6. Đào Chu “Muốn giữ lớn hay giữ bé?”

Lúc Nguyên Nguyên đẻ, bà đỡ đã đặt câu hỏi tàn khốc này ra trước mặt Phùng Kinh.

Ngôi thai của Nguyên Nguyên không đúng, thai nhi trong bụng chân quay xuống dưới khiến cô khó sinh, đã kéo dài suốt một ngày một đêm, cô thảm thiết kêu đau, ngất lên ngất xuống trong phòng mấy bận rồi mà vẫn chưa sinh được con ra.

Phùng phu nhân nhìn bà đỡ với ánh mắt van nài, hỏi: “Không thể giữ được cả ư?”

Bà đỡ bất đắc dĩ lắc đầu: “Nếu giữ được thì ai lại đi hỏi hai người câu này.”

“Giữ lớn.” Phùng Kinh nghiêm túc nói, không có quá nhiều do dự.

Quay sang nhìn mẫu thân bấy giờ đã bắt đầu sụt sùi, chàng nói thêm một câu như chém đinh chặt sắt: “Nhất định phải giữ được Nguyên Nguyên sống sót.”

Chuyện bèn được quyết định như vậy, Nguyên Nguyên giữ được tính mạng, nhưng đứa con cô thai nghén thì không.

Mất đi đứa bé, Nguyên Nguyên đau lòng hơn bất kỳ người nào, hơn nữa, trong quá trình sinh nở, cô mất máu quá nhiều, cơ thể bị tổn thương quá lớn, cũng phá hủy sức khỏe cô nghiêm trọng. Từ đó trở đi, cô triền miên nằm trên giường bệnh, hình dung tiều tụy, càng ngày càng gầy, cũng thường xuyên khóc lóc, hoàn toàn không còn dáng vẻ hoạt bát linh động, vui tươi hớn hở thường thấy của ngày xưa nữa.

Để chữa bệnh và tẩm bổ cho Nguyên Nguyên, nhà họ Phùng đã dùng cạn khoản tiền dành dụm vốn cũng chẳng có bao nhiêu, song sức khỏe của Nguyên Nguyên vẫn không khởi sắc. Hết đường xoay sở, Phùng Kinh bèn đến bái phỏng một người chú làm buôn bán, hi vọng mượn được của ông chút tiền tạm vượt khó khăn.

Khi ấy, người chú kia của chàng mới đi mua quất từ Giang Tây về, nghe kể chuyện Nguyên Nguyên cũng hào phóng giúp đỡ, cho Phùng Kinh mượn không ít tiền, còn lấy rất nhiều quất bảo chàng mang về cho Nguyên Nguyên nếm thử, nói: “Vị quất Giang Tây rất ngon, năm nay, đến Trương mỹ nhân quan gia sủng ái nhất cũng đặc biệt phái người chạy từ trong kinh ra mua. Đống quất này ta mua chính là của vườn cây cung ứng cho Trương mỹ nhân đấy.”

“Trương mỹ nhân ạ?” Phùng Kinh thắc mắc, “Nghe nói chợ ngói Đông Kinh phồn thịnh, bốn mùa thiên hạ nổi danh món gì đều có đủ món đó, chẳng lẽ lại không có loại quất này, còn cần Trương mỹ nhân đặc biệt phái người chạy từ trong kinh tới Giang Tây mua?”

Chú chàng đáp: “Quất này tuy ngon nhưng người kinh thành không biết đến, không hay ăn, trong cung cũng không xếp loại quả này vào vật cống của Giang Tây. Mà Trương mỹ nhân thì thích ăn từ khi còn nhỏ ở quê nhà, giờ nhớ nhung, trong kinh lại không có, nên mới phái người đi xa mua về.”

Phùng Kinh thoáng trầm ngâm rồi lại nói với chú: “Cháu có kiến nghị này, chú có thể tham khảo: Chú gắng mau chóng đi Giang Tây thêm một chuyến, đem hết tiền bạc có thể dùng ra mua một lượng quất nữa, sau đó vận chuyển vào Đông Kinh, tiêu thụ ở đó, lợi nhuận ngày sau sẽ không chỉ dừng lại ở gấp đôi.”

Chú chàng do dự: “Trước nay người trong kinh vẫn luôn không biết đến quất, năm ngoái cũng có người từng bán quất, bị lỗ vốn. Huống hồ từ Giang Hạ đi Giang Tây rồi lại chạy gấp đến kinh sư, đường sá xa xôi, phí vận chuyển đắt đỏ, kiến nghị của hiền chất chẳng phải quá mạo hiểm ư?”

Phùng Kinh cười khẽ, nói: “Chú không ngại thì thử một lần xem, phí vận chuyển quang gánh tính cả vào giá bán, tương lai nếu thua lỗ, hãy cứ trở lại hỏi mình Kinh.”

Chú chàng đắn đo mãi, cuối cùng quyết định nghe theo lời kiến nghị của chàng, thử một phen. Không bao lâu sau quay trở lại, đặc biệt chuẩn bị lễ hậu phấn khởi đến nhà Phùng Kinh tạ ơn: “Kế hay của hiền chất quả nhiên có hiệu quả. Ta vận chuyển quất vào kinh, treo biển hiệu quất Giang Tây lên xong, không đến hai ngày mọi người đã tranh nhau mua không còn quả nào. Sau khi nghe ngóng, ta mới biết, hóa ra chuyện Trương mỹ nhân phái người đi Giang Tây mua hoa quả đã được truyền ra, người kinh thành đều rất tò mò, đang lúc muốn tìm quất nếm thử thì hàng của ta vừa khéo chuyển đến. Ta thấy người mua nhiều, bèn tăng giá bán lên gấp ba, gấp bốn, thế mà vẫn cung không đủ cầu, quả thật ứng với câu cháu nói, lợi nhuận không chỉ dừng lại ở gấp đôi.”

Phùng Kinh mỉm cười nói: “Thường ngày cháu có nghe nói, lần nào trong cung tìm dùng vật gì, vật ấy cũng được người kinh sư coi là trào lưu một thời, càng là người thân cận bên quan gia, càng thú vị đáng thưởng thức thì càng dễ được người ta bắt chước. Trương mỹ nhân được sủng ái nên tất nhiên mỗi câu nói mỗi hành động đều rất được chú ý, nếu bà ấy thích gì, người ngoài cung biết rồi tất sẽ hùa theo mua, giá thành đương nhiên không lý gì không tăng, thế nên cháu mới dám khuyên chú đổ buôn vụ bán quất này.”

Ông chú không ngớt lời khen ngợi Phùng Kinh có kiến thức, lại tri ân hồi báo, trừ quà cáp ra còn biếu một khoản tiền. Phùng Kinh từ chối, chú chàng khăng khăng xin chàng nhận, nói với chàng: “Tiền này cũng chẳng phải là cho không cháu. Ta còn trông cậy vào hiền chất có thể tiếp tục bày mưu tính kế, buôn bán cùng ta. Chút tiền này cũng coi như cho cháu một khoản lấy vốn. Hiền chất học nhiều hiểu rộng, có tầm nhìn xa, nếu dành chút tâm tư vào việc buôn bán thì há lại chẳng phát tài?”

Dưới tình huống trước mắt thu nhập ít ỏi, khó lòng nuôi cả gia đình, đây quả thật là một lối ra không tệ. Sau một hồi cân nhắc, Phùng Kinh đồng ý lời đề nghị của chú mình, tạm thời gác lại sách vở, bắt đầu kinh doanh cùng ông. Hiệu quả đúng là rất tốt, chàng khá thông minh, biết phân tích thông tin, bước vào thương giới như cá gặp nước, có thể nói là mạnh vì gạo bạo vì tiền, không quá mấy tháng, tình hình tài chính trong nhà đã cải thiện hẳn lên.

Chàng bèn mời danh y tới chữa bệnh cho Nguyên Nguyên, cũng không tiếc đổ tiền đổ bạc xin thuốc điều dưỡng cho cô, để phân tán sự chú ý của Nguyên Nguyên, không để cô tiếp tục chìm đắm trong ký ức mất con đau thương, chàng đích thân dạy cô ghi chép sổ sách, quản lý tài vụ. Những cố gắng của chàng rốt cuộc cũng có hiệu quả, sức khỏe của Nguyên Nguyên dần tốt lên, cũng có hứng thú với quản lý tiền bạc, nụ cười trên mặt cũng càng ngày càng nhiều.

Nửa năm sau, vị huyện lệnh từng uống rượu nói cười với chàng năm xưa kết thúc nhiệm kỳ, chuyển sang tri một huyện khác ở Ngạc Châu, trên đường nhậm chức đi qua Giang Hạ, Phùng Kinh hay tin tới bến đò nghênh, đồng thời bày tiệc đón y đến dùng cơm. Giữa chừng, Phùng Kinh nhắc đến chuyện khi xưa, hỏi dò thân phận vị phu nhân từ trong kinh tới lúc trước. Chắc là chuyện qua đã lâu nên huyện lệnh cũng chẳng còn lo ngại, bèn thản nhiên cho hay: “Người tới khi đó là vợ của thiên tử, quốc mẫu bản triều, hoàng hậu Tào thị.”

Hoàng hậu? Phùng Kinh ngạc nhiên khó hiểu. Trong đầu lướt qua từng hình ảnh như trang sách: Nàng tân nương mặc áo la ống tay rộng thắm sắc sau màn sa lụa đỏ giơ cánh tay lên rút trâm; cô gái mặt mộc lên xe dưới sự dìu đỡ của thiếu niên tóc tím, ngồi ngay ngắn, rèm che rủ xuống, ngăn trở ánh mắt nhìn ngó của chàng; vị phu nhân nhẹ dời gót sen trong chùa Kính Sơn, cằm hơi giương, búi tóc vấn cao, đường nét cần cổ tuyệt đẹp, bóng dáng in trên màn che như mây trôi lững lờ… Đó đều là nàng ư, hoàng hậu Tào thị?

Mặc dù biết đương kim hoàng hậu họ Tào, cũng loáng thoáng nghe nói hoàng hậu là cháu gái Tào Bân, song Tào Bân có đến mấy người con trai, cháu gái hẳn cũng không ít, thế nên chàng hoàn toàn không ngờ rằng vị tiểu thư từng cử hành hôn lễ với anh họ mình ấy sẽ được chọn vào cung, sách phong làm hậu.

“Trước khi vào cung, người từng cầu nguyện rất nhiều lần ở chùa Kính Sơn, thế nên về sau đặc biệt đi lễ tạ. Hoàng hậu đi chuyến ấy không muốn hưng sư động chúng, quấy nhiễu dân chúng suốt hành trình nên không bày nghi trượng, chỉ bí mật thông báo với quan lại địa phương dọc đường tiếp giá hộ vệ.” Huyện lệnh giải thích, quan sát Phùng Kinh áo quần gọn nhẹ, bỗng thở dài: “Năm đó, hạ quan rất ngưỡng mộ Phùng huynh, vung bút làm thơ phóng khoáng sâu sắc, được quốc mẫu tán thưởng, thật may mắn biết bao! Ngay sau khi đọc danh tác của Phùng huynh, trung cung đã lập tức quả quyết trong lòng Phùng huynh có gò khe, ngày sau ắt sẽ vinh hiển. Hôm nay Phùng huynh áo da ngựa béo, ngồi hưởng mỹ tửu ngọc thực, nhưng xin thứ cho hạ quan nói thẳng, thương nhân dẫu sao cũng thuộc tạp loại, Phùng huynh mà cam tâm làm Đào Chu công (*) một đời thì chẳng phải đi cách lời bình phán của trung cung quá xa rồi ư?”

(*) Tức Phạm Lãi, trong lịch sử, sau khi thành công giúp Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô, Phạm Lãi cảm thấy Việt vương là kẻ tàn nhẫn, ghét bỏ người có công nên không ở lại làm quan mà bí mật trốn đi ở ẩn, trong suốt quãng đời ẩn danh, ông mưu sinh bằng nghề buôn bán, còn đúc kết cho mình và thiên hạ 18 nguyên tắc kinh doanh vô cùng quý giá, sách cổ Trung Hoa gọi là “Đào Chu công sinh ý kinh”.

Tâm trạng tốt đẹp khi trước vì những lời này mà bay biến mất sạch. Sau khi về nhà, Phùng Kinh buồn bực không vui ngồi sầu trong thư phòng đôi chốc, bỗng muốn tìm lại mấy quyển kinh thư đã lâu không xem ra đọc, nhưng liếc nhìn kệ sách, trong tầm mắt chỉ toàn là sổ ghi chép, lật tới lật lui thế nào cũng tìm không được sách chàng muốn xem.

Đúng lúc ấy, Nguyên Nguyên nghe tiếng đi vào, trong tay còn ôm mấy cuốn sổ, cười mỉm hỏi chàng: “Chàng tìm gì thế?”

“Mấy cuốn ‘Đại học’, ‘Trung dung’ của ta đi đâu rồi?” Phùng Kinh trỏ kệ sách, hỏi.

Nguyên Nguyên nghĩ ngợi rồi quay đầu chạy về phòng ngủ, lát sau, cầm mấy quyển sách nhăn nhúm, dính đầy vết nhơ đưa cho chàng: “Là mấy cuốn này à?”

Phùng Kinh nhận lấy, nhíu mày: “Sao lại biến thành thế này?”

“Em thấy kệ sách hết chỗ để sổ, lâu nay chàng lại không đọc những cuốn này nên đem đi kê đế rương…” Nguyên Nguyên đáp, thấy sắc mặt Phùng Kinh không ổn, lại vội nói: “Dưới đất hơi ẩm nên bị nhăn, nhưng mà không sao đâu, ngày mai em sẽ đem đi phơi khô đè phẳng!”

Phùng Kinh hít một hơi nặng nề, ném sách lên bàn, ngồi xuống, ơ hờ nói: “Thôi. Ta cũng không nói là muốn đọc.”

Nguyên Nguyên “vâng” một tiếng, lại trộm liếc chàng, rất cẩn thận hỏi: “Em có thể tính sổ ở đây không?”

Chàng im lặng, nhưng cuối cùng vẫn gật đầu đồng ý. Thế là Nguyên Nguyên hí hửng ngồi xuống cạnh chàng, bắt đầu lạch tạch gảy bàn tính.

Chàng nghiêng đầu nhìn người vợ sớm chiều chung đụng cùng mình, lại không cách nào cảm nhận được cảm giác thân thiết năm xưa, hai người kề vai ngồi chung mà ở giữa lại như cách thiên sơn vạn thủy, trong ánh nến đỏ, nụ cười nơi khóe miệng cô trở nên cách trở mà xa lạ hơn bao giờ hết.

“Suy nghĩ trong lòng ta, đại khái cả đời này em cũng chẳng hiểu được.” Phùng Kinh lặng lẽ tự nhủ, ý niệm này khiến chàng cảm thấy bi thương không cách nào dằn nổi.

Dĩ nhiên, giọt lệ vô hình của chàng cũng chỉ chảy trong lòng, tuyệt không mang hình thù màu sắc, mà Nguyên Nguyên ngó chàng giữa lúc tính sổ cũng chỉ phát hiện ra chàng thất thần.

“Chàng ngẩn ngơ nhìn em chi vậy?” Cô cười hỏi.

Chàng vẫn nhìn cô đăm đăm, hỏi: “Nguyên Nguyên, em có nhận ra ta không?”

Cô chớp mắt, vô cùng khó hiểu, nhưng vẫn nghiêm túc trả lời: “Đương nhiên là nhận ra rồi… Chàng có hóa thành tro, em cũng có thể nhận ra chàng.”

Chàng cười chua xót, nhẹ nhàng kéo cô vào lòng ôm, không nói thêm gì nữa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play