Theo lời cụ già trong thôn, nhà Ichiyanagi là một nhà tư sản quanh vùng, vì vốn cũng không phải là người trong thôn, nên những thôn dân có tư tưởng cố chấp cũng không muốn nhắc tới họ.

Nhà Ichiyanagi vốn là người thôn Kawa đối diện. Thôn Kawa nằm trên đường Chuugoku, thời Edo trên con đường này có rất nhiều chỗ trọ, mà nhà Ichiyanagi chính là dinh lũy của những chỗ trọ đó. Có điều vào thời kỳ duy tân ông chủ nhìn trước được xu thế của thời đại, cùng với sự sụp đổ của Mạc phủ nhanh chóng chuyển đến chỗ ở hiện nay, thừa dịp thời cuộc biến động, mua ruộng đất giá rẻ, lập tức trở thành đại địa chủ. Vì thế mọi người trong thôn thường nói xấu sau lưng về nhà Ichiyanagi là kappa (1) lên bờ. Là ý nói từ thôn Kawa lên đến Yamanotani (2).

Vào lúc vụ án đáng sợ đó diễn ra, những người đang ở trong dinh thự nhà Ichiyanagi như sau.

Người đầu tiên là góa phụ của chủ nhân đời trước Itoko Toji, người này lúc đó năm mươi bảy tuổi, luôn búi tóc quá chỉnh tề so với độ tuổi của mình, là một người phụ nữ già uy nghiêm và kiêu ngạo lúc nào cũng tự cho mình là hậu duệ của dinh lũy. Người trong thôn xưng là bà ẩn cư.

Itoko Toji có năm đứa con, lúc đó chỉ có ba người ở đây. Lớn nhất chính là trưởng nam Kenzou, người này tốt nghiệp khoa triết học của một trường đại học dân lập tại Kyoto, hồi trẻ từng làm giảng viên ở trường đó hai, ba năm, nhưng vì nhất thời có bệnh về đường hô hấp nên về quê. Tuy nhiên vì là người rất chăm chỉ nghiên cứu, sau khi về quê anh ta cũng không bỏ bê việc nghiên cứu, vẫn có các tác phẩm và thi thoảng gửi bài cho tạp chí, là một học giả khá có tiếng trong lĩnh vực này. Anh ta đã bốn mươi vẫn chưa lập gia đình, thay vì nói là suy nghĩ đến vấn đề sức khỏe, chi bằng nói là vì quá bận bịu nghiên cứu, nên không có thời gian rảnh để ý đến việc lấy vợ.

Dưới Kenzou có một người em gái tên là Taeko, và một em trai tên là Ryuuji. Taeko đã kết hôn với một nhân viên văn phòng, khi đó đang ở Thượng Hải, nên không liên quan gì đến vụ án này. Còn Ryuuji là một bác sĩ, lúc đó đang làm việc tại một bệnh viện lớn tại Oosaka, nhưng người này đêm xảy ra vụ án cũng không ở nhà. Tuy nhiên người này sau khi xảy ra chuyện ngay lập tức trở về nên cũng không thể nói là hoàn toàn không có liên quan. Lúc đó người này ba mươi lăm tuổi.

Itoko Toji sau khi sinh Ryuuji rất lâu không lại có con nên nghĩ sẽ không sinh được nữa, không ngờ sau mười năm lại sinh một đứa con trai, tám năm sau nữa sinh một đứa con gái. Đó chính là con trai thứ ba Saburou và con gái thứ Suzuko. Lúc đó Saburou hai mươi lăm, Suzuko mười bảy.

Saburou là người không có ý tiến thủ nhất trong số các anh chị em, bị đuổi học khi còn đang học trung học, sau đó cũng bỏ học giữa chừng tại một trường dạy nghề ở Kobe. Khi đó anh ta ở nhà không làm gì. Anh ta không phải là không thông minh, nhưng mà thiếu sự kiên trì với mọi việc, lại thêm tính cách giảo hoạt, nên trong thôn cũng bị coi thường.

Còn con út Suzuko, cô bé này khá là đáng thương, có lẽ là do cha mẹ khi già mới sinh, nên rất yếu ớt, giống như đóa hoa nở trong bóng râm. Đầu óc khá chậm chạp, nhưng tại một phương diện nào đó, ví dụ đánh đàn koto, có thể nói là một thiên tài, đôi khi cũng sẽ làm một số việc khiến người ta thấy rất thông minh, nhưng nhìn chung tại mọi việc lại có điểm trẻ con hơn cả đứa trẻ bảy tám tuổi.

Chi chính có ngần đó người, nhưng lúc đó trong dinh thự nhà Ichiyanagi còn có một nhà chi thứ. Chủ chi thứ là Ryousuke, em họ của Kenzou, lúc đó người này ba mươi tám tuổi, cùng vợ là Akiko có ba đứa con, nhưng ba người con đó không có liên quan tới vụ án đáng sợ này, nên sẽ không đề cập tới.

Người tên Ryousuke này là loại người hoàn toàn khác với Kenzou, anh ta chỉ tốt nghiệp tiểu học, nhưng lại rất giỏi toán và chín chắn trong đối nhân xử thế, đóng vai trò lý tưởng là người quản gia trong nhà Ichiyanagi, nên đối với Itoko Toji người này hòa đồng và đáng để bàn bạc hơn đứa con trai cả lập dị, đứa con trai thứ không ở nhà, hay đứa con trai thứ ba không đáng trông cậy. Còn Akiko vợ Ryousuke là một người phụ nữ bình thường luôn nghe lời chồng không tốt cũng không xấu.

Chi chính và chi thứ cộng lại, chỉ có sáu người trên, tức Itoko Toji, Kenzou, Saburou, Suzuko, Ryousuke và Akiko, việc kết hôn của người con trai cả Kenzou đã dấy lên gợn sóng vào cuộc sống bình lặng trong bầu không khí phong kiến này. Đối tượng Kenzou định kết hôn là một người phụ nữ tên là Kubo Katsuko, lúc đó là giáo viên trường nữ sinh tại thành phố Okayama, cả nhà đều phản đối cuộc hôn nhân này, không phải là không thích bản thân Katsuko, mà là có vấn đề với gia thế của Katsuko.

Bước chân vào nông thôn, cái từ “gia thế” tưởng chừng đã trở thành từ chết tại thành thị vẫn sống tới tận bây giờ và chi phối mọi việc là điều mà quý độc giả hẳn đều biết. Kể từ sau sự hỗn loạn của xã hội khi thua trận, quý độc giả là nông dân cũng không còn xem trọng địa vị, thân phận hay tài sản như trước nữa. Vì ngày nay, chúng đã sụp đổ tan tành. Tuy nhiên gia thế thì không sụp đổ. Sự khát vọng, tôn sùng, tự phụ đối với gia thế tốt đẹp vẫn chi phối người nông dân. Hơn nữa cái gia thế tốt đẹp đó chưa hẳn có nghĩa là huyết thống tốt nhìn từ góc độ ưu sinh học hay di truyền học. Nói đến những người đời đời làm trưởng thôn hay từng làm trưởng làng thời Mạc phủ, dù từ gia đình đó sinh ra người bệnh do di truyền thì vẫn là có gia thế tốt. Hiện tượng này vẫn tồn tại cho tới thời đại đổi mới ngày nay, huống chi vào những năm Chiêu Hòa thứ mười hai, gia tộc Ichiyanagi tự hào với dòng dõi dinh lũy hơn mọi thứ thì xem trọng sự tôn nghiêm của gia thế là điều không cần phải nói nhiều.

Cha Kubo Katsuko trước đây từng là tá điền nhà Ichiyanagi. Nhưng người tá điền này lại có tầm nhìn xa, đoạn tuyệt với cuộc sống nông thôn, cùng em trai đến Mỹ. Sau đấy vừa làm việc tại vườn cây ăn quả ở đó, vừa tích cóp hàng vạn yên trở về nước, cách thôn trang mười dặm mở một vườn cây ăn quả, thứ mà hai anh em đã học được ở Mỹ. Hai anh em vì vậy mà kết hôn muộn, người anh sau khi sinh Katsuko đã qua đời. Mẹ Katsuko sau khi chồng mất về nhà mẹ đẻ, nên Katsuko là do chú nuôi nấng. Cô là người rất thích học hành. Chú cô cũng không tiếc tiền đóng học phí cho cô. Katsuko sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm nữ Tokyo, làm việc tại trường nữ sinh ở thành phố Okayama gần quê.

