Part 3 – Ba mẹ cho em sinh mệnh, tôi muốn cho em tự do

Có một thời gian dài tôi luôn than thân trách phận, chẳng phải nói ở hiền sẽ gặp lành ư? Tôi thấy bản thân là người tốt, nhưng tại sao lại không gặp những điều tốt lành?

Sau đó tôi mới biết thật ra tôi rất may mắn, có nhiều người không thể hiểu được việc có em gái hạnh phúc tới nhường nào. Ở thời điểm giá buốt nhất, nó luôn cho tôi những một giọt lệ nóng hổi.

Nó là thiên sứ, là điều tốt đẹp nhất mà tôi nhận được.

Chương 3-1

(1)

Mỗi lần ba má tôi cãi nhau rất giống với phần lớn các cặp vợ chồng khác, lúc gay gắt nhất đều khó tránh khỏi buột miệng ra câu: “Ly hôn!”

Năm tôi học lớp 2, trong lần đầu tiên ba má tôi cãi nhau mà có nhắc tới chữ “ly hôn”, má tôi nói: “Ly hôn đi, tôi lấy một nửa tài sản, nửa còn lại để cho con…”

Lúc ấy tôi không hiểu ly hôn là gì, nhưng nghĩ đến việc mình sắp có một nửa tiền bạc trong nhà, có thể mua được rất nhiều sợi cay và nước chanh đóng chai, tôi cực kỳ vui mừng.

Tôi thỏ thẻ hỏi má: “Má ơi, chia tài sản rồi cho con tự giữ phần mình được không ạ? Con lớn rồi, không cần má giữ tiền giúp nữa đâu.”

Má phớt lờ tôi.

Ba tôi giận đỏ bừng mặt, tét vào mông tôi: “Ba má ly hôn mà con không buồn hả? Bình thường không để ý, rốt cuộc là đang nuôi cái thứ quái quỷ gì đây.”

(2)

Sau này khi đã ý thức được, “ly hôn” trở thành hai chữ tôi sợ nhất.

Sự sợ hãi này đến từ người bạn cùng bàn.

Ba má của người bạn cùng bàn hồi lớp 5 của tôi đã ly hôn khi chúng tôi mới học lớp 3. Ngày khai giảng, tất cả bạn học còn lạ lẫm nhau, để khuấy động không khí, tôi kéo cả đám lại một chỗ rồi kể truyện cười, ai cũng cười nghiêng cười ngả, chỉ có cậu bạn ấy là không cười.

Chờ mọi người giải tán, tôi dè dặt hỏi cậu ấy: “Sao mày không cười?”

Cậu ấy lạnh lùng nói: “Đã một năm nay tao không cười rồi.”

Khai giảng được mấy ngày, giáo viên bảo đóng học phí, cả lớp ai cũng nộp trừ cậu ấy, nguyên nhân là vì ba má cậu ấy đùn đẩy nhau.

Cậu ấy đi xin tiền ba, ba cậu ấy nói: “Tìm má con đi.”

Cậu ấy đi xin tiền má, má cậu ấy nói: “Đi mà xin ba con ấy.”

Cậu ấy chỉ là một đứa trẻ, không ai cho tiền thì chỉ đành kéo dài thời gian nộp học phí mà thôi.

Thầy chủ nhiệm tìm cậu ấy nhiều lần, cậu ấy chỉ đứng trước mặt thầy cúi đầu nhận lỗi, không nói câu nào.

Thái độ của cậu ấy khiến thầy chủ nhiệm không thích, lâu dần, cậu ấy cũng rất sợ thầy.

Có lần sinh hoạt lớp, thầy chủ nhiệm đang thông báo các sự kiện sắp tới, tôi vô tình cúi đầu, chợt thấy dưới bàn cậu ấy có máu.

Tôi hốt hoảng nói cho cậu ấy biết: “Tay mày bị chảy máu kìa!”

Cậu ấy dửng dưng lấy tay kia bịt chỗ chảy máu lại.

Tôi muốn thưa với thầy giáo nhưng thái độ của cậu ấy thể hiện rõ không muốn để thầy biết. Chờ thầy ra khỏi lớp, tôi thấy cậu ấy thở phào một hơi.

Tôi vội vã đưa cậu ấy tới phòng y tế.

Trên đường đi, cậu ấy nói với tôi: “Ngón tay tao là do tao lấy dao tự rạch.”

Tôi khiếp đảm: “Hả?!”

Cậu ấy nói: “Tao làm đứt tay, nếu thầy tìm tao hỏi chuyện học phí thì khi nhìn thấy tay tao chảy máu sẽ lập tức dẫn tới phòng y tế, như vậy là tao thoát được một lần.”

Tôi hỏi: “Hôm nay mày rạch tay, vậy ngày mai mày định làm gì? Còn có ngày mốt, ngày kia, ngày kìa…”

Cậu ấy không trả lời.

(3)

Cậu bạn cùng bàn tôi có biểu hiện rất kỳ quặc khi thích một cô gái.

Người khác thì đưa nước, tặng quà, cho miếng dán hình hay gì gì đó, còn hành động dũng cảm nhất của cậu ấy là lúc nộp bài tập sẽ để vở mình xếp chồng lên vở của cô bạn đó, xin hỏi còn có việc nào hàm súc hơn việc này không?

Sau khi bị tôi vô tình phát hiện, cậu ấy không làm như vậy nữa.

Khi đó, cậu ấy thích cô bạn cùng lớp tên là Trần Di. Trần Di là lớp trưởng của lớp chúng tôi, xinh thứ hai trong lớp, rất nhiều bạn học nam thích bạn ấy.

Lạ là mỗi lần Trần Di chào cậu ấy, cậu ấy toàn phớt lờ.

Trần Di thường xuyên xả giận với tôi: “Bạn cùng bàn của ông là người duy nhất trong lớp mà tui ghét á.”

Tôi hỏi cậu ấy vì sao phớt lờ người ta, cậu ấy không trả lời, quả là khó hiểu.

Sau đó, tôi đọc được một câu: Ai mà chẳng muốn trò chuyện cùng người mình thầm thương trộm nhớ, đến cả nằm mơ cũng muốn, nhưng tình cảm đơn phương mang theo sự tự ti, bèn vờ như kiêu ngạo để không đánh mất lòng tự tôn, như vậy trong lòng mới thăng bằng. Bề ngoài kiêu ngạo bao nhiêu thì bên trong tự ti bấy nhiêu.

Tôi nghĩ câu này viết về cậu ấy.

(4)

Có mấy thằng ở lớp 5/6 thường xuyên trêu chọc Trần Di, trên đường đi học về chúng nó liên tục huýt gió, chặn đường bạn ấy.

Có một hôm cậu bạn cùng bàn của tôi đi tìm mấy thằng đó, ngăn cản chúng nó: “Tụi mày không được bắt nạt Trần Di nữa.”

Cậu ấy bị đạp ngã xuống đất nhưng vẫn cố bò dậy: “Tụi mày hoặc là ngừng bắt nạt Trần Di, hoặc là đánh chết tao!”

Hiệu quả rất tốt, sau đó mấy thằng ấy quả thật không đi theo trêu ghẹo Trần Di nữa.

Sau này tôi hỏi cậu ấy: “Mày không sợ chết hả? Tao không dám đánh nhau đâu, nhỡ bị đâm mù mắt hay đánh chết thì sao? Mày không sợ hả?”

Cậu ấy nói: “Tao sợ, nhưng tao không có cách nào khác.”

(5)

Có hôm tan học, hai đứa chúng tôi tới quán net chơi game. Kết quả là một nữ sinh trong lớp đi ngang qua trông thấy, sau đó mách với thầy chủ nhiệm.

Thầy chủ nhiệm nói: “Mời phụ huynh.”

Má tôi tới, gọi tôi qua hỏi: “Con lấy tiền đâu chơi game?”

Tôi nói: “Tiền ăn cơm.”

Má tôi: “Tiền ăn cơm ở đâu ra?”

