1. Cung loạn

Nửa đêm hôm ấy, ta choàng tỉnh, hoảng sợ ngồi dậy, chỉ cảm thấy trống ngực đập dồn, xao động bất an như lúc ban ngày. Còn đang suy ngẫm xem có khi nào là bởi mơ thấy ác mộng gì không thì một trận âm thanh hỗn loạn bất thường đã như thủy triều trào vào qua cửa sổ.

Trận âm thanh nghe lao xao loạt xoạt, như dùng siêu đồng đun nước, sôi chẳng ra sôi. Cẩn thận phân biệt thì có thể chia động tĩnh này ra làm mấy lớp, có tiếng nhiều người ồn ào phương xa, cũng có tiếng bước chân sầm sập ngoài tường, thỉnh thoảng còn xen lẫn tiếng vó ngựa phi nước đại…

Tiếng vó ngựa? Ta nhất thời cảnh giác. Đây là hậu cung, ngày thường đến xe kiệu còn chẳng được vào, giục ngựa băng qua lại càng bị cấm ngặt.

Ta nhanh chóng khoác áo rời giường, vừa đội khăn chít đầu đeo đai lưng da, vừa mở cửa ra khỏi phòng, chạy thẳng tới cửa gác, mở hé, ngó ra ngoài.

Phía đông Phúc Ninh Điện có ánh lửa lay động, còn có tiếng người gào la, động tĩnh tạp nham bòng bong rối loạn, khoảng cách quá xa, nghe không được rõ lắm, mà trước mặt ta thì thi thoảng lại có hoạn giả bận những màu áo khác nhau đi ngang qua, đều xách đao cầm gậy, trong đó có cả hoạn quan đương quyền cưỡi ngựa, vội vã phóng về phía Phúc Ninh Điện. Ngẫu nhiên nghe được dăm câu đối thoại của hai, ba người, hình như là nói “Hoàng hậu triệu gấp đô tri lưỡng tỉnh” gì đó.

Đằng sau ta cũng lục tục có người từ trong gác chạy ra sân, đến Miêu thục nghi cũng dắt công chúa đang ngái ngủ đi ra, trắng bệch mặt hỏi ta đã xảy ra chuyện gì. Ta xòe tay đáp không biết, đề cử quan (*) Nghi Phượng Các Vương Vụ Tư lập tức bước gấp tới cạnh cửa, tự mình thò đầu ra nhìn.

(*) Thời Bắc Tống, đây là tên chức quan chủ quản một sự vụ chuyên biệt, ở đây thì là quản lý sự vụ và nhân sự trong Nghi Phượng Các.

Đúng lúc này, một cận thị (*) Phúc Ninh Điện chạy vụt tới, dọc đường kêu to: “Hoàng hậu truyền khẩu dụ: Chư nương tử đóng gác chớ ra, hoạn giả trong gác lấy khí giới bảo vệ xung quanh, không được tự tiện mở cửa gác!”

(*) Tức nội thị thân cận hầu vua.

Vương Vụ Tư nghe vậy cấp tốc lệnh nội thị trong gác tìm khí giới có thể dùng canh phòng trong sân, lại sai ta dẫn hai tiểu hoàng môn đi sang Phúc Ninh Điện: “Thứ nhất thám thính tin tức, thứ hai… Nếu có biến cố thì phải tham gia bảo vệ quanh tẩm điện của quan gia, ra sức hộ đế hậu chu toàn.”

Ta đáp ứng, dẫn tiểu hoàng môn chạy tới Phúc Ninh Điện, cánh cửa Nghi Phượng Các đóng lại, tức thì khép kín.

Vừa chạy đến trước Phúc Ninh Điện thì gặp được Trương Mậu Tắc tiên sinh đã chạy tới nơi. Thầy nghiêng người xuống ngựa, mau chóng vào điện. Ta lập tức rảo bước bắt kịp, hỏi thầy: “Trương tiên sinh, xảy ra chuyện gì thế ạ?”

Vẻ mặt thầy nghiêm trọng, chân không dừng bước, vừa đi vừa trả lời đơn giản: “Một vài thân tòng quan Sùng Chính Điện vượt Diên Hòa Điện vào cung, hiện đang ở sau Phúc Ninh Điện.”

Thân tòng quan làm việc ở các khu vực hoàng đế xử lý chính sự, thuộc về cấm vệ, không phải nội thị, thế nên không thể vào trong cung cấm, huống hồ là ban đêm. Nghe ý có vẻ như là thân tòng quan làm phản, muốn mưu đồ bất chính. Diên Hòa Điện nằm ở phía bắc Phúc Ninh Điện, tức đằng sau tẩm điện của kim thượng, nói như vậy, bọn giặc này hiện giờ chỉ cách đế hậu một bức tường.

“Có bao nhiêu người?” Ta hỏi Trương tiên sinh.

Thầy đáp: “Vẫn chưa biết.”

Ta theo thầy vào điện, thấy đế hậu đang ngồi trên ngự tọa, đều đã ăn mặc chỉnh tề, riêng hoàng hậu thì chưa đội miện, chỉ vấn sơ một búi tóc, kiểu dáng tuy đơn giản song vẫn không rối một sợi. Nhóm đô tri và áp ban chạy đến đầu tiên có vài người đang đứng trong điện, một số khác thì ở ngoài điện quan sát, đại khái là bởi không biết số lượng bọn giặc nên tạm thời không dám manh động, chỉ thủ chặt hai bên cửa hậu thông vào Diên Hòa Điện, theo dõi gắt gao.

Hoàng hậu thấy Trương tiên sinh đi vào, chân mày vốn đang nhíu chặt thoáng giãn ra một chớp mắt, lập tức ra lệnh khóa chặt cửa viện đại điện, sau đó nhìn Trương tiên sinh, môi mấp máy, đang định nói gì với thầy thì chợt nghe sau điện vang lên tiếng con gái kêu thảm thiết, giọng tột độ thê lương.

Kim thượng nghe thấy, sắc mặt thay đổi. Âm thanh đó không ngừng truyền vào, kêu đau khóc thảm, tiếng sau dữ dội hơn tiếng trước, kim thượng lập tức quay sang hỏi cận thị Hà Thừa Dụng đứng bên cạnh: “Giặc bắt đầu đả thương người rồi?”

Hà Thừa Dụng ra ngoài điện xem xét rồi quay về bẩm: “Quan gia đừng lo lắng, đó chỉ là cung nhân trong gác gần đây đánh con gái nuôi của mình mà thôi.”

Hoàng hậu tức thì đập bàn, phẫn nộ khiển trách: “Giặc đã đang giết người trong cung rồi mà ngươi còn dám mở miệng vọng ngôn ở đây, dối vua khi quân!”

Hà Thừa Dụng sợ hãi, lập tức quỳ xuống tạ tội. Hoàng hậu không để ý tới hắn nữa mà phân phó Trương tiên sinh: “Bình Phủ, ngươi dẫn người tìm vài thùng chứa, đổ đầy nước mang lại đây, càng nhiều càng tốt.”

Trương tiên sinh cũng không hỏi nguyên nhân, lập tức nghe lệnh, ra hiệu bảo ta theo thầy ra ngoài, lại lệnh người hầu đằng sau đi theo, còn hiệu triệu mọi người ngoài điện tìm thùng đổ đầy nước mang tới, đặt từng thùng bên tường dưới hiên.

Ta thấy sau điện không ngừng bập bùng ánh lửa đỏ, chợt hiểu ra, hoàng hậu sợ giặc phóng hỏa.

Quả nhiên, một lát sau, giặc không tìm được cửa điện để vào liền bắt đầu đốt phá, châm lửa rèm trướng dưới mái cong giữa Diên Hòa Điện và Phúc Ninh Điện, ngọn lửa lan ra, cháy tới mép ngoài điện Phúc Ninh, may mà chư hoạn giả đã sớm có chuẩn bị, đồng thời hắt nước từ trong tường ra ngoài, nhanh chóng dập tắt đốm lửa xung quanh.

Dập lửa xong, trong ngoài đại điện mù mịt hơi khói, mọi người nối nhau bôn tẩu giải quyết hậu quả, ngoài cửa chính đại điện lại như có đám người khác tới, gõ mạnh cửa, góp thêm một hồi ầm ĩ.

Người trong điện nhìn nhau biến sắc, chỉ nghi là giặc đi vòng tới ngoài cửa chính, đúng lúc này, ngoài cửa vọng vào tiếng hô gọi yêu kiều: “Quan gia, là thần thiếp, xin hãy mở cửa!”

Ai nấy đều nghe ra được là giọng của Trương mỹ nhân. Thần sắc kim thượng dịu xuống, lập tức sai người mở cửa cho ả vào.

Trương mỹ nhân dẫn theo một đám hoạn giả vào, vào điện rồi ào lên, nhào vào dưới đầu gối quan gia, khóc nói: “Thần thiếp hộ giá tới chậm, xin quan gia thứ tội.”

Kim thượng đỡ ả lên bằng cả hai tay, dịu dàng hỏi ả: “Nàng tới làm gì? Ở đây nguy hiểm, không phải hoàng hậu đã bảo các nàng đóng gác chớ ra sao?”

Trương mỹ nhân mắt hàm lệ nóng, đáp giọng tha thiết: “Quan gia thân trong hiểm cảnh, thần thiếp sao dám đóng gác sống trộm? Quan gia gặp nạn, thần thiếp quyết không làm ngơ bỏ mặc, chỉ cầu sống chết có nhau, xin quan gia cho thiếp được ở bên hầu hạ.”

Nghe được lời này, kim thượng rất lấy làm cảm khái, nâng tay áo lau nước mắt cho Trương mỹ nhân, lại để ả ngồi xuống bên cạnh, một trái một phải cùng hoàng hậu, chẳng khác nào ngang hàng.

Trương mỹ nhân đánh mắt liếc hoàng hậu, ra chiều tự đắc, lại lệnh hoạn giả mình dẫn tới bảo vệ ngoài điện. Hoàng hậu cũng chẳng so đo, chỉ hỏi Nhậm Thủ Trung đứng gần đó: “Giặc không tới tiến đánh cửa chính, chứng tỏ nhân số cũng không nhiều. Điều vài nội thị vòng ra sau điện đối phó với giặc liệu có được chăng?”

Vẻ mặt Nhậm Thủ Trung khó xử, đáp: “Nhưng bây giờ nội thị trong Phúc Ninh Điện cùng lắm chỉ chừng mười người, giặc là thân tòng quan, trong tay có binh khí, nếu nhân số chúng đông thì chỉ sợ…”

“Nương nương,” Trương tiên sinh bước lên ngay lúc này, nói, “Thần nguyện ra trước.”

Hoàng hậu chẳng đáp được hay chớ, sắc mặt thê lương, khẽ nhếch khóe miệng với thầy, nhưng nét tối tăm này chỉ vụt lướt trong sát na, bà ngồi thẳng trở lại, sai thị nữ bên người mang một cái kéo đến, tự tay cầm lấy rồi giương lên, quay sang nội thị trong điện, nghiêm túc nói: “Ai sẵn lòng ra trước bắt giặc thì qua đây để ta cắt một đoạn tóc nhận biết. Ngày mai bình xét thưởng công sẽ dùng đoạn tóc này của các ngươi làm chứng.”

Đám nội thị nhìn nhau, hãy còn hơi do dự. Ta yên lặng đi tới, quỳ xuống trước mặt hoàng hậu, cúi đầu gỡ khăn chít đầu xuống.

Sau một trận bặt thinh ngắn ngủi, hoàng hậu cởi dây buộc tóc của ta ra, cắt lấy một lọn tóc.

Hai tiểu hoàng môn đi theo ta cũng lần lượt bước lại quỳ xuống, xin hoàng hậu cắt tóc, hoạn giả noi theo càng lúc càng nhiều, cuối cùng, gần như mọi nội thị trai tráng trong điện đều tỏ chí.

Hoàng hậu lại nhìn sang Trương tiên sinh, nói với những nội thị đã cắt tóc: “Các ngươi hãy theo Trương Mậu Tắc, tất cả đều nghe y sai khiến.”

Mọi người đồng thanh ưng thuận, Trương tiên sinh bái biệt hoàng hậu, lĩnh người ra, đi tới cạnh cửa lại xoay người hỏi hoàng hậu: “Đám giặc ấy có cần bắt sống không ạ?”

Hoàng hậu nói: “Nếu chúng khoanh tay chịu trói thì giữ mạng, nếu chống cự, giết bất luận tội!”

Kim thượng nghe đến bốn chữ “giết bất luận tội”, không khỏi có phần cả kinh, nghiêng đầu nhìn bà. Hoàng hậu mím nhẹ môi, ánh mắt lạnh lẽo, thái độ kiên quyết. Thần sắc ấy ta nhìn cũng thầm rùng mình trong bụng. Thường ngày trông thấy hoàng hậu, chỉ cảm thấy bà hiền từ hòa ái, thanh cao tao nhã, chân chính là trang đệ nhất sắc tài quốc gia (*). Mà giờ xem hành vi thái độ thế này, lại nghĩ đến xuất thân tướng môn của bà, chỉ huy ra lệnh mang vẻ thong dong trấn tĩnh của tướng soái, cũng có phần lạnh lùng quyết tuyệt của người trên chiến trường.

(*) Câu này lấy từ bài Quân tử giai lão số 3 thiên Quốc phong trong Kinh thi, bản dịch của Tạ Quang Phát.

Trương tiên sinh phân một nhóm người vòng qua Di Anh Điện đằng sau Sùng Chính Điện và Diên Hòa Điện trước, bảo vệ cửa ra, rồi dẫn chúng ta tới một bên cửa hông Diên Hòa Điện, nghe ngóng một lát không thấy trong cửa có động tĩnh gì, bèn sai người lên tường xem xét, báo cáo trở về nói cũng không trông thấy bọn giặc, lúc này mới cẩn thận mở cửa ra.

Ngoài cửa trong sân quả nhiên không có bóng giặc, chỉ có một cung nhân bị chém đứt nửa cánh tay ngất trên mặt đất. Trương tiên sinh bảo người khiêng cung nhân đi, lại đánh mắt ra dấu về phía Diên Hòa Điện, nói: “Giặc có khả năng đang trốn trong đó.”

Cửa sổ và cửa chính Diên Hòa Điện đóng chặt, thoạt nhìn bên trong tối đen như mực, cũng không nghe thấy có tiếng động gì, song, bầu không khí đồng thời cũng rất kỳ dị, như bóng gió ám chỉ trong đó đầy rẫy mối nguy, phảng phất một mùi vị rùng rợn khó tả. Mọi người dừng chân, không tiến thêm nữa.

Trương tiên sinh cụp mắt trầm ngâm, ngẫm nghĩ rồi hỏi một nội thị thuộc Phúc Ninh Điện: “Pháo hoa tạo khói dùng để kết núi đèn màu trước Phúc Ninh Điện tháng trước bây giờ có còn không?”

Nội thị trả lời: “Hẳn là vẫn còn, để tôi đi tìm.”

Anh ta mau chóng tìm về một lượng lớn pháo hoa. Trương tiên sinh chia cho mấy thuộc hạ, lệnh họ bí mật đi tới dưới cửa sổ Diên Hòa Điện, đốt pháo hoa, đâm thủng vải che cửa sổ, ném pháo hoa bốc khói mù mịt vào trong nhà. Rất nhanh sau đó, bên trong truyền ra tiếng chửi mắng và ho sặc thưa thớt.

Trương tiên sinh nghe tiếng thở phảo: “Cũng không có bao nhiêu người.” rồi xách đao sải bước qua, tung chân đạp mở cửa.

Chuyện tiếp đó thực chất cũng chẳng thể gọi là một trận ác chiến. Kể cũng thật nực cười, giặc bên trong ấy vậy mà lại chỉ có bốn người, toàn thân nồng nặc mùi rượu như uống say. Bởi Trương tiên sinh một mình đi vào trước nên bị chúng đột ngột vây công, vai trái trúng một kích của giặc. Cũng may chúng ta nối gót theo ngay sau, nhân số lại nhiều hơn hẳn chúng nên cục diện giằng co hỗn loạn chẳng duy trì được bao lâu. Cuối cùng, chỉ có một tên giặc nhân loạn trốn thoát, ba người còn lại đều bị mấy vị hoạn giả cầm đao giết ngay tại chỗ.

Giữa chừng Trương tiên sinh không phải là không cao giọng nhắc nhở phải giữ lại một người sống, nhưng khi đó tâm trạng mọi người đều rất căng thẳng, như thể trong khoảnh khắc chợt có cơ hội phát tiết, bắt được giặc là đâm đầu vào ra sức đánh giết nên cũng bỏ ngoài tai lời Trương tiên sinh nói, cuối cùng, thi thể ba người kia máu me be bét, thương tích đầy mình.

Sau đó, chúng hoạn giả phân biệt hồi tưởng kĩ càng, nhận ra ba người bị đánh chết này là thân tòng quan Nhan Tú, Quách Quỳ, Tôn Lợi của Sùng Chính Điện, còn kẻ bỏ trốn kia thì tên là Vương Thắng. Trương tiên sinh sai người tìm hết vật mang trên người ba kẻ này ra, đem về chuyển dâng đế hậu.

Trong những vật phẩm này có một chiếc yếm của phụ nữ, đường nét may thêu rất tinh xảo, không giống hàng trên phố, trong đó còn giấu một bức thư. Hoàng hậu mở ra đọc, kìm nén không nổi cơn giận dữ, tức khắc quát gọi tên một thị nữ: “Song Ngọc!”

Cô gái tên Song Ngọc kia vốn là nội nhân thân cận hầu hạ hoàng hậu, lúc này sắc mặt đã sớm tái mét, nhũn người quỳ rạp xuống, phủ phục dưới chân hoàng hậu khóc: “Nương nương tha mạng, nô tì không biết gì hết…”

“Thư này là do ngươi viết, còn hẹn giặc ngày nào giờ nào gặp mặt ở đâu.” Hoàng hậu ném bức thư kia xuống trước mặt cô ả, lạnh nhạt nói: “Ngươi ngầm qua lại với hắn lâu rồi phải không? Không biết gì hết thật à?”

Song Ngọc liều mạng lắc đầu, đáp: “Nô tì thật sự không biết gì hết… Nô tì đáng chết, năm trước ngẫu nhiên đi ngang qua Sùng Chính Điện, chạm mặt Nhan Tú, nhất thời hồ đồ, bị hắn dụ dỗ… Nhưng nô tì quả thật không nghĩ được hôm nay hắn vì sao lại gây nên chuyện như thế… Nô tì thực sự không biết…”

“Ngươi đúng là đáng chết thật,” Giọng điệu hoàng hậu lúc này dần có xu hướng hòa hoãn, nhưng lời nói ra thì tuyệt không mềm mỏng, “Dù cho ngươi không biết chuyện Nhan Tú mưu đồ phản nghịch thì tư thông với cấm vệ cũng đã là trọng tội, đáng chém theo cung quy.”

Song Ngọc hoảng sợ, dập đầu với hoàng hậu chảy cả máu đầu, thỉnh cầu hoàng hậu khoan thứ. Hoàng hậu chỉ nghiêm nghị ngồi ngay ngắn, mắt nhìn thẳng ra phía trước, hoàn toàn không cụp xuống nhìn ả.

Trương mỹ nhân ngồi xem một bên cười khẽ: “Song Ngọc, hoàng hậu không dễ mềm lòng như quan gia đâu, dập đầu cũng vô dụng.”

Câu này đã nhắc nhở Song Ngọc, ả vội vàng quay sang kim thượng, luôn miệng cầu xin ngài tha mạng. Kim thượng thấy ả khóc như mưa dập hoa lê, có phần không đành lòng, bèn bảo hoàng hậu: “Nể tình nó hầu hạ nàng đã nhiều năm, tạm thời tha cho nó lần này đi thôi.”

Hoàng hậu không đáp, đứng dậy vào phòng trong, lát sau quay lại, đã đổi sang áo gấm hoa lệ, đội miện Cửu Long Tứ Phượng, trang điểm theo lối triều hội trang nghiêm, hạ bái kim thượng: “Nội nhân Song Ngọc tư thông với thị vệ, dâm loạn cung cấm, theo luật phải chém. Xin bệ hạ cho phép thần thiếp hành quyết Viên thị đúng cung quy.”

Kim thượng nói: “Dẫu là vậy, song luật lệ chung quy là do con người định ra, cũng có thể di dịch biến báo. Song Ngọc vốn là người thận trọng, vào cung nhiều năm chưa từng nghe có tai tiếng gì, nay chỉ nhất thời hồ đồ mới phạm phải tội này. Không bằng đổi sang phạt trượng trên triều, thế đã đủ để khiển trách rồi.”

Hoàng hậu xua tay nói không thể: “Như vậy sao thanh trừng được cung đình.”

Kim thượng gượng nở nụ cười, đứng dậy đi đỡ bà, nỗ lực ôn tồn khuyên giải: “Hoàng hậu mời ngồi, việc này còn phải bàn bạc kỹ hơn…”

Hoàng hậu không để ngài chạm vào, hơi lui ra sau tránh đi, cúi người thưa: “Tội của Viên thị đã được minh xác, chẳng có gì oan khuất, mà nay biết bao cặp mắt còn đang trừng trừng, đều đã chứng kiến tường tận, nếu bệ hạ tha thứ cho nó, mở ra tiền lệ, về sau sẽ rất khó quản chế người trong lục cung. Mong bệ hạ lấy đại cục làm trọng, quả quyết dứt khoát, hạ lệnh ban chết.”

Song Ngọc nghe đến “ban chết”, càng thêm đau thương, lê gối vài bước kéo vạt áo kim thượng, run lẩy bẩy vừa khóc vừa khẩn cầu: “Bệ hạ làm ơn cứu nô tì…”

Kim thượng thở dài, lại mời hoàng hậu ngồi xuống, muốn từ từ bàn lại với bà. Hoàng hậu kiên trì đứng nghiêm trước mặt kim thượng, không ngồi xuống cũng chẳng cất lời.

Kim thượng không khỏi nổi nóng, chỉ vào Song Ngọc, lạnh lùng lườm hoàng hậu, nói: “Nó hầu hạ nàng ngần ấy năm, nàng nuôi con chó con mèo bấy lâu cũng phải có chút tình cảm chứ? Vì sao không chịu khoan dung với nó mà quyết tuyệt bậc này?”

Hoàng hậu thoáng khom lưng, nhấn rõ từng chữ: “Bệ hạ, chính bởi nó ở bên thần thiếp đã lâu mà còn gây ra chuyện như thế nên thần thiếp mới càng không thể tha thứ cho nó.”

Kim thượng im lặng, hoàng hậu cũng không nói gì nữa, một ngồi một đứng, đôi bên cứ thế giằng co trong trầm mặc. Người ngoài đương nhiên không dám chen miệng vào, sau cùng, đến Song Ngọc cũng không dám khóc nữa, chỉ quỳ gối thừ người trước mặt kim thượng. Người trong điện bặt tiếng nín thinh như những con rối trên núi đèn màu sau tết Nguyên Tiêu, không hé răng cũng chẳng nhúc nhích.

Chẳng biết giằng co suốt một hay hai canh giờ, mãi đến khi bình minh ló rạng, nắng sớm từng bước rải ánh sáng vào trong đại điện, Hà Thừa Dụng mới khẽ khàng ghé lại bên cạnh kim thượng, khom người nhắc nhở: “Bệ hạ, đã đến giờ lâm triều.”

Kim thượng chầm chậm đứng lên, cuối cùng thỏa hiệp với hoàng hậu: “Được thôi, Song Ngọc mặc nàng xử trí.” Dứt lời phất tay áo đi ra, đến triều phục cũng chẳng buồn đổi, cứ thế đi sang điện xử lý chính sự.

Hoàng hậu xoay người cung tiễn, đợi đến lúc không còn trông thấy bóng dáng kim thượng nữa thì quay sang Nhậm Thủ Trung ra lệnh: “Kéo Song Ngọc xuống, xử chém ở Đông Viên.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play