Vườn cây ăn quả cha và chú cô mở rất thành công, chú cô cũng nghiêm túc chia cho cô phần tiền nên thuộc về cô, nên Katsuko làm giáo viên trường nữ sinh, không phải là vì cuộc sống, mà là do ý chí của bản thân. Cô có tài sản của chính mình. Nhưng nhìn từ gia tộc nhà Ichiyanagi, cô có giáo dục, thông minh, hay có tài sản thế nào, con của tá điền chính là con của tá điền. Cô là con gái của Kubo Rinkichi, một nông dân ngày xưa không có gia thế lẫn dòng dõi.

Kenzou quen biết cô từ khi được nhờ diễn thuyết trong một buổi tụ hội của những người trí thức trẻ tại Kurashiki do Katsuko tổ chức. Sau đó, Katsuko mỗi khi có sách ngoại ngữ gì không hiểu lại đến chỗ Kenzou hỏi. Sau khi giao du như vậy tầm một năm, bỗng nhiên Kenzou tỏ ý muốn kết hôn với cô.

Như tôi đã kể trước đó, cả gia đình đều phản đối việc này, nhưng kịch liệt nhất có thể nói chính là Itoko Toji và Ryousuke. Trong số anh chị em, em gái Taeko đã gửi một bức thư mãnh liệt phản đối đến anh trai. Ngược lại, em trai Ryuuji thì viết thư gửi mẹ rằng nên làm như anh muốn, vì anh ấy là người đã nói là làm, nhưng những lời này anh ta vẫn chưa nói trực tiếp với Kenzou.

Đối với sự phản đối xung quanh, Kenzou không tỏ thái độ gì, dùng phương pháp trầm mặc từ đầu đến cuối. Tuyệt đối không bác bỏ lại sự phản đối. Tuy nhiên cuối cùng nước lại thắng lửa. Người phản đối dần dần hết hơi sức, cuối cùng đành phải thừa nhận đã hoàn toàn thất bại mà nhún vai cười khổ.

Và như thế, vào ngày hai mươi lăm tháng mười một năm đó, đáng ra sẽ là ngày tổ chức hôn lễ, tối hôm đó lại xảy ra vụ án đáng sợ đó.

Đầu tiên, trước khi tiếp tục câu chuyện, nghĩ lại thì tôi muốn kể về hai, ba việc vặt mà tôi cho rằng chính là mở đầu cho vụ án này.

Đây là việc xảy ra ngay trước ngày xảy ra vụ án, tức chiều ngày 24 tháng 11. Trong phòng trà nhà Ichiyanagi, Itoko Toji và Kenzou vẻ mặt mất hứng uống trà. Em gái Suzuko thì tập trung mặc quần áo cho búp bê ở bên cạnh. Cô bé này ở đâu cũng lặng lẽ chơi một mình, không bao giờ làm phiền người khác.

“Nhưng đó là phép tắc đời đời của nhà ta…”

Itoko Toji đã hoàn toàn bó tay với đứa con trai, nên lúc này có vẻ giận dỗi.

“Nhưng lúc Ryuuji kết hôn mẹ cũng không có làm như vậy mà!”

Kenzou không để ý bánh bao kiều mạch mẹ mời, khuôn mặt cau có hút thuốc.

“Nó là con trai thứ. Con với nó không so được. Con là người thừa kế cái nhà này, mà Katsuko là nàng dâu…”

“Nhưng mà Katsuko chắc chắn không biết đánh đàn koto. Nếu là đàn dương cầm có lẽ còn có thể.”

Vấn đề hai người đang nói đến là như thế này. Tại nhà Ichiyanagi từ nhiều đời nay, có gia quy là nàng dâu của người thừa kế phải đánh đàn koto trong hôn lễ. Đàn koto phải đánh là chiếc đàn được truyền từ tổ tiên nhà Ichiyanagi, khúc nhạc, hay cả nguồn gốc của gia quy này cũng có điển cố, nhưng việc này tôi sẽ kể sau, vấn đề bây giờ là việc cô dâu tương lai Katsuko có đánh được đàn koto hay không.

“Mẹ, giờ nói chuyện này cũng vô dụng. Nếu nói từ trước, có lẽ Katsuko cũng chuẩn bị được rồi…”

“Mẹ nói việc này cũng không phải có ý phá hỏng hôn lễ. Vả lại, cũng không phải có ý định muốn làm nhục Katsuko. Nhưng, truyền thống vẫn là truyền thống…”

Lúc đó hai người đang vô cùng căng thẳng. Suzuko đang tập trung chơi búp bê nhiên đột nhiên cứu nguy.

“Mẹ, đàn koto để con đánh có được không?”

Itoko Toji mở to mắt nhìn Suzuko, Kenzou nghe thấy thế thì nở nụ cười đắng ngắt.

“Như vậy là tốt nhất, việc này nhờ Suzuko nhé. Mẹ, nếu là Suzuko thì chắc không có vấn đề gì chứ?”

Itoko Toji cũng có chút đồng ý, bất thình lình cậu cháu trai Ryousuke xuất hiện.

“Nhóc Suu, hóa ra ở đây. Này, cái hộp em đặt làm xong rồi.”

Đó là một cái hộp gỗ trắng được bào tinh tế to bằng hộp đựng quýt.

“Ryou, cái gì vậy?”

Itoko Toji cau mày hỏi.

“Cái này, là quan tài của Tamakou, cháu bảo dùng hộp đựng quýt là được mà nhóc Suu giận. Nếu là cái hộp thô ráp như vậy thì Tama quá đáng thương nên không chịu, cuối cùng cháu làm cái này.”

“Tama đáng thương thật mà. Cảm ơn anh.”

Tama là con mèo yêu của Suzuko, có lẽ là bị ngộ độc thức ăn, sau khi liên tục nôn mửa hai, ba ngày, chết vào ngay sáng sớm nay.

Itoko Toji nhíu mày nhìn cái hộp gỗ trắng, đột nhiên đổi ý nói:

“Ryou này, đàn koto để Suzuko đánh được không?”

“Vậy được mà bác.”

Ryousuke nhanh chóng nói, phồng mồm nhét bánh bao kiều mạch ở đó vào miệng. Kenzou nhìn sang hướng khác hút thuốc.

Lập tức, Saburou đi vào.

“Ồ, nhóc Suu, cái hộp đẹp ghê. Nhờ ai làm vậy?”

“Sabu xấu tính. Toàn nói dối chẳng chịu làm cho em. Đây là anh họ làm cho em đấy. Đẹp nhỉ.”

“Này này, em vẫn chẳng tin anh nhỉ.”

“Saburou, con cắt tóc à?”

Itoko Toji nhìn đầu Saburou.

“Đúng rồi, vừa xong. Mà mẹ này, con nghe được chuyện lạ này ở tiệm cắt tóc.”

Itoko Toji vẫn không nói gì nhìn anh ta, Saburou thì vẫn xoay người nói với Kenzou:

“Anh này, chiều hôm qua anh có đi xe kéo qua văn phòng thôn nhỉ. Lúc đấy anh có nhìn thấy một người đàn ông kỳ lạ đứng trước quán ăn ở đó không?”

Kenzou hơi nhíu mày nghi ngờ nhìn Saburou, không trả lời.

“Người đàn ông kỳ lạ là sao, Sabu?”

“Rất đáng sợ. Từ miệng đến má có vết thương to chừng này. Lại còn tay phải chỉ có ba ngón tay. Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa… Gã ta dò hỏi bà chủ quán ăn về nhà ta, này, Suzuko, chiều qua em có thấy gã nào như vậy lang thang quanh đây không?”

Suzuko ngước mắt yên lặng nhìn Saburou, giây lát sau cô bé thì thầm “ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa”, đồng thời vươn từng ngón tay, hệt như đang đánh đàn koto.

Itoko Toji và Saburou im lặng nhìn động tác tay cô bé, Ryousuke thì vẫn cúi đầu lột lớp vỏ bánh bao kiều mạch. Kenzou thì mặc kệ tiếp tục hút thuốc.

Chú thích

(1) kappa: một loài thủy quái trong truyền thuyết của người Nhật (tham khảo

(2) Kawa có nghĩa là sông, Yamanotani có nghĩa là sơn cốc 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play