Tôi nói: “Má cho.”

Má tôi: “À, phải ha.”

Má tôi mắng tôi một trận tơi bời.

Sau đó ba của cậu ấy tới, thấy cậu ấy đứng ở cửa phòng giáo viên, ông ta bước nhanh tới rồi đánh cậu ấy bạt tai.

Tôi hết hồn.

Thầy giáo xông lên kéo ba cậu ấy lại, nếu không cậu ấy sẽ bị ba đánh chết mất.

Cậu ấy từ từ ngồi xuống, mếu máo khóc. Khi nỗi đau lên tới đỉnh điểm, người ta sẽ khóc không thành tiếng. Cậu ấy đã khóc như vậy.

(6)

Hết lớp 5, phải chia lớp.

Hôm đó, cậu ấy nói với tôi: “Mày học giỏi văn, vậy mày giúp tao viết thư tình cho Trần Di nha.”

Tôi đồng ý.

Viết thư tình giúp cậu ấy xong, suy nghĩ mấy ngày, tôi lại viết thêm một câu ở cuối trang: “Nếu cậu thích tớ dù chỉ một chút thôi, hãy trả lời thư.”

Tôi vừa viết xong, cậu ấy nói: “Không được không được, mày xóa câu đó đi, đổi thành là ‘Nếu cậu không ghét tớ, hãy trả lời thư của tớ’.”

Tôi viết giúp cậu ấy xong, cậu ấy còn nhờ tôi đưa thư giùm.

Tôi tìm thấy Trần Di, đưa thư cho bạn ấy.

Trần Di nhận lá thư tình: “Tui không nhìn lầm chứ? Hoàng tử ếch kiêu ngạo lại viết thư tình cho tui á?”

Tôi hỏi: “Hả? Sao cậu ấy lại là hoàng tử ếch?”

Trần Di nói: “Ông không thấy cậu ấy giống y chang con ếch hả?”

Bạn ấy nói xong, cầm bức thư bỏ đi.

Tôi khó chịu quay về lớp, cậu ấy kéo tay tôi: “Sao rồi sao rồi? Bạn ấy phản ứng thế nào?”

Tuy ngoài mặt cậu ấy không thể hiện gì nhưng lòng bàn tay đã ướt đẫm mồ hôi.

Tôi nhìn cậu ấy, suy nghĩ rồi nói: “Chờ đi, bạn ấy bảo sẽ viết thư hồi âm cho mày.”

Cậu ấy kích động: “Tao mời mày uống đá bào!”

Đúng như tôi đoán, Trần Di không trả lời thư.

Tôi giả danh Trần Di viết thư hồi âm cho cậu ấy, đại ý là: Tớ cũng thích cậu, nhưng chúng ta còn nhỏ, học tập mới là quan trọng nhất, sau này đừng viết thư nữa.

Lúc đưa thư cho cậu ấy, tôi rất lo lắng, bởi vì nét chữ của Trần Di khó bắt chước quá. Tôi nói: “Mày về nhà rồi hẵng đọc.”

Ngày hôm sau, tôi hỏi cậu ấy: “Mày đọc thư hồi âm chưa?”

Cậu ấy vẫn còn rất kích động: “Chưa, tao không dám đọc!”

Ngày hôm sau nữa tôi lại hỏi, cậu ấy vẫn chưa dám đọc.

Sau đó mỗi ngày tôi đều hỏi, cậu ấy đều nói là không dám đọc.

Một hôm đang trong tiết toán, cậy ấy bỗng huých tôi.

Tôi quay đầu, cậu ấy cười ngốc nghếch: “Trong thư Trần Di viết bạn ấy cũng thích tao.”

Cậu ấy cười lên hệt như Hứa Tam Đa(1), đó là lần đầu tiên tôi thấy cậu ấy cười, và cũng là lần duy nhất.

(1) Hứa Tam Đa là nhân vật chính của tiểu thuyết và bộ phim truyền hình “Binh lính đột kích” do nam diễn viên Vương Bảo Cường đảm nhận.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play