Viên nội thị sau khi bị lưỡi đao bức ra khỏi cửa Thẩm gia, đầu ứa đầy mồ hôi lạnh. Y vừa sợ mấy kẻ điên không cần mệnh ở Thẩm gia vừa không dám nghĩ đến lúc trở về phục chỉ Hoàng đế sẽ phản ứng thế nào.
Một giọt mồ hôi lạnh từ trán nhỏ xuống kéo tên nội thị từ trong đống suy nghĩ bừng tỉnh, như tỉnh giấc từ một cơn ác mộng. Y bất giác rùng mình.
Lão quản gia mang mười người từ trong đi ra, thấy một màn này, khách sáo dừng lại: "Tuy nói là đã bước ra khỏi cửa Thẩm gia nhưng nơi này vẫn là cửa nhà Thẩm gia, thỉnh vị quan nội thị này di chuyển đến chỗ khác ngẩn ngơ."
Nội thị thật sự sợ người Thẩm gia, thẫn thờ men theo lề đường mà đi. Cấm vệ bên người y hỏi lão quản gia: "Ngài đây đang muốn đi đâu vậy?"
"Phu nhân dặn ta đi đặt mua chút rượu và thức ăn để hôm nay ngài ấy cùng người trong phủ thưởng thức." Lão quản gia thản nhiên: "Kẻ sắp chết dù sao cũng phải thoải mái một lần, không phải sao?"
Tên cấm vệ kia nghe vậy im lặng, mặt lộ vẻ cung kính gật đầu với lão quản gia, nhìn theo lão rời đi rồi nói: "Chúng ta cũng hồi cung đi phục lệnh(*) đi."
* Phục lệnh: báo cáo lại sau khi chấp hành mệnh lệnh.
......
Quốc thư từ phía Nhu Nhiên đưa đến đòi bồi thường Hoàng đế đều đáp ứng, duy chỉ có cái danh xưng huynh đệ quyết không chịu gật đầu.
Mấy thứ tiền bạc này muốn đền bao nhiêu cũng được, tuy rằng đều là vàng thật bạc trắng, nhưng với gã chỉ là số lượng. Có điều, bị bắt "xưng huynh" thì lại là bôi nhọ nước nhà, mất chủ quyền quốc gia, sẽ bị mấy vị quan chép sử gắn cái mác sỉ nhục. Phàm là một quân chủ biết thẹn với lòng hẳn sẽ không chấp thuận điều kiện đó.
Vị trí Thiên tử đi đôi với lễ, lễ đi đôi với bổn phận, đi theo bổn phận là danh tiếng. Đó cũng là nguyên do sâu xa mà triều thần công nhận một vị Hoàng đế —— Danh tiếng và tài năng của vị vua không chỉ để làm ma nơ canh.
Hoàng đế muốn đồng ý nhưng lại sợ con dân chỉ trích, binh lính phản đối. Tô Hoàng hậu nhìn thấu tâm tư của gã liền chủ động góp ý: "Trấn Quốc Công đã hết lòng, nữ nhi của hắn cũng nên có giác ngộ lớn lao như phụ thân nàng, biết vì nước vì quân phân ưu."
"Tử Đồng nói phải." Lời này nói trúng ý Hoàng đế. Gã cười nói vui vẻ, thuận đường sai bảo nội thị đến Thẩm gia truyền lại lời này cho Vinh An quận chúa.
Lúc đầu, Tô Hoàng hậu và Tấn Vương kỳ thực cũng không định hại chết Thẩm Bình Hữu, dù gì thế lực Nhu Nhiên lần này quá hùng mạnh. Thẩm Bình Hữu mà chết, Xương Nguyên liền thất thủ, đội quân Nhu Nhiên liền có thể tiến binh thần tốc, một phát vọt vào lòng Hoa Hạ. Kể đến đó, không ai dám đoán trước kết cục là gì.
Tấn Vương đối phó với Thẩm Bình Hữu là vì chống lại Sở Vương Mộ Dung Thịnh, mà chống lại Sở Vương Mộ Dung Thịnh đơn giản là vì ngôi vị hoàng đế, tổng thể cũng không thể vì chèn ép đối thủ của mình mà đem giang sơn Hoa Hạ chôn cùng chứ?
Chính là kế hoạch chưa kịp thay đổi, không biết là công đoạn nào xảy ra vấn đề, vốn bố trí là "chiến bại" lại thành "chết trận". Xương Nguyên không giữ được, Nhu Nhiên tràn đến đàm phán, ngay từ đầu đã chiếm lợi thế.
Sai lầm của quá khứ đã không có cách nào bù đắp, Tô Hoàng hậu và Tấn Vương rõ ràng cũng sẽ không bởi vậy mà áy náy với Thẩm gia. Lúc này có cơ hội có thể tiễn nữ nhi Thẩm Bình Hữu đi, diệt trừ tận gốc, thật là không gì tốt hơn.
Hoàng đế phảng phất đoán được suy nghĩ của Tô Hoàng hậu lại lười so đo với bà. Dù sao giờ phút này, bọn họ đều vì ích lợi của nhau.
Khi nội thị người đẫm mồ hôi lạnh hồi cung báo tin, đôi phu thê tôn quý nhất Hoa Hạ đang dùng bữa, tuy rằng lòng mỗi người đều có âm mưu, trong tình huống này lại thập phần thanh tĩnh.
"Ngươi cũng là lão nhân trong cung hấp tấp như vậy làm gì?"
Một lúc sau khi Hoàng đế ngồi, nhìn tên nội thị yếu đuối dập đầu trên mặt đất, "bang" một cái, gác chiếc đũa xuống, kìm nén cơn giận: "Người Thẩm gia nói gì hả?"
Lâm thị nói nhiều mà mỗi câu đều vào tội phản nghịch, nội thị run rẩy đến lợi hại, môi mấp máy cũng không dám mở miệng.
Hoàng đế liền biết chuyến đi này không thuận, tối sầm mặt, quát: "Nói!"
Nội thị nghe vậy càng run, không dám giấu giếm, đem hết sự việc xảy ra ở Thẩm gia kể lể rồi quỳ sát đất, im thin thít.
Không chỉ y, đám nội thị trong cung đều như người câm, rũ tay im như ve sầu mùa đông. Ngay cả Tô Hoàng hậu cũng cúi đầu, yên lặng ngừng tay.
Bởi vì thời khắc này, sắc mặt Hoàng đế đỏ rực dọa người, ánh mắt hung ác như con dã thú tàn bạo tùy thời có thể lựa người mà cắn.
"Ả tiện phụ mà cũng dám!" Cùng với tiếng gầm gào, Hoàng đế đột ngột giật lấy bội đao của ngự tiền thị vệ, rút vỏ, thuận thế bổ ngang một nhát. Lực đạo lớn tới mức làm nội thị kia đầu lìa khỏi cổ, chết ngay tại chỗ.
Đầu y lăn vài lần, ngừng trên tấm thảm mềm mại tráng lệ, máu tươi phun tung toé, làm ướt vạt váy của cung nhân.
Tô Hoàng hậu quen sống trong nhung lụa, lần đầu đối diện với màn máu tanh, tiếng kinh hô vừa tới, bà liền run rẩy bưng kín miệng.
"Truyền ý chỉ của trẫm, Lâm thị phát ngôn vô lễ, đại nghịch bất đạo, tử hình ngay lập tức!"
Cơn giận của Hoàng đế vẫn chưa tiêu tan, tiếp tục rít lên: "Chết rồi thì bêu đầu, không được chôn cất toàn thây!"
Tô Hoàng hậu nghe vậy rùng mình. Tên nội thị khác đứng gần đó run giọng tuân mệnh, cẩn thận lui về sau vài bước, tới ngạch cửa mới xoay người nhanh chóng rời khỏi.
Ý chỉ Hoàng đế ban xuống gặp ngay lúc Đổng hầu(1) còn ở lại. Sau khi xem qua, ông lập tức nhíu mày: "Có vị quân chủ nào lại hạ chỉ chỉ vì ban chết cho một góa phụ không? Chưa nói đến cực hình không được chết toàn thây, Lâm thị chính là góa phụ của Trấn Quốc Công. Thân xác Trấn Quốc Công còn chưa lạnh, bệ hạ đã hạ ý chỉ như này quả thật khiến cho người trong thiên hạ cười chê!"
Viên Cấp Sự Trung(2) khác không nhịn được nói: "Trấn Quốc Công vì nước hy sinh, triều đình lại ép nhi nữ của ông đi hòa thân, thực sự....cũng khó trách sao Thẩm phu nhân lại khó chịu."
Đổng Thiệu cười khẩy, có chút hơi thất vọng: "Hôm qua vừa mới cùng Nhu Nhiên hoà giải, hôm nay lại muốn ban chết cho góa phụ của Trấn Quốc Công, bệ hạ ngại người trong thiên hạ chỉ trích chưa đủ hay sao? Ý chỉ này tuyệt đối không thể thực hiện được!"
Tên nội thị bỗng nhớ tới cái đầu người lăn long lóc trong điện, quỳ xuống ngay tại chỗ, khóc lóc cầu xin: "Đổng Thiệu hầu nếu muốn bác bỏ ý chỉ này xin tự đi phân trần với bệ hạ. Nô tài thật sự không dám trở về hồi bẩm......"
Đổng Thiệu vốn phản đối việc hoà giải, càng không đồng ý chuyện kết thân, lại thấy tên nội thị này quá đáng thương, liền nói: "Vậy cũng được."
Trong điện, cung nhân nội thị bận rộn thu dọn, khuân cái xác cùng chiếc đầu máu me ra ngoài. Hoàng đế ngồi lại chỗ cũ, vuốt ve chiếc nhẫn trên ngón cái vừa ban chỉ khi nãy, vẻ mặt âm hiểm.
Tô Hoàng hậu thấy gã như thế, trong lòng vô cùng sợ hãi, ôn nhu khuyên bảo: "Lâm thị làm càn, hồ ngôn loạn ngữ thôi, bệ hạ hà tất phải để ý đến một phụ nhân vô tri."
Hoàng đế không để ý đến bà ta, dựa vào ở ghế, cân nhắc kĩ việc này, một lúc lâu sau truyền người: "Gọi tên nội thị ban nãy về đây."
Tô Hoàng hậu thấy gã biến đổi thất thường, đối đáp càng cẩn thận hơn: "Bệ hạ khoan dung độ lượng."
"Đây đều là ai gây chuyện?" Hoàng đế lạnh lùng liếc xéo bà, bất mãn lên tiếng: "Tại Thẩm Bình Hữu chết nên đám võ tướng liên tiếp dâng sớ xin truy xét xử tội hung thủ, còn đòi cho Thẩm Bình Hữu một cái công đạo. Hiện giờ lực lượng Nhu Nhiên áp sát, nếu giết góa phụ của Thẩm Bình Hữu, e rằng binh lính sẽ lại loạn lên!"
Tô Hoàng hậu biết gã rất khó chịu vụ Tấn Vương ám hại Thẩm Bình Hữu, không dám nhiều lời, chỉ cúi đầu, khiêm nhường thưa: "Là thần thiếp vô năng, không thể giúp bệ hạ phân ưu."
Hoàng đế gõ nhẹ đầu bà, đút cho miếng táo: "Mấy tên hài tử tuổi ăn tuổi lớn ấy mà, cũng đã đến lúc lập Vương phi để hồi tâm. Sắp tới tuyển tú nàng cũng nên thu xếp tốt, xem xét chọn người thích hợp."
Tô Hoàng hậu định lên tiếng liền nghe cung nhân tiến đến hồi bẩm, nói Đổng Thiệu hầu cầu kiến. Hoàng đế đã biết là vì sao, hừ nhẹ một tiếng, đứng dậy đến tiền điện.
......
Lão quản gia chưa biết biến cố trong cung, vẫn đang đi mua rượu thịt ở tửu lầu, gọi người nâng đến phủ Trấn Quốc Công.
Thẩm Bình Hữu đã chết, Thẩm gia đáng lẽ nên mặc tang phục, tự nhiên lại chạy tứ phía mua đồ mặn rượu mạnh làm người ta tò mò.
Lão quản gia không muốn lừa gạt ai, bình tĩnh thuật lại: "Bệ hạ hạ chỉ kêu cô nương nhà lão hòa thân với Nhu Nhiên, phu nhân chết cũng không chịu, đánh đuổi nội thị truyền chỉ. Không bao lâu nữa bệ hạ sẽ truyền chỉ tịch biên, người trong phủ đều phải chết, ăn bữa cơm trước khi tử hình còn cần kiêng dè cái gì?"
"Lão nhân gia, ngươi đừng có nói bậy!"
Trong tửu lầu không thiếu các du hiệp lãng khách, nghe vậy sôi nổi nói: "Đại tướng quân chết trận chỉ chừa lại mỗi nữ nhi, bệ hạ sao có thể bắt nàng đi hòa thân cho được? Chẳng phải sẽ khiến tướng sĩ biên ải thất vọng hay sao!"
Lão quản gia thở dài, kể về nội dung quốc thư Nhu Nhiên đưa tới: "Sứ thần Nhu Nhiên chính là nói như vậy, bệ hạ cũng đồng ý, lão tội gì phải nói dối? Chỉ đáng thương cho lão gia nhà lão chịu oan ức mà mất. Đại thù chưa báo cũng thôi, mà ngay cả nữ nhi duy nhất của mình cũng không bảo hộ được!"
"Thật ngược đời!" Có người kích động lên tiếng: "Gã chưa từng giải oan cho Đại tướng quân lại còn ép nữ nhi ngài gả cho Nhu Nhiên cho đám súc sinh đó giày vò à!"
"Giảng hòa? Đàm phán cái gì kia chứ? Sớm biết chuyện này, Đại tướng quân chả dại gì mà đi đánh giặc, trực tiếp đầu hàng rồi thương lượng hòa giải luôn là xong!"
"Bang" một tiếng giòn vang. Một đại hán tử dũng mãnh đem chén rượu trong tay đập bể, phẫn nộ nói: "Mỗ gia từ trước đến giờ luôn khâm phục Đại tướng quân. Tuy ta chưa từng phục vụ dưới trướng ngài ấy nhưng cũng không thể chịu đựng nổi loại chuyện này!"
Nói xong, y đuổi theo lão quản gia, ôm quyền thành khẩn: "Ta mới tới Kim Lăng, chưa từng được bái kiến phủ tướng quân. Hôm nay được đi, thỉnh lão không tiếc một chén rượu!"
Lão quản gia biết tỏng cầu rượu là giả, liều mạng tương trợ mới là thật, nghiêm nghị hướng y thi lễ: "Đa tạ tráng sĩ!"
Những người còn lại bị kích động, trong lòng cũng căm tức, âm thanh vang dội: "Bọn chúng ta cũng xin được đi theo!"
......
Ngoài sảnh Thẩm gia cũng không chứa quá nhiều người, cộng thêm thời tiết mùa hè cũng không khắc nghiệt nên viện trong vốn trống trải nay thành chỗ mở tiệc. Đám gia nhân đi hơn phân nửa, nhưng vẫn còn dư lại tới hai mươi người, càng không nói đến có phủ binh hỗ trợ, có làm loạn cũng không tới nỗi phiền phức.
Yến Lang bán của cải đi lấy tiền, thu gom đủ ngân phiếu và các loại mặt hàng quan trọng khác. Bước vào trong viện thấy phủ binh ai cũng mặc áo giáp, hông mang trường đao, sát khí mãnh liệt, thần thái hừng hực sục sôi và hiển nhiên là đã sẵn sàng một mất một còn, cô bất giác dừng chân.
Hệ thống: "Tú Nhi, ngươi không nghĩ ra cách gì sao?"
"Đúng thật là không có." Yến Lang bình tĩnh đáp: "Ta là người, không phải thần, mà chính ngươi cũng đã thấy tình hình hiện tại rồi đó thôi. Cho dù có lấy một chọi mười, phủ binh Thẩm gia cũng không thể chống lại cấm quân và vệ quân Kim Lăng."
Hệ thống kinh ngạc: "Vậy làm sao bây giờ?"
"Cầm cự được là được, không được thì chết. Bọn họ còn không sợ, ta có gì mà phải sợ?"
Hệ thống thấy sự việc hơi khó xoay, bảo: "Tú Nhi, nếu không thì ngươi lén chạy đi."
"Không. Ta quả thực có sợ chết, nhưng có một số thứ so với tính mạng còn quan trọng hơn."
1, Hầu tước : là một tước vị quý tộc trong các quốc gia theo thể chế quân chủ. Thời Tần, Hán, hệ thống tước phong được quy định gồm 20 bậc. Tước vị Hầu là tước vị cao nhất được phong cho các văn quan võ tướng không phải là người trong tông thất, phân thành 2 bậc Quan nội hầu và Liệt hầu. Trong đó, liệt hầu chiếm đa số. Thời Đường Tống, có tước vị Huyện hầu, thời Minh là tước vị Hầu. Thời Thanh, tước vị Hầu được phân thành 3 bậc: Nhất, Nhị, Tam đẳng.
2, Cấp Sự Trung : là một chức quan đã có từ thời Tần, nhưng chỉ là một chức kèm thêm của các chức Đại Phu, Bác Sĩ, Nghị Lang v.v... với nhiệm vụ làm cận thần cố vấn cho vua trong những trường hợp đặc biệt. Đến đời Tấn, chức vụ này mới trở thành một chức quan độc lập. Thời Tùy gọi là Cấp Sự Lang, từ đời Đường trở đi, đổi trở lại thành Cấp Sự Trung như cũ. Nhiệm vụ của chức quan này là đọc các tấu chương và trình lên vua nội dung tóm tắt, giảo duyệt những chiếu văn được soạn thảo theo lệnh vua, xét xử những đơn từ kêu oan từ các cấp dưới v.v...