Ngày ấy, vài vị đô tri trong cung đã có một trận tranh luận về thủ tục phát tang cho Trương quý phi, đa số cho rằng kim thượng đã có ý truy phong, không bằng dời luôn linh cữu Trương quý phi sang Hoàng Nghi Điện, mà Trương Duy Cát thì ra sức gạt bỏ ý kiến đó, kịch liệt phản đối, nói việc này cần để mai bàn bạc với tể chấp rồi hẵng quyết định.

Sau khi Văn Ngạn Bác bãi tướng, kim thượng lại vời Trần Chấp Trung về, khôi phục tướng vị cho ông. Ngày kế trên triều, Vương Củng Thần tranh luận trước quần thần, kiên trì thỉnh cầu phát tang tại Hoàng Nghi Điện. Trần Chấp Trung thấy kim thượng cũng có ý đó, sau cùng gật đầu đồng ý, mời tham tri chính sự Lưu Hàng làm giám hộ sứ, phụ trách xử lý thủ tục tang lễ cùng nhóm Thạch Toàn Bân.

Khi tin tức này truyền tới trong cung, Trương Duy Cát đầm đìa nước mắt, vọng về chính điện quỳ lạy khấu đầu, khấu đến trán loang lổ máu.

“Bệ hạ!” Y nghẹn ngào, cao giọng chất vấn, “Không giữ ngay đích thứ thì biết lấy gì mà quản trong ngoài, lập uy nghi, bình thiên hạ?”

Người chống đối việc Trương quý phi không chỉ có mình y. Ngày kế, kim thượng tuyên bố hoãn triều bảy ngày, bốn ngày sau truy phong Trương quý phi làm hoàng hậu, sau đó lại lục tục hạ chiếu, định ngày kị, lập điện thờ, soạn nhạc cúng tế miếu hoàng hậu cho ả. Mỗi quyết định trong đây đều gặp phải sự phản đối của đại đa số thần tử dẫn đầu là đài gián, tấu chương can gián tấp nập được trình lên kim thượng, song, có lẽ đúng như hoàng hậu nói, kim thượng cảm thấy đây là chuyện cuối cùng ngài có thể làm cho quý phi, bởi vậy nên triệt để phớt lờ những người phản đối này, cái duy nhất tiếp thu là ý kiến sửa đổi thụy hiệu cho Trương thị của xu mật phó sứ Tôn Miện.

Thoạt đầu, kim thượng ban thụy cho Trương thị là “Cung Đức”, cái tên thụy mỹ miều này hiển nhiên thiếu ăn khớp nghiêm trọng với cuộc đời của ả, quần thần nghe mà cười khẩy. Sau, Tôn Miện tìm một lý do có thể khiến kim thượng dễ dàng tiếp nhận tới tiến gián: “Thụy hiệu của bốn vị hoàng hậu vua Thái Tông đều dùng chữ ‘Đức’, chính là rút từ miếu thụy của Thái Tông (*). Nay tên thụy Cung Đức này là căn cứ theo đâu?” Cuối cùng kim thượng nghe lời thỉnh cầu của y, đối thụy hiệu của Trương thị thành hai chữ chẳng lạnh chẳng nóng, “Ôn Thành”.

(*) Hoàng đế Trung Hoa cổ đại sau khi mất sẽ được truy tôn ba danh hiệu: miếu hiệu, thụy hiệu, miếu thụy. Lấy ví dụ như vua Tống Thái Tông trong đoạn, “Thái Tông” chính là miếu hiệu; thụy hiệu của ông là Thần Công Thánh Đức Văn Vũ hoàng đế, đặt theo cách đối nhân xử thế và cống hiến của ông khi còn tại thế; miếu thụy cũng khái quát và tổng kết cuộc đời hoàng đế như thụy hiệu nhưng được đúc kết chỉ trong một chữ, bao hàm cả ưu và khuyết điểm, ở đây ta được biết, miếu thụy của Tống Thái Tông là Đức.

Bởi lời can gián không được tiếp nhận nên phần đa quan viên đài gián đều tự xin điều chức ra ngoài. Sau đó, bởi tang lễ của Trương thị vượt quá lễ chế, hai quan viên lễ viện, đồng tri thái nghi lễ viện, thái thường bác sĩ, tập hiền giáo lý Ngô Sung và thái thường tự thái chúc, tập hiền giáo lý Cúc Chân Khanh đã giao trực lễ quan thừa hành tang nghi cho phủ Khai Phong trị tội, do đó chọc giận đám chấp chính Lưu Hàng phụ trách lo liệu tang ma, liền kiến nghị kim thượng giáng Ngô Sung làm tri Cao Bưu quân, Cúc Chân Khanh làm tri Hoài Dương quân.

Không bao lâu sau, một tờ triều báo có tin tức về Phùng Kinh lặng lẽ được người trong hậu cung truyền đọc: trực tập hiền viện, phán lại bộ nam tào, đồng tu khởi cư chú Phùng Kinh mất chức đồng tu khởi cư chú.

Chi tiết vụ việc cũng chẳng khó nghe ngóng: Trước đó chàng dâng sớ luận bàn nhóm người Ngô Sung không nên bị biếm truất, ngôn từ thẳng thắn, nói nhóm Ngô Sung làm vậy là để giữ gìn lễ pháp nghi chế, chẳng có gì là sai trái, ngược lại, việc tang lễ Ôn Thành vượt quá lễ chế cho thấy kim thượng nhẹ tình thái miếu nặng lòng tỳ thiếp, gây tổn hại lớn lao đến thánh đức, cần truy cứu trách nhiệm kẻ lo liệu tang ma. Chấp chính Lưu Hàng nổi giận, lập tức xin kim thượng điều Phùng Kinh đi tri Hào Châu, nhưng lần này, kim thượng không chấp thuận, nói: “Phùng Kinh thẳng thắn luận sự thì có tội tình gì?” Cho nên chỉ tạm thời giải trừ chức vụ đồng tu khởi cư chú của chàng, không cho chàng làm thực lục trong thời gian này.

Đối với chàng trạng nguyên từng vang động kinh thành năm nào, trước sau kim thượng vẫn luôn có lòng quý mến như với con cháu. Chưa được mấy tháng đã lại một lần nữa phục chức cho chàng, lệnh chàng chấp bút ghi chép sinh hoạt thường ngày.

Trọn năm Chí Hòa thứ nhất, trong cung ngoài đình đều bị bao trùm trong bóng tối của một loạt sự kiện do cái chết của Ôn Thành gây ra. Giữa tháng Mười, Trương Duy Cát, lão nội thần một lòng trung thành với hoàng hậu, từ giã cõi đời. Người đau buồn vì mất mát này không chỉ là hoàng hậu mà y bảo hộ nhiều năm, cũng không giới hạn trong nhóm đồng liêu, bằng hữu hay thuộc hạ như Bùi Tương, Đặng Bảo Cát, Trương Mậu Tắc và ta, mà còn bao gồm cả hoàng đế từng cự tuyệt nghe y khuyên nhủ, khăng khăng truy phong Trương quý phi.

Ngày nghe tin Trương Duy Cát qua đời, kim thượng cũng rơi lệ đẫm mặt, đích thân đến viếng, cũng định thụy hiệu cho Trương đô tri là “Trung An”.

Về phía đại thần trong triều, tin tức tốt nhất trong năm nay hẳn là Âu Dương Tu nhận lệnh hồi kinh.

Tháng Chín năm Chí Hòa thứ nhất, kim thượng phong Âu Dương Tu đã bị điều ra ngoài nhiều năm làm hàn lâm học sĩ kiêm sử quán tu soạn.

Mãi đến tháng Giêng năm Chí Hòa thứ hai, ta mới được nhìn thấy y lần đầu. Ngày ấy, ta và Trương Thừa Chiếu có việc cần ra ngoài, lúc đi ngang qua Hàn uyển, vừa vặn trông thấy y cầm một cuộn công văn đi ra, Trương Thừa Chiếu vội nhỏ giọng bảo ta xem, đánh mắt ra hiệu về phía y, nói: “Đó chính là Âu Dương Tu!”

Nếu ấn tượng ban đầu Vương Củng Thần để lại cho ta là thanh bần, Phùng Kinh là tú mỹ, vậy vị danh sĩ ta ngưỡng mộ đã lâu này nên dùng từ gì để miêu tả đây?

Tang thương.

Phải, phong sương năm tháng đã nhuộm trắng tóc mai y, hai hàng lông mày hơi rủ xuống, ấn đường có hai ba nếp nhăn không đều, khiến y trong trạng thái bình tĩnh cũng như đang chau mày thở dài.

Y nhìn thẳng đi qua trước mặt bọn ta, bước chân thong thả, trên mặt có bọng mắt rõ ràng, con mắt lại lõm xuống, trong mắt cũng có thần thái, song chẳng hề sáng ngời như Phùng Kinh hay sắc sảo như những quan viên đài gián còn trẻ tuổi như Đường Giới, đó là thứ ánh sáng ẩn tài, tựa như ánh lên từ một miệng giếng cổ.

Đợi y đi xa rồi, ta hỏi Trương Thừa Chiếu: “Âu Dương học sĩ năm nay bao tuổi rồi?”

Hắn nhìn trời bấm ngón tay tính tính, đáp: “Hình như bốn mươi tám.”

“Mới có bốn mươi tám?” Ta kinh ngạc vô cùng, “Trông lại già cỗi thế kia.”

“Đúng vậy, y già chóng thật.” Trương Thừa Chiếu nói, “Nghe nói năm ngoái y hồi kinh báo cáo công tác, quan gia thấy tóc mai y điểm bạc, khắp mặt toàn nếp nhăn thì không cầm được muốn rơi lệ, liên tiếp hỏi y: ‘Khanh năm nay bao tuổi? Ra ngoài đã mấy năm?’ Không lâu sau thì vời y về, hiện giờ thăng y làm hàn lâm học sĩ, đối đãi với y cực tốt, có thấy không, nhìn thế này xem chừng lại triệu y đi tiện điện rồi… Công văn y cầm theo không biết là chiếu lệnh gì nữa.”

Sau nữa, chúng ta biết được cái Âu Dương Tu cầm đi ngày ấy không phải là chiếu lệnh mà là tấu sớ can gián tự tay y trình lên hoàng đế. Trước đó kim thượng tuyên bố muốn đi viếng lăng tẩm tổ tông, quần thần đều nhìn ra thực chất là ngài đang mượn cớ đi cúng tế lăng miếu Ôn Thành. Âu Dương Tu tuy đã không còn là ngôn quan nhưng vẫn đặc biệt soạn tấu chương luận bàn việc này, nói kim thượng thánh đức nhân hiếu, không thể để trong ngoài bàn tán nói ý hoàng đế là ở hồi tưởng sủng ái hậu cung, mượn danh yết kiến tổ tông, làm tổn hại đến thánh đức, “Hành động của bệ hạ là mẫu mực muôn đời, không thể không thận trọng.”

Lần tiến gián này cũng được kim thượng tiếp nhận, sau đó kim thượng đi viếng lăng tẩm có qua miếu Ôn Thành mà không vào.

Đến trước đoan ngọ năm Chí Hòa thứ hai, kim thượng lệnh cho quan thần thi từ của Hàn uyển lúc viết thiếp đoan ngọ thì viết cho gác Ôn Thành mấy bộ. Lúc này Vương Củng Thần đã được điều sang làm tam ty sứ, không còn ở trong Hàn uyển, hàn lâm học sĩ nhìn nhau, chẳng mấy tình nguyện viết cho gác Ôn Thành. Sau, phần của các gác khác đều đã viết xong trình vào cung mà của gác Ôn Thành lại chậm chạp mãi chưa dâng. Kim thượng không vui, chư học sĩ nghe thấy không khỏi sợ hãi, nhưng làm thế nào cũng không có cảm hứng mà viết được. Cuối cùng, là Âu Dương Tu nhận nhiệm vụ này.

Thiếp y viết nhanh chóng được đưa vào hậu cung, người trong cung đều tranh nhau lại xem, thấy y viết cho gác Ôn Thành bốn bài, ba bài đầu là:

Lá rậm hoa đơm chùm, tổ yến ló chim non. Lòng vua nhiều cảm cựu, còn ai dâng binh phù.

Ban mai rọi huy hoàng, dâm bụt ánh chói rạng. Hồng nhan chóng điêu tàn, khác nào cánh hoa tan.

Sợi màu ai biết đường nối mệnh, tráp ngọc bỏ trống khóa di hương. Gác châu không người hè đằng đẵng, đầu bạc níu giữ mùa tiếc thương.

Song ta nghĩ, ý chân chính y muốn biểu đạt nằm ở bài thứ tư:

Lưu luyến cảnh vật trời năm cũ, người đi hoa nở càng thêm thương. Thánh chủ anh minh đâu lụy sắc, cần chi tây quốc hồi hồn hương.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play