Cả thân người cậu co ro, tham lam quấn lấy hơi ấm đến từ chăn bông. Bên trong đầu cậu, không ngừng vang lên tiếng quấy khóc oe oe của trẻ con.
“Ồn ào thật!”
Mũi của cậu ngửi thấy mùi thuốc sát trùng đậm đặc, tai không ngừng vang lên từng đống âm thanh hỗn tạp, thứ rõ ràng nhất trong số chúng chính là giọng lặp đi lặp lại của một người phụ nữ nào đó trên loa phóng thanh:
“Xin mời bệnh nhân số 130 vào phòng khám số 1.”
“Xin mời bệnh nhân số 131 vào phòng khám số 3.”
Cậu ghét cái mùi này, thuốc sát trùng khiến cho cậu có cảm giác buồn nôn.
“Đứng dậy đi, mở mắt ra nào!”
Dù cậu cố gắng đến mấy, cơ thể cũng hoàn toàn không hề phản ứng, cứ như thể cả người cậu bây giờ yếu ớt như một đứa trẻ vậy.
“Peaky? Cô có ở đây không?”
Hoàn toàn không có tiếng nói nào đáp lại.
Tiềm thức của Thuốc Nổ vẫn cố gắng giữ tỉnh táo, song cậu nhanh chóng cảm nhận được sự thiếu oxy lên não và tốc độ lưu thông tuần hoàn máu chậm chạp của mình, thế là cậu một lần nữa thiếp đi.
…
“Làm sao bây giờ, đã bảy ngày rồi mà thằng cu vẫn chưa hề mở mắt?”
“Chị cứ an tâm, bác sĩ đã khám cho cháu nhà mình rồi. Cơ thể và mắt của bé hoàn toàn khỏe mạnh, có lẽ bé chỉ chưa quen với kích thích của ánh sáng bên ngoài môi trường thôi. Khi nào quá mười ngày mà bé vẫn chưa mở mắt thì chúng ta mới nên đưa bé chuyển sang bệnh viện mắt để thăm khám thêm.”
“Nơi quái quỷ nào thế này!”
Thuốc Nổ mở mắt ra, cậu đang nằm ở nơi nào đó được bao xung quanh bởi vô số thanh gỗ. Ngay trên đỉnh đầu là một cái quạt trần đang xoay với tốc độ còn chậm hơn cả rùa. Nói thật là ngoài lưu thông khí ra thì cái quạt này chẳng mát một tí nào cả. Thuốc Nổ gần như ngay lập tức nhận ra điều bất thường.
“Tay của mình!”
Bên ngoài tối đen như mực. Tuy nhiên, với ánh sáng lờ mờ từ đèn huỳnh quang ở trong phòng, cậu vẫn có thể trông rõ được đôi tay. Đôi tay mà cậu phải vất vả rèn luyện qua không biết bao nhiêu năm tháng bây giờ đã biến thành điển hình của cái gọi là mũm mĩm. Ngón tay thì vừa béo vừa ngắn cũn cỡn, bàn tay phình ra còn hơn cả người mắc chứng béo phì.
Như thể điều đó chưa đủ làm cho cậu khủng hoảng, hai người đàn ông và phụ nữ xa lạ đã đột ngột xuất hiện ngay trước mặt cậu. So với họ, cậu chẳng khác gì người dân tí hon của đảo Lilliput trong câu chuyện kinh điển Guilliver phiêu lưu ký.
“Thằng bé…Thằng bé mở mắt ra rồi!”
“Lạy ta đức phật! Lạy tạ ông bà trên cao!”
“Để tôi đi gọi bác sĩ xem sao.”
Trước ánh mắt lấp lánh như sao của hai người trước mặt, những tiếng nựng liên tục không dứt cùng với những lời dỗ dành cục cưng của mẹ, Thuốc Nổ cuối cùng đã phát hiện ra một sự thật đầy phũ phàng…
“Ta xuyên không rồi! Ha ha ha!”
“Suỵt!”
Tiếng hét vang to lớn của một thanh niên đang nằm ở giường bên cạnh khiến cho mọi người ở bên trong căn phòng này đều nhìn hắn với ánh mắt khó chịu.
“Tôi xin lỗi! Tôi xin lỗi! Ha ha.”
Người phụ nữ thấy không khí có phần khó xử thì bế Thuốc Nổ lên trên tay, nhẹ nhàng từ tốn vừa xoa bụng cậu vừa hỏi:
“Cháu đọc cái gì mà chăm chú thế hả Phong?”
Người thanh niên gãi đầu, giọng thì thầm:
“Cái này thú vị lắm cô ạ, tiểu thuyết võ hiệp của dân Tàu, tên là Thục Sơn kiếm hiệp truyện (*) của Hoàn Châu Lâu Chủ, nhà xuất bản của cháu đang định mua bản quyền nên đưa một số cho cháu duyệt thử và viết báo cáo, xem có nên phát hành hay không. Trong tuần này cháu còn một cuốn nữa phải đọc là Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung.”
Người phụ nữ cười nhẹ nhàng, đang định đáp lại vài câu lịch sự, khách sáo thì một bà lão khác ở trong phòng đã lên tiếng:
“Mày cẩn thận đấy thằng Phong. Thanh niên không lo đi làm ăn, dựng xây đất nước, suốt ngày cứ chúi mũi vào ba cái thứ văn hóa phẩm đồi trụy, ủy mị như thế thì tới bao giờ mới khá lên được.”
Quảng Cáo
Một lão già đang ngồi bên cạnh bà nghe tới câu này thì tay hơi run run, đặt cái nắp của phích nước nóng lên bàn. Đó là một cái phích nước nóng màu đỏ, hẳn là bên trong chứa trà của lão, được lão đổ trực tiếp ra cái nắp nhôm để uống. Cái nắp không được thẳng thớm đàng hoàng mà méo đau méo đớn, giống như được làm bằng thủ công vậy.
Tiếng va chạm với mép bàn vang lên trong màn đêm tạo ra âm vực hơi chói tai. Thanh niên tên Phong đáp lời:
“Cái đó không đúng đâu ạ, những câu truyện trong này đều rất hay và có nhiều bài học ý nghĩa đối với thế hệ trẻ. Chúng cũng chẳng có liên quan gì tới bọn tư sản phản động và địa chủ ngày xưa cả. Nghe bảo bên trên đang có ý định nới lỏng ra rồi, chứ công ty cháu nào dám làm bậy.”
“Thằng Phong mày còn trẻ, biết cái gì. Bao nhiêu người đã nói rồi, kể cả đồng chí Ba tổ trưởng tổ dân phố, đó là thứ văn hóa phẩm đồi trụy, phải loại bỏ ngay khỏi xã hội…”
Lão già đập bàn mạnh một cái khiến mọi người trong phòng đều giật bắn cả mình:
“Bà thì biết nhiều hơn người ta lắm nhỉ? Cái cậu Hoàn Hoàn gì đấy…”
“Là Hoàn Châu Lâu Chủ ạ”
Người thanh niên đáp, cũng không dám nói với lão sự thật là với tuổi đời của cuốn truyện này, chắc chắn tuổi của tác giả nó phải lớn hơn cả tuổi của lão.
“Ừ, cái cậu Lâu Chủ ấy thì tôi không biết. Chứ Kim lão gia đã là một phần tuổi trẻ của bao thế hệ bọn tôi. Ngày đó, người ta ghiền đọc truyện Kim lão gia tới nỗi, có nhà xuất bản thuê hẳn cả chuyên cơ để sang Hương Cảng mua tờ Minh Báo về trong đợt phát hành sớm, đem cho dịch giả, sắp chữ, in ấn, cuối cùng cập nhật ngay trong số báo ra đầu giờ chiều.”
Người thanh niên tên Phong nghe vậy cũng ngứa ngáy, không ngờ mấy quyển truyện này cũng có bề dày lịch sử như vậy, hận không thể nhanh chóng đọc sang quyển Thiên Long Bát Bộ phía bên kia. Bà lão bực dọc:
“Chu choa, đao to búa lớn gớm. Ông nói hay vậy sao người ta không bầu ông làm tổ trưởng tổ dân phố nhỉ?”
