Ngày kế, ta gặp được nội nhân ty sức (*) Đổng Thu Hòa ở Nghi Phượng Các.

(*) Ty sức là nơi phụ trách trang sức và dầu cao dưỡng nhan trong cung,đồng thời cũng dùng để gọi nữ quan chủ quản cơ quan này.

Cô tới trang điểm cho Miêu chiêu dung. Hôm ấy, mới sáng tinh mơ, Miêu chiêu dung còn chưa thức giấc, cô đã đứng chờ trong sân gác. Cung nhân lâu năm trong gác gọi tên cô, mời cô vào, cô chỉ cười duyên, nhẹ nhàng nói: “Tôi đợi thêm chốc nữa.”

Thân bận áo xanh cổ tròn, chân đi hài, eo thắt đai lưng đỏ, đầu đội miện khăn mềm bằng vải sa đen không điểm thúy, Thu Hòa ăn mặc đúng lối nữ quan bình thường nhất, khuôn mặt trắng nõn để mộc không phấn son, chỉ đính bên tóc mai đôi hoa cài bằng ngọc trắng hình trăng non.

Vóc dáng cô mảnh khảnh yểu điệu, tay bưng hộp tráp đứng bên cây trúc tía. Cành sương nhánh tuyết, khói mỏng cảnh mờ, nắng sớm đầu đông dát lên hình ảnh này một lớp màu khiến cảnh tượng như trong một bức tranh truyền thần vẽ bằng mực đạm.

Đợi đến khi Miêu chiêu dung ngủ dậy, ta đón Thu Hòa vào, vì có người khác bên cạnh nên ta không kịp thuật chuyện Thôi Bạch với cô.

Cô chải đầu cho Miêu chiêu dung xong, cài thêm một chiếc miện ngọc tấm lòng xanh, Miêu chiêu dung soi gương ngắm nghía, sắc mặt thích thú, hỏi cô: “Miện này có tên không?”

Thu Hòa gật đầu, đáp: “Tên là Cúc Hương Quỳnh ạ.”

“Tên hay lắm.” Miêu chiêu dung nói, “Cái miện này màu sắc mộc mạc, cũng không to, giản dị tinh xảo, không giống loại Trương nương tử hay đội, cứ phải dài rộng hai ba thước mới chịu, cô ả đội không chê mệt kể cũng siêu.”

Thu Hoà mỉm cười, không tiếp lời, chỉ tỉ mỉ cân nhắc dung nhan chiêu dung trong gương, kiến nghị: “Màu sắc xiêm y và mũ miện của Miêu nương tử hôm nay đều mộc mạc cả, có thể điểm thêm một bông hoa điền (*) lên ấn đường.”

(*) Trang sức hoa văn đính lên ấn đường hoặc tóc mai của phụ nữ thời xưa, có thể làm bằng bột (dạng như tò he), gọi là hoa bột, hoặc làm bằng vàng ngọc châu báu.

Miêu chiêu dung đồng ý, cô bèn lấy từ trong tráp ra một miếng hoa bột mỏng hình tường vi, nhẹ nhàng dán lên giữa hai hàng lông mày của chiêu dung, lại lấy bút trang điểm tô màu phết nhũ vàng lên.

Tráp vừa mở ra, cả buồng tức thì thơm nức. Công chúa ngửi thấy, chạy tới nhón một miếng nghịch chơi: “Hoa bột này thơm quá.”

Miêu chiêu dung cũng hỏi: “Mùi nịnh mũi đấy, làm bằng gì vậy?”

Thu Hòa đáp: “Dùng cam tùng, đàn hương, linh lăng, đinh hương mỗi hương một lượng, hoắc hương diệp, hoàng đan, bạch chỉ, hương mặc, hồi hương mỗi loại hai chỉ (*), nghiền vụn, hòa với mật, rót vào khuôn hình hoa tường vi, đợi khô rồi lấy ra, bôi thêm một lớp não xạ là được.”

(*) Đơn vị trọng lượng, mười chỉ bằng một lượng(một lượng bằng 50gr).

Công chúa xen lời: “Thu Hòa, cái này chị tự điều chế ra à?”

“Vâng.” Thu Hòa trả lời, lại bổ sung, “Thiếp đã dùng thử rồi, không hại da đâu ạ.”

Công chúa tới bên cô, nhấc tay áo cô lên nhìn vào trong, Thu Hòa thẹn thùng rụt tay về, hỏi: “Công chúa nhìn gì vậy?”

Công chúa nói: “Mỗi lần chị cho các nương tử dùng gì cũng đều tự thử trước, mà da chị thì vừa mỏng vừa nhạy cảm, lần trước thử mỡ thơm cho Du nương tử, cổ tay đỏ ửng sưng vù, mấy ngày sau mới tiêu, ta muốn xem xem lần này có bị sưng nữa không.”

Miêu chiêu dung nghe vậy cũng ân cần hỏi thăm: “Có lại làm tổn thương da ngươi không?”

“Không ạ, không ạ.” Thu Hoa kéo tay áo che cổ tay đi, nói: “Thật sự không bị. Lần này thử một lần là đã được ngay, cũng không có hiện tượng sưng đỏ.”

Trong khoảnh khắc cô nói vậy, công chúa đã thấy rõ được rồi nên cũng không hỏi lại nữa, thân thiết dắt tay Thu Hòa, bảo: “Lát nữa chị nán lại đi, chờ ta học xong, chúng ta cùng chơi xóc tiền.”

Miêu chiêu dung thấy cô phân vân, cũng khuyên: “Hai ngày nay mình mẩy Du nương tử không khỏe lắm, hẳn cũng chẳng có tâm trạng đâu mà ăn diện, lát nữa ta sẽ sai người qua chỗ em ấy xin phép, hôm nay ngươi cứ ở lại đây đi.”

Cuối cùng, Thu Hòa bằng lòng, Miêu chiêu dung bèn cử người sang chỗ Du tiệp dư. Một chốc sau, thượng cung (*) giảng bài cho công chúa tới, công chúa dời gót sang thư phòng, lại lệnh ta và Thu Hòa theo hầu.

(*) Một chức nữ quan thuộc Thượng cung cục.

Hôm ấy thượng cung dạy “Nữ tắc” và “Quốc sử”, công chúa nghe mà lơ đễnh, thần sắc Thu Hòa thì lại rất chuyên tâm, hiển nhiên cô nghe nội dung rất thấu đáo.

Giờ học kết thúc, công chúa lập tức dắt Thu Hòa chạy về sảnh, lại bắt đầu chơi xóc tiền, nhưng mới ngồi được một khắc thì nghe nội thị tiến vào báo quan gia giá lâm, đã ở ngoài cửa gác.

Mọi người trong gác đều đứng dậy, chia thành hai hàng trái phải nghênh tiếp quan gia.

Đây là lần đầu tiên ta nhìn thấy kim thượng ở khoảng cách gần, trước đây chỉ từng thấy chút bóng dáng ngài ngồi trên ngai ngự cao vời trong những buổi lễ cúng tế lớn và cáo sóc (*), sách phong, khoác áo bào vải sa đỏ thẫm, đội mão thông thiên, thêm phương tâm khúc lĩnh bằng la trắng (**), ngồi nghiêm chỉnh, ngôn từ thận trọng, để lại cho ta ấn tượng mờ nhạt tựa như tất thảy chân dung các vị hoàng đế.

(*) Buổi lễ vua và chư hầu đi Thái miếu nghe báo cáo và quyết định chính sự mồng một hằng tháng.

(**) Một món trang sức làm bằng vải la (vải dệt thưa) màu trắng, đeo lên cổ áo triều phục thời Tống, trên tròn dưới vuông, hình dáng như chuỗi ngọc, là đặc điểm nổi bật nhất của triều phục triều đại này.

Ngài lúc này khoảng băm tư, băm lăm tuổi, bữa nay ăn bận rất tùy ý, mặc áo dài ống tay rộng màu trắng, cổ áo, vạt áo đều viền đen trang trí, đi ủng thâm, đầu buộc khăn Đường (*), eo đeo dây lưng ngũ sắc, bên ngoài khoác áo hạc (**), mặt mày đoan chính hòa nhã, thần thái cử chỉ nhã nhặn thanh lịch tựa danh sĩ văn nhân.

(*) Một loại mũ đội ngày thường của hoàng đế đời Đường, về sau kẻ sĩ cũng rất hay đội lọai mũ này.

(**) Loại áo khoác ngoài thời cổ, nhìn giống bộ lông hạc nên gọi là áo hạc (鹤氅).

Kim thượng lững thững đi từ Hậu uyển lại, vừa vào trong gác đã hô bình thân rồi luôn miệng kêu khát, sai bưng nước lên khẩn cấp. Miêu chiêu dung tự mình dâng nước, kim thượng nhận lấy, uống liền mấy chén.

Công chúa thấy thế ngạc nhiên hỏi: “Ban nãy ra ngoài sao cha không mang nước theo? Để ra nông nỗi giờ khát thế này?”

Kim thượng hỏi: “Ta quay đầu nhìn mấy bận mà chẳng thấy liêu tử theo hầu. Lúc ấy có mặt Nhậm đô tri ở đó, ta mà hỏi tới thể nào hắn cũng chuyện bé xé ra to, tức khắc bắt người trị tội, nên ta dứt khoát nhịn khát quay về.”

Cung phụng quan Vương Chiêu Minh vào cùng kim thượng vội tự trách: “Thần thấy quan gia liên tiếp nhìn mà lại không hiểu ý quan gia, quả thực đáng chết, xin quan gia trách phạt.”

Kim thượng cười, xua tay: “Ngươi cũng chẳng phải ta, ta không nói sao ngươi biết được? Chuyện này đừng nhắc lại nữa, về sau cũng đừng nói với Thủ Trung, tránh cho liêu tử bị phạt.”

Miêu chiêu dung nghe vậy cười: “Quan gia lúc nào cũng vậy. Chiêu Minh từng kể với thiếp, có bữa sáng sớm, quan gia bảo hắn, đêm ngủ không được, thấy đói, rất muốn ăn dê nướng. Chiêu Minh hỏi sao không hạ chỉ yêu cầu, quan gia lại bảo ‘Nghe nói người trong cung yêu cầu cái gì, truyền ra ngoài cung, mọi người sẽ đua nhau bắt chước, trở thành nếp sống một thời. Ta lo mình mà mở miệng đòi dê nướng, người trong nước từ rày đêm nào cũng mổ dê số lượng lớn làm bữa khuya mất, vậy thì hại vật hại của lắm.’ Ôi, xử sự nhân từ, thương xót sinh linh cố nhiên là tốt, nhưng vì thế mà cam nguyện nhịn khát chịu đói, làm hoàng đế làm đến nước này cũng thật là hiếm thấy.”

Kim thượng mỉm cười: “Thân cư nhà đế vương, nhất cử nhất động đều có tác dụng làm gương cho thiên hạ, mọi việc đều phải nghĩ cẩn thận, nhất định không được hành động bừa bãi theo ham muốn nhất thời. Có chút việc nho nhỏ tưởng chừng như không gây tổn hại gì, người thường làm thì được nhưng chúng ta mà làm thì kết quả thường sẽ khó bề thu dọn.”

Nói đoạn, hỏi công chúa: “Huy Nhu, đã nhớ lời này chưa?”

Công chúa gật mạnh đầu, kim thượng cười, dời mắt nhìn chiêu dung, để ý thấy bông hoa giữa cặp chân mày bà, bèn thuận miệng khen: “Hoa điền hôm nay được đấy, vẽ rất tinh tế, hương cũng không tục.”

Miêu chiêu dung cười: “Thiếp cũng nói vậy… Là món Thu Hòa mới chế ra.”

“Ồ, Thu Hòa…” Kim thượng đưa mắt qua Thu Hòa đứng hầu một bên, tỉ mỉ đánh giá một hồi rồi lại hỏi công chúa: “Huy Nhu, cổ tay Thu Hòa có vết đỏ mới nào nữa không?”

Công chúa đáp: “Con xem rồi, không có.”

“Đi xem lại sau tai nó xem,” Kim thượng nhìn Thu Hòa chăm chú, ánh mắt điềm đạm, “Chắc chắn lần này nó thử ở đó.”

Công chúa đi qua kiểm tra thật, ngay sau đó cười nói: “Cha nói đúng ghê, sau tai phải Thu Hòa có một vết đỏ to bằng móng tay.”

Thu Hòa cuống lên, hơi lùi ra sau, cúi đầu thật sâu, lúng túng thưa: “Quan gia, Thu Hòa không có ý…”

“Không cần giải thích, ta hiểu.” Kim thượng nói, “Những hương liệu này cần nhiều thành phần, hiếm khi điều chế một lần là thành ngay, làm ngươi bận nào cũng phải thử đi thử lại… Có điều, bây giờ ngươi cũng có vài đứa dưới quyền rồi, cớ gì vẫn thử lên người mình thế?”

Thu Hòa khẽ đáp: “Các em ấy còn nhỏ quá, dùng hương liệu chung quy vẫn không tốt.”

Kim thượng nghe vậy cười rộ: “Bản thân ngươi cũng mới bao lớn… Tròn mười bốn chưa?”

Thu Hòa hơi lưỡng lự, song cũng chỉ có thể trả lời đúng sự thật: “Còn thiếu hai tháng nữa ạ.”

Kim thượng gật đầu, nói: “Chốc nữa ta sẽ bảo Sở thượng phục (*) điều hai nội nhân mười sáu, mười bảy sang cho ngươi sai sử, thử hương thử thuốc cứ bảo chúng nó làm là được.”

(*) Thượng phục là chức nữ quan quản lý áo mũ của hoàng đế.

Thu Hòa bái tạ, nhưng vẫn chưa thuận thế tiếp nhận: “Thu Hòa tạ ân điển quan gia. Chỉ là, da Thu Hòa không tốt, nhạy cảm với thuốc hương nên cũng thích hợp làm người thử thuốc nhất. Thuốc hương mà đến Thu Hòa cũng dùng được ắt sẽ không làm tổn thương đến da dẻ chư vị nương tử. Nếu đổi lại là người khác thử thuốc, lỡ mà da họ khỏe hơn nương tử, một số độc tính của thuốc hương không thể hiện trên người họ, để các nương tử dùng há chẳng phải rất không ổn sao? Kính xin quan gia thu lại mệnh lệnh đã ban, việc thử thuốc cứ giao cho Thu Hòa đi thôi.”

Kim thượng thở dài, quay sang nói với Miêu chiêu dung: “Phải làm sao mới thỏa đáng đây? Chúng ta muốn giúp nó cũng không giúp được.”

Miêu chiêu dung cười ngó Thu Hòa: “Con bé này, xem ra phải nhờ quan gia chuyển ngươi sang Thượng phục cục mới được.”

Thu Hòa vội xua tay: “Không, không, thiếp không có ý đó…”

Kim thượng và Miêu chiêu dung nhìn nhau cười, cũng không tiếp tục chủ đề này nữa, đổi sang chuyện khác: “Mau đứng lên đi. Ta thấy trên bàn có đồng tiền, mới rồi ngươi chơi xóc tiền cùng Huy Nhu phải không? Chơi tiếp đi.”

Thu Hòa một lần nữa tạ ơn quan gia, đứng dậy trở về bàn, công chúa cũng đi qua, lại bắt đầu xóc tiền cùng cô.

Tay Thu Hòa rất khéo léo, động tác nhã nhặn êm ái. Công chúa tung tiền luôn rào rào ồn ã, cô lại khác, mỗi lần ném, tung, tiếp đồng tiền tiếng đều giòn tan mà không chói tai, bàn tay xinh xắn bay múa như hồ điệp, đồng tiền nặng trịch dưới tác động tay cô thế mà cũng mang vẻ mềm mại của lá rụng, lên xuống theo thế tay cô, bay lượn xoay tròn trên dưới, khiến chuỗi động tác trùng lặp đơn điệu trở nên đẹp mắt cực kỳ.

Kim thượng ngồi một bên đưa mắt ngó khắp, thi thoảng tán gẫu dăm câu với Miêu chiêu dung, ánh mắt chung quy vẫn khoan thai quay trở lại trên hai cô bé đang chơi xóc tiền, khóe miệng ngậm cười, trong mắt đong đầy thương yêu.

Hôm ấy, ngài cũng đã chú ý tới kẻ lạ mặt là ta, nghe Miêu chiêu dung giới thiệu, ngài nhanh chóng nhớ ra chuyện Phú Bật đi sứ.

“Hoài Cát à, cái tên này không tệ.” Ngài tươi cười hỏi ta, “Là tên gốc của ngươi hay sau khi vào cung đổi lại?”

“Vào cung rồi đổi ạ,” Ta trả lời, lại bổ sung, “Tên này là Trương Bình Phủ tiên sinh đặt cho thần.”

“Mậu Tắc?” Giọng kim thượng hơi khác thường, sau đó là một khoảng lặng ngắn ngủi song đủ để ta nhận ra.

Ta thầm thấp thỏm trong bụng, không biết mình đáp sai chỗ nào, nhưng vẻ mặt kim thượng mau chóng khôi phục như thường, ôn hòa bảo: “Đã tới đây rồi thì khỏi quan tâm tới chuyện bên lề, kết giao với người ngoài gác của Miêu chiêu dung ít thôi, chuyên tâm hầu hạ công chúa là được.”

Ta vâng lời, ngài cho ta lui, không nói thêm gì nữa.

Quá trưa, Thu Hoà muốn cáo từ, lại bị mấy thị nữ của Miêu chiêu dung níu kéo, nhao nhao đòi cô dạy cho kiểu tóc mới, Thu Hoà dạy đầy đủ từng kiểu cho họ, thêm một buổi nữa hao phí trôi qua. Miêu chiêu dung giữ cô lại gác dùng bữa tối, đợi đến lúc cuối cùng cô cũng có thể quay trở lại chỗ ở thì trời đã tối mịt.

Ta chủ động xin lệnh tiễn cô ra cửa, mau mắn về phòng lấy “Thu phố dung tân đồ” của Thôi Bạch đút vào tay áo rồi xách đèn lồng dẫn cô rời đi.

Ra khỏi cửa cung viện tần phi, ngó quanh thấy không người, ta mới lấy cuộn tranh ra, nói cô hay việc Thôi Bạch phó thác lúc rời họa viện. Cô nhận lấy tranh cuộn, nở nụ cười thật nhẹ, trong mắt lệ đã rưng rưng.

“Thôi công từ….còn quay lại chăng?” Cô thầm thì hỏi ta.

Ta cảm nhận được mùi sầu bi trong giọng nói nhè nhẹ âm rung của cô, điều này khiến ta hơi luống cuống, để không làm cô thất vọng, ta đành đáp: “Chắc là…có.”

Cô miễn cưỡng nặn cười, cảm ơn ta rồi vội vã cáo biệt, ôm chặt cuộn tranh rời đi, vừa xoay người, tay phải đã đưa lên, hẳn là đang lau lệ.

Sau ngày đó, Thu Hòa vẫn thường xuyên đến Nghi Phượng Các, cũng hay tới chỗ Du tiệp dư, thỉnh thoảng hoàng hậu cũng sẽ gọi cô qua. Bận bịu suốt ngày như vậy, trời còn chưa sáng đã vào cung, lại thường đến mãi tối khuya mới về, hèn chi trước đây không lần nào tìm được cô.

Một hôm nọ, lại dừng chân ở Phượng Nghi Các đến tận khuya, vẫn là ta tiễn cô ra khỏi nội cung. Khi ấy trông cô có vẻ mệt mỏi vô cùng, mặt tái xanh, bước đi cũng hơi lảo đảo, ta hỏi cô có muốn nghỉ chút hẵng đi không, cô nói mình không sao, liên tục giục ta trở về. Sau cùng ta dừng bước, song vẫn không yên tâm, một mực dõi mắt theo cô.

Cô đi tới trước Hoàng Nghi Môn, rốt cuộc không gắng gượng được nữa, người nhũn ra, ngã lăn xuống đất.

Ta chạy vội tới, thấy cô ý thức mơ hồ, chung quanh lại không có bóng dáng nội nhân nào, bèn bế cô lên, định đưa cô đến Thượng dược cục.

Đó là một chặng đường khá xa. Giữa chừng đi ngang qua Nội Đông Môn ty, đúng lúc chạm mặt Trương Mậu Tắc tiên sinh từ trong đi ra.

Thầy trông thấy hai người bọn ta, tương đối kinh ngạc, hỏi duyên cớ, sau đó đưa hai ngón tay thăm mạch cho Thu Hòa, lát sau nói: “Không có gì đáng ngại. Cậu bế con bé đi Thượng dược cục thì cực quá, không bằng vào đây, ta châm cứu cho nó, hẳn là sẽ khỏi nhanh thôi.”

Dẫn bọn ta vào nhà ngang trong Nội Đông Môn ty, thầy lấy một hộp kim châm cứu ra, cắm mấy kim lên đầu và cổ Thu Hòa, không bao lâu sau, sắc mặt Thu Hòa dần dịu xuống. Trương tiên sinh hòa nhã bảo cô đừng khẩn trương, tiếp tục châm kim, đợi một nén nhang cháy hết mới rút ra.

Sắc mặt Thu Hòa đã khá hơn nhiều, uốn gối thi lễ cảm tạ, Trương tiên sinh nói: “Đổng nội nhân chớ nên đa lễ. Cô chỉ là mệt nhọc quá độ, ngủ không đủ nên mới có triệu chứng như thế. Về sau cần chú ý nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe.”

Thư Hòa cúi đầu thưa dạ, Trương tiên sinh lại nói: “Nghe Sở thượng phục nói, ban đêm về Thượng phục cục rồi cô còn phải điều chế đồ trang điểm, dạy dỗ các cung nhân nhỏ hơn, như vậy thì nghỉ ngơi có được bao lâu. Ngày mai ta sẽ tâu với hoàng hậu, xin người cho cô chỉ phải làm việc trong hậu cung nửa ngày.”

Thu Hòa rưng rưng bái tạ, Trương tiên sinh tránh đi không nhận, bảo ta đưa cô về chỗ ở.

Đưa Thu Hòa về rồi, ta lại quay vào Nội Đông Môn ty, Trương tiên sinh hãy còn đang khử trùng rửa kim, chưa rời đi. Ta cảm tạ thầy, thầy mỉm cười: “Một cái nhấc tay mà thôi, huống hồ cũng chẳng phải châm cứu cho cậu, hà tất cảm tạ ta.”

Ta xấu hổ cúi đầu cười, hỏi thầy: “Tiên sinh từng học y thuật ạ?”

“Thuở thiếu thời ta từng làm việc ở Ngự dược viện.” Thầy qua loa đáp, quan sát trang phục của ta rồi lại ngậm cười: “Không tệ, tiến giai rồi. Chúc mừng. Mấy đứa bé cùng vào cung với cậu chẳng mấy ai có tiền đồ bằng cậu đâu.”

Ta cảm ơn thầy, do dự hồi lâu, lại hỏi: “Cơ mà, đối với chúng ta mà nói, cứ tiến giai thăng chức là có tiền đồ ạ?”

Thầy khẽ cau mày: “Thằng nhóc nhà cậu nghĩ gì đấy hả?”

Nhưng trong giọng thầy cũng không có ý trách cứ, hơn nữa còn gần như dò hỏi ôn hòa, ta bèn đánh bạo hỏi thầy câu hỏi ta đã suy tư bấy lâu: “Tiến giai thăng chức chính là mục đích của chúng ta sau khi vào cung sao? Thăng chức như vậy để làm gì?”

Thầy ngẩn người, tạm thời không có câu trả lời, ta liền hỏi tiếp: “Hiện giờ tiên sinh đã là nội tây đầu cung phụng quan, chấp chưởng Nội Đông Môn, quản lý người vật xuất nhập và truyền gửi công văn cơ mật trong ngoài cung, là quan to trong các hoạn giả, nhưng thầy vẫn ăn bận giản dị, ẩm thực đạm bạc như xưa, đối xử với mọi người cũng hòa ái khoan hậu, không hề lấy việc đánh chửi kẻ dưới làm vui như những người quyền cao chức trọng khác, vậy niềm vui của thầy nằm tại đâu? Thầy có tâm nguyện chăng? Tâm nguyện lớn nhất của thầy là gì?”

Thầy trầm ngâm hồi lâu, sau cùng nói: “Câu hỏi của cậu, có thể tương lai sẽ có một ngày ta cho cậu đáp án. Nhưng bây giờ, cậu chỉ cần hoàn thành cho tốt việc quan gia và Miêu nương tử bảo cậu làm, những cái khác đừng suy nghĩ nhiều.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play