Hôm sau, ta dẫn Bạch Mậu Tiên rời phủ công chúa, đi thẳng tới nhà Thôi Bạch.

Hiện giờ, Thôi Bạch đã là họa sĩ tiếng tăm vang khắp kinh sư, rất được sĩ phu tán thưởng, thường qua lại tụ tập hội nhã cùng văn nhân mặc khách, chỗ ở của gã cũng chuyển từ con ngõ chật hẹp khi xưa sang chốn giai cảnh gần chùa Tướng Quốc.

Ta tìm đến dinh họ Thôi qua sự chỉ dẫn của người đi đường, sau mấy cái gõ cửa, cửa nhà kẽo kẹt mở, một đứa bé chừng hơn mười tuổi thò đầu từ trong ra, mắt đảo tròn đánh giá ta, lại chẳng nói tiếng nào.

“Nguyên Du, khách tới là ai?” Ta nghe thấy tiếng Thôi Bạch vọng từ trong ra.

Ta bèn tự báo danh tính cho đứa bé kia, nhờ nó truyền báo thay mình.

Đứa bé gật đầu, chạy về, lát sau, Thôi Bạch đích thân ra đón, tươi cười xá dài với ta, liên thanh chào hỏi: “Đã lâu không gặp, Hoài Cát vẫn khỏe chứ?”

Sau hồi hàn huyên, gã dẫn ta vào, ta bận lòng việc mua tranh, vừa đi giản lược tự thuật nguyên do cho Thôi Bạch hay, hỏi gã có bằng lòng chọn vài tân tác cho ta dâng lên đế hậu không. Nghe xong, gã cười bảo: “Tôi vốn là người bị gạt bỏ khỏi Họa viện, sao dám trình mấy bức thô thiển này lên dâng cung ngự thưởng thức? Cơ mà kể cũng khéo thay, tôi đang uống trà thưởng họa, so tài đàm đạo cùng hai vị bằng hữu trong vườn, họa kỹ của họ đều không tục, cũng có tân tác ở đây, cậu đi xem xem, có bức nào hợp thì xin họ vài cuộn.”

Đang định hỏi lại gã hai vị bằng hữu ấy là ai, hành lang trước mắt đã quẹo ngoặt, gã dẫn ta vào sân vườn sau nhà.

Diện tích sân sau không lớn, nhưng bên trong trồng tùng trúc ngô đồng, ở giữa đào mương dựng cầu, thoáng đãng thanh vắng, đi mà như lạc vào trong tranh.

Bên cầu có một tòa đình nghỉ chân cất bằng tre trúc, bằng hữu Thôi Bạch đều ở trong đó, một vị tuổi ngoài năm mươi, đầu chít khăn dáng cao, thân bận áo giao lĩnh, đang vén tay áo, nhấc bút điểm tô cuộn tranh trên bàn, một vị khác xấp xỉ Thôi Bạch, tuổi chừng ba mươi, đầu chít khăn cao sĩ, thân bận áo tay rộng, ngồi bên bếp lò như đang đợi tiếng ấm đun sôi để rót nước hãm trà.

Thôi Bạch dẫn ta vào đình, giới thiệu ta với hai người kia trước, họ đều đi qua chào. Ta hỏi Thôi Bạch xưng hô với hai vị tiên sinh ra sao, gã cười không đáp, chỉ nói: “Cậu xem đại tác phẩm của hai vị tiên sinh đi đã.”

Ta dời gót tới bên bàn, xem tác phẩm vẽ dở của vị tiên sinh vừa mới chấp bút. Y vẽ một cội mẫu đơn, hoa không dùng bút phác mà lấy bột chu sa tô thành, kiều diễm tươi tắn, lại không mang khí khái bút mực, rất khác phép vẽ phác đắp màu của phái Hoàng thị thịnh hành trong họa viện.

Ta có ngay đáp án: “Họa hoa điểu không xương, mang phong vận cổ xưa, lại có sắc thái mới, tiên sinh hẳn là Sùng Tự tiên sinh, trưởng tôn Kim Lăng Từ thị.”

Kim Lăng Từ thị chỉ họa gia hoa điểu Từ Hi thời Nam Đường, Thôi Bạch vẫn luôn yêu thích phong cách tự do thanh nhàn của ông. Con cháu Từ Hi đều thiện tài đan thanh, trong đó có trưởng tôn Sùng Tự vẽ hoa cỏ theo “lối không xương”, kết hợp phong vận còn sót lại của tổ tiên với khí chất sang quý của Hoàng thị, đem lại sáng tạo mới cho giới hội họa quốc triều.

Ta đoán không sai, vị tiên sinh kia mỉm cười khom người: “Hổ thẹn quá, chính là Từ Sùng Tự bất tài tôi đây.”

Thôi Bạch lại cho ta xem một bức sơn thủy treo trên vách, nói đó là tác phẩm của vị tiên sinh còn lại. Ta ngắm nghía tỉ mỉ, chỉ thấy nét bút y khéo léo phong phú, mang chút âm hưởng của Lý Thành, vẽ non nước bốn mùa, gần xa, sâu cạn, mưa gió, sáng tối, sớm chiều mỗi cảnh một vẻ, núi non thanh tú, mây khói bảng lảng, ẩn trong sương là muôn hình vạn trạng, bút pháp bố trí rất độc đáo.

Ta ngẫm ngợi đôi chốc, cũng phỏng đoán được đại khái: “Cảnh núi bốn mùa dưới ngòi bút tiên sinh khôn cùng kỳ diệu, non xuân tươi tắn như đang cười, non hạ xanh biếc như giọt nước, non thu trong vắt như điểm trang, non đông tiêu điều như thiếp ngủ, bút lực bậc này ắt phải là Hà Dương Quách Hi.”

Ta tiếp tục đoán trúng. Quách Hi trợn tròn mắt, vô cùng kinh ngạc: “Tôi là phường áo vải quần đay, cư trú ở quận ngoài đã lâu, lại chẳng có xuất thân thế gia, tiếng lành đồn xa như Từ tiên sinh, sao trung quý nhân biết được tính danh kẻ hèn này?”

Ta ngậm cười đáp: “Mười năm trước, Tử Tây từng ca ngợi tiên sinh bút ý tinh tuyệt với tôi, mấy năm gần đây, một người bạn cũ ở Họa viện cũng đề cập đến mấy lần, trước đây tôi cũng từng có may mắn được thưởng thức danh tác của tiên sinh.”

Nửa ngày còn lại của hôm ấy trôi qua trong sự tiếp đãi nồng hậu của ba vị họa gia. Ngoài đình nước chảy lững lờ dưới kẽ đá, gió trúc vờn nuốt lẫn nhau, trong phòng khói bếp vấn vương, rèm quyện hương mực, bọn ta thưởng trà bình họa, nói cười vui vẻ, đến Tiểu Bạch và đứa bé tên Nguyên Du cũng vừa gặp đã thân, hai đứa nhỏ ngồi bên bờ nước, Nguyên Du tay nắm cành cây, lúc lúc lại vạch lên mặt đất, dạy Tiểu Bạch vẽ quạ trên cây.

Giữa chừng, ta trình bày ý định tới thăm, hai vị tiên sinh Từ, Quách mỗi người lấy ra vài tác phẩm mới, hào phóng đưa tặng, tất nhiên ta không chịu nhận không khoản đại lễ này, lệnh Tiểu Bạch lấy tiền bạc đưa họ, họ từ chối mấy lượt, thấy ta khăng khăng mới bằng lòng nhận về dăm đồng.

“Tử Tây thật sự không chịu tặng tôi bức tân tác nào đấy à?” Ta hỏi Thôi Bạch.

Gã cười cười, gọi Nguyên Du lại, nhỏ giọng dặn mấy câu, thằng bé chạy đi như muốn lấy vật gì.

Đứa nhỏ này lanh lợi thật. Ta nhìn bóng lưng nó mỉm cười, lại hỏi Thôi Bạch: “Đây là lệnh lang?”

Thôi Bạch phá ra cười, nói: “Nguyên Du họ Ngô, là học trò tôi.”

Sau đó, nụ cười gã phai nhạt, bổ sung: “Tôi vẫn chưa lấy vợ.”

Ta cụp mắt lặng thinh, mang biểu cảm lễ độ hòa nhã lẳng lặng nghe Từ Sùng Tự và Quách Hi cười trêu Thôi Bạch tầm mắt quá cao, thiên hạ trăm ngàn má hồng hiền đức mà gã chẳng coi trọng được một ai đón về làm vợ.

Lát sau, Nguyên Du mang một cuộn tranh tới, đưa cho ta bằng cả hai tay. Ta mở ra xem, thấy tranh vẽ phong cảnh sông thu, một con nhạn cô độc đứng bên bờ nước thưa thớt lau sậy, ngẩng đầu trông về phương xa, sắc thái tịch liêu.

Xế chiều, ta cáo từ nhóm Thôi Bạch, họ ra sức giữ lại, nói hiếm khi gặp được người hợp ý như vậy, không bằng ở lại một đêm, khuya nay bốn người nâng cốc tâm tình, ngày mai lại về cũng không muộn.

Đúng lúc này, chùa Tướng Quốc gần đó văng vẳng tiếng trống chiều, ta nghĩ đến một chuyện, chợt nảy ý khác, bèn gật đầu bằng lòng.

Sáng sớm hôm sau, ta vừa về tới trước cổng phủ công chúa đã thấy Trương Thừa Chiếu và Gia Khánh Tử song song ra nghênh, đồng thanh nói: “Cảm tạ trời đất, cậu về rồi!”

Ta kinh ngạc: “Hai người chờ tôi ở đây suốt đêm à? Xảy ra chuyện gì thế?”

Trương Thừa Chiếu vừa dắt ngựa cho ta, vừa kể: “Sau khi cậu đi, phò mã hẹn mấy người bạn chơi bóng trong sân gõ viên sau vườn. Bên sân đó vốn là lầu nghỉ của công chúa, công chúa nghe tiếng, bèn ra lan can xem thử. Trong đám bạn của phò mã có một gã đại khái đoán được bóng người sau rèm trên lầu là công chúa, nảy ý cợt nhả, cố tình phát lực đánh bóng vào một cuộn rèm trúc bên cạnh công chúa. Công chúa nổi giận, lập tức sai vài tiểu hoàng môn xuống dưới đuổi hết bạn bè phò mã đi. Phò mã ngẩn người đứng trong sân hồi lâu, không nhiều lời câu nào, nhưng quốc cữu phu nhân nghe được chuyện này lại không vui, chạy tới chỉ vào mặt bọn tiểu hoàng môn nhiếc mắng, văng tục chửi bậy, giọng lại to, công chúa nghe tức đến rơi lệ. Tôi vốn định dẫn mấy người xuống dưới đáp trả quốc cữu phu nhân vài câu, lại bị Lương đô giám quát ngưng, bảo tôi đừng sinh sự. Tôi đành nghe lệnh, nhưng cứ để thế sao công chúa nguôi giận cho được. Sau đó người ngồi trên lầu hờn dỗi cả ngày, mà cậu thì mãi không về, người chờ đến nửa đêm, lại lo cậu gặp chuyện không may, phái rất nhiều người ra ngoài tìm kiếm, bản thân thì càng chờ càng cuống, nhịn không được khóc nức…”

Ta lập tức tăng tốc độ, hỏi: “Công chúa giờ đang ở đâu?”

Gia Khánh Tử đáp: “Trong sảnh gác ngủ ạ, thức trắng một đêm, bây giờ hãy còn đang đợi tiên sinh đấy.”

Lúc trông thấy công chúa, nàng quả thực hốc hác võ vàng, hai mắt sưng đỏ như trái đào, làn da xám xịt thiếu ánh sáng, đầu vẫn để kiểu tóc hôm qua, giờ đã có vài sợi bung xõa.

Thấy ta tiến vào, ánh mắt nàng chớp lóe, vô thức đứng dậy, song sắc mặt thoắt sa sầm, quở ta: “Đã có chỗ tiêu dao bên ngoài thì còn về làm gì?” lại nhìn tả hữu, ra lệnh: “Lôi hắn ra đánh chục hèo cho ta!”

Nội thần thị nữ chung quanh đều trộm cười, không ai bước lên lôi ta ra ngoài.

Ta tủm tỉm lại gần, tay nâng một bọc giấy đưa tới trước mặt nàng. Nàng cáu kỉnh nghiêng đầu, nhưng hẳn là đã ngửi thấy hương vị tỏa ra từ đó, do dự đôi lát, cuối cùng vẫn hỏi ta: “Cái gì đây?”

“Thịt lợn nướng của vị đại hòa thượng viện Thiêu Chu chùa Tướng Quốc đó ạ.”

Quả nhiên gợi lên được lòng hiếu kỳ của nàng, nàng cụp mắt nhìn. Ta vừa mở gói đồ, vừa giải thích: “Chỗ thần tìm mua tranh ở ngay cạnh chùa Tướng Quốc. Bàn bạc xong xuôi rồi thì sắc trời đã tối, thần nhớ ngày trước công chúa từng nhắc đến thịt nướng viện Thiêu Chu, nảy ra ý định đợi đến hừng đông, mua một miếng nóng hổi về cho công chúa, bèn nhận lời bạn bè ngủ lại một đêm. Hôm nay, trời còn chưa sáng thần đã sang viện Thiêu Chu, chờ miếng đầu tiên nướng xong là mua ngay về.”

Nàng lập tức hỏi vấn đề mình quan tâm: “Huynh gặp được đại hòa thượng chưa? Ông ta trông thế nào?”

“Tiếc là vẫn chưa.” Ta than thở, “Người ta làm ăn lớn rồi cũng kiêu ngạo ghê lắm, bây giờ thịt toàn để đồ đệ nướng thôi, bản thân dứt khoát không tiếp khách nữa.”

“Ôi…” Đáp án này làm nàng buồn thiu.

Ta nhân cơ hội đưa cho nàng một que trúc đã xiên sẵn thịt nướng, nàng cũng nhận lấy, nhìn nhìn, lại ngửi ngửi thăm dò, tựa hồ chuẩn bị thưởng thức, vẻ mặt làm ta không khỏi rộ cười, bấy giờ nàng mới hồi thần lại, ý thức được mình đáng ra phải đang cáu  giận mới đúng, thế là vừa thẹn vừa tức ném miếng thịt xuống đất, “hứ” một tiếng, ngồi xuống quay đầu đi không nhìn ta.

Bốn phía rộn lên khe khẽ tiếng cười vụn. Công chúa cả giận: “Cười cái gì? Lui xuống hết cho ta!”

Mọi người ngậm cười ưng thuận, lần lượt hành lễ rồi rời đi, chỉ có Gia Khánh Tử là không đi xa mà đứng hầu ngoài cửa.

Thấy trong phòng chỉ còn lại ta và công chúa, ta mới đặt thịt nướng sang một bên, thành khẩn xin lỗi nàng: “Lần này thần chưa xin phép công chúa đã ngủ lại bên ngoài, ấy là tội thứ nhất; tự ý rời cương vị, không bảo vệ công chúa kịp thời, ấy là tội thứ hai; cả đêm không về, làm công chúa lo lắng, ấy là tội thứ ba. Thần thực sự biết tội, xin cam đoan với công chúa, về sau sẽ không tái phạm nữa, mong công chúa lượng thứ.”

Ta đợi một lúc, thấy nàng vẫn bất động, không có ý định đáp lời, bèn nói thêm: “Nếu công chúa không bằng lòng khoan thứ cho thần thì xin hãy cho thần tạm thời cáo lui, đợi thu xếp xong xuôi việc mua thư họa rồi sẽ cởi mão lột giày, qua đây quỳ gối tạ tội với công chúa.”

Nói đoạn, ta lùi ra sau mấy bước rồi xoay người định ra cửa, công chúa vẫn trầm mặc nãy giờ chợt rảo bước nhào tới, ôm lấy hông ta từ đằng sau.

Ta không khỏi run lên, bước chân dừng sững. Gia Khánh Tử ngoài cửa nghe tiếng, ngoái đầu nhìn lại, cũng bị dọa cho hết hồn, đỏ mặt quay đầu tránh đi.

“Không phải ta giận huynh,” Công chúa ôm chặt ta, áp một bên má lên lưng ta, thầm thì: “Là ta sợ không gặp lại huynh được nữa… Huynh ra ngoài một ngày mà ta ở đây như sống mòn một năm. Giả sử huynh rời bỏ ta, ta thà tức khắc chết luôn đi cho rồi.”

Ta im lặng đứng yên bất động, nhất thời không có bất kỳ hồi đáp nào. Nỗi bi thương của nàng như cơn mưa bất chợt giữa hạ, một lần nữa làm ướt cõi lòng ta. Một niềm thương cảm không thể gọi tên hòa cùng nước mắt nàng men theo nếp áo ta, từ từ thấm vào trái tim ta.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play