Nghe Lục La sát gọi đích danh Nghiêm Phức, A Tử trong lòng thoáng chấn động, tâm trí xoay chuyển, nắm đúng cơ hội, cô hỏi



- Sư phụ, Nghiêm Phức là ai vậy?



Lục La sát quay ngoắt người, mắt lộ hung quang, khiến A Tử phát run, cô không dám nhìn thẳng vào bộ mặt đanh ác tưởng chừng có thể ăn tươi nuốt sống kẻ thù đó, rồi cô xuống giọng nài nỉ:



- Sư phụ, đừng doạ đệ tứ nưã, đệ tử hỏi có gì sai trái đâu!.



Lục La sát thu hồi ánh mắt, bà hằn học:



- Ta bảo cho mà nhớ, Nghiêm Phức là kẻ thù không đội trời chung của mình đó!



- Đệ tử ghi nhớ rồi! - thấy Lục La sát đã bớt gay gắt, A Tử hỏi tiếp - Sư phụ giận y như vậy, chắc y là kẻ đã đánh độc sư phụ?



Lục La sát vụt ngẩng đầu, bà nhìn cô, lạnh lùng nói:



- Mi hỏi nhiều chuyện quá, liệu hồn kẻo ta tống cổ ra ngoài cốc đó!



A Tử vội vàng đứng dạy:



- Đệ tử tội đáng chết, đã khiến sư phụ nổi giận! Sư phụ rộng lượng, ngàn vạn lần đệ tử cầu xin đừng đuổi con ra ngoài cốc!



Lục La sát bực mình, xua tay:




- Mi đi chẻ củi đi, để ta nghỉ một lát.



A Tử tuy bực tức, nhưng ngoài miệng, cô gắng ứng tiếng đáp lời, tạo vẻ sốt sắng, cô vào nhà bếp, nhặt một khúc củi, đem ra đặt trước sân nhà. Cô lại nghe tiếng Lục La sát nói:



- Đem hết chỗ củi trong nhà bếp ra chẻ đi! Mi cố gắng luyện sức tay cho mạnh, ít bữa nữa ta sẽ truyền nghề ám khí .



A Tử ngán ngẩm nhìn đống củi vun đầy trong nhà bếp, cô bất giác buông tiếng thở dài, dẫu trong lòng cực kỳ tức giận, nhưng chẳng thể phát tiết ra ngoài, cô lấy vẻ cảm kích, thưa:



- Tạ ơn sư phụ.



Ra đến sân, A Tử giơ cao cây rìu, bổ một nhát xuống khúc củi, cô lầm bầm trong miệng:



- Chặt đầu cái mụ xú bát quái này, bà già chết giẫm này, dám bắt nạt bản cô nương!



Cô chưa từng làm công việc lao động tay chân như vầy, ngọn rìu cô bủa xuống, nó chẳng chẻ củi ra làm hai thì chớ, lại bị gỗ cứng bật nẩy ngược lưỡi rìu lên! Cô chẻ kiểu đó một lúc, số củi chẻ không được là bao, mà hơi thở hổn hển. Cô vất cây rìu sang một bên, rồi ngồi bệt xuống đấy, thở giốc!



- Mau bửa củi cho ta, đừng có ngồi ì ra đó! - từ trong nhà, tiếng Lục La sát chửi mắng ong óng truyền ra.



A Tử vô phương đối đáp, cô đành gượng đứng lên tiếp tục chẻ củi.Chẻ được thêm một lúc nữa, cô lơi tay. Mà hễ cứ cô dừng hơi lâu một chút, bà Lục La sát không nghe tiếng bổ củi, là lại lập tức lên tiếng rầy la. A Tử hết sức bực bội, cô lầm bầm trong miệng cả trăm câu chửi trời trách đất, trách móc mụ Lục La sát, nhưng khi nghĩ tới Tiêu Phong, cô gắng gượng nhẫn nhịn, cắn răng bửa củi, không nói thêm một tiếng.



Bửa củi được nửa buổi, cô mệt mỏi quá sức, tay cất lên không nổi, cô bèn hướng vào trong nhà nói:



- Sư phụ, đệ tử kiệt sức rồi! Xin cho đệ tử nghỉ một chút, ngày mai làm tiếp!