“Bà nói vậy sao ngày xưa không cưới luôn lão Ba tổ trưởng ấy đi mà cưới tôi làm gì?”
“Ông nói thế mà nghe được à?”
“Thôi thôi” – Người chồng vội vàng can.
“Hai cụ cũng đừng cãi nhau nữa, già cả hết cả rồi, sống với nhau được mấy năm tháng nữa đâu mà còn phải hục hặc.”
Người vợ cũng liền cười góp vào:
“Cô Đảnh, cô xem, thằng Thao Láo nhà con cũng buồn ngủ lại rồi này. Hôm nay cũng muộn rồi, cả phòng mình đi ngủ thôi.”
“Ôi cô sơ ý quá, thằng bé mới sinh, sao lại có thể để mấy chuyện người lớn này làm phiền nó kia chứ. Trời ơi, nhìn cái má lúm đồng tiền dễ thương này mà xem. Không biết nó giống ai nữa.”
“Bác ơi, nó giống ai thì giống chứ đảm bảo là không giống ông lão nhà bác đâu ạ.”
“Cái thằng Phong chết tiệt này!”
Nói đoạn, mọi người trong phòng đều phá ra cười. Thuốc Nổ cũng cảm thấy mệt mỏi, hai mắt tiếp tục nhắm lại. Được một lát cậu cảm giác hơi nhột nhột giống như có thứ gì đó tròn tròn lạnh lạnh đang đặt nơi bụng rồi lưng của cậu. Đồng thời có tiếng ai đó nói chuyện với nhau nhưng cậu không tập trung chú ý vào đoạn đối thoại của họ được nữa.
Mấy ngày sau, cuối cùng họ cũng được xuất viện. Thuốc Nổ ngán ngẩm nằm trong lòng người phụ nữ, nghe những lời từ biệt dong dài của mấy người khác ở trong cùng phòng bệnh thời gian qua. Với trình độ ngôn ngữ của cậu, cậu đã sớm nhận ra được mình đang ở đất nước nào, lòng không khỏi thầm than mình và nơi này có duyên. Cả hai lần cậu được đưa tới bản sao của Mẫu Tinh thì đều ở đây cả.
Người phụ nữ chờ ở phía trước cổng của bệnh viện. Nó là một nơi xập xệ, cũ kỹ, vài mảng tường đầy rêu xanh với tên gọi Bệnh Viện Đa Khoa Đà Nẵng. Đối với người đã từng sống ở thế kỷ 22 như Thuốc Nổ mà nói, nó có một vẻ nửa quen, nửa lạ, đong đầy hương vị hoài cổ tới mức, cứ như là thế giới hiện ra từ những thước phim trắng đen xưa cũ.
Người đàn ông dắt ra một chiếc xe đạp trắng cà tàng, in rải rác vài dòng chữ nhỏ bằng tiếng Nhật trên thân và nắp chắn xích. Rồi cả ba cùng về nhà.
Chủ đề của những câu chuyện giữa họ khá lộn xộn. Họ bắt đầu bàn về thằng bé, về tương lai, về quá khứ, về từng bộ phận của chiếc xe đạp. Họ cứ liên tục nhắc lại một thuật ngữ là thời bao cấp mà Thuốc Nổ chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì.
Đường phố gần như không có bất cứ một tòa nhà nào cao hơn bốn tầng. Thoạt trông kinh tế chẳng có gì nổi bật nhưng các vỉa hè đều vô cùng sạch sẽ, bầu không khí rất trong lành. Kiến trúc nhà cửa có một phần không nhỏ được xây theo kiểu Âu Quận xưa.
Trên đường Thuốc Nổ chỉ quan sát được ba loại phương tiện di chuyển. Nhiều nhất đó là xe đạp, sau tới là xe máy với kiểu dáng na ná nhau mà người đàn ông gọi là Cub 50 và một kiểu xe thồ hàng được người ta đẩy bằng tay và bằng xe đạp mà Thuốc Nổ cũng chẳng biết nên gọi chúng là xe gì.
