Người thường nạp thiếp không vì sắc thì là vì cầu con, nhưng điều này hiển nhiên không phải mục đích của Lý Vĩ, ít nhất cũng không phải mục đích chính yếu. Hôm nay hắn nói ra thỉnh cầu này là biểu hiện buông tay đối với công chúa, ta đoán vậy, mà ngay sau đó, Vương Vụ Tư cũng nói cho ta hay: “Quan gia hỏi có phải cậu ấy có ý trung nhân rồi không, cậu ấy đáp không, kế tiếp thêm một câu: ‘Nếu quan gia ân chuẩn, thần sẽ đi tìm.’”

Kim thượng đương nhiên chấp thuận thỉnh cầu của hắn, đây là điều có thể nghĩ ra được, ta cũng mau chóng nhìn ra, vốn Miêu hiền phi đi chuyến này cũng chẳng phải chỉ để dỗ dành công chúa.

Khóc với công chúa một trận rồi, Miêu hiền phi lau khô nước mắt, gọi Gia Khánh Tử và Vận Quả Nhi vào một gian buồng trong mật đàm. Lát sau, ba người đi ra, Miêu hiền phi nắm tay Vận Quả Nhi nói cười vui vẻ, vô cùng thân mật, còn Gia Khánh Tử thì cúi đầu đi sau lưng họ, không nói tiếng nào.

Miêu hiền phi dẫn Vận Quả Nhi đi gặp Dương phu nhân, cũng lệnh Lý Vĩ đi theo. Đợi họ khuất bóng rồi, ta mới hỏi nhỏ Gia Khánh Tử Miêu nương tử đã nói gì với họ. Gia Khánh Tử đỏ mặt, ấp a ấp úng, mãi sau mới trả lời sơ sơ. Hóa ra Miêu hiền phi nghe nói Lý Vĩ muốn nạp thiếp, lo Dương phu nhân sẽ tìm cho hắn một người tục tằn rồi lại đâm chọc tức công chúa, nên muốn tìm một người biết tường tận gốc gác trực tiếp gả cho Lý Vĩ. Suy đi tính lại, cảm thấy Gia Khánh Tử và Vận Quả Nhi lớn lên cùng công chúa từ nhỏ, tình cảm người khác không thể so với được, mấy năm nay thị nữ hồi môn của công chúa không thành hôn cũng về nhà, Tiếu Diệp Nhi thì đã bị đuổi ra ngoài, khó lắm mới được hai người không rời không bỏ, một mực ở lại bên công chúa, có thể thấy có tình có nghĩa, tính tình cũng chững chạc đàng hoàng, bèn ra sức khuyên họ cưới Lý Vĩ làm lẽ, như vậy vừa giải quyết được việc nạp thiếp, lại có thể để họ tiếp tục làm bạn với công chúa.

Sau khi mật đàm, Gia Khánh Tử uyển chuyển xin miễn, còn Vận Quả Nhi thì cuối cùng cũng gật đầu nhận lời.

Chắc hẳn Dương phu nhân và Lý Vĩ cũng chấp nhận kết quả này, lúc trở lại gác công chúa, vẻ mặt Miêu hiền phi nhẹ nhõm như đã thả xuống được tảng đá trong lòng. Trước khi rời phủ công chúa về cung, bà cân nhắc câu từ, dè dặt nói chuyện nạp thiếp với công chúa. Công chúa cũng chẳng bực bội, chỉ là rất kinh ngạc, gọi Vận Quả Nhi tới, bảo nó: “Hôn nhân chẳng phải chuyện đùa, em cũng đừng vì ta mà lấy bừa người không vừa ý. Ban nãy không biết tỷ tỷ đã nói sao với em, nếu em có chỗ nào không cam tâm tình nguyện thì giờ lắc đầu đi, ta sẽ làm chủ cho em, giải thích với mẹ con phò mã, bảo họ chọn người khác.”

Vận Quả Nhi nhẹ nhàng đáp: “Công chúa lo nghĩ nhiều rồi, là em tự nguyện. Mấy năm nay em không nghe người nhà khuyên bảo đi lấy chồng, ngoài nguyên nhân cao không tới thấp chẳng chịu ra thì cũng là do sợ nếu chỉ dựa vào ba tấc lưỡi dẻo của bà mai đã mơ mơ hồ hồ lấy người xa lạ, lỡ như người ấy tính tình chẳng ra sao, phàm là dính vào nhậu nhẹt say xỉn hay háo sắc dâm ô, về sau em đều khó sống cả. Hai năm trước Miêu nương tử từng nói muốn xin quan gia ban tỷ muội chúng em cho một quan lớn làm thiếp, em cũng từ chối, bởi nhà cao cửa rộng người ta có thiếu gì tì thiếp, tình hình bên trong lại khó nói, nếu phu nhân người ta không khoan dung thì vào cửa rồi chẳng phải tình cảnh sẽ đáng lo lắm ư… Trước mặt công chúa, tất nhiên em sẽ không phải lo chuyện này, lại nói đến phò mã, mấy năm nay chạm mặt hằng ngày, em cũng biết tính tình phẩm hạnh chàng rất tốt, đối đãi với người làm vô cùng khoan hậu, tương lai nhất định sẽ chẳng bạc đãi thiếp thất… Em bằng lòng cả đời ở lại phủ công chúa hầu hạ công chúa và phò mã, có điều, nếu công chúa cảm thấy không thỏa đáng thì Vận Quả Nhi mặt dày mạo phạm rồi, xin công chúa hãy tạm coi như không có việc này…”

