Tối nay là Trung thu. Bọn trẻ con trong làng đang chuẩn bị náo nức lắm. Đêm nay sẽ có lệ phá cỗ ngoài sân nhà văn hóa, chỗ mà chúng tôi hay chơi bi chơi trò chơi ngoài ấy. Mọi năm đến Trung thu là vui lắm, được ăn bao nhiêu bánh kẹo, lại còn được xem múa lân nữa, thế nhưng năm nay tâm trạng tôi lại khác.
Đêm hôm trước, trong khi tôi đang ngủ với mẹ thì bố và bà đưa chị về. Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy mới biết chị đã về. Chị gái tôi ở đâu suốt những ngày qua, tôi cũng không hiểu. Tôi chỉ biết mang máng rằng có liên quan gì đó đến Chi.
Ông thầy bố mẹ tôi mượn về hôm qua vừa làm lễ cúng bình an gì đó cho gia đình suốt cả sáng, tôi và chị cũng phải ra chắp tay khấn vái. Ông thầy hơ chiếc bùi nhùi phát ra mùi hương gì đó xung quanh người tôi và chị tôi, nói là để tẩy uế. Xong xuôi, ông thầy tặng cho tôi và chị mỗi đứa một tấm bùa, dặn là phải giữ trong người. Bố mẹ tôi còn giúp thầy làm điều gì đó, như chôn một chiếc cọc sắt cuốn rất nhiều chỉ đỏ xuống khu vườn sau nhà, nói là để trấn đất, không cho vong ma hồn quỷ bước vào ngôi nhà tôi quấy nhiễu nữa. Ông thầy cũng đã chuẩn bị sẵn cho nhà tôi một chiếc gương bát quái, định gắn vào trước cổng nhà, thế nhưng lúc định trèo lên gắn thì ông lại ngần ngừ. Ông chép miệng:
"Thế này thì lại không vào nhà được nhỉ..." Xong ông lại đổi ý treo tạm lên trước cửa nhà chính. Tôi không biết ông đang chờ ai vào nhà.
Những xáo trộn trong gia đình tôi những ngày qua vẫn còn để lại dư chấn trong lòng tôi. Những ngày ấy tôi hầu như chẳng nhớ được gì mấy. Chỉ nhớ có những lúc tâm trạng thực sự khó chịu, rồi mong muốn cũng biến đổi đi. Ngày trước, khi những nhân vật trong câu chuyện của Chi kể tìm đến tôi mỗi đêm khiến tôi vô cùng hoảng sợ. Thế nhưng chẳng hiểu sao những ngày sau ấy, đôi chân thôi thúc tôi đi về nơi chốn ấy, gặp Chi, để nghe nốt câu chuyện.
Khi sự thật lộ ra rằng tôi đã làm bạn với một vong ma suốt thời gian qua, tôi cũng đã rất sợ. Cả đêm hôm đó về tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Tôi những tưởng cô bé là người, một cô bạn mới xinh xắn, dễ thương mà tôi may mắn có cơ hội được trò chuyện cùng. Buổi tối khi được nghe câu chuyện cuối cùng ấy, tôi đã rất hoảng sợ. Những giây phút khi Chi níu lấy gấu áo tôi hay khi cô bé cởi chiếc khăn quàng cổ ra, tim tôi như đông cứng lại và chân tay bủn rủn. Trước giờ tôi cũng mang tiếng gan dạ ở trong làng, chuyên đi dọa ma mấy đứa con gái, thế mà khi tận mắt chứng kiến những khung cảnh như thế, tôi lại nhận thấy nỗi sợ quả thực không có giới hạn. Tôi cũng thật quá ngây thơ. Trước giờ khi gặp Chi, lần nào cô bé cũng diện bộ trang phục đơn giản của ngày hè đó. Bộ quần áo cô bé khoác trên người có lẽ đã lỗi mốt lắm rồi, thế nhưng tôi lại chẳng hề để ý. Lúc nào Chi cũng đeo một chiếc khăn voan mỏng quanh cổ, dù trời có nóng nực tới mức nào. Tôi cũng có đôi lần thắc mắc ở trong lòng: "Chi không thấy nóng sao?" Thế nhưng tôi lại chặc lưỡi cho qua. Đám đàn bà con gái lắm chuyện lắm, không quan tâm thì tốt hơn. Thế mà ai ngờ là...
Mối quan hệ của tôi với hai thằng bạn thân mới được cải thiện hơn từ cái lần tôi giận chúng nó. Khi cả ba thằng ngồi lại với nhau và trò chuyện thì tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều.
Tất cả những lần tôi bắt gặp chúng nó trên con đường làng đều không phải. Có lẽ là do tôi nhìn nhầm hoặc do điều gì đó gây ra ảo giác. Thằng Hưng chưa bao giờ chạy ra sau làng. Vụ bộ lego mới, thằng Hưng cũng chưa hề nói với thằng Tuấn. Vào buổi tối hôm đấy, thằng Tuấn sang nhà anh họ ở tận trên tỉnh ăn giỗ, không hề có ở trong làng. Vậy thì ai là người vào tận sân nhà rủ tôi ra ngoài chơi? Nghĩ tới đó tôi vẫn còn rùng mình. Có lẽ đó là từ mà ông thầy thường hay nói với bố mẹ tôi: "Câu dẫn".
Câu chuyện của Chi về ngày tết Trung thu vẫn cứ ám ảnh tôi mãi. Vì thế nên ngày đó không còn vui như thường nữa. Tôi cứ đi ra đi vào cả ngày, trong lòng day dứt. Bố mẹ cũng không nói gì cho tôi nhiều về những việc thực sự đã xảy ra trong đêm đó. Tôi chỉ biết rằng Chi đã từng muốn tôi giúp đỡ làm việc gì đó, giúp cả cô bé lẫn những con người trong những câu chuyện mà Chi kể cho tôi. Chi đã mượn lời bài hát đó để kể cho tôi những câu chuyện buồn của những kiếp người bị quên lãng. Việc Chi nhờ tôi giúp, bố mẹ đã thay tôi làm rồi. "Từ nay con không phải bận tâm, cũng không được tự tiện kết bạn với người lạ nữa..." – bố mẹ tôi đã nói như vậy. Ngôi mộ của Chi giờ cũng đã được chuyển về bên mẹ rồi. Thế nhưng tôi vẫn cảm giác tôi chưa làm gì được cho cô bé, dù cho cô bé có tin tưởng tôi hết lòng và điều đó làm cho tôi day dứt. Ngay thậm chí, giờ cô bé đang ở nơi nào, tôi cũng không được phép biết. Cảm giác hụt hẫng như là, một thứ quen thuộc tự dưng biến mất.
Sau vụ việc ấy không chỉ có tâm trạng tôi không như cũ mà những điều quen thuộc xung quanh tôi cũng không còn như xưa. Bạn bè ở lớp không còn thân thiện với tôi như trước nữa, trừ hai thằng Tuấn và Hưng vẫn không hề thay đổi thái độ. Có vài đứa còn ra trêu: "Ê! Thằng chết đói! Hôm nay mày ăn đủ chưa? Uống thuốc chưa đấy?"làm tôi vô cùng khó chịu. Thằng Tuấn sửng cồ cả lên định cho mấy thằng kia ăn đấm. Thằng Hưng gàn: "Chúng mày không biết cái gì thì im đi!". Nhìn hành động của chúng nó như thế, tự nhiên tôi lại thấy cảm động. Tình bạn không phải là vô giá trị. Chúng nó vô cùng thông cảm cho tôi, không bao giờ thấy nhắc lại chuyện cũ, cũng không tò mò hỏi han gì tôi hết. Tôi thấy chúng nó chỉ lo lắng cho tôi là phần nhiều. Người dân trong làng cũng hay nhìn vào tôi với ánh mặt kì lạ. Tôi cũng kệ.
Bố tôi đã mua cho bà tôi chiếc đài mới, bà vẫn giữ thói quen nghe đài trước khi đi ngủ, Chiếc đài cũ không hiểu sao đã hỏng đi rồi. Chiều tối hôm đó, đài chỉ phát những chương trình từ thiện Trung thu và những bài hát Trung thu. Bài hát quen thuộc của Chi cũng vang lên đôi lần, cứ hễ nghe thấy tôi lại thấy bà khẽ thở dài. Không ngờ ẩn sau bài hát lại là những câu chuyện buồn như vậy.
Lúc sau, trước giờ cơm, ông thầy lại lôi tôi ra một góc, cùng ngồi dưới mái hiên nhà trò chuyện.
Thầy hỏi: "Cô bé tên Chi gì đó, có kể cho con một vài câu chuyện đúng không?"
Tôi ngập ngừng suy nghĩ rồi khẽ gật.
"Thế con có thể kể cho chú nghe những câu chuyện đó được không?"
Tôi lại trầm ngâm suy nghĩ. Kí ức của một buổi tối nào đó vọng về:
"Này tớ bảo! Những chuyện tớ kể cho cậu, cậu không được nói với ai nhé! Được không...?"
Tôi đã từng hứa với Chi như vậy rồi. Chuyện tôi ra gặp Chi mỗi buổi tối, hay là câu chuyện cuối cùng, chỉ là do bố mẹ tôi đi rình theo mới vô tình biết được thôi.
Thế nên tôi mạnh dạn lắc đầu.
"Không được đâu ạ...Chuyện một mình cháu biết thôi. Cháu hứa vậy rồi."
Ông thầy lại nói tiếp:
"Cháu yên tâm. Bạn Chi đó có nhắn nhủ với chú là những người trong câu chuyện ấy cần được giúp đỡ, khi cần hỏi điều gì, hãy nhờ cháu nói. Nếu cháu không nói ra thì sao chú biết họ cần giúp đỡ gì được, phải không? Cháu nói ra thì chú mới giúp được họ như chú đã giúp bạn Chi chứ?"
Tôi ngồi suy nghĩ rất kĩ với lời đề nghị của ông thầy. Thực ra khi mang trong mình quá nhiều bí mật như thế, tôi cũng không cảm thấy thoải mái. Tôi còn không biết mình nên làm gì để giúp đỡ họ. Thậm chí tôi còn cảm thấy rất sợ hãi nếu như họ tìm đến tôi...Vậy nên nếu có người giúp đỡ được họ thì cũng may rồi.
Thế là trong vòng nửa tiếng, tôi cố gắng đem kể tất cả những câu chuyện tôi được nghe Chi kể, một cách ngắn gọn nhất, cho ông thầy nghe. Câu chuyện về ông Tân Cuội với mối tình dang dở, câu chuyện về tiếng lòng của Phong trong những cơn gió đầu mùa hay là gia đình chia ly của vợ chồng người hát xẩm, tái sinh trong hình dạng con dế mèn kêu đêm, cả câu chuyện của anh Sáng, tìm đường leo lên đồi, đến chỗ hẹn gặp người yêu nữa. Những câu chuyện nghe mới đầu thật vô lí, như những câu chuyện cổ tích vậy.
"Chú có tin không? Có lần cháu gặp họ rồi đấy." Tôi quay sang nhìn ông thầy.
Ông nói chậm rãi: "Chú tin chứ."
Tối nay bố mẹ tôi lại giục tôi đi chơi chứ không quát nạt bắt ở nhà hay về sớm như mọi khi. Ngay từ chiều bố tôi đã mua về cho chị em tôi hai cái đèn. Tôi thì là một cây đèn ông sao bóng kính to đùng trông rất oách, chị tôi thì bố mua cho một chiếc đèn lồng có nhạc bên trong trông rất xinh. Chị tôi lẫy bố: "Bố này! Con lớn rồi sao chơi được mấy thứ này nữa...". Bố tôi chỉ cười khì khì: "Tối dẫn em ra ngoài nhà văn hóa phá cỗ nhé! Nhớ là đi thằng ra đấy, không la cà đâu nhe. Đi đi cho thay đổi không khí. À, đừng quên cái bùa nhé!"
Nhà tôi chưa ăn cơm xong, hai thằng Tuấn và Hưng đã í ới ngoài cổng nhà.
"Ê Ê! Thằng Bảo! Đi chơi đi nhanh lên!"
Tôi đặt bát cơm ăn dở xuống rồi chạy ra. "Đúng là Tuấn với Hưng không thế?" Tôi đề phòng.
"Chả chúng tao thì ai. Mày bị điên à?" Chúng nó cười.
"Im để tao hỏi thằng Tuấn. Thằng Hưng hồi 5 tuổi trèo cây gì ngã gãy tay?"
"Thế còn thằng Hưng. Tao bị con chó màu gì đuổi hồi năm lớp 2?"
"Con chó đen." Nó đáp gọn lỏn.
"Chuẩn rồi đấy! Đợi tao lấy đèn rồi đi!"
Nói xong tôi chạy vào nhà vơ vội cái đèn rồi chạy ra với chúng nó, mặc kệ chị tôi ra sau cũng được.
Ba đứa chúng tôi chạy đi trên con đường làng. Tới ngã ba nơi dẫn tới con sông sau làng ấy, chợt nhiên tôi ngập ngừng. Một ý định chợt thôi thúc tôi.
"Gì thế mày, đi nhanh lên, lại sao đấy?" Thằng Hưng nói.
"Tao...muốn làm một việc này...Bọn mày đi với tao được không?"
"Ê, mày còn tỉnh táo không đấy?" Thằng Tuấn ngó vào mặt tôi.
"Yên tâm tao còn tỉnh táo. Tao ra đó đúng lần này nữa thôi rồi không ra nữa!"
Nói xong tôi chạy biến theo con đường cũ. Hai thằng bạn tôi đành chạy theo sau.
Tôi chạy thẳng ra thửa ruộng nơi tôi từng ngồi với Chi ở đó.
Tôi lại gần mỏm đá vẫn đặt ở chỗ cũ. Tôi bèn cắm thẳng cây đèn ông sao bố tôi mua cho tôi xuống đó rồi khẽ mỉm cười.
Thằng Tuấn thằng Hưng chạy lại gần tôi rồi thắc mắc: "Mày làm cái trò gì thế? Đi đi, ở đây ghê chết!"
Thế nhưng tôi không trả lời.
Tôi nhớ rằng Chi đã từng kể với tôi vào hôm ấy là, hồi còn bé, năm nào Trung thu bố của cô bé cũng tặng cho cô bé một cây đèn ông sao rất đẹp. Đã lâu lắm rồi Chi không có đèn đi chơi Trung thu. Giờ tôi không biết mộ cô bé ở đâu cả, nên tôi đành ra đây. Tôi thầm nghĩ:
"Tặng cậu nhé, Chi! Chúc cậu Trung thu vui vẻ, hạnh phúc, đoàn viên nhé...".
Một con bướm ở đâu khẽ đậu vào vai tôi.
"Xong chưa! Đi thôi mày, bắt đầu múa lân rồi kìa!" Hai đứa bạn gọi tôi.
Tôi vui vẻ chạy về hướng chúng nó.
Con bướm nhẹ nhàng bay khỏi vai tôi, rập rờn sau lưng tôi. Tôi chạy đi khuất mà không biết rằng, con bướm đã đậu xuống chiếc đèn ông sao tôi cắm ở đó, dưới ánh trăng tròn vành vạnh.