Ngải Đông Đông phát hiện ra Chu Cương làm gia sư cũng rất chuyên nghiệp.
Gã dạy Ngải Đông Đông học nhưng không bao giờ giải bài tập thay nó mà chỉ định hướng, gợi ý cho nó cách làm. Nó giải bài xong gã sẽ tìm thêm vài đề bài tương tự cho nó làm để nhớ lâu hơn. Thế là những bài tập vốn như ma trận với Ngải Đông Đông nhờ Chu Cương phụ đạo nó đã làm được gần hết.
Thật ra nó không hề dốt, chẳng qua nó không biết phương pháp học. Giờ có phương pháp rồi tự nó cũng có thể áp dụng vào những bài học tiếp theo. Mà Chu Cương giỏi thật chứ không phải đùa, cái gì gã cũng dạy được cho nó, ít nhất là kiến thức năm nhất chẳng có gì nó hỏi mà gã không đáp trôi.
Ngải Đông Đông bắt Chu Cương làm gia sư cho nó quả là chiêu một hòn đá trúng hai con chim, ngoài gia tăng cơ hội ở chung với Chu Cương thì còn gia tăng cả thời gian Chu Cương ở nhà. Cả tháng xuân ăn chơi hội hè ngoài mấy bữa cơm rượu ở nhà họ hàng thì Chu Cương không hề bước ra cửa. Bà Chu thấy vậy cũng ngạc nhiên, hỏi ra mới biết Chu Cương đang phụ đạo cho Ngải Đông Đông học. Chu Cương bảo: “Đông Đông học kém quá, con phải dạy thêm cho nó để nó theo kịp bài vở trên lớp.”
Lập tức Ngải Đông Đông xí xớn nịnh nọt: “Ba nuôi con giỏi lắm bà ạ, gì ba con cũng biết!”
Bà Chu cười rất đắc ý, người già thích nghe con cháu mình được khen lắm. Huống chi Chu Cương là thằng con bà tự hào nhất: “Hồi xưa chẳng qua ba con không thích học đại học thôi. Thành tích cấp ba của ba con cũng khá lắm. Bà nói ba con chẳng chịu nghe.”
Thế là Ngải Đông Đông lại bắt đầu lý luận: “Thật ra học đại học không phải con đường duy nhất đâu bà ạ, đường nào chẳng đến La Mã. Ba trăm sáu mươi nghề nghề nào cũng có Trạng Nguyên.”
Thụy Linh ngồi kế bên cũng phụ họa: “Học nhiều chưa chắc đã kiếm tiền giỏi bà ơi. Đi học ra toàn làm thuê ăn lương tháng, muốn giàu phải làm ăn lớn như anh cả kia.”
Bà Chu cười tươi tỉnh: “Tiền đủ xài là được rồi, kiếm nhiều vô ích. Có học vẫn hơn chứ, ngày ông ấy còn sống chỉ mong ba anh em nó có một đứa thành sinh viên. Tiếc nỗi chẳng đứa nào thích đến trường.” nói rồi bà Chu quay sang bảo Ngải Đông Đông: “Sau này nhà ta trông cậy cả vào mấy anh em con đấy.”
“Nhưng mà con cũng chẳng thích đi học, bé bi thì chắc là được đấy bà ạ, nó học giỏi lắm. Chẳng hiểu sao hồi tiểu học con học cũng được mà lên cấp hai cứ động sách vở là đau hết cả đầu bà ạ.” Ngải Đông Đông bảo: “Con chỉ ước gì về sau con được như ba nuôi, làm ăn kiếm tiền được phân nửa ba nuôi con là tốt lắm rồi.”
Chu Cương rất vừa ý với những lời tán tụng của Ngải Đông Đông, gã đặc biệt hưởng thụ cái sự sùng bái Ngải Đông Đông dành cho gã. Ánh mắt gã nhìn Ngải Đông Đông vừa yêu chiều vừa nghiêm khắc, gã bảo: “Mày chịu khó học hành đàng hoàng cho ba, mày cứ làm thế nào cho bà được toại nguyện thì làm.”
“Ráng mà học con ạ, chỉ cần trước khi nhắm mắt được thấy nhà mình có một sinh viên đại học là bà yên lòng.”
Bà Chu hiểu biết như vậy trách nào nuôi dạy được ba đứa con trai đều hơn người. Tính tình bà cũng rất bao dung, chỉ nội cách bà luôn cố gắng để Ngải Đông Đông sinh hoạt ở nhà họ Chu được thoải mái là đủ khiến nó vô cùng cảm động rồi.
Ấy thế mà con sói con vô ơn như nó lại nỡ cắp mất thằng con trai cả quý báu của bà, ngẫm lại Ngải Đông Đông cũng thấy xấu hổ.
Mùng hai tháng hai ta, ngày sinh nhật Ngải Đông Đông, hôm đó thị trấn cũng tổ chức hội làng. Chu Minh định lái xe đưa cả nhà đi chơi hội, gã hỏi Ngải Đông Đông có đi không thì Chu Cương đã đáp thay: “Chơi bời gì, nó không được đi đâu hết. Ở nhà làm bài tập đàng hoàng đi, chưa học bù xong thì đừng nghĩ chuyện đi chơi.”
Ngải Đông Đông bĩu môi cười, Chu Minh cười bảo: “Thế Đông Đông muốn mua gì chú hai mua về cho.”
“Con muốn ăn kẹo bông với bánh đường ạ.”
“Ăn đồ ngọt nhiều không tốt đâu.”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT