kia để lại, nói cách khác, ông ấy nuôi dưỡng thế hệ sau thay những chiến hữu đã mất”.

“Trong số chúng tôi cũng có rất nhiều người lớn lên không muốn ở lại nhà họ Đỗ, tam gia và anh Cường không làm khó bọn họ, mà cho họ ra ngoài tự tìm đường mưu sinh, thậm chí còn cho họ mượn một khoản tiền làm lộ phí và tiền sinh hoạt”.

“Trong đó, có mấy người đã vào đơn vị cơ quan chính phủ của Chiêng Ray, thậm chí còn có một người trở thành luật sư. Đúng rồi, vừa rồi tôi quên nói, tam gia và anh Cường cũng gửi những đứa trẻ mà họ nhận nuôi đến trường học tập. Vả lại... cho dù là những người lớn lên rời khỏi nhà họ Đỗ, tam gia và anh Cường cũng chưa bao giờ bắt bọn họ trả lại học phí”.

“Nhưng đa số những người đó đều rất nhớ ơn, những ai đã đi làm kiếm tiền ở bên ngoài đều sẽ tặng tam gia và anh Cường một ít tiền mặt hoặc quà biếu vào mỗi dịp lễ tết. Dù là những người công tác ở đơn vị chính phủ cũng không kiêng kị mối quan hệ với nhà họ Đỗ”.

“Đương nhiên cũng có một số người vong ân phụ nghĩa, vừa rời đi là không còn tin tức gì nữa. Thậm chí mấy năm trước, có người còn vì tiền mà chạy đi tiết lộ bí mật cho đối thủ của nhà họ Đỗ. Do người nọ bán đứng nên nhà họ Đỗ đã tổn thất hai người anh em và một thuyền hàng”.

Nói đến đây, anh Thái hừ lạnh một tiếng khinh thường, sau đó lắc đầu.

“Sau này người đó thế nào?” Tôi hiếu kì hỏi.

Anh Thái không đáp mà quay đầu nhìn sang A Việt đang lái xe.

“Tôi chôn nó rồi”, A Việt bình thản nói: “Bởi vì lúc nhỏ, tôi chơi rất thân với nó nên đã tự tay chôn nó luôn”.

Trong lòng tôi lập tức trở nên hơi nặng nề.

Chôn người không phải là một chuyện đơn giản, chưa kể đến việc tốn sức, mà là nói về mặt tâm lý, nhất là với một người bạn chơi chung từ nhỏ.

“Anh Dương, thật ra nhà họ Đỗ chưa từng làm chuyện gì tàn nhẫn mất nhân tính”, anh Thái đột nhiên nói: “Trừ những chuyện mà Đỗ Minh Hào làm mấy năm nay ra”.

“Nhà họ Đỗ chỉ mua bán hàng thôi, những thứ được trồng trong khu Tam Giác Vàng kia, họ chưa từng chạm tới”.

Tôi buột miệng nói: “Nhưng cái đó cũng không hợp pháp”.

Nói xong câu đó tôi có chút hối hận, nói những lời này trước mặt anh Thái và A Việt không thích hợp lắm.

Nhà họ Đỗ ở trong lòng họ có thể đã giống như một ngôi nhà chân chính.

Từ những đứa trẻ mồ côi mà bố của Đỗ Minh Cường, cũng chính là tam gia mà anh Thái kể đã nhận nuôi có thể nhìn ra được ông ấy là một người rất nghĩa khí, thậm chí là chính trực.

Bỏ tiền ra nhận nuôi một nhóm trẻ em, gửi đi học, lớn lên còn có thể tự do rời đi, những việc đó không phải người bình thường có thể làm được.

Bao gồm Đỗ Minh Cường, ông ta thừa hưởng tính cách của cha mình, cũng đang làm những chuyện tương tự.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play