Người ta bày vô số thứ hàng hóa ra vỉa hè để bán. Nhiều nhất là những người đặt cục gạch và một đống chai lọ mà Thuốc Nổ trông màu sắc thì đoán hình như là xăng, cũng chẳng biết là họ bán gạch hay là bán xăng nữa. Có thể là cả hai.
Ngoài ra còn có chiếu, bánh kẹo, thức ăn vặt, đồ tạp hóa, thuốc lá, ôi thôi đủ thứ thể loại khác nhau. Chúng được bày trên những cái tủ kính hai tầng với bốn chân đế cao khoảng hơn nửa mét. Ai muốn mua thứ gì thì chỉ cần đơn giản chỉ vào đó rồi gọi. Người bán sẽ mở cửa kính ở phía đằng sau và đưa cho khách.
Trong vài con hẻm nhỏ, trẻ con đặt những chiếc dép lào làm hai cột khung gỗ và chơi bóng đá bằng những trái banh nhựa nhẹ tới nỗi gió cũng có thể thổi bay. Chúng hô lên những cái tên đầy lạ lẫm đối với Thuốc Nổ:
“Romario!”
“Roberto Baggio!”
“Maradona!”
“È…Đồ xài đô pin! (**)”
Quảng Cáo
“Đô pin mà đá hay được rồi. Nhà mày mới có Tivi năm nay làm sao mà hiểu được. Nhà tao đã có Tivi từ bốn năm trước…”
Căn nhà của Thuốc Nổ nằm trên một con hẻm nhỏ sâu hun hút, giữa hai nhà hàng xóm khác, phía trước được rào lại bằng một cái hàng rào dây kẽm gai, tạo thành khoảng sân nhỏ rộng khoảng 15 – 16 mét vuông. Cái sân không có lát gạch mà chỉ là sân đất – xi măng, chính giữa là một cây Mãng Cầu xum xuê bóng mát.
Bản thân căn nhà chỉ có một tầng, gồm có năm gian xếp theo chiều dọc. Gian trước chất đầy bàn ghế, gian thứ hai là phòng khách và bàn thờ, gian thứ ba là phòng ngủ, gian thứ tư là kho và gian cuối gồm bếp và nhà vệ sinh.
Và nhà cậu không có cái Tivi nào đó trong lời của bọn nhóc, chỉ có một cái đài Radio cũ mèm.
Khi cậu vừa được bế qua gian cửa trước thì cũng là lúc những tiếng oe oe lại một lần nữa vang lên. Thuốc Nổ đã dần quen thuộc với những tiếng khóc này trong mấy ngày qua. Xem ra cậu chỉ là kẻ tá túc tạm ở trong cơ thể này thôi chứ không phải nó hoàn toàn thuộc về cậu. Chỉ khi đứa bé, vốn là con của người đàn ông và người phụ nữ này đi ngủ thì Thuốc Nổ mới có thể nắm quyền điều khiển cơ thể này mà không cần tranh giành gì cả.
Liên tiếp mấy tháng sau đó, cậu không được ra khỏi nhà mà nằm ru rú ở trong phòng, khi ngủ cũng phải ngủ chung giường với hai người chứ không được ngủ riêng. Chỉ có một bà hàng xóm già ở nhà phía đối diện tên là Chua hay qua chơi với cậu là người thứ ba mà cậu quen mặt.
Dựa vào những đoạn đối thoại tích góp được, cậu cũng đã nắm sơ sơ được phần nào về hai người bố mẹ của thằng bé này. Người bố tên là Giai, là Giai ở trong tốt đẹp như giai nhân, giai ngẫu chứ không phải là chữ dai như nhiều người khác thường trêu chọc. Ông là một người thợ hàn. Người mẹ tên là Phủng, chữ Phủng ở trong phủng mùi nghĩa là hương thơm nhè nhẹ, là một giáo viên cấp hai.
Nghe thế thì cũng biết ông bà hai nhà ngày xưa của thằng bé, chắc cũng thuộc về thành phần hay chữ lắm. Chỉ là người đời sau này đã hoàn toàn quên mất ngữ nghĩa của những cái tên mà đem ra so sánh với những từ ngữ trong ngôn ngữ hiện đại, rõ thật đáng buồn.
Hai người cưới nhau cũng khá trễ, cả hai đều đã gần bốn mươi. Những tưởng sẽ phải tốn một thời gian nữa thì mới thỏa được cái ước nguyện nối dõi tông đường. Nào ngờ đâu, ông Giai nhà này rõ là tướng tài, chỉ huy binh sĩ tiến lên như trẻ che, xâm chiếm đồn lũy của địch trong chớp mắt. Thế là một năm sau, cu cậu ra đời.
Tên khai sinh của thằng bé thì tới giờ chính cậu cũng chẳng được biết, chỉ biết ba mẹ nó ở nhà vẫn thường gọi nó là Thao Láo. Thoạt nghe thì hết sức buồn cười, song suy nghĩ kỹ, xem ra hai ông bà cũng đã bị thời gian nó nhắm mắt liên tục trong bệnh viện dọa cho sợ hãi.
Bà Phủng vẫn ở trong giai đoạn nghỉ sau khi sinh nên thường xuyên ở nhà chơi với thằng bé. Chỉ có ông Giai là đi làm quần quật từ tờ mờ sáng tới tận buổi tối khuya mới về. Thuốc Nổ rất thích cảm giác an bình như thế này. Cảm giác như sau biết bao nhiêu năm tháng lang thang trong vô định, cậu đã tìm được một bến đỗ an yên, tránh xa những dối trá, lừa lọc, nhỏ nhen của cuộc đời.
Chỉ có điều, cậu mãi vẫn không hiểu được, tại sao Suối Nguồn trong Mộc Giới lại dẫn cậu tới nơi này. Thuốc Nổ có thể chắc chắn, đây không phải là quá khứ của cậu. Nếu cậu đã từng có mặt ở thời kỳ mà L’Empereur nước Pháp còn trẻ từ những năm giữa của thế kỷ 18, chắc chắn cậu không thể sinh ra ở nơi này hai thế kỷ sau đó được.
Và dĩ nhiên nếu cậu chỉ là một con người được sinh ra bình thường thế này thì cậu không thể có tuổi thọ lâu dài như vậy được.
Hai người nhà này mấy hôm nay đang trang hoàng lại nhà cửa để đón năm mới. Ông nhà thì quét vôi lại bức tường phía trước còn bà nhà thì vừa dọn dẹp lại đồ đạc vừa trông con.
“Cưng quá là cưng. Thao Láo của mẹ ơi! Thao Láo ra đời quả là không đúng dịp nha. Tết năm nay trở đi, người ta lại cấm đốt pháo. Thế là Thao Láo của mẹ chẳng có cơ hội nào được nghe tiếng pháo nổ đì đùng nữa rồi.”
Thằng nhóc bị chọt chọt vào người thì oe oe phản đối. Thuốc Nổ nhìn thấy trong nhà chưng một chậu cây nho nhỏ với từng đóa hoa rực rỡ sắc vàng. Ở bên trên đó, người mẹ treo lên đầy những thứ đồ trang trí nho nhỏ dễ thương, một ít lồng đèn mini, một dải câu đối chữ, cùng đống đèn neon cứ chớp chớp liên tục.
Hình ảnh này ngay lập tức kéo Thuốc Nổ trở về với những ngày mà Trần Gia của cậu cũng đón năm mới ở Quận Centauri Montes trên Hỏa Tinh. Loại cây mà họ sử dụng khác nhau, ở Trần Gia là cây đào còn cây này Thuốc Nổ cũng chẳng rõ là cây gì nữa. Chỉ là phong cách trang trí thì lại giống nhau tới kinh ngạc.
“Thật ấm áp lòng!”
Trên bàn chẳng có gì nhiều nhặn cả, chỉ có một ấm trà sứ được vẽ hoa văn mây trời, vài cái tách, một cái khay đựng bánh trái có dây cót mà khi xoay sẽ tạo ra âm thanh nhạc du dương, nghe bảo là được bà con nào đấy ở nước ngoài gửi về tặng cùng ít thuốc lá và gạt tàn.
Tới khoảng nửa đêm thì họ mới bắt đầu cúng tế lễ trời đất gì đấy. Thuốc Nổ dù cũng muốn xem nhưng đành bị bế vào giường đắp chăn đi ngủ sớm.
Thấm thoắt đã vài tháng nữa trôi qua. Một ngày, cha mẹ của thằng bé đem cu cậu ra ngoài đường đi chơi. Thuốc Nổ vốn cũng đã vô cùng chán ngán với việc cứ phải ở ru rú ở trong ngôi nhà bốn bức tường rồi nên rất háo hức.
Họ đi tới bờ sông Hàn, vốn là con sông lớn nhất chảy ngang qua “thành phố” này.
Chà, với tiêu chuẩn thế giới tương lai của Thuốc Nổ mà nói, rất khó để gọi nơi đây là một thành phố. Nhìn qua phía bên kia bờ sông, chỉ có thể lác đác những ngôi nhà chòi lụp xụp cùng với vô số những lùm cây và hàng dừa mọc chi chít tới sát ven bờ. Nghe bảo ở bên đó phần lớn chỉ là những người ngư dân làm nghề chài lưới và đánh cá. Biển nuôi sống bao thế hệ trong một gia đình.
Khúc sông này chẳng hề có cầu, chỉ có một cái bến phà nhỏ nằm ở cuối góc đường Phan Đình Phùng đâm xuống. Mỗi ngày nó cũng chẳng chở được bao nhiêu lượt khách qua lại, chủ yếu là những người ở bên kia bờ xuống vùng trung tâm để mua các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống và bán hải sản của họ cùng những người phía bên này đi sang tắm biển.
Phía đầu nguồn của con sông còn hai cây cầu nữa, nghe bảo là do người Mỹ và người Pháp xây dựng lên. Tuy nhiên, người bình thường làm gì có phương tiện vận chuyển nhanh chóng đâu, thay vì gồng lưng đạp xe đạp qua dốc cầu thì thà bỏ ra một ít tiền đi phà cho rồi.
Cả nhà ba người ngồi dọc bờ sông uống nước mía. Ghế đá nơi này được làm bằng những bục xi măng cứng, ngồi chắc phải ê ẩm cả mông nhưng chẳng ai là tỏ ra vẻ khó chịu cả. Gió nơi này vô cùng mát và trong lành. Một lát, họ liền bắt đầu vận động một chút chứ không muốn ngồi yên tại chỗ. Thuốc Nổ đột ngột thấy một cái băng rôn lạ kỳ nên hơi giật gấu áo ông Giai, lên tiếng ý để ông đi chậm lại:
“Papa!”
Lúc này cậu mới có thể thấy một hàng chữ nhỏ, đại khái là tuyên truyền về việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Cậu nhíu mày, khẽ đánh giá tình hình chính trị của thời điểm này, đối chiếu với lịch sử mà cậu biết.
Thuốc Nổ vốn không có con, cháu gì, bình thường lại không tiếp xúc mấy với trẻ con hay tìm hiểu về quá trình phát triển của chúng. Bởi vậy, cậu đâu có ngờ được lời nói đơn giản của cậu lúc này lại giống như một quả bom nặng ký đánh vào lòng hai người làm cha làm mẹ kia.
“Trời đất ơi! Anh có nghe con chúng ta nói gì không?”
“Thật, thật là. Nó vừa gọi ba kia đấy. Nào, nào gọi lại ba xem nào.”
Ông Giai vừa nói vừa lấy tay nhéo nhéo má của Thuốc Nổ khiến cho cậu dở khóc dở cười, đã thấy chuyện này có gì đó không ổn. Bà Phủng cũng lên tiếng:
“Nó đã gọi anh rồi, anh còn chưa hài lòng hay sao. Uổng công em suốt ngày ở nhà với Thao Láo như vậy. Cục cưng của mẹ phải gọi mẹ trước đi chứ. Không công bằng chút nào.”
Thuốc Nổ vốn không muốn nói nhưng cứ bị chọt chọt liên tục vào bên người và không đành lòng nhìn khuôn mặt của người mẹ đang phồng má lên với đôi mắt đượm buồn khiến cho cậu đành nói:
“Mama!”
Quảng Cáo
“Anh nghe thấy không? Con nó gọi em rồi.”
“Ừ, Thao Láo gọi em rồi. Rất to và rõ là đằng khác.”
“Anh xem, anh xem, liệu Thao Láo nhà chúng ta có phải chính là thiên tài không nhỉ?”
Thuốc Nổ nghe tới câu này đã liền có dự cảm chẳng lành. Quả nhiên ông Giai đáp lời vợ:
“Anh đọc trên báo thấy nói trẻ con dưới một tuổi mà biết nói thì chính là sau này vô cùng thông minh. Thằng Thao Láo nhà mình còn chưa được chín tháng nữa. Rõ ràng là một thần đồng con rồi còn gì nữa.”
“Giống anh thật đấy. Ngày xưa anh cũng học rất giỏi, thủ khoa ở trong trường nam sinh Phan Chu Trinh.”
“Đâu có, là giống em chứ, cô giáo từ nữ trung học Hồng Đức.”
“Là giống anh!”
“Là giống em!”
“Giống anh.”
“Giống em.”
Hai người cùng dừng lại. Đột nhiên năm giây sau, họ phá ra cười, trong đó mang theo rất nhiều sự vui vẻ và hạnh phúc cũng như hi vọng vào tương lai. Ông Giai ôm vợ và con hỏi nhỏ:
“Sau này em nghĩ con mình lớn lên sẽ làm gì?”
“Anh nói trước đi.”
“Em nói trước đi mà”
“Anh hư lắm, nói trước đi.”
“Được rồi, anh nói trước nha.”
Thuốc Nổ và người mẹ đều căng tai lên lắng nghe, chỉ có mỗi đối tượng chính của câu nói này là vẫn đang nằm ngủ say sưa mà thôi.
“Anh muốn sau này con mình làm bác sĩ, luật sư, hoặc là giáo viên.”
“Tại sao vậy?”
“Trong cuộc đời của con người, những chuyện quan trọng nhất chính là giáo dục, bệnh tật và pháp luật. Nếu nhà có người làm ở một trong ba ngành này, vậy thì không cần phải lo nghĩ làm gì nữa đúng không?”
Người mẹ mỉm cười gật đầu, xem như là ghi nhận ý kiến của đức lang quân.
“Còn em? Em muốn sau này, Thao Láo làm gì?”
“Em không biết nữa.”
Thuốc Nổ hơi ngẩn ra. Người chồng chỉ im lặng chờ đợi phần sau của câu trả lời.
“Dù Thao Láo có làm gì cũng được. Quan trọng là nó có ích cho xã hội này. Em chỉ muốn Thao Láo được làm chính bản thân của con nó thôi, quyết định của con nó không phải chịu ảnh hưởng từ bất kỳ một ai khác cả. Thiên tài hay người bình thường, chuyện đó có quan trọng gì?”
“Ôi, em yêu!”
“Anh này!”
“Ui chao, đừng mà, đừng mà!”
Thuốc Nổ lúc ấy đã nhắm mắt lại, miệng lẩm nhẩm lời của người mẹ đã nói:
“Muốn được làm chính bản thân mình sao?”
(*) Trong thời gian trước năm 2000, gần như tiên hiệp không phải là một thể loại văn học riêng rẽ mà được xếp chung vào với võ hiệp.
(**) Diego Maradona bị đuổi khỏi World Cup 1994 ở Mỹ chỉ sau hai trận thi đấu vì dương tính với chất cấm doping
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT