“Tấm lòng kẻ hèn…” Kim thượng lặp lại lời Phó Nghiêu Du, sầu não nói, “Vậy các ngươi có thể cũng thông cảm cho tấm lòng của trẫm được không? Con gái trẫm không muốn cầu sinh, mỗi buổi lên triều trẫm đều phải lo lắng, đến trưa trở lại trong cung, liệu có còn gặp lại nó nữa không.”

Ngài nín thở ngồi thẳng dậy, gạt nỗi bi thương ra khỏi ngữ điệu, nở nụ cười nhạt nhòa hỏi Phó Nghiêu Du trước: “Khanh có con gái không?”

Phó Nghiêu Du lưỡng lự, nhưng vẫn trả lời: “Thần có hai con trai, không có con gái.”

Kim thượng quay sang nhìn Tư Mã Quang: “Nhà Tư Mã khanh thì sao?”

Câu hỏi này làm Tư Mã Quang hơi không yên, có nét muộn phiền chợt lướt qua trong mắt y, nhưng y nhanh chóng nghiêm mặt lại như cũ, khom người đáp: “Thần không có con gái ruột, nhưng dưới gối có con thừa tự nhận nuôi trong tộc.”

Kim thượng đưa mắt nhìn hết thảy đài gián quan quanh điện, chậm rãi nói: “Nếu các ngươi từng làm cha thì hẳn có thể tưởng tượng được cảm thụ của trẫm hôm nay phải không? Duyện quốc công chúa là con gái trẫm, mười mấy năm trước, có một khoảng thời gian nó từng là máu mủ ruột thịt duy nhất của trẫm. Trong mắt trẫm, nó quý giá hơn xa cái gọi là ‘minh châu trong lòng bàn tay’, giang sơn đều là vật ngoại thân, huống chi những thứ vàng bạc châu báu như khói thoảng mây trôi. Mà công chúa lại tương thông huyết mạch với trẫm, là một phần của sinh mạng trẫm. Lúc nó bị thương, nhìn dáng vẻ nó thoi thóp yếu ớt, tính mệnh như chỉ mành treo chuông, trẫm thật sự rất sợ mất đi nó. Nếu nó không còn nữa, cái trẫm mất đi không chỉ là một công chúa mà là một phần sinh mạng đứt lìa. Nhìn đó đau khổ như thế, trẫm cũng có thể cảm nhận được nỗi đau đứt gan đứt ruột, càng khiến trẫm đau đớn hơn là, đau khổ của nó là do một tay người làm cha trẫm gây nên… Nếu các ngươi cũng có con gái, mắt thấy nó rơi vào khốn cảnh vì lỗi lầm của các ngươi, các ngươi sẽ cảm thấy thế nào? Cuộc đời còn lại của công chúa đại khái đã vô duyên với hỉ lạc, thế nên, bây giờ trẫm cũng khẩn cầu các ngươi, cho trẫm một cơ hội mất bò mới lo làm chuồng, để trẫm bù đắp lại phần nào, cho nó chí ít cũng được chút an lành.”

Lời ngài nói đã bộc lộ hết thảy tấm lòng cha mẹ, đại đa số quan viên nghe xong đều nín thinh, nhuệ khí trong mắt cũng giảm đi nhiều. Phó Nghiêu Du cũng trẫm mặc, chỉ cầm hốt cúi đầu đứng lặng, nhưng cùng lúc đó, một quan viên khác lại bước lên trước, bày tư thế tiến ngôn.

Tư Mã Quang.

“Bệ hạ thương con gái, về tình có thể thông cảm, nhưng thần cũng muốn hỏi bệ hạ, có từng nghĩ đến cảm thụ của phu nhân Lý quốc cữu chăng?” Tư Mã Quang nói, tiếp đó trần thuật giọng cảm khái, “Bà ấy là mẹ của phò mã, cũng có tấm lòng cha mẹ. Ban đầu được bệ hạ ban hôn, chắc hẳn quốc cữu phu nhân cũng dạt dào mừng rỡ, mong đợi cô dâu vào cửa, sớm ngày an hưởng phúc lộc con cháu. Nhưng ngờ đâu công chúa và phò mã lại chẳng hòa thuận, hiếp đáp mẹ chồng, tin sủng nội thần, để đến nỗi người ngoài bàn tán, lấy làm quái lạ. Đối mặt với tình cảnh ấy, trong lòng quốc cữu phu nhân bi thương ra sao chẳng khó gì tưởng tượng. Hôm nay bệ hạ lại vì thiên vị công chúa mà biếm trục phò mã, khiến mẹ con Lý thị ly tán, gia đình trôi giạt, lớn nhỏ ưu sầu, chẳng thể nương thân. Kết quả này cũng đâu phải ước nguyện ban đầu của bệ hạ khi quyết định thông gia với Lý thị? Vì muốn chiều ý con gái mà bệ hạ có thể hoàn toàn mặc kệ tấm lòng xót con của quốc cữu phu nhân, cưỡng ép cốt nhục bà ấy chia lìa ư? Bệ hạ yêu thương công chúa, Dương thị cũng yêu thương con trai bà ấy, dẫu trên dưới khác biệt, tôn ti chênh lệch, song tình liếm nghé đều như nhau, bệ hạ há có thể lấy nỗi đau của người khác chạy chữa cho tổn thương của công chúa? Ngày giỗ của Chương Ý thái hậu ngay trong tháng Hai này, bệ hạ lật lại vật cũ trong tráp của thái hậu, lại nghĩ lại nơi ở của thái hậu khi sinh thời mà xem, cảm giác đơn côi lẻ bóng, chẳng được hưởng ơn mưa móc ấy, chẳng lẽ lại không thê thương? Bệ hạ truy niệm Chương Ý thái hậu, chọn Lý Vĩ làm thượng chúa, là muốn gắn kết thân thích, vinh hiển nhà họ, báo ơn mẫu thân. Mà nay khiến mẹ con Lý Vĩ rơi vào kết cục như thế, bệ hạ không cảm thấy hổ thẹn với hồn thiêng Chương Ý thái hậu trên trời ư? Món nợ nhân tình thiếu của Lý thị, phải trả thế nào đây?”

Y đúng là có sở trường làm ngôn quan, chuỗi truy vấn lần lượt tăng nhấn ngữ điệu và động tác giơ tay phất áo đã phụ trợ y hoàn toàn không yếu thế trước mặt hoàng đế, ngược lại còn giống như một phu tử đang dạy bảo học trò, lời nói ra câu nào cây nấy lý lẽ vẹn toàn, kim thượng lộ vẻ khó xử, buông mi, ngậm miệng không nói.

Thoáng dừng lại, không thấy kim thượng trả lời, Tư Mã Quang lại đề nghị: “Thần ngu dốt cho rằng, bệ hạ nên giữ Lý Vĩ lại kinh sư. Người hầu kẻ hạ trong phủ công chúa, ai chưa từng phạm lỗi đều có thể ở lại, đồ đạc trong phủ cũng để yên không di dời, đợi công chúa nghe bệ hạ giảng giải nghĩa lý mà hồi tâm chuyển ý, thuận đức tuân lễ rồi thì lại về phủ, Bằng không, công chúa ắt sẽ không quay về với Lý thị.” Nói đến đây, y lại nghiêng đầu nhìn ta, trong mắt nhiều thêm một tia sáng lạnh lùng, “Còn về phần Lương Hoài Cát, nếu bệ hạ quyết định khoan dung nhân từ với hắn, cũng có thể tha hắn không phải chết, nhưng nhất định phải trục xuất xa hơn, cách chức điều ra ngoài, cả đời không được triệu về.”

Đài gián quan còn lại gật gù lia lịa, cũng xin kim thượng tiếp nhận đề nghị của Tư Mã Quang, Phó Nghiêu Du cũng tán thành, còn nói với kim thượng: “Bệ hạ yêu thương công chúa là nhân chi thường tình, nhưng không thể đánh đồng yêu thương với yêu chiều. Bởi yêu chiều mà để công chúa không tuân lễ nghĩa, không thủ phép tắc, cuối cùng sẽ hại công chúa. Huống chi, công chúa lạnh nhạt với phu quân, bệ hạ trục xuất Lý Vĩ mà cho vời nội thần sai dịch về, là cử chỉ trái lễ, đã khiến bốn phương cười chê, nếu không bổ cứu theo lời Tư Mã học sĩ, ngày sau bệ hạ làm sao dạy dỗ được những ấu nữ còn lại?”

Kim thượng suy nghĩ một hồi rồi bình tĩnh ngẩng đầu, mở miệng nói với chúng thần: “Xin lỗi, ta vẫn không thể làm theo ý các ngươi. Nếu để con gái ta phải chịu thêm một lần đả kích như vậy nữa, nó sẽ chết.”

Ta phát hiện ra ngữ khí ngài thay đổi. Trên triều đình, hoàng đế tự xưng dùng “ta” mà không dùng “trẫm”, nếu không phải cố ý để bày tỏ thái độ chân thành với chúng thần thì chính là ngài cầm lòng không đậu, dùng giọng điệu nói chuyện của người bình thường mà chẳng tự hay.

“Ta mười lăm tuổi đại hôn, đến hai mươi chín tuổi mới nghênh đón đứa con gái đầu tiên Duyện quốc công chúa, giữa chừng chờ đợi trọn mười bốn năm.” Kim thượng nói, vẫn dùng giọng điệu của người thường, chậm rãi trần tình, “Vì nghênh đón nó, ta thấp thỏm bất an đợi ba ngày ba đêm, cơ hồ không chợp mắt chút nào. Đêm nó ra đời, ta đứng chờ ngoài phòng sinh của Miêu nương tử, gió rét khoét xương, ta bị cảm lạnh. Nhưng, trông thấy đứa bé đầu tiên của mình xinh xắn khả ái như vậy, ta thật sự rất vui, ba đêm không ngủ cũng vui, bị cảm lạnh cũng vui. Đêm ấy, lần đầu gặp nó, nó mở mắt, khóc long trời lở đất, ta thế mà cũng rơi lệ theo.”

Nói đến “rơi lệ”, giọng ngài khác thường. Ta cụp mắt đứng đó, không trông thấy vẻ mặt ngài, nhưng lại tựa nhìn thấy đôi mắt ngài rưng rưng, cũng có thể cảm nhận được thời khắc này ngài hồi tưởng thương cảm ra sao và năm đó mừng rơi nước mắt đến mức nào, qua lời kể run run của ngài.

Chút biến đổi ấy chỉ vụt lướt trong chớp mắt, ngài điều chỉnh lại cảm xúc, nói tiếp: “Trong khoảng thời gian đợi nó ra đời, mỗi ngày ta đều suy nghĩ, ngoài đưa nó tới thế gian này, ta còn có thể làm gì cho nó. Lần đầu tiên bế nó, ta nhìn ánh mắt nó, trong lòng thầm lập thệ, ta sẽ yêu quý nó cả đời, để nó có một cuộc sống hạnh phúc không sầu bi. Kể từ khi có lời thề hẹn dài lâu ấy với nó, mỗi thời mỗi khắc ta đều nhắc nhở mình phải đối xử thật tốt với nó, để nó có thể lớn lên và sinh hoạt trong bình an vui vẻ, ta đã làm mọi thứ ta có thể. Nhưng xót xa làm sao, cam kết lớn nhất ta cho nó lại là cái ta không cách nào bảo đảm khả năng thực hiện… Ta từng cho rằng hôn sự của nó và Lý Vĩ sẽ khiến tất cả mọi người đều hài lòng, là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng kết quả lại khiến nó không vui đến thế. Quyết định sai lầm năm ấy của ta đã khiến nó mất đi hạnh phúc và sức khỏe, ta không thể mắc lỗi thêm nữa, không thể theo ý các ngươi, giữ chồng nó lại, đuổi tùy tùng nó tín nhiệm nhất đi, tiếp tục vây hãm nó trong cuộc hôn nhân này, cũng bỏ mặc sinh mạng nó hao mòn trong cuộc sống tăm tối không chút an ủi.”

Cuối cùng, ngài hít một hơi thật sâu, đổi trở về ngữ khí hoàng đế, một lần nữa kiên định tỏ rõ thái độ của mình: “Trẫm rất cảm ơn các khanh đã quan tâm đến chuyện nhà của Duyện quốc công chúa, nhưng trẫm sẽ không thu hồi ý chỉ khi trước. Lý Vĩ vẫn sẽ tri Vệ Châu, trẫm cũng sẽ không trục xuất Lương Hoài Cát ra ngoài. Trẫm dĩ nhiên hổ thẹn với một nhà Lý thị và Chương Ý thái hậu, cũng sẽ cố hết sức nghĩ cách bồi thường. Các khanh chê cười trẫm cũng được, chỉ trích trẫm cũng được, trẫm đều sẽ không để ý, chỉ xin các khanh cho phép người cha trẫm đây được ích kỷ một lần để bảo toàn tính mạng cho con gái mình.”

Kim thượng đã nói đến nước này, chúng đài gián quan cũng chẳng ý kiến gì thêm, huống hồ lời kim thượng giãi bày rất xúc động, giữa chừng chư thần nhìn nhau, đều có vẻ thổn thức. Quan viên nguyên bản bước khỏi hàng giằng co với kim thượng lục tục dợm bước trở về vị trí cũ, đến Phó Nghiêu Du cũng lẳng lặng lui về chỗ đứng ban đầu, chỉ duy một mình Tư Mã Quang không những không lui về mà còn tiến lên gần hơn, nhìn thẳng kim thượng.

“Bệ hạ!” Y cao giọng gọi kim thượng, giọng trầm ổn, ngầm chứa uy nghi, “Người đời gọi bệ hạ ‘quan gia’ là lấy ý từ ‘Tam hoàng quan thiên hạ, Ngũ đế gia thiên hạ (*)’. Hoàng đế lấy thiên hạ làm nhà, vạn dân thiên hạ đều là con cái bệ hạ. Bệ hạ há có thể chỉ yêu thương công chúa mà ném con dân còn lại ra sau đầu? Hôm nay dư luận xôn xao, phiền nhiễu tai thánh, tất cả là bởi công chúa phóng túng buông thả, không biết kính sợ, nhiều lần trái lệnh vua cha, tin sủng nội thần, khinh miệt nhà chồng. Hôn nhân nữ tử xưa nay đều do cha mẹ quyết định, nữ tử đương nhiên phải tuân mệnh, xuất giá tòng phu, đâu ra cái lý vì ruồng rẫy phu quân mà khóc quấy đòi ly dị? Huống hồ thân phận của công chúa khác với người thường, lại có hoạn giả mê hoặc bên người, hôm nay công chúa có thể lấy tính mạng uy hiếp bệ hạ nhúng tay vào chuyện nhà mình thì ngày mai cũng có thể ỷ vào đó uy hiếp bệ hạ cho mình can thiệp vào quốc sự. Phòng biến cung khuyết là điều quan trọng nhất trong gia pháp tổ tông, có bài học kinh nghiệm của Hán Đường, bệ hạ không thể không cảnh giác. Vả lại, thiên địa cương thường không dung rối loạn. Nay Lý Vĩ vì công chúa mà bị biếm trục, ấy là phụ lấn lướt phu. Phụ có thể lấn lướt phu thì tử cũng có thể lấn lướt phụ, thần có thể lấn lướt quân. Tiền lệ một khi đã mở, về sau ắt không thể lấp, trên làm dưới theo, phong tục suy đồi, bệ hạ sao có thể dẹp yên thiên hạ quốc gia?”

(*) Tam hoàng ngũ đế chỉ những vị vua đầu tiên của Trung Hoa (mang tính chất thần thoại), ý câu này là Tam hoàng coi thiên hạ là của chung, Ngũ đế coi thiên hạ là nhà chung.

Sau đó, y cắm hốt vào thắt lưng, cong gối quỳ xuống, chắp hai tay xuống đất, đầu cũng chậm rãi chạm đất, tay đặt trước đầu gối, đầu đặt sau tay, hành lễ dập đầu trang trọng nhất với kim thượng, lại nói: “Thần kính mong bệ hạ xử lý công bằng chuyện công chúa. Nếu không thể thay đổi lệnh trục xuất Lý Vĩ thì công chúa cũng nên bị xử phạt, tước ấp (*) phong hàm không thể không chút giáng tổn, như vậy, bệ hạ mới có thể hiển minh thiên hạ đạo lý chí công. Còn về Lương Hoài Cát, tuyệt đối không thể tiếp tục nhân nhượng, ít nhất phải biếm trục ra ngoài, mới có thể khiến đồn đại lắng xuống. Công chúa không phải chịu mối lo thiến hoạn xúi bẩy, bệ hạ cũng có thể phòng họa lớn không xảy ra.”

(*) Gọi tắt của tước vị và phong ấp; phong ấp là đế vương ban lãnh địa (đất phong) cho chư hầu và công thần.

Nghe y nói xong, kim thượng cũng chẳng mảy may có dấu hiệu thay đổi chủ ý, chỉ khoát tay: “Chuyện hôm nay nghị tới đây thôi, khanh lui ra đi.”

Tư Mã Quang không chịu lĩnh mệnh, một lần nữa bái lạy, cao giọng thỉnh cầu: “Thần tấu lời tâm huyết, xin bệ hạ nghĩ lại!”

Kim thượng lạnh mặt, mím môi không đáp.

Tư Mã Quang lặp đi lặp lại thỉnh cầu mấy lần, vẫn không đợi được hồi âm, sau cùng, y quỳ thẳng người dậy, đưa tay tháo mũ ô sa trên đầu xuống.

Kim thượng cười nhạt: “Khanh muốn từ quan đấy à?”

Tư Mã Quang lắc đầu, nghiêm nghị đáp: “Bệ hạ, khi xưa thần khổ học mười năm không phải để cầu đai vàng áo tím, vượt trên mọi người, mà là hi vọng có thể phò tá một quân chủ hiền minh, góp phần giúp thiên hạ quy phục, trời yên biển lặng, thời thanh thế bình. Mà nay thần vô năng, không thể thuyết phục bệ hạ gạt bỏ yêu thích cá nhân, hiển minh đạo lý chí công, tương lai ắt sẽ khiến bệ hạ mông muội không tỏ lý lẽ, bỏ mặc tiếng xấu đạo nghĩa. Thần tận trách chẳng đặng, cũng không đất dung thân, chỉ có thể tuẫn chức tạ tội.”

Kim thượng nghe ra ý y, vừa giận vừa sợ: “Ngươi muốn tiến gián vỡ đầu?”

Ngài đứng phắt dậy, nhưng trong cơn nóng vội, khí huyết công tâm, tay bưng ngực, mặt lộ vẻ đau đớn, lại nặng nề ngồi xuống ghế.

Lúc này, Tư Mã Quang đã đặt khăn chít đầu ngay ngắn xuống trước mặt, đứng lên, ánh mắt soi thẳng vào cột trụ điện bên trái…

Tất thảy bất quá chỉ diễn ra trong một cái chớp mắt, mọi người trong điện, bao gồm cả ta, đều không phản ứng kịp, dưới sự sửng sốt chỉ nhìn chằm chằm Tư Mã Quang, chưa ý thức được nên chọn hành động nào để ngăn cản y, Chính lúc này, ngoài điện vọng vào một giọng nữ: “Tư Mã học sĩ.”

Trong hoàn cảnh lặng ngắt như tờ vào thời khắc này, tiếng gọi ấy nghe rõ mồn một, mọi người lập tức đưa mắt nhìn xem, Tư Mã Quang trong sự kinh ngạc cũng dừng sững nhịp bước, quay đầu nhìn ra ngoài điện.

Ta cũng giống mọi người, ngạc nhiên phát hiện ra đó là công chúa.

Bên trong nàng vẫn mặc áo đơn lĩnh trắng lúc ốm bệnh, bên ngoài khoác một tấm áo bào tay rộng, tơ lụa xanh nhạt, tròng ở ngoài cùng một lớp áo sa xanh mỏng tựa khói sương. Mái tóc dài buông xõa sau đầu không tết vấn, nàng quay mặt hướng trời, hãy còn chưa thoa phấn tô son, như thể chạy ra ngoài đương lúc trang điểm.

Trên mặt nàng vương đầy ngấn lệ, hẳn là trước đó không lâu đã rơi nước mắt rất nhiều, nhưng giờ khắc này lại hoàn toàn không có vẻ đau thương, đôi con ngươi lạnh nhạt nhìn Tư Mã Quang chăm chú, nàng bước từng bước tới gần, khóe miệng nhoẻn nụ cười mỉa mai.

Lúc đi tới trước mặt Tư Mã Quang, nàng từ từ nâng ống tay áo phải đó giờ vẫn một mực buông rủ lên, ống tay áo rút đi như nước, một con rối gỗ móc dây cao chừng một thước lộ ra trong tay áo nàng.

Con rối ấy mang hình dáng nữ tử, cũng mặc áo váy sa xanh màu sắc tương tự với xiêm y của công chúa, trên đầu đội miện hoa, phần mặt đeo một chiếc mặt nạ, má phấn môi son mày kẻ, họa nét nữ trang rất tinh xảo.

Đối mặt với Tư Mã Quang đang nghi hoặc quan sát nàng không hiểu ra sao, công chúa cười sâu kín, nhấc con rối lên, hai tay điều khiển dây treo, làm con rối huơ tay múa chân. Bản thân nàng cũng nhẹ phất tay áo, thướt tha dời bước, dáng người tao nhã, như đang nhảy múa. Đồng thời, nàng hé mở đôi môi, cất tiếng hát một bài từ: “Bồng bồng búi tóc mới vấn, nhàn nhạt phấn hoa điểm trang. Khói biếc sương châu lồng xiêm áo, phất phơ tơ lụa lung linh…”

Nghe ca từ, sắc mặt Tư Mã Quang đại biến, nhíu chặt mày nhìn chòng chọc công chúa, vừa tức giận vừa lúng túng.

Suy đoán theo nghĩa câu từ, bài “Tây giang nguyệt” này hẳn là viết về một cô gái thanh xuân mặc áo mỏng sắc xanh, thanh thoát uyển chuyển nhảy múa trên nền sênh ca, hành động của công chúa chính là mô phỏng lại cảnh tượng ấy.

Liên hệ với đoạn dưới bài từ mà công chúa còn chưa hát đến, cô gái trong bài hẳn không phải phu nhân của Tư Mã Quang, nếu quả thực có người như thế thì rất có thể đó là ca cơ vũ kỹ, như vậy, khi Tư Mã học sĩ còn trẻ cũng từng có một mối tình êm dịu dính dáng đến gió trăng.

Có vẻ như chúng thần tử cũng biết lai lịch bài từ này, bắt đầu châu đầu ghé tai, xì xào bàn tán, thậm chí có người còn khẽ cười, rọi ánh mắt hài hước về phía Tư Mã Quang.

Công chúa vẫn ngậm nụ cười lạnh nhạt ấy, vừa điều khiển con rối, vừa tiếp tục ngâm xướng bằng giọng hát mỏng manh như tơ nhện: “Gặp nhau mà bằng chẳng gặp, hữu tình khác chi vô tình…”

Hát đến vô tình, khả năng là công chúa cố ý, con rối trước cúi đầu xuống rồi ngẩng mạnh lên, miện hoa và mặt nạ cũng theo đó văng mất, hình dáng con rối hiển lộ làm nhiều người đứng xem hét lên một tiếng kinh hãi – mắt hõm răng chìa, chiếc đầu ấy là một cái đầu lâu chạm khắc từ gỗ!

Tay áo lục thoáng giương, mái tóc xanh phấp phới, công chúa cau mày cười khẽ, kéo dắt dây treo, thong dong ca múa, phạm vi nhảy múa của con rối mở rộng, lớp lớp vũ y như khói biếc sương châu cũng theo đó từ từ tản ra, lặng lẽ tuột xuống khỏi thân con rối, trực tiếp hiện ra trước mắt mọi người, không ngoài dự liệu của ta, là từng rẻ xương sườn…

Con rối móc dây này vốn làm theo hình dáng một bộ xương khô, tỷ lệ hoàn toàn tương đồng với cơ thể con người, chỉ là thu nhỏ lại. Hóa ra đây chính là con rối “kiểu khác” mà nàng muốn Thôi Bạch làm, thảo nào ban nãy Gia Khánh Tử không dám cho ta xem.

“Sênh ca dứt tiếng rượu mới tỉnh, sân sâu trăng tà lặng thinh…” Tiếng hát công chúa bay liệng trong đại điện rộng rãi yên tĩnh, hát hết một khúc, nàng lặp lại làn điệu, hát tiếp vòng kế.

Ánh mắt nàng mông lung, bước múa trôi nổi, bộ xương khô nàng điều khiển nhảy múa cùng nàng. Sắc mặt nàng tái nhợt, hai mắt lõm sâu, dưới ống tay áo thùng thình chỉ còn một cánh tay gầy trơ xương, nom cũng chẳng kém con rối dưới tay nàng bao nhiêu.

Mọi người chỉ trơ mắt nhìn nàng ngậm nụ cười ơ hờ vừa ca vừa múa, không ai lên tiếng ngăn cản, người nào người nấy đều trố mắt chăm chú nhìn nàng, vẻ mặt kinh hãi, chớp mắt như đang nhìn một con ma diễm lệ.

Tư Mã Quang xem điệu múa của bộ xương khô phơi bày trong bầu không khí kỳ dị ấy, ác liệt trong mắt dần tan đi. Lắng tai một lần nữa nghe tiếng hát yếu ớt của công chúa, cuối cùng, y buông một tiếng thở dài, im lặng buông đỉnh đầu mới vừa ngẩng cao xuống.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play