Năm An Định thứ mười một, mưa thuận gió hòa, biên cương yên ổn, được xem như là thái bình thịnh thế.
Thiên tử vui mừng, triệu học chủ của Thuận Thiên phủ quản lý việc tế trời, không ngờ đông chí còn chưa đến, trong dân gian lại xảy ra mấy chuyện quỷ dị hư mê truyền đến tai thánh thượng.
Tục truyền rằng, tại hội diều ở huyện Nhậm Dương, xã hí[1] ở thành Sùng Bình, chợ Dược Vương ở trấn Du Phong và tết Trùng Dương[2] ở quận Nhiêu Lâm, đều bỗng dưng xuất hiện một bộ xương khô viết chữ. Bốn bộ xương cao thấp khác nhau, ở nơi xứ lạ, thời gian xuất hiện cũng bất đồng, dưới con mắt bao người, mỗi bộ vẽ ra một chữ “Oan” xanh biếc trên không trung.
Sự việc bất thường, lại xảy ra hơn ba lần, trải qua tai miệng dân chúng phố phường truyền nhau, là oan tình mới tiết tháng mười đã khiến lòng người bàng hoàng, ngay cả đất vàng cũng chôn không nổi, thử ngẫm xem phải sâu nặng đến cỡ nào?
Nghĩ như vậy, những bộ xương hốc mắt trống rỗng này ngoại trừ đáng sợ, còn có mấy phần thảm thương.
Trưởng quan ở bốn nơi hoặc sợ hãi sức mạnh quỷ thần, hoặc kiêng kỵ bách tính không giữ mồm giữ miệng, dùng toàn tâm toàn lực mà tra xét, nhưng tra tới tra lui, nói nghi phạm là quỷ, chính bọn họ cũng thấy nực cười, nói nghi phạm là người, song lại không tìm được manh mối, chỉ có cuộc đời và oan khuất khắc trên những bộ xương này.
Các trưởng quan mới đầu vẫn chưa để ý, bởi việc này ảnh hưởng đến quan viên trong triều, truy tra khó bề tiếp tục, liền phê là án chưa giải quyết, tất cả hồ sơ đưa vào nha môn.
Nhưng người dân kinh hồn bạt vía, không nhịn được mà bàn tán xôn xao, chẳng bao lâu sau, các phiên bản của “Bạch cốt thân oan án” trong bình thư quán[3] ở đầu đường cuối ngõ liền như cá diếc sang sông.
Có tiên sinh nói rằng, đây là kỳ oan hiếm thấy, bất bình khó tán.
Có người lại nói đây chỉ là trò mèo, giả thần giả quỷ.
Cũng có kẻ ăn không nói có, bảo rằng mình nghe cao nhân tiết lộ, trong chuyện này còn có huyền cơ. Từ tháng ba đến tháng chín, cứ cách mỗi hai tháng lại xuất hiện một bộ hài cốt, từ Nhậm Dương đến Nhiêu Lâm, nhìn vào bản đồ thì có vẻ sẽ tiến tới kinh đô, cho nên cao nhân suy đoán rằng có thể vào đông chí tháng mười một, tại Giang Lăng ở đô thành có thể cũng…….
Phiên bản của người thứ ba mang ý vị sâu xa nhất, vậy nên cũng nổi tiếng nhất.
Nhưng khắp thiên hạ đều là đất của vua, chuyện phiếm này sau khi tấu lên liền thành tội đại bất kính, dưới sự trị vì của minh quân, sao lại có oan khuất hoành hành?
Người kể chuyện bởi vậy mà bị xử tội, thiên tử tức giận không thôi, giao trách nhiệm cho bộ Hình phá án này trong kỳ hạn hai tháng, dẫn kẻ nghi can đến gặp mặt.
Bộ Hình tức tốc tiến cử ra đề hình quan và phó tướng đi nhậm chức, song từ kinh đô đến Nhậm Dương ngàn dặm xa xôi, án này lại vượt thần vượt quỷ, kỳ hạn hai tháng nhanh chóng trôi qua, người chủ thẩm vì hết đường xoay xở mà phải chịu tội lớn, thiên tử cảm thấy quyền bính bị khiêu khích sâu sắc, người người trong triều tức thì bất an, lo sợ việc của đề hình quan sẽ rơi xuống đầu mình.
******
★Chú thích:
[1]Xã hí: là những vở kịch dân dã diễn ra trong ngày hội chùa, lễ thần.
[2]Tết Trùng Dương: hay còn gọi là tết Trùng Cửu, là ngày mùng chín tháng chín âm lịch. Có nhiều điển tích về tết này, vào ngày này hàng năm người dân đều mang theo lương thực đồ đạc lên núi lánh nạn vì tin rằng ngày ấy sẽ có tai họa. Sau dần thay đổi tính chất, tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.
[3]Bình thư quán: nơi có tiên sinh kể bình thư, là một hình thức văn nghệ dân gian, sử dụng quạt và khăn làm đạo cụ, kể lại những câu chuyện dài ly kỳ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT