Dịch: Tuyệt Hàn

***

Bà ngoại tôi kinh ngạc cởi dây cho cô Tú ăn cơm, không biết do đói hay do gì mà cô Tú chỉ và vài cái đã hết bát cơm sống, hơn nữa la hét đòi ăn tiếp. Kết quả mấy bát cơm sống cô đều ăn hết, nhưng cô vẫn đòi ăn tiếp, ăn tới mức bụng căng tròn như cái trống, khiến cả nhà càng thấy sợ hãi.

Bà ngoại tôi vội vàng đi gọi bác sĩ, bác sĩ cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao một đứa bé có thể ăn nhiều tới vậy. Sau đó bác sĩ đành rút truyền dịch, cho cô Tú uống thêm một viên thuốc tiêu hóa rồi đi ra ngoài.

Tới tối, cơm bình thường thì cô Tú lại bắt đầu không muốn ăn, mọi người tưởng rằng do buổi trưa cô ăn nhiều. Nhưng tới ngày thứ hai, ngày thứ ba, bất kể là thức ăn ngon tới đâu để bên cạnh, cô Tú đều không hề động tới, tình trạng cứ kéo dài như vậy tới buổi tối ngày thứ tư.

Đêm hôm đó cô Tú còn chưa ăn cơm, nhìn con mình ngày càng gầy gò, bà ngoại tôi ngậm nước mắt, đau lòng dỗ dành cô Tú ăn cơm nhưng vô ích. Bất đắc dĩ nên bà ngoại tôi phải ra ngoài, bỏ tiền mua một phần cơm sống cho cô Tú thử một chút.

Quả nhiên không ngoài dự liệu, cô Tú lại ăn hết sạch, ăn tới mức bụng phồng căng mới thôi. Chuyện lạ như vậy, bác sĩ cũng không giải thích được, chỉ đành dặn dò không được cho cô Tú ăn nhiều cơm sống như vậy nữa, trẻ con dạ dày chưa phát triển hoàn toàn, ăn nhiều cơm sống càng gây hại cho đường tiêu hóa.

Sau hai ngày, người nhà tôi không dám cho cô Tú ăn thêm cơm sống nữa, bác sĩ cũng không còn cách nào khác, cứ như vậy kéo dài tới ngày thứ bảy. Cô Tú đột nhiên lại bất tỉnh, hơn nữa bắt đầu co giật, miệng sùi bọt trắng, nhịp tim và huyết áp đều bắt đầu hạ. Bác sĩ dù đã cố gắng hết sức nhưng sau một hồi đành bảo gia đình chúng tôi về chuẩn bị hậu sự, đứa nhỏ này sợ là không giữ được, cũng không biết là bệnh gì.

Thời điểm đó bà ngoại rất kiên cường, bà cũng không hề khóc, chỉ nói một câu: "Chết thì cũng không thể chết ở bệnh viện, bất kể thế nào cũng phải về nhà!"

Nói xong bà bèn bảo ông nội đưa cả nhà về. Trên đường trở về bà ngoại tôi nhớ tới lời vị đạo sĩ năm đó, bà bèn bảo ông ngoại đi tìm. Có thể đó chỉ là một vị đạo sĩ chín năm trước vô tình đi ngang qua, khi đó vừa không có điện thoại, vừa không có danh thiếp, biển người mênh mông, đi đâu tìm được?

Bà ngoại nhớ lại lời vị đạo sĩ kia trước lúc đi đã dặn — Phố An Huyền cách đó năm dặm, liền vội vàng bảo ông ngoại đạp xe đi trước. Ông ngoại tôi vội vàng vừa đi vừa hỏi, rốt cuộc mới tìm được con phố đó.

Khi tìm được phố An Huyền thì trời đã tối, gặp ai ông cũng hỏi về vị đạo sĩ kia, ai cũng lắc đầu, đạp xe vài lượt qua cả con phố ông ngoại tôi mới được một ông già nhắc ở phía tây cách phố An Huyền năm dặm có một thôn nhỏ, rất hẻo lánh, phải đi qua một mảnh rừng, phía dưới là nghĩa địa, qua nghĩa địa lại phải đi thêm năm dặm đường. Nghe nói nơi đó trước kia có một vị đạo sĩ, về họ tên thì không ai biết cả.

Ông ngoại cám ơn ông già, vội vàng đạp xe cả đêm, khi đi ngang qua cánh rừng chỉ thấy toàn là đom đóm, lập lòe như ma trơi. Ông nội tôi sợ lắm, guồng chân liều mạng đạp xe, không cẩn thận bị ngã lộn nhào, ông vẫn tiếp tục bò dậy, cắn răng nhịn đau chạy xe thẳng về phía trước. Lúc đi tới thôn ông ngoại tôi đau đến mức đầu đầy mồ hôi, ngồi ở cửa thôn kiểm tra một chút, chỉ thấy chân rách toạc, nhìn thấy cả xương trắng. Ông ngoại tôi rất thương cô Tú, cảm thấy bất lực, bèn đứng ở ven đường khóc lớn.

Lúc ông ngoại tôi đang khóc, ở đầu thôn có một người đàn ông chạy tới hỏi ông tôi gặp chuyện gì mà khóc ở đây, người này mắt to mày rậm, sống mũi cao, mặc một bộ trường bào màu trắng, nhìn dáng vẻ tiên phong đạo cốt.

Ông ngoại lúc này hết sức bất lực, đành nói con mình sắp chết, không còn cách nào khác nên đành khóc.

Nghe ông ngoại tôi giải thích xong, người tuổi trẻ kia liền nói: "Đại ca đừng có gấp, cứ từ từ theo tôi vào nhà rồi nói, để tôi băng bó vết thương cho anh trước đã." Vừa nói liền dẫn ông ngoại vào phòng. Sau khi đi vào, ông ngoại thấy đó chỉ là một căn nhà lá tầm thường, trên vách nhà có treo bức tranh Tam Thanh: Ngọc thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn, Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn.

Người nọ rót cho ông ngoại tôi một ly trà, bảo ông ngồi xuống. Lúc này vị kia mới thấy vết thương trên chân ông ngoại tôi, máu thấm ướt cả nửa quần, vết rách dài cả ngón tay. Sau đó ông lại vào nhà tìm thảo dược cầm máu, đắp lên chân cho ông ngoại tôi, lại dùng vải trắng băng bó lại, nhưng như vậy cũng làm ông tôi đau đến mức tái cả mặt.

Băng bó xong, người nọ lại rót thêm cho ông tôi một ly trà, dù nhìn trà cũng là loại phổ thông nhưng không hiểu sao ông ngoại tôi sau khi uống một hớp lại cảm thấy dần bình tĩnh lại, vết thương cũng từ từ không còn đau. Ông ngoại lúc này mới bắt đầu kể lại rõ ràng đầu đuôi, nói chuyện rõ ràng, hỏi người đàn ông này có biết gần đây có lão đạo sĩ nào không.

Không nghĩ tới người đàn ông kia lại nói: "Nếu như tôi đoán không sai, hẳn là anh muốn tìm sư phụ của tôi, đáng tiếc lão nhân gia đã cưỡi tiên hạc về trời ba năm nay. Nếu sư phụ khi còn sống có giao phó anh đến tìm, đại ca tin tưởng tôi, để tôi tới xem bệnh cho cô bé, được không?"

Ông ngoại tôi vừa nghe người mình muốn tìm đã chết rồi, cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, lúc này gật đầu liên tục, sợ chẳng còn biện pháp gì cứu con gái mình.

Người kia hỏi bát tự của cô Tú, rồi bấm đốt ngón tay tính toán, sau đó nói với ông ngoại tôi: "Quả nhiên không ngoài dự liệu, chỉ sợ con bé không qua khỏi ngày 15 tháng này. Gia sư chín năm trước đã từng cảnh cáo, không nghĩ tới mọi người chẳng những không có tin tưởng, ngược lại còn... Ai!"

Ông ngoại vừa nghe thấy vậy liền lập tức quỳ sụp xuống trước mặt người kia, khóc rống lên: "Năm đó chúng tôi chẳng ai nghĩ tới đạo sĩ điên đó. A không, lời đạo trưởng đó nói là sự thật. Vậy cậu bảo giờ phải làm sao?"

Người kia đỡ ông ngoại tôi dậy, lẩm bẩm: "Thôi thôi, anh đành chờ một chút vậy."

Chỉ chốc lát sau, người đàn ông kia đi ra từ sương phòng (phòng ngủ ngay cạnh gian khách). Lúc này ông mặc một bộ đạo bào, đầu đội mũ bát quái, chân đi giày màu trắng có thêu bát quái, còn đeo một cái túi bát quái trên lưng, nói với ông ngoại tôi: "Anh mau dẫn tôi về nhà, càng nhanh càng tốt. Nếu bây giờ anh có thể đi, lập tức lên đường."

Ông ngoại nhìn người đàn ông này mặc trang phục đạo sĩ, biết mình đã cầu đúng người, vội vàng đứng dậy, hai người đi suốt đêm trở về nhà. Nào ngờ, ông ngoại tôi chỉ vì chuyến đi đó mà vết thương ở chân chuyển biến xấu, từ đó ông tôi thường phải đi tập tễnh.

Phải nói ông ngoại tôi cũng là người khỏe mạnh trong thôn, nhưng giờ lại bị thương, đi đứng khó khăn. Vị đạo sĩ kia nói việc rất gấp, ông chỉ có thể cắn răng chịu đựng. Vị đạo sĩ này về sau có mối quan hệ rất thân thiết với cả nhà tôi, ông tên là Tra Nghiêm Vân.

Năm đó Tra Nghiêm Vân sinh đôi được một trai một gái, cuộc sống vùng nông thôn cũng khó khăn, chỉ có thể ngày ngày cố gắng mà thôi.

Khi tới nhà, ông ngoại tôi nói với bà ngoại lai lịch của vị đạo sĩ kia, sau đó lập tức đưa ông tới phòng của cô Tú. Kỳ quái chính là con chó mực của cậu Sáu khi thấy ông lại vẫy đuôi mừng, còn giơ hai chân trước ôm lấy giầy của Tra Nghiêm Vân. Phải biết rằng con chó này bình thường với người ngoài rất dữ, nghe nói ngay cả ba tôi khi tới tán mẹ tôi cũng suýt bị nó cắn.

Vị đạo sĩ xoa đầu con chó mực, cười cười tiến vào, hơn nữa bảo những người khác ở bên ngoài. Sau một nén nhang ông đi ra, sắc mặt có chút nặng nề. Bà ngoại tôi khẩn trương hỏi: "Đạo trưởng, tình huống như thế nào?"

Ông cũng không nói gì, chỉ bảo bà ngoại trải chiếu, chuẩn bị một cái bàn để ở ngoài cửa, một bát cơm cúng (cơm cúng phải được đắp thật đầy, sau đó úp ngược lại vào một cái bát khác. Cơm có hình như cái bát úp ngược, hơn nữa nhất định phải là cơm nửa sống nửa chín).

Bà ngoại tôi vội vàng trải chiếu, chuyển cái bàn ở bếp lên, sắp một bát cơm cúng như lời vị đạo sĩ dặn.

Sau khi xong xuôi, đạo sĩ Tra Nghiêm Vân bày bát cơm cúng ở giữa bàn, ông lấy từ trong túi càn khôn ra ba nén hương, một xấp phù, một hộp chu sa, một cây bút lông. Lại bảo ông ngoại tôi chuyển giường cô Tú đang nằm đối diện với cửa, hơn nữa còn đưa cho ông ngoại tôi một cuộn chỉ đỏ, bảo ông tôi trói cô Tú lại.

Nói tới cô Tú, từ khi đạo sĩ Tra Nghiêm Vân tới, cô quậy phá không ngừng. Ngay cả ông ngoại tôi cũng gần như không thể giữ chặt được cô. Nghe lời đạo sĩ, ông ngoại tôi dùng chỉ đỏ trói cô Tú lại. Về sau đó tôi mới biết sợi chỉ đỏ đó không phải chỉ để tránh cô Tú vùng vẫy, còn có tác dụng trói hồn, cũng chính là trói hồn phách của cô Tú, không để hồn phách của cô xuất khiếu.

Sau khi trói vòng vài vòng quanh người cô Tú, sợi chỉ tuy mỏng manh như cô Tú dường như không thể cựa quậy. Vị đạo sĩ lại cầm một hòn đá đen kịt nhét vào miệng cô, ông nói để ngừa cô cắn phải lưỡi. Xong xuôi mọi việc, ông cung kính đốt ba nén hương. Nén hương đó nhìn dài hơn hương của chúng ta hay dùng, cũng to hơn một chút, màu vàng ngà, có thể đó chính là cống hương (hương vua chúa dâng lên thánh thần). Nhắc tới cũng kỳ, trong phòng không hề có gió, nhưng sau khi hương được đốt lên, khói từ ba nén hương chụm lại, sau đó từ từ bay vào trong phòng cô Tú.

Tiếp, vị đạo sĩ lấy ra một cái nghiên mực. Ông ngoại tôi cũng là một người yêu thích thư pháp, vừa thấy liền biết ngay đó không phải là nghiên mực thông thường. Cái nghiên đó làm bằng đồng sáng bóng, trong mặt nghiên có khắc hình bát quái, chẳng qua ở giữa nghiên mực này lại có màu đỏ, mà không giống như nghiên mực phổ thông vốn có màu đen.

Vị đạo sĩ nhìn cậu Sáu, sờ đầu cậu một cái, nói với cậu: "Tiểu oa oa, đi tiểu vào một cái bát, mang vào đây cho ta."

Bà ngoại vội vàng cầm một cái bát, dẫn cậu Sáu tôi đi ra ngoài. Chỉ chốc lát sau, bà mang bát nước tiểu đi vào, vị đạo sĩ bèn đổ một chút vào nghiên mực, sau đó hòa thêm chút chu sa. Sau khi khuấy đều, ông cầm bút lông bắt đầu họa phù, khi họa phù toàn bộ chỉ dùng một nét nối liền, bút không hề nhấc lên, Ông vẽ tổng cộng tám cái phù, sau đó dán vào tám hướng xung quanh phòng cô Tú.

Nhắc tới cũng kỳ quái, sau khi dán xong lá phù cuối cùng. Cô Tú nằm trên giường lại hoảng sợ gầm to, nhưng miệng cô đã bị bịt chặt, cũng không nghe rõ được cô gào thét cái gì. Cô lúc này trừng mắt thật lớn, liên tục lắc đầu, giống như là rất sợ hãi, hoặc như là rất tức giận!

Tra Nghiêm Vân không hề nhìn cô Tú một cái, ngược lại càng đi tới gần, chân ông bước theo Thất Tinh Bộ. Mỗi một bước ông vẽ một lá phù, sau đó kẹp chặt vào ngón tay. Cũng không biết tại sao mà lá phù đó liền bốc cháy, miệng ông lầm rầm niệm chú. Cô Tú nằm trên giường bắt đầu quằn quại theo tiếng niệm chú của ông, cô ra sức giãy giụa như muốn thoát khỏi sợi chỉ đỏ, cả cái giường cũng rung lắc dữ dội. Sắc mặt cô từ trắng chuyển thành xanh, miệng không ngừng phát ra âm thanh: "Hô... Hô..."

Cũng không nghe rõ là cái gì.

Sau khi đốt tổng cộng bốn mươi chín lá phù, cô Tú dường như mệt hẳn, chỉ có thể thở dốc. Mọi người trong nhà cũng sợ, không nhúc nhích. Nhưng sắc mặt của đạo sĩ lại càng dần ngưng trọng, ông bắt đầu toát mồ hôi, đốt xong lá bùa cuối cùng, đạo bào sau lưng ông đã đẫm mồ hôi.

Vị đạo sĩ lập tức ngồi sụp xuống chiếu, uống một ly trà bà ngoại tôi đưa tới, nhìn qua hết sức mệt mỏi. Ông ngồi ước chừng ba phút mới đứng lên, dáng vẻ yếu ớt, hướng về phía ông ngoại tôi ngoắc ngoắc tay, nhỏ giọng nói: "Mọi người đi ra đi, tôi có vài lời muốn nói."

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play