Tôi cuống cuồng đỡ lưng cô bạn: "Sao thế? Tự dưng cậu mệt à? Vết thương sao à? Hay cậu về nhà nghỉ đi?"
Chi chỉ im lặng lắc đầu rồi lẩm bẩm những gì tôi không nghe rõ: "Quá nhiều nỗi đau...không thể chịu..."
"Nhà cậu ở đâu tớ đưa cậu về?" Tôi vẫn giục nhưng Chi khoát tay, lại ngẩng mặt lên và mỉm cười như chưa có gì xảy ra. "Tớ không sao. Chỉ khó chịu chút thôi." Thế rồi cô bé lại chỉnh lại chiếc khăn mỏng buộc ở cổ. Chắc Chi là đứa yếu đường hô hấp nên mới bị như thế này. Sau vụ của bà tôi tôi sợ phát khiếp, nhỡ đâu Chi lại lăn đùng ra đây lại chết tôi...
"Thôi đi về đi..." Nãy giờ mải chuyện mà tôi quên béng mất cái hẹn sang nhà thằng Hưng...
"Nghe nốt đi nào...Đang dở chuyện." Chi nói bằng giọng chắc đinh làm tôi cảm thấy khó mà thỏa hiệp.
"Ừ thì nghe nốt..." Tôi nghĩ chắc là nhanh thôi.
"Hung tin đó...Chính là..Đứa con trai duy nhất của họ đã bị tàu hỏa cán chết vào chiều ngày hôm đó...."
"Trời ơi..."
"Chiều hôm đó, thằng bé chạy chơi theo những đứa trẻ trong xóm ra đường tàu. Nói là nhờ trông nhưng ai cũng bận việc nên thằng bé gần như chẳng có một ai để mắt đến. Nó chạy theo lũ trẻ trong xóm đi rồi về nên mọi người cũng kệ. Nhưng mọi người không nhớ ra rằng, thằng bé mới có 4 tuổi thôi. Và nó không thể lường trước được những nguy hiểm ở đường tàu....Thi thể thằng bé bị cán nát bét khó lòng mà nhận dạng được. Nhận được tin cô Thược như ngã gục. Lời tiên đoán năm nào của người thầy bói cứ văng vẳng trong đầu bà: "Không tuyệt cái này thì sẽ tuyệt cái kia..." Cô quỳ xuống và gào lên trong đau khổ khi mà ông Năm cũng ôm lấy vợ mà khóc trong im lặng...Họ đã đặt cho thằng bé một đôi giày đỏ ở trên phố, gom đủ tiền là sẽ lấy về...Ấy thế mà giày chưa kịp đi thì thằng bé đã chẳng còn trên cõi đời này nữa!
Từ ngày hôm đó căn nhà của hai vợ chồng đóng cửa im lìm. Cô Thược dường như phát điên, cứ khăng khăng đòi lấy bằng được đôi giày của thằng bé về. Vào ngày tang lễ, cô Thược đặt đôi giày vào quan tài của thằng bé rồi mỉm cười: "Con ơi...Đi giày vào..rồi về với mẹ con nhé..." Thế rồi cô cứ cười mừng rỡ cả ngày, đứng ngóng ở ngoài cửa và khăng khăng bảo với chồng là có giày thì con sẽ về...Ông Năm mặc dù cũng rất đau khổ vì mất đi mụn con trai, chỉ có mấy tuần mà đầu tóc ông đã bạc đi rất nhiều, thế nhưng ông đành phải vững vàng để giúp đỡ vợ. Vợ ông đã không còn như trước được nữa rồi. Ông vẫn muốn đi làm nhưng lại sợ vợ ở nhà xảy ra chuyện gì. Nghĩ đến cảnh phơi mặt ra kiếm từng đồng một ông uất muốn khóc nấc lên. Nghèo đói thật khiến con người ta không còn hi vọng sống nữa. Nhiều lúc ông muốn đập nát tất cả nhạc cụ, dứt bỏ cái nghề bị coi là "xướng ca vô loài"...Rồi một đêm, giữa đêm hôm khuya khoắt, ông thấy tiếng vợ mình cười lên khanh khách. Ông mở mắt choàng tỉnh thì thấy vợ ông đang rũ rượi bên ô cửa sổ, trong tay khum khum giữ cái gì đó và cười rất hạnh phúc. Ông chạy lại gần đầy mệt mỏi thì vợ ông ngẩng lên nhìn ông rồi cười với ánh mắt hoang dại: "Anh ơi, con mình về thật rồi này!" Nói rồi cô mở hé tay cho ông nhìn vào bên trong. Bên trong đó là một con dế nâu to, 4 chân của nó khỏe khoắn và đặc biệt là hai chân sau có vệt đỏ khác lạ. Ông bực tức cầm lấy vai cô vợ mà lay mạnh: "Em tỉnh lại đi! Con chúng mình đi thật rồi! Nó không còn trên cõi đời này nữa! Anh nuôi sống em quá khổ sở rồi!". Cú lay mạnh làm cô Thược run tay và con dế nhảy tọt đi đâu mất. Thấy thế cô Thược quỳ sụp xuống đất mò tìm rồi khóc rú lên: "Anh làm mất con rồi!!!" Nhìn thấy cảnh đó ông chỉ biết ôm đầu bất lực. "Con mình đi giày đỏ! Anh không nhìn thấy à? Nó chỉ có thân xác đó thôi...Đêm..em nghe thấy tiếng gõ cửa mà...Con gọi mẹ ơi...Em ra gần cửa sổ thì thấy con...Giả lại con cho em!!!!" Cô Thược gào lên như điên như dại.
Những ngày sau đó, cô Thược lang thang khắp nơi trong xóm chỉ để tìm con dế mèn có đôi chân có vệt đỏ đó. Thế rồi chợt nhớ ra rằng con trai mình thích nghe bố mẹ mình hát ru đi ngủ như thế nào, cô lại lôi đàn cũ ra, vừa run run vừa đánh vừa hát vừa gọi con...Giai điệu không còn là giai điệu...Thế nhưng cô cứ cố đánh ngày qua ngày. Ông Năm vẫn cố gắng ra ngoài kiếm tiền, đành phải để vợ ở nhà, nếu không sẽ chết đói cả hai. Vào tới đêm thứ năm thì con dế mèn ấy lại về. Cô Thược mừng rỡ lắm, lại bắt nó lại, quyết tâm không để lọt mất nó một lần nào nữa. Cô đựng nó vào trong một hũ nhựa có đục lỗ. Ngày ngày cô đều ngồi trò chuyện với con dế. Người dân xung quanh vùng đều đồn thổi bảo rằng cô ta phát điên rồi. Thế mà chẳng được bao lâu, con dế lại đi đâu mất dạng..."
Những mẩu chuyện vong hồn hóa động vật quay về thế này tôi cũng từng được nghe ở đâu đó. Thế nhưng rồi sau đó câu chuyện này sẽ đi về đâu?
"Cô Thược lại phát điên lên đi tìm con dế đó một lần nữa. Và đương nhiên hôm đó ông Năm không có nhà. Lần cuối mọi người nhìn thấy cô Thược là khi cô ôm cây đàn vừa đi vừa hát trên phố, vừa hát vừa gọi tên con, vừa khóc. Ai nhìn cũng thương nhưng lại có phần sợ sệt không dám lại gần. Người ta chỉ biết rằng sau đó, cô ta ôm cây đàn nhảy vào trước đoàn tàu để tự tử. Ông Năm đi làm về thì gần như bất lực không thể chịu nổi nữa. Ông ta cứ quỳ ở trước xác vợ hơn một ngày một đêm. Người dân xung quanh phải cố gắng động viên rồi thay ông lo hậu sự.
Bẵng đi 1 tuần, ông Năm xuất hiện, quần áo xộc xệch, râu tóc không cạo, và ông ta cứ ngồi ở gần ray tàu hát xẩm từ sáng đến tối, mọi người đi qua cho tiền ông ta cũng không thèm bận tâm. Ông ta cứ hát như thế, hát đến hụt hơi, không nhúc nhích thêm một phân nào. Chỉ khi đêm xuống, người ta mới thấy cảnh tượng kì lạ, có vài con dế cứ nhảy lách tách xung quanh chỗ ông ta ngồi. Chỉ khi ấy ông ta mới mỉm cười đôi chút. Thế rồi qua 3 ngày, ông ta đã gục xuống. Không ăn, không uống gì và ra đi lặng lẽ. Nhiều người nghĩ rằng ông ta hát xẩm lúc đó không phải để xin tiền mà là mong ước gặp lại vợ con, níu kéo những viễn cảnh xa xôi từ những năm nào đó. Tâm trí của ông ta đã không đặt vào trần gian này nữa rồi.
Rồi vào những ngày trăng sao giăng đầy trên bầu trời, những con dế lại xuất hiện. Người ta bảo đó là linh hồn của những người hát xẩm hiện về. Ông trời cũng thương cảm thắp đèn sáng lên – là những "sao sáng ngàn muôn" trong lời bài hát đấy, để họ có thể tìm thấy nhau...Thế nhưng đáng tiếc là họ đã trở thành những con ma đói, sống một kiếp đời lầm than, chết cũng không có người tưởng nhớ tới. Quanh năm suốt tháng chỉ lẩn quất trên thế gian này để kiếm cái ăn, để mưu cầu hạnh phúc. Thời điểm bây giờ là Rằm Tháng Bảy, vong ma đói nhiều lắm...." Chi quay sang tôi cười mỉm.
"Vậy là câu chuyện hát xẩm buồn như vậy. Không phải họ "Hát xẩm không tiền"...mà là để gọi về quá khứ ư?"
Chi gật đầu. "Có khi bây giờ họ vẫn chưa thực sự gặp lại được nhau. Gia đình đó ấy...Họ ẩn trong những con dế...Muôn đời..." Nói rồi Chi ngồi lặng im một lúc lại bắt đầu hát bài hát đó. Tôi nghe mà thấy sởn da gà.
"Xong rồi đó...cậu về đi...Tớ đã kể hết được 3 chuyện rồi nhỉ..." Chi nói với tôi.
"Ừ cũng đã kể gần hết rồi còn gì. Tớ cứ thắc mắc tại sao cậu lại biết được những chuyện này? Có người kể cho cậu à?"
"Đương nhiên là thế rồi. Nhưng giờ tớ chưa nói được cho cậu là ai cả. Nếu muốn nghe tiếp thì rảnh cứ ra đây nhé. Nhưng nhớ trước Trung thu nha!" Chi chào tạm biệt tôi. Tôi đứng lên vẫy tay rồi rời đi. Chẳng hiểu sao nghe xong câu chuyện này tôi lại cảm thấy rất buồn. Nhỡ như tôi cũng không được gặp bố mẹ tôi như thế thì sao?
Tôi bước chầm chậm về nhà. Đêm nay trăng sáng quá, mai là Rằm rồi.
Sáng hôm sau tôi đến lớp, đập vào vai thằng Hưng mà hỏi: "Ê, bộ lego thế nào rồi? Hôm qua tao vướng chút chuyện nên không sang được. Hai thằng chơi lẻ nhé!!!"
"Ơ sao mày biết tao vừa mượn được bộ Lego?" Thằng Hưng quay sang hỏi làm như ngạc nhiên lắm.
Tôi bắt đầu nóng gáy: "Thằng Tuấn bảo tao còn gì? Hay mày chỉ muốn nói cho nó thôi? Bạn bè kiểu gì thế???"
"Ơ nhưng mà tao còn chưa nói..." Thằng Hưng chưa kịp nói dứt câu thì tôi đã hằm hằm đi về chỗ, trống vào tiết lúc ấy cũng vừa điểm. Bạn bè chán quá. Trước giờ làm gì cũng có cả 3 đứa, thế mà bây giờ chúng nó đối xử với tôi như thế này đây. À đâu phải nói thằng Hưng chứ, tôi quan tâm đến nó thế mà nó còn so đo tính toán với tôi! Chắc sợ tôi mượn bớt đống lego của nó về lắp.
Hết giờ học, tôi làm bộ dỗi bỏ về thẳng luôn, không đợi chúng nó về cùng nữa. Tôi cảm nhận được ánh mắt khó hiểu của chúng nó dõi theo tôi.
Tôi về nhà tối hôm ấy, ăn cơm xong lủi thủi đi học với vẻ mặt buồn rầu. Mẹ tôi còn thấy lạ mà hỏi: "Hôm nay con sao đấy? Lại bị điểm kém à?" Thì tôi cứ lắc đầu chẳng nói. Cơm tôi ăn có 1 bát.
Thời gian tích tắc trôi qua. Học xong mới là lúc tôi thấy đói bụng. Thế là tôi ra sân đi về phía nhà bếp để tìm cái gì ăn. Gian chính nhà tôi lại không hợp để tủ lạnh. Bố tôi bảo để hết dưới bếp.
Khi lại gần gian bếp trong bóng tối nhập nhoạng, tôi nghe thấy tiếng sột soạt rất rõ.
Tôi lò dò lại gần xem, nghi là lại có chuột chó gì đó ăn vụng rồi. Tôi với tay bật đèn bếp màu vàng lên.
Đập vào mắt tôi là một cảnh tượng khó tin nổi.
Ở một góc phòng có một bóng đen mờ đang ngồi thu lu gặm cơm cháy. Khuôn mặt nó teo tóp vào, và nó nhai theo kiểu thích thú lắm.
Tôi hét lên thất thanh. Chân tôi như bị đông cứng tại chỗ. Tôi quay lưng chạy ra cửa bếp thì cảm thấy có một luồng gió thốc mạnh từ phía sau lưng khiến sống lưng tôi lạnh buốt. Tôi ngã ngửa ra đằng trước như có ai đó đẩy, điều cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi bất tỉnh là ánh trăng ngày Rằm tròn vành vạnh trên nền trời.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT