Ngày mười tám tháng Giêng năm Gia Hựu thứ bảy, kim thượng theo lệ ngự Tuyên Đức Môn xem đèn, cho vời hậu phi, công chúa, chư thần và mệnh phụ đi theo. Trước đó đám gián quan Tư Mã Quang, Dương Điền có nói năm ngoái các châu gặp nạn hạn hán, góa bụa cô độc, lang thang lưu lạc, mong kim thượng giảm vui chơi, ngừng hội xem đèn tết Nguyên Tiêu, thương xót con dân. Nhưng kim thượng vẫn quyết định không bỏ xem đèn. Sau khi lên Tuyên Đức Môn, ngài nhìn thần tử đi theo hai bên, nói ra một lí do: “Chính vì năm ngoái xảy ra nhiều chuyện không vui nên trẫm mới muộn mượn ngày hội này, cùng vui với vạn dân đã trải qua cực khổ, chứ không phải để thỏa mãn lạc thú du ngoạn của mình trẫm.”

Trong mắt kim thượng, công chúa hiển nhiên cũng là một trong “vạn dân đã trải qua cực khổ”. Những khi rỗi rảnh giữa khoảng thời gian xem đèn, ngài liên tục nhìn sang con gái, hỏi nàng có thích những lầu gác đèn đóm dưới chân không, công chúa đều mỉm cười nói thích, nhưng ánh mắt nhìn đèn đuốc hoa lệ lại tản mạn vô thần, trong hoàn cảnh cảm xúc tích tụ kéo dài, hạng mục thưởng ngoạn nàng thích nhất khi còn nhỏ đã chẳng còn khơi dậy được bao nhiêu hứng thú cho nàng nữa.

Trong lúc ngắm đèn, dưới cổng thành vẫn có các loại nghệ nhân hiến kĩ như trước, đến màn hai nữ tử biểu diễn đấu vật, công chúa nghiêng người nhìn xuống, hiếm hoi tỏ ra chú ý.

Những nữ đô vật ấy vẫn mặc trang phục ngắn tay không cổ, để lộ một khoảng lớn trước ngực, làm ta nhớ đến A Địch và Trương phu nhân kể chuyện Tư Mã Quang bày tỏ phẫn nộ với việc này. Biểu diễn đêm nay vẫn có tiết mục này, cũng chẳng biết là năm ấy y không tiến gián hay kim thượng nghe xong đã bỏ ngoài tai.

Đấu vật xong, người xem sôi nổi reo hò, kim thượng hạ lệnh ban cho nữ đô vật vài món đồ bạc lụa, Tư Mã học sĩ từ chỗ ngồi của bách quan bước ra, đi tới trước mặt kim thượng, khom người xá dài, vô cùng nghiêm túc tâu: “Bệ Hạ, Tuyên Đức Môn là biểu tượng của quốc gia…”

“Kim thượng có uy nghiêm thiên tử, dưới có bách tính muôn dân, hậu phi hầu bên, mệnh phụ quan vọng, mà lại để phụ nhân lõa lồ đùa giỡn trước mặt, tuyệt không phải lễ pháp trọng thể hiển minh tứ phương.” Kim thượng không đợi y nói hết đã nghiêm mặt tiếp lời, rồi chợt phì cười, khoát tay, nói với Tư Mã Quang: “Năm nào khanh cũng nói vậy, trẫm thuộc cả rồi. Có điều nữ tử đấu vật là một trong những tiết mục truyền thống tết Nguyên Tiêu, thần dân Đông Kinh xem tiết mục này đã thành phong tục, mỗi lần đấu võ, người xem như nêm, trăm họ cũng đã quen với trang phục đấu vật, không cảm thấy có gì không ổn, khanh việc gì phải bắt buộc hủy bỏ?”

Tư Mã Quang nghiêm mặt nói: “Khổng Tử nói: trái lễ chớ xem. Nữ tử lõa lồ da thịt là hành động trơ trẽn vô liêm sỉ, có minh huấn của thánh nhân mà người xem vẫn nhìn chằm chằm, ấy là vô lễ. Đại Tống nhận lệnh do trời, Thái Tổ, Thái Tông thường răn dạy bề tôi, họa trên thiên hạ là do vô lễ mà ra. Vô lễ, thì hỏng phép tắc, suy phong tục, lâu dài thiên hạ tất vong, thần dân không biết thế nào là lễ nghi ắt sẽ khiến thiên hạ đại loạn, vận nước không bền, dẫn đến bại vong, nhân dân lầm than. Nay mà không cấm nữ tử diễn trần, làn gió dâm mị trong nước sẽ ngày càng thịnh, gây hậu quả xấu, bệ hạ không thể không phòng!”

Kim thượng ra chiều lắng nghe nghiêm túc, song vẻ mặt chẳng lấy gì làm quan tâm. Đợi Tư Mã Quang nói xong, ngài mỉm cười, cho y một câu trả lời lập lờ nước đôi: “Ý của khanh, trẫm đã biết. Mời khanh về hàng tiếp tục thưởng thức biểu diễn, chuyện này ngày sau lại bàn.”

Tư Mã Quang lại không chịu thôi, bước lên trước hai bước, cao giọng nói với kim thượng: “Bệ hạ, chuyện này đã kéo dài hai năm, há có thể tiếp tục lần lữa không quyết? Quyết sách của bệ hạ phải lấy lý làm đầu, không dung trái lễ, đề cao thiện lành, trừ bỏ tệ hại, như vậy mới có thể trường kỳ bình an, khiến thiên hạ thần phục, muôn dân quy thuận.” Lời nói đến đây, y lại nghiêm chỉnh bái lạy, quỳ gối trước mặt kim thượng, “Thần cả gan khẩn cầu bệ hạ lập tức hạ chỉ, ban hành pháp lệnh, nghiêm cấm hạn chế, để sau này phụ nhân không còn biểu diễn chốn đông người tụ tập trên phố nữa.”

Kim thượng không vui, khẽ cau mày, song nhất thời cũng không lên tiếng cự tuyệt. Tư Mã Quang chờ một lát rồi lại lần nữa quỳ lạy, lặp lại thỉnh cầu của mình bằng giọng nói vang vọng khắp điện gác lầu cổng.

Kim thượng vẫn im lặng, những người còn lại cũng chẳng dám mở miệng, trong bầu không khí vi diệu ấy, đến nhạc công giáo phường cũng ngừng tấu nhạc, trên Tuyên Đức Lâu lặng ngắt như tờ, chỉ có tiếng nô đùa du ngoạn của thứ dân dưới lầu là hãy còn vọng tới liên miên không dứt.

Bỗng, công chúa dời vài bước về phía Tư Mã Quang, cách một lớp rèm châu nói với Tư Mã Quang đang quỳ dưới đất: “Tư Mã học sĩ, lúc ông can gián thường nhắc đến gia pháp tổ tông, hẳn là tin phục lời dạy bảo của Thái Tổ và Thái Tông hoàng đế lắm.”

Nàng vừa xen lời, người ngồi bốn phía đều quay đầu nhìn công chúa. Cung quyến sau rèm trực tiếp đối thoại với thần tử là điều không hợp với lễ chế, huống chi trước mắt còn là một công chúa thường xuyên có dị động đang hỏi Tư Mã Quang nhiều lần chỉ trích nàng.

Kim thượng khoa tay, ra hiệu bảo công chúa lùi ra sau, nhưng công chúa chẳng nghe theo, ánh mắt vẫn cố định đậu trên Tư Mã Quang. Kim thượng lưỡng lự, sau cùng vẫn không ngăn cản.

Tư Mã Quang cũng rất kinh ngạc, nghiêng đầu nhìn về phương hướng công chúa, hoài nghi nom bóng người mơ hồ sau bức rèm che một chốc, y vẫn đáp lời: “Tất nhiên, Thái Tổ, Thái Tông cơ trí uy vũ, tự gánh thiên hạ, anh minh sáng suốt, quần thần nể phục.”

Công chúa lại nói: “Nếu là vậy, chuyện phụ nhân đấu vật, Thái Tông cũng có minh huấn, sao Tư Mã học sĩ lại không lý tới?”

Tư Mã Quang ngạc nhiên: “Thái Tông hoàng đế luận về phụ nhân đấu vật khi nào?”

Công chúa ung dung đáp: “Năm xưa Thái Tông hoàng đế xem đèn Nguyên Tiêu, Phùng Chưởng cũng từng nói nữ tử lộ ngực làm suy đồi phong hóa, xin ngài hạ lệnh cấm nữ tử đấu vật. Thái Tông hoàng đế bèn hỏi Phùng Chửng: ‘Mới rồi hai nữ tử kia tỷ thí, cuối cùng là ai thủ thắng?’ Phùng Chửng không trả lời được, Thái Tông hoàng đế cả cười: ‘Hôm nay ta xem một trận so tài đấu vật đặc sắc mà khanh lại chỉ thấy nữ tử diễn trần lộ ngực.’ Bây giờ ta cũng muốn hỏi Tư Mã học sĩ, mới rồi trong hai vị đấu vật, người cuối cùng giành chiến thắng là ai?”

Tư Mã Quang đăm chiêu, lại chẳng thể đưa ra đáp án. Chung quanh bắt đầu lục tục phát ra tiếng phì cười kìm nén, khiến vị học sĩ không lâu trước đây còn lời lẽ hùng hồn lộ vẻ lúng túng.

Công chúa cười khẽ, nói tiếp: “Thái Tông hoàng đế lại nói với Phùng Chửng: ‘Cái thấy là cái nghĩ. Tính người không đục, thân vốn tròn đầy, chỉ cần giữ vững tâm tính thanh tịnh, như vậy những thứ bề ngoài hư ảo há có thể gợi lên ý niệm dâm tà? Khanh lo lắng như thế là coi muôn dân thiên hạ đều thành tiểu nhân dâm tà.’ Hôm nay Tư Mã học sĩ ra sức xin cấm tiệt phụ nhân đấu vật, chẳng lẽ cũng là không có lòng tin với thần dân Đại Tống, hay là nghi ngờ hiệu quả thánh thượng giáo hóa con dân?”

Đây không phải một câu hỏi dễ trả lời. Tư Mã Quang á khẩu, một lúc lâu sau mới cất tiếng, nhưng cũng không phải bẻ lại công chúa mà hỏi: “Tích này của Thái Tông hoàng đế có văn bản nào ghi lại chăng?”

“Đương nhiên có,” Công chúa lập tức đáp, “Ngay trong ‘Thái Tông thực lục’, lẽ nào Tư Mã học sĩ chưa từng đọc?”

Tư Mã Quang thành thật trả lời: “Ta từng đọc ‘Thái Tông thực lục’ nhưng không nhớ là có chuyện này.”

Công chúa nhoẻn miệng: “Vậy học sĩ trở về tra lại ‘Thực lục’ đi thôi.”

Tư Mã Quang im lặng, lát sau, y quay sang kim thượng, bái lạy cáo lui. Kim thượng hỉ hả, gật đầu bằng lòng, lúc Tư Mã Quang đứng lên, có lẽ là xuất phát từ lòng tôn trọng dành cho học sĩ đại phu, ngài bổ sung thêm câu: “Tiểu nữ thất lễ, mong khanh chớ để bụng.”

Câu này giúp Tư Mã Quang lập tức ý thức được thân phận của công chúa. Bước chân y thoáng khựng lại, khôi phục lại vẻ mặt trước đây, ánh mắt sáng quắc đâm về phía công chúa. Kim thượng hơi hãi, vội vàng giục y trở về vị trí cũ. Tư Mã Quang đứng lặng một lát, cuối cùng lựa chọn nhẫn nhịn, xoay phắt người, rảo bước trở lại hàng ngũ thần tử.

Biểu hiện của công chúa giành được sự tán dương nhất trí của cung quyến phía sau. Gần đây nàng cảm xúc thất thường, còn nổi điên với Lý Vĩ, trong cung thậm chí còn đồn đại nàng điên rồi, mà nay nàng đối thoại với Tư Mã Quang, giọng tuy có phần yếu ớt, song nội dung mạch lạc rõ ràng, có thể thấy nàng tư duy tỉ mỉ, so với vài ngày trước tựa như hai người khác nhau.

Cung quyến sôi nổi tiến lên ca tụng chuyện công chúa đẩy lùi Tư Mã Quang, hoàng hậu cũng mỉm cười với nàng, có ý khen ngợi, nhưng cũng không quên hỏi nàng: “Ban nãy Huy Nhu nói tích Thái Tông và Phùng Chửng có ghi lại trong ‘Thái Tông thực lục’, không biết là ở quyển nào?”

Công chúa xua tay cười đáp: “Chuyện này con bịa ra để gạt Tư Mã Quang đó. ‘Thực lục’ có cả trăm cuốn, chờ đến lúc y về lật xong, năm nay đã sớm qua rồi, chúng ta cũng xem đấu vật xong cả rồi.”

Thân thể công chúa hôm nay yếu ớt, không đợi xem hết biểu diễn đã thấy mệt lả, sau khi bái biệt phụ mẫu thì xuống lầu trước, trở về cung nghỉ ngơi. Ta một đường đi theo, đi tới dưới lầu, chợt thấy một mệnh phụ cài trâm miện khoác khăn quàng rảo bước lại gần, gọi khẽ sau lưng nàng: “Công chúa.”

Công chúa ngạc nhiên xoay người, quan sát người gọi mình.

Nữ tử ấy còn rất trẻ, trên miện cài bảy đóa trâm hoa, thân bận địch y thất đẳng, xem chừng là phu nhân của một vị quan tam phẩm. Cô cười thân thiện với chúng ta dưới ánh hoa đăng rạng rỡ, tựa như gặp lại cố nhân cách biệt đã lâu.

Mà chúng ta cũng nhanh chóng nhận ra cô – phu nhân của Phùng Kinh, Phú Nhược Trúc. Ánh mắt cô nhìn đôi ta ấm áp như nhìn bằng hữu, hiển nhiên đã xác định chúng ta chính là người quen biết trong Bạch Phàn Lâu năm xưa.

“Phú tỷ tỷ.” Công chúa mỉm cười, không bị Nhược Chúc đột ngột lại gần dọa sợ, cũng không có ý né tránh, thản nhiên chào cô, coi như thừa nhận thân phận mình.

Nhược Trúc rất vui, hào hứng bước về phía trước hai bước cách công chúa gần hơn, nói với nàng: “Xin công chúa thứ cho Nhược Trúc lỗ mãng… Tôi chỉ muốn nói với công chúa là tôi cũng rất thích xem nữ tử đấu vật.”

Cô là mệnh phụ tam phẩm, chỗ ngồi cách cung quyến chẳng quá xa, có thể đã trông thấy bóng dáng công chúa từ trước, lại nghe nàng nói chuyện với Tư Mã Quang, giọng nói phù hợp với trong ấn tượng, thế nên mới dám lại gần nhận mặt.

Nghe cô nói, công chúa không khỏi hớn hở, đối mắt cùng cô cười. Nhược Trúc chợt đặt một tấm khăn lụa trắng vào tay công chúa, nhỏ giọng: “Tư Mã tỷ phu của tôi là một cục gỗ gàn dở ngoan cố hết thuốc chữa, từ nhỏ tôi đã muốn trêu anh ấy mà đó giờ vẫn chưa có cơ hội. Có điều tôi biết thời còn trẻ anh ấy từng điền một bài từ, bây giờ nói ra quả thật không ai tin là anh ấy viết, hiện giờ anh ấy cũng rất hối hận, hễ nghe người ta nhắc đến bài từ ấy là vừa thẹn vừa giận, chỉ hận không thể tìm một cái lỗ chui vào. Công chúa không ngại thì hãy nhớ lấy, lần sau anh ấy còn lảm nhảm mấy đạo lý nào lễ nào nghĩa chết ngộp người ta ấy, công chúa cứ đem bài từ này ra chọc anh ấy xấu hổ!”

Chuyện giữa ta và công chúa đã sớm thành chủ đề lưu truyền giữa học sĩ đại phu, Nhược Trúc khẳng định cũng đã nghe đôi chút về lời Tư Mã Quang chỉ trích hai ta. Từ câu cuối cô nói, ta cảm nhận được có ý khác, bèn dời mắt nhìn cô, cùng lúc đó Nhược Trúc cũng ngẩng đầu, tầm mắt hai ta chạm nhau, cô nở nụ cười nhẹ với ta, ánh mắt hiền dịu không chút che giấu biểu đạt với ta lòng cảm thông và thấu hiểu của mình.

Lúc này, công chúa đang mở tấm khăn lụa Nhược Trúc đưa cho nàng ra, ta cũng nhìn lại, thấy trên đó viết một bài “Tây giang nguyệt”, chữ viết đỏ thẫm, thoang thoảng hương tường vi, hẳn là Nhược Trúc viết tạm bằng cao phấn mang theo bên người: “Bồng bồng búi tóc mới vấn, nhàn nhạt phấn hoa điểm trang. Khói biếc sương châu lồng xiêm áo, phất phơ tơ lụa lung linh. Gặp nhau mà bằng chẳng gặp, hữu tình khác chi vô tình. Sênh ca dứt tiếng rượu mới tỉnh, sân sâu trăng tà lặng thinh.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play