- Không! Mặt trời còn chưa ngả về tây, mi bửa củi mau lên! - . Bà Lục La sát dừng lại, ho sù sụ một chặp, rồi nói tiếp - Phóng ám khí trông vào sức tay, đệ tử của Ngọc diện La sát ta dạy chẳng thể thành trò cười cho thiên hạ!



A Tử không kìm nổi lửa giận bốc trong đầu, cô ném phịch cây rìu lên cái bực thềm cửa, rít giọng:



- Bà muốn hành ta chết, ta không còn sức bửa củi nữa mà!



- A . . Nha đầu dám ăn nói giọng đó với ta hả?.



Lục La sát chầm chậm chống gậy bước ra, bà thấy A Tử mồ hôi rịn đầm đìa trên mặt đang ngồi nghỉ trên sân, áo ngoài cô tơi tả, để lộ áo trong đẫm ướt mồ hôi. Lục La sát giận dữ:



- Đồ vô dụng! Mới bửa củi có một lúc mà đã mệt đừ, mi làm sao giương danh trên giang hồ cùng ngàn vạn người!



A Tử chu mỏi, cô hậm hực nói:



- Giương danh ngàn vạn người để làm gì? Đệ tử chẳng đủ tài đâu!



- Sao? - Lục La sát khua gậy đập rầm rầm, la hét - Nha đầu ngươi nổi khùng rồi sao? Dám nói ngược lời sư phụ à?



A Tử đang muốn tìm lời chua cay đối đáp lại, cô bỗng nghe từ khu rừng truyền lại ba tiếng chim hót. Cô giật mình, nhớ đến ước hẹn ám hiệu cùng Tiêu Phong, ý ông nhắc nhở cô cố nhẫn nại chịu đựng. Lập tức, cô làm ra vẻ kinh hãi, quỳ xuống, chắp tay nói:



- Đệ tử không dám! Nhất thời không nghĩ đến phải làm rạng danh sư phụ trước ngàn vạn người, đệ tử đã buông lời sỗ sàng, xin lão nhân gia đại lượng tha cho một phen!



Lục La sát nhướng đôi tròng mắt đùng đục nhìn A Tử hồi lâu, rồi bà gằn giọng bảo cô:



- Ta nói, mi hãy nghe cho rõ đây, một khi tự ý mi bái ta làm sư phụ, gia nhập vào La Sát môn, mi không thể đôi co với ta được. Từ giờ mà mi còn cãi lời, ta sẽ lấy môn quy xử trị tức thì!.




Hơn bốn mươi chín năm nay, Lục La sát sống thui thủi một thân một mình trong Di Hận cốc, bà dựa vào cừu hận mà tri chì được nguyên khoảng thời gian dài đó, bị niềm oán hận tập tục người đời đưa đến chỗ tâm lý bà cực kỳ rối rắm, hễ ai động tới là lập tức nổi khùng, nảy sinh ý muốn giết người! Bà giờ đây thấy A Tử, cùng cảnh ngộ, đem lòng đồng bệnh tương liên, đã chịu thu nhận cô. Hiện tại A Tử hết lòng hầu hạ cơm nước, cô ngỏ lời ân cần chăm sóc, tận sức quan hoài, đã khiến nảy sinh trong cõi lòng sầu hận của hơn bốn mươi chín năm đó một chút tình cảm ấm áp. Tuy chỉ vừa qua hơn một ngày một đêm, cô đã vô tình gieo trong thâm tâm bà chút hạnh phúc mừng vui có được tiểu cô nương đến bầu bạn



- Dạ. Sư phụ - A Tử trả lời bà - Từ giờ trở đi, sư phụ sai đệ tử lên núi đao, xuống biển lửa, đệ tử tuyệt không nhíu mày chút nào!



Lục La sát cười nhạt,nói:



- Đừng giở giọng lưỡi nịnh hót đó! Ta chỉ e mi lúc đó kiếm cách bỏ chạy, lủi nhanh như cắt!



A Tử ngẩng cao đầu, nói lớn:



- Không có đâu! Sư phụ ân nghĩa cao thâm, chỉ cần sư phụ ra lệnh, đệ tử có phải chết ngàn vạn lần, cũng không từ nan!



- Tốt! Mi hãy nhớ lời mi nói hôm nay, sau này sẽ vì sư phụ, tìm giết một người cho ta!



Lục La sát hấp háy đôi mắt, bà nghiến răng, rít lên:



- Chỉ cần giết người đó, khiến đại cừu nhân của ta đau lòng đến chết, khiến cho nó khổ đau cùng cực, ta mới yên tâm nhắm mắt lìa trần!



Lập tức A Tử hỏi bà:



- Sư phụ muốn giết ai? Đệ tử đi giết nó ngay tức thì! Đệ tử sẽ thay sư phụ, trừ đi một mối hoạ lớn!



Cô thầm nghĩ, tự tay mình, chưa chắc đã xong, nhưng nếu nhờ Tiêu Phong hoặc Dương Qua, chuyện sẽ dễ như trở bàn tay!



Lục La sát liếc A Tử một thoáng, rồi bà thở dài:



- Mi có tập luyện mười năm nữa cũng chưa địch lại nó, ngay cả liên thủ hai sư đồ, chưa chắc đã là đối thủ của người đó! Nhưng ta đã từng lập trọng thệ, thề quyết không ra ngoài cốc này nữa ... ôi ... coi như không bao giờ ta trả được mối thù này!



Bà nói xong, nét mặt cực kỳ thê lương, đau khổ.



A Tử cười cười, nói:



- Chưa chắc là thế! Giết người, đôi khi không cần tự mình ra tay, có khi cũng không hoàn toàn dựa vào võ công mà thủ thắng! Nhiều khi, mình dùng kế sách, phương pháp!



Lục La sát lắc đầu, đáp:



- Người này cực tinh minh, trên giang hồ y nổi danh về phương diện đó, người thường vô phương tiếp cận. Tiểu nha đầu nhà ngươi, sợ chưa đến được gần, đã bị mất mạng rồi!



A Tử không trả lời. Lục La sát nhìn phương tây, bảo:



- Mặt trời đã lặn sau rặng núi phía tây, ngươi mau đi nấu cơm đi.



A Tử không dám hỏi han nữa, cô đi vào bếp, lần nấu cơm chiều này, cô không dặm rượu vào nữa, cô dự tính, lúc Lục La sát nổi cơn đau hàn độc vào giữa trưa, đem cho bà uống, xem ra tiện hơn.



Trời mùa đông mau tối, Lục La sát và A Tử ngồi ăn cơm dưới ánh đèn, bốn bề vắng lặng, họ chỉ nghe tiếng gió lùa xào xạc qua lá cây rừng. Lục La sát đột nhiên hỏi:



- Sao chiều nay, thức ăn không giống mùi vị bữa trưa?.




A Tử chớp chớp mắt, đáp:



- Đệ tử sợ sư phụ không thích rượu, nên cơm chiều đã không bỏ vào.



Lục La sát nói:



- Nha đầu nhà ngươi cứ tưởng ta hoạnh hoẹ vì mấy thức ăn này! Ta chỉ buột miệng nói, mà ngươi cứ coi đó như thánh chỉ hoàng đế không bằng!



A Tử cười cười:



- Lời sư phụ dĩ nhiên là thánh chỉ, đệ tử chỉ mong làm vừa lòng người, để lão nhân gia được sung sướng thoải mái



- Vui sướng? - Lục La sát nghiến răng - Thù lớn còn chưa trả xong, ta suốt đời này, làm sao vui sướng cho được?



A Tử nghiêm giọng:



- Sư phụ, thù lớn của người cũng là mối thù của đệ tử, chỉ cần sư phụ nói rõ, đệ tử nguyện ghi nhớ trong lòng, cho dù phải đem cả tính mạng ra, đệ tử nhất quyết vì sư phụ trả xong thù đó!.



Lục La sát lắc đầu, bà ngó A Tử một hồi, rồi nhỏ giọng nói:



- Được! Con đã vào làm môn hạ, ta cũng nên nói cho con hay.



Đôi mắt bà khép hờ, dõi về nơi xa xăm, mặt hơi nhăn lại, thần sắc bà thật đáng sợ!



"Ta nguyên giòng dõi thế gia võ lâm, gia phụ sử ám khí nổi danh trên giang hồ. Từ nhỏ, ta tiếp thu võ học gia truyền, đã luyện được một công phu ám khí khá cao. Lúc tuổi chưa tới đôi mươi, ta đã nổi danh trên giang hồ, được người ta ban ngọai hiệu "Ngọc Diện La sát". Ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, ta đã được hứa hôn về nhà họ Đường, ta sẽ gả về cho Đường đại thiếu gia, lúc đó cũng chưa chào đời. Đường gia lừng tiếng võ lâm, đại thiếu gia nhà họ cũng là một tay quật khởi, rât nổi tiếng giang hồ, tánh tình đôn hậu, mỗi lần gặp ta, chàng đều đỏ mặt như tượng Quan Thánh Đế Quân. Trong nhà họ Đường còn có hai cô tiểu thư em ruột chàng. Họ khinh người như rác, cậy có tư dung nhan sắc, đem kiêu hãnh cuồng vọng khinh người. Hồi còn nhỏ, tathương được gia phụ dẫn đến chơi nhà Đường gia, Đường bá phụ rất hiếu khách, tuy lúc đó tuổi ta còn rất nhỏ, Đường bá phụ vẫn luôn coi ta như người trong nhà".



"Ngoài Đường bá phụ, trong nhà họ Đường, ta không ưa ai hết! Đường Lăng, tên của đại thiếu gia, tánh tình nhút nhát, chàng không ưa chơi với lũ con gái, mỗi khi thấy ta là trốn lánh thật xa. Cái cô tiểu thư thứ hai của nhà họ Đường tên là Đường Vân, hễ gặp mặt ta là gây gổ, cô ganh đua với ta bất cứ thứ gì! Ta với nó, chẳng ai nhường ai, dù tranh giành được hay không, nó cuối cùng thể nào cũng lăn ra đấy, khóc lóc ầm ĩ, làm cho gia phụ cùng Đường bá phụ lần nào cũng phải can thiệp, kết cục, gia phụ lúc nào cũng rầy la ta, bắt ta phải nhường nhịn Đường Vân. Đường Vân được thể, ả càng gào khóc to hơn nữa, tất cả các món đồ tranh giành, ả luôn dương dương tự đắc đọat lấy từ tay ta. Ta rất bực tức, trước mặt gia phụ, ta ra vẻ không thèm tranh chấp với nó. Hễ gia phụ và Đường bá phụ quay đi chỗ khác, nếu ả còn ở lại trước mặt ta, hễ ả có món gì mà ta thèm thuồng, thể nào ta cũng nhào vào tranh đọat, ta không sao chịu được ánh mắt xấc láo của ả"!



"Có một lần, ta bắt được một con chim anh vũ bị thương rơi ở vườn sau, ả dòm thấy, liền đòi con chim, ta không đưa, ả xông vào giành giựt. Ta chẳng chịu thua, hoa quyền chống lại. Bọn ta từ nhỏ theo gia phụ học võ công, ta lúc đó cũng biết một mớ chiêu thức, cuối cùng hai người thi thố quyền cước, chẳng ai nhường ai. Ta bổn tính nóng nảy, từng bị võ lâm gán cái danh hiệu Ngọc diện La sát, bất kể ai, nhỏ, lớn ta đều đánh suổt, bất kể chuyện gì. Ả nhỏ tuổi hơn ta, không địch nổi, cuối cùng ả nhào lăn ra đất, kêu khóc ầm ĩ. Ta cũng không sợ, ta nhào vào mình ả, cướp thuốc trị thương của ả, bọn ta chuyên nghề ám khí, trong người lúc nào cũng có thuốc men liệu thương giải độc. Ta cướp thuốc của ả chữa trị vết thương cho chân con chim anh vũ, đồng thời giựt luôn của ả tấm khăn làm vải băng bó vết thương con chim".



"Đúng lúc đó, gia phụ và Đường bá phụ ra đến nơi, gia phụ mắng ta: "Thu nhi, sao con lại ăn hiếp muội muội Đường gia? Ta dạy con nhiều lần rồi, lớn hơn em, con phải nhường nhịn nó, sao đi tranh giành đồ vật với nó?". Ta cúi đầu, nghĩ thầm "Bố chẳng biết gì hết, chưa rõ trắng đen đã lên tiếng trách mắng con" Đường bá phụ cười xòa, bảo gia phụ: "Bọn trẻ tranh giành là chuyện thường tình, Lục huynh chẳng nên vì thế mà trách mắng, làm hài tử đây bị ảnh hửơng thể chất". Rồi ông quay qua bảo Đường Vân: "Vân nhi, dậy đi! Con làm bẩn hết quần áo mới rồi kia". Đường Vân càng khóc to hơn, ả lăn lộn trên mặt đất hệt một con cá chạch. Gia phụ ta cúi xuống, nắm tay nó xem xét, miệng hỏi "Vân nhi ngoan, con bị sao vậy? Để thúc thúc bắt Thu tỷ tỷ xin lỗi con".



"Đường Vân khóc to hơn: "Con muốn con chim trong tay nó". Gia phụ đứng lên, đến bên ta, bắt ta đưa con chim anh vũ ra. Ta không đưa, gia phụ nổi giận, xoè tay ra đòi con chim. Đường bá phụ biết tánh gia phụ nóng nảy, ông chạy đến trước mặt ta, nói: "Lục huynh, huynh đừng la mắng nó, chuyện chẳng có gì, huynh đừng nổi nóng". Gia phụ lửa giận ngút trời, ông hét ầm lên: "Chắc tại thường ngày đệ cưng chiều quá nên nó hư hỏng, không nghe lời người trên, chẳng quý mến anh chị em". Rồi ông gằn giọng, quát :"Đưa đây cho ta!". Nghe ông la hét, thấy ông mặt mày đỏ ửng, ta vừa giận vừa sợ, ta rụt rè đưa con chim anh vũ ra. Ông liền đem nó cho Đường Vân. Rồi gia phụ cùng Đường bá phụ đi vào bên trong, họ không thèm để ý ta nước mắt đang doanh tròng! Ta từ nhỏ được cha mẹ dạy, cấm nhỏ lệ trước mắt người ngoài, nhưng oan ức quá, ta chẳng cầm được, chỉ muốn khóc oà".



"Đường Vân đòi được con chim, ả chơi một lúc, rồi nụ cười tinh quái, ả nheo mắt nhìn ta, bảo sẽ cho ta thưởng thức một trò mới lạ!. Ả đứng lên, cầm con chim đi vào nhà, ta hiếu kỳ, bèn đi theo sau ả xem làm trò mới lạ. Ả chạy vào bếp, miệng kêu meo meo, gọi một con mèo đốm từ gầm bàn ra, nó cọ người vào chân ả. Đường Vân bỗng vứt con chim xuống dưới chân, con mèo kêu meo một tiếng to, nhảy chụp con chim, ta đang đứng tại cửa, chưa kịp hô hoán gì, đã thấy con chim lọt gọn trong miệng mèo, máu chim ướt đẫm miệng con mèo, từng giọt từng giọt máu chảy xuyên qua cái khăn tay ta dùng băng bó con chim, khăn rơi xuống đất. Dù ta từ nhỏ không hề khóc, nhìn thấy thế, ta chẳng ngăn được, bật oà tiếng khóc. Từ đó về sau, ta oán ghét Đường Vân hơn , cho dù Đường bá phụ đối xử tử tế với ta đến đâu, ta không sao nguôi mối hận thù".



"Đôi mắt ả dường như sinh ra để khinh khi cười cợt ta, bất cứ ở đâu, bất kể lúc nào, bất luận từ tuổi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, mỗi lần ta nhìn thấy cặp mắt đó, nộ hoả trong tim ta dâng cao ba trượng! Ả thấy ta giận dữ, càng thêm cao hứng, thấy ta bị phạm lỗi gì, ả hạnh tai lạc hoạ, tìm cách nào khiến ta tức giận hơn, làm ta bày ra nhiều lỗi lầm hơn. Ghét Đường Vân, ta càng ngày càng ít ưa thích đến nhà Đường bá phụ, chỉ khi nào bị gia phụ ép buộc lắm ta mới mỗi năm đến viếng một, hai lần. Dần dà, càng lớn lên, hận thù giữa ta và Đường Vân càng ngày càng tăng đến mức nhập tận xương tuỷ, gia phụ cũng ít ép buộc ta đến ở nhà họ Đường nữa. Rồi ta cũng thấy hết ưa thích anh chàng Đường Lăng khù khờ đó, biểu ta lấy hắn, ta thấy sẽ suốt đời chẳng có hạnh phúc. Thế nhưng gia phụ quý mến Đường Lăng vô cùng, ông chỉ muốn ta mau chóng gả về cho hắn, làm như giúp gia phụ sớm được một thằng con như hắn!".



--- Xem tiếp hồi 40 ----


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play