Hỏi đi hỏi lại Vận Quả Nhi, chắc chắn rằng nó tự nguyện rồi, công chúa cũng bằng lòng chuyện này, cùng Miêu hiền phi mỗi người ban thưởng rất nhiều tài vật cho nó, lại phân phó quan chủ quản trong phủ chuẩn bị của hồi môn phong phú, chọn ngày lành hành lễ, để phò mã chính thức cho nó danh phận thiếp thất.

Ban đầu, ta cũng lo Vận Quả Nhi bị Miêu hiền phi bức bách nên mới nói vậy, bèn nhờ Gia Khánh Tử lén hỏi lại tâm ý nó, Vận Quả Nhi vẫn đáp là tự nguyện, còn nói: “Tôi không giống công chúa. Công chúa là lá ngọc cành vàng, tất nhiên mong được gả cho một phu quân thập toàn thập mỹ, tài mạo song tuyệt, có thể ngâm thơ điền từ, đánh đàn vẽ tranh cùng người. Mà tôi sinh ra đã thấp kém, cũng chẳng có tài nghệ gì, tâm nguyện lớn nhất là lấy một tấm chồng có thể đối xử thiện lành với mình, tướng mạo tài học đều là thứ yếu, quan trọng nhất là tâm tính thiện lương. Phò mã là người tốt, hơn nữa còn là quý nhân. Cõi đời này, quý nhân hiền lành như chàng khẳng định chẳng mấy nhiều nhặn, tôi còn gì mà không vui đâu?”

Ngày lành chọn vào giữa tháng Mười. Chỉ còn cách ngày nạp thiếp không đến một tháng mà Lý Vĩ chẳng có vẻ gì là vui mừng, nhìn thấy Vận Quả Nhi cũng vẫn y như trước, không chú ý bao nhiêu. Trong lúc Vận Quả Nhi tích cực thêu áo cưới, hắn cũng đồng thời dồn càng nhiều tinh lực hơn vào sưu tầm thư họa và thưởng thức phẩm định, cả ngày ngâm mình trong phòng sách, tưởng chừng như đống quyển trục chất cao như núi kia còn giống tì thiếp mà hắn sủng ái hơn Vận Quả Nhi.

Ngày nào hắn cũng đi thăm công chúa, song chỉ cần thấy ta có mặt là chẳng nói quá hai câu đã vội vàng cáo lui như sợ quấy rầy chúng ta. Tư thái hèn mọn dị thường ấy làm ta cứ canh cánh áy náy mãi.

Sau một hồi cân nhắc chọn lựa đặc biệt khó khăn, một đêm nọ, ta gõ cửa gác hắn, nói với hắn: “Đô úy, chuyện nạp thiếp có thể hoãn lại ít ngày không?”

Cuối tháng Chín, lâm viên của Lý Vĩ kề bên Nghi Xuân Uyển đã xây xong, hắn lập tức mời công chúa tới đó chơi vài hôm. Để xây nên khu vườn này, hắn đã phải làm mất mấy năm, mà hiệu quả xác thực cũng không tệ, cây hoa trong vườn tôn sắc lẫn nhau, cảnh đẹp liên miên không dứt, vô cùng thịnh vượng, rất nhiều kỳ hoa dị thảo trồng bên trong đều là vận chuyển từ phương xa tới, đa số người trong kinh đều không kể được tên, lúc ngắm hoa, công chúa thuận miệng hỏi tên hai cây hoa, Lý Vĩ cũng rất để ý, ngay sau đó lệnh người chọn vài miếng ngọc Lam Điền làm biển tên, khắc tên hoa lên, treo lên cành mỗi một cây hoa, để công chúa xem là biết ngay.

Song đó cũng là một chuyện cố sức mà chẳng được lợi lộc gì. Công chúa xem rồi chỉ cười khẩy: “Nghe nói Án Thù từng chế nhạo bài từ phú quý Lý Khánh Tôn viết, ‘Trục bao khúc phổ chữ sách vàng, tên cây danh hoa biển ngọc khắc’, nói: ‘Ấy là cái tướng của phường giàu xổi. Nhắc đến phú quý chỉ nói mỗi vàng ngọc gấm hoa, không biết đến cái khí cái chất.’ Hôm nay hay lắm, có người lại đem cái biển ngọc của phường giàu xổi trong thơ treo trong vườn thật kìa.”

Câu này nàng nói riêng khi không có người ngoài, ta dặn người nghe chớ truyền đi, thế nên Lý Vĩ hoàn toàn không hay biết, có lần hắn hỏi thăm ta ý kiến của công chúa về lâm viên, ta chỉ nói mọi thứ đều tốt, có điều uyển chuyển khuyên hắn bỏ biển ngọc đi.

Bức hoành các nơi trong vườn đều bỏ trống, ý của Lý Vĩ là mời công chúa ban tên, song công chúa hoàn toàn chẳng có tâm tư ấy, bảo ta đặt tên, ta đương nhiên sẽ không làm cái chuyện vượt quá chức phận đó, bèn đề nghị Lý Vĩ mời đương kim danh sĩ tài tuấn khác đề tên bức hoành. Lý Vĩ cũng đồng ý tiếp nhận đề nghị của ta, lại hỏi mời ai thì ổn thỏa, ta nghĩ ngợi, đáp: “Mời Âu Dương nội hàn đi vậy. Ông ấy tài hoa xuất chúng, chữ viết cũng đẹp, người đời đều ca ngợi ông ấy là ‘chân học sĩ’, huống hồ nhiều năm nay ông ấy là người đã thảo rất nhiều chiếu lệnh liên quan đến công chúa, nghi thức hôn lễ của công chúa và phò mã cũng là ông ấy định, kể ra cũng là duyên phận hiếm có.”

Lý Vĩ cũng nghĩ như vậy, quyết định mời Âu Dương Tu tới vườn du ngoạn đề tên, lại nói khi trước thiết kế vườn từng trưng cầu ý kiến Thôi Bạch, không bằng hôm ấy cùng mở tiệc cảm ơn.

Hai ngày sau, Âu Dương Tu và Thôi Bạch đúng hẹn tới, đi cùng Âu Dương Tu còn có một văn sĩ trẻ tuổi, tuấn tú nho nhã, nom ngoại hình chưa quá ba mươi.

Lý Vĩ và ta đi trước đón khách, thấy vị văn sĩ kia lạ mặt, Lý Vĩ bèn mời Âu Dương Tu giới thiệu, Âu Dương Tu cười khà khà, nói: “Ban nãy tôi đang định ra cửa thì vị khánh quý này lại đột ngột đích thân tới hàn xá, không khỏi mừng rỡ khôn xiết, muốn giữ cậu ta lại hàn huyên, song lại chẳng dám làm lỡ hẹn với đô úy, để vẹn cả đôi đường, bèn mặc kệ cậu ta phản đối, lôi thẳng cậu ta theo cùng, mong đô úy không trách tội.”

Văn sĩ kia phong độ tiêu sái, thanh tú hơn người, huống hồ lại được Âu Dương Tu tôn trọng như vậy, Lý Vĩ đương nhiên cũng nhìn ra được chàng tuyệt không phải người phàm, bèn thi lễ với văn sĩ kia, khách khí hỏi tên họ chàng. Âu Dương Tu định trả lời thay, văn sĩ kia lại ngăn y lại, tự mình nói: “Tôi xuất thân hàn vi, lại chỉ giữ một chức quan nhỏ chẳng thể làm rạng rỡ tổ tông, không dám nói tên họ mà làm bẩn tai quý nhân. Ở nhà tôi đứng thứ bảy, bằng hữu thường gọi là Thất lang, đô úy không chê thì cứ gọi vậy là được.”

Giọng điệu chàng không chút thất lễ, song thần sắc lạnh nhạt, ánh mắt nhìn Lý Vĩ mang ý ngạo mạn có thể cảm nhận được, từ đầu tới cuối chàng lại đây chuyến này quả đúng là vô cùng miễn cưỡng, cực kỳ không thuận ý nguyện chàng.

Sau hồi hàn huyên, Lý Vĩ đón họ vào vườn, cùng dạo chơi với Thôi Bạch đã đến từ trước, mời họ thưởng thức bình luận cảnh đẹp các nơi, Âu Dương Tu cũng vui vẻ múa bút, đề tên cho các đình đài lầu tạ.

Nghe nói Âu Dương nội hàn và Thôi Bạch cùng đến làm khách, công chúa rất có hứng thú, sai người nói với Lý Vĩ, muốn mời họ đến gác giữa nơi nàng ở dự tiệc, đến lúc đó họ ăn uống tán gẫu trong sảnh, nàng thì buông rèm ngồi một bên, chỉ nghe họ nói chuyện, bản thân sẽ không lộ mặt.

Lý Vĩ thoáng do dự, song vẫn đồng ý. Đến dạ yến, mọi người đều tới gác giữa, ai nấy vào bàn rồi, chỉ nghe tiếng khuyên vòng công chúa đụng nhau lanh canh, nàng thả nhẹ bước sen đi từ một cửa khác vào sảnh, đoan trang ngồi xuống sau bức rèm che buông rủ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play