Từ sau khi tỉnh lại thì của bà Nhiếp bệnh tình dần dần chuyển biến tốt đẹp. Qua mấy ngày thì đã có thể xuống giường vịn vào tường đi lại được rồi.
Bác sĩ nói bà hằng ngày phải đi lại một chút thì mới giúp cho cơ thể được bình phục. Bạch Cẩm Tú thường đỡ bà ra ngoài, để bà đi lại trong sân hoặc ra cửa.
Người trong thôn cũng đều đã biết cô, tuy không còn tới túm tụm nhìn ngó cô như ngày mới đến, nhưng ngoài mẹ Thạch Đầu và một vài phụ nữ khác thường tới săn sóc bà Nhiếp ra thì những người còn lại khi thấy cô đều không dám tới gần.
Bạch Cẩm Tú dự tính mẹ anh không còn nguy hiểm nữa thì cô sẽ lập tức quay về Quảng Châu. Giờ bà đã hồi phục nhiều lên rồi, theo ý bác sĩ thì thời gian tiếp chỉ cần uống thuốc đều đặn, chú ý tịnh dưỡng là không vấn đề gì lớn, có thể quay về được rồi.
Cô đã nguội lòng với người đàn ông kia, không muốn có dính líu chút quan hệ gì tới anh cả, thậm chí không muốn nghe nhắc đến anh một chút nào. Từ giây phút biết anh không nói chuyện kết hôn cho mẹ anh biết, chỉ cần anh mở miệng nói chuyện là cô đã tức giận rồi, chỉ muốn đá chết anh cho xong, để mình đỡ phải tức giận đến chết.
Nhưng hiện giờ cô lại không muốn đi.
Quyết tâm cắt đứt với anh, đây là sự thật, Bạch Cẩm Tú cô là người dứt khoát, nhưng mẹ anh lại không phải anh. Bà là người rất tốt, khi nói chuyện luôn nhẹ nhàng tình cảm, lúc nhìn cô ánh mắt luôn hiền hòa, còn luôn thương cô, sợ cô mệt, không cho cô làm bất cứ việc gì trong nhà, thường thúc cô đi nghỉ ngơi. Tuy chỉ là một người phụ nữ nông thôn nhưng từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ đều nhã nhặn lịch sự, luôn làm cô nhớ tới mẹ mình khi còn nhỏ.
Sức khỏe của bà còn chưa hồi phục hoàn toàn, nếu cô đi về, bác sĩ cũng sẽ về cùng. Nhỡ đâu bác sĩ đi rồi, nếu bà lại tái phát thì sao. Bởi vậy mà cô không yên tâm chút nào.
Vì thế Bạch Cẩm Tú lại tiếp tục ở lại. Tuy rằng chỗ ở đơn sơ, những thói quen sinh hoạt trước kia như tắm rửa vệ sinh đều bị thay đổi, ban đầu rất không quen, nhưng chặng đường đến đây ngay cả nơi hoang dã cũng đã ngủ rồi thì chỗ này có tính là gì, cô rất mau chóng thích ứng được nó.
Chiều tối hôm nay, mưa vừa tạnh, cơm nước xong, cô như mọi hôm đỡ bà Nhiếp ra sân, sau đó ra ngoài tản bộ. Đi được một vòng thì gặp mấy người phụ nữ sống gần đó, thấy hai người tới thì hỏi thăm sức khỏe bà Nhiếp, sau đó lại như muốn chào hỏi mình nhưng không dám mở miệng, dè dặt sợ sệt. Cô không muốn họ sợ mình, liền chủ động mỉm cười chào hỏi:
– Em họ Bạch, tên Bạch Cẩm Tú, nhà ở Tây quan Quảng Châu. Sau này nếu các chị có người nhà đi Quảng Châu, cần giúp gì cứ tới tìm em.
Đám phụ nữ mừng rỡ, liên tục cảm ơn, sau đó quay sang bà Nhiếp nói:
– Bạch tiểu thư tốt bụng quá, đường xa tới đây thăm thím. Là người quen thế nào của thím ạ?
Bà Nhiếp mỉm cười, nhìn cô gái nhỏ, nói:
– Là thiên kim của tôn trưởng mà Tái Trầm làm việc ở Quảng Châu có quen. Tái Trầm có việc rời Quảng Châu, nhờ con bé quan tâm tôi. Vừa hay biết tôi xảy ra chuyện, con bé bèn đến thăm tôi.
Đám phụ nữ gật đầu, gật đầu, lại hỏi đến chuyện nhà của bà Nhiếp.
Bạch Cẩm Tú nghe họ dò hỏi quan hệ của mình với bà Nhiếp thì không hiểu vì sao trong lòng lại thấy khổ sở.
– Mệt rồi phải không con? Đi về nhé?
Chợt nghe có tiếng hỏi, cô ngước mắt lên, đối mặt là ánh mắt đầy quan tâm của bà Nhiếp thì nỗi chua xót trong lòng như được xua tan, cười ngọt ngào:
– Vâng, để cháu đỡ bác.
Cô đỡ bà đi về nhà, lúc đi qua nhà Thạch Đầu, một con heo con không biết xổng chuồng từ lúc nào xông ra, Thạch Đầu đuổi phía sau, con heo con ủi cửa viện chạy ra ngoài, có lẽ là hoảng sợ mà kêu liên tục, lao về hướng hai người.
Bạch Cẩm Tú chưa từng bắt gặp cảnh này bao giờ, hoảng hốt muốn chạy, bất chợt nghĩ ra có bà Nhiếp thì lại cuống quýt ôm lấy bà, che chắn cho bà.
– Đi đi.
Bà Nhiếp quát con heo con một tiếng, cầm gậy quét một cái. Con heo nhỏ lại đổi hướng chạy qua vũng bùn bên cạnh, làm nước bùn bắn tung tóe.
– Con không sao chứ? Không sao đâu, không sao đâu?
Bà Nhiếp đuổi con heo đi rồi thì lập tức an ủi Bạch Cẩm Tú đang che chắn cho mình.
Bạch Cẩm Tú nhìn Thạch Đầu đuổi theo con heo con, vẫn còn hoảng hồn:
– Cháu không sao. Bác có sao không ạ?
Bà Nhiếp mỉm cười:
– Bác cũng không sao. Đều do con vật kia làm con sợ. Đi nào, về nhà thôi.
Bạch Cẩm Tú thấy bà không sao mới yên tâm, lấy lại bình tĩnh đỡ bà đi vào sân.
Tà váy của cô bị con heo con chạy qua vũng nước làm nước bắn lên, bà Nhiếp bảo cô đi thay quần áo.
Quần áo mang theo của cô không nhiều lắm, chỉ có ba bộ, hai ngày này trời thỉnh thoảng có mưa, quần áo mãi chẳng khô cho, bèn nói gột sạch nước bùn là được, không cần phải thay.
Bà Nhiếp nói:
– Ướt thế kia phải thay thôi, kẻo cảm lạnh đó con. Bác vẫn còn giữ vài bộ lúc còn trẻ, hơi cũ nhưng sạch sẽ, nếu con không chê thì cứ tạm thay nhé.
Bạch Cẩm Tú vâng dạ. Bà Nhiếp mở chiếc rương gỗ dày nặng nom khá cũ ra, lấy một bộ váy màu trắng ngà, đưa cho cô.
Bạch Cẩm Tú nhận lấy chiếc váy vẫn còn vương mùi hương của quả long não, vào phòng mình thay quần áo. Lúc đi ra, bà Nhiếp ngắm nhìn, cười nói:
– Để bác chải tóc cho nhé.
Bạch Cẩm Tú đi tới ngồi bên cạnh bà.
Bà Nhiếp đứng trước cửa sổ chải tóc cho cô. Bà rất khéo tay, loáng cái đã búi xong kiểu tóc cho Bạch Cẩm Tú, nhìn nhìn, nói:
– Con thật là xinh đẹp.
Bạch Cẩm Tú soi gương, trong gương là cô ăn mặc bộ váy kiểu cũ vừa mộc mạc lại vừa lịch sự nhã nhặn, búi tóc đơn giản nhưng thật sự rất đẹp. Nghe mẹ anh khen mình, trong lòng ngọt ngào, cầm tay bà làm nũng:
– Là bác khéo tay mới đúng ạ.
Bà Nhiếp cười hiền hòa, vừa vén sợi tóc lòa xòa lại gọn gàng cho cô, vừa trò chuyện:
– Tú Tú à, con ở Quảng Châu chắc cũng biết con trai bác đúng không? Nó cũng không nhỏ nữa, không biết ở đó có cô gái nào ưng nó không?
Bạch Cẩm Tú tim đập lên, lắc đầu:
– Không có đâu ạ.
Vừa nói xong, lại tự thấy không hợp lý, vội sửa lại:
– Cháu cũng không biết ạ.
Sau đó lén lút nhìn bà. May là bà có vẻ không chú ý, chỉ thở dài:
– Con trai bác từ nhỏ đã ngốc nghếch rồi, lúc hai ba tuổi còn chưa biết nói, bác còn tưởng nó bị câm mà sầu lo không thôi. Về sau lớn lên thì đúng là ngốc thật, ngốc hết chỗ nói. Giờ nghe con nói vậy thì chắc là chẳng có cô gái nào thích nó rồi. Nó lại xa bác như thế, bác muốn quan tâm nó mà không được, nhiều lúc nghĩ mà lo.
Bạch Cẩm Tú yên lặng.
– À, – Bà như nhớ ra gì đó, nhìn sang Bạch Cẩm Tú, – Lần trước có người ở Quảng Châu mang cả quà đến nhà thăm bác, nói là Bạch tiểu thư phái tới. Lúc đó bác hỏi là Bạch tiểu thư nào, người đó lại không nói rõ với bác. Có phải là con không?
Bạch Cẩm Tú ấp úng:
- …Là cháu…Cháu bởi cảm kích anh ấy cứu em gái cháu, nên cho người tới thăm hỏi bác…
– Bác ngồi đi, để cháu đi xem bác sĩ đang làm gì mà chưa tới kiểm tra cho bác.
Cô luống cuống đứng lên đi ra ngoài.
May mắn là sau đó bà Nhiếp cũng không đề cập nửa câu về cô và anh nữa. Bạch Cẩm Tú cũng dần dà thả lỏng.
Ngày hôm sau, sau giờ ngọ, bà Nhiếp uống thuốc xong thì đi ngủ trưa. Bạch Cẩm Tú không ngủ được, chợt nhớ ra một chuyện, cô xuống giường rón rén đi đến một căn phòng đối diện với phòng bà Nhiếp.
Căn phòng này chắc là phòng anh ở khi còn nhỏ đây.
Phòng không khóa, Bạch Cẩm Tú lấm la lấm lét nhìn ra sau, rồi như kẻ trộm khẽ đẩy cửa ra, đi vào.
Căn phòng gọn gàng, hiển nhiên là từ lâu không có ai ở, nhưng rất sạch sẽ, có lẽ là được quét dọn thường xuyên. Bài trí bên trong cũng rất đơn giản. Một chiếc bàn cũ đặt trước cửa sổ, trên bàn có giấy và bút mực, một cái ghế, ngoài ra cũng chỉ có một cái giường và tủ quần áo, không có gì hơn nữa.
Bạch Cẩm Tú nín thở nhìn quanh, ánh mắt rơi xuống gầm giường, nhìn thấy một cái hòm gỗ dưới đó. Cô đi tới kéo nó ra, mở ra xem, bên trong là sách cũ được xếp gọn gàng, có lẽ là sách anh học khi trước. Ngoài sách ra còn có lồng châu chấu và vài thứ linh tinh khác như súng gỗ, dao gỗ.
Bạch Cẩm Tú như phát hiện ra một mảnh đất mới, vừa hồi hộp vừa kích thích, ngồi hẳn xuống đất, lật các thứ ở trong rương, xem cái này, nhìn cái kia. Cuối cùng nhìn thấy một tuyển tập Ẩm Băng Thất, trông rất nát, rõ ràng là được đọc thường xuyên đến nhàu nát. Cô mở ra xem, lật lật, phát hiện ngay ở trang sau bìa có hàng chữ viết tay cứng cáp bằng bút lông: “Trước ba quân có thể cướp cờ, đoạt tướng, nhưng không thể cướp đoạt được ý chí của người dân bình thường”. Bên cạnh còn có chữ ký: “Đêm muộn ngày 21 tháng 3 năm Ất Tị. Tự Miễn.”
Bạch Cẩm Tú tính toán, có lẽ là được ghi lại khi anh mười bốn mười lăm tuổi trước khi xa quê nhà. Tưởng tượng vẻ mặt người thiếu niên đầy nghiêm túc ngồi trước bàn cầm bút viết lại những dòng chữ này, cô bĩu môi.
Không thể cướp đoạt ý chí?
Không muốn ngủ với cô, cuối cùng chẳng phải giữ cô lại ngủ với cô đó à, không chỉ một lần, còn rất nhiều lần, còn rất thích đến nghiện nữa ấy.
Đúng là đồ đàn ông không biết xấu hổ.
Cô ngó nghiêng tìm bút, gạch lên hàng chữ đó của anh.
– Tú Tú…con đang ở đâu?
Phía sau có tiếng bước chân, bà Nhiếp đang đi đến đây.
Bạch Cẩm Tú hốt hoảng vội thả sách lại chỗ cũ, cuống quýt đặt mấy thứ linh tinh như dao, súng gỗ lồng châu chấu nãy lấy ra đặt trên giường cho vào hòm, ra sức đẩy nó lại vào gầm giường, cánh cửa phía sau được đẩy ra, bà Nhiếp đứng ở cửa.
Bạch Cẩm Tú mặt đỏ lên, vội đứng dậy lắp bắp:
– Cháu…cháu không ngủ được, muốn muốn vào xem có sách gì để đọc không…
Bà Nhiếp mỉm cười:
– Sách ở trong rương hết ấy. Bác dậy không thấy con đâu, cứ nghĩ con đi đâu rồi nên mới tìm con. Không có gì đâu, con cứ đọc đi, bác ra ngoài.
Bà đi ra, Bạch Cẩm Tú nào còn dám ở lại nữa, vội đuổi theo đỡ bà:
– Lát cháu xem cũng được.
Bà Nhiếp vỗ nhẹ lên tay cô:
– Không có gì đâu, con cứ xem thoải mái.
Đúng lúc này ngoài sân chợt có tiếng pháo tiếng kèn, như là có nhiều người đang tới đây. Rất nhanh có người hô to ở bên ngoài:
– Bà Nhiếp có nhà không? Chúng tôi tới báo tin với cho bà đây.
Bà Nhiếp và Bạch Cẩm Tú nhìn nhau. Bà hỏi:
– Có chuyện gì vậy nhỉ? Con đỡ bác ra ngoài xem sao.
Bạch Cẩm Tú đỡ bà Nhiếp ra ngoài, một đoàn người đi vào viện, đi đầu là một người đã cắt bím tóc nhưng tóc ở phần trán cạo vẫn chưa mọc đang gấp gáp đi vào, cung kính khom người với bà Nhiếp, tự xưng là huyện trưởng huyện Thái Bình, tiếp đó thì lấy ra tờ báo đưa cho bà xem:
– Bà Nhiếp à, chuyện vui chuyện vui. Hôm nay tôi mới biết con trai bà là công thần Dân quốc chúng ta đấy, công lao rất hiển hách! Đây này, báo chí còn đăng đây này. Con trai bà làm quan lớn ở Nam Kinh, là thành viên chủ chốt của Lục quân đó. Tôi phải lập tức tới để báo tin vui với bà ngay. Huyện Thái Bình chúng ta từ xưa địa linh nhân kiệt, nay lại có anh tài như con trai bà, đúng là vinh quang cho huyện chúng ta, vinh quang của toàn bộ chúng ta!
Ông ta vừa hết lời, những người đi theo đều phụ họa theo, tiếng kèn tiếng pháo lại vang lên rầm rầm.
Người dân trong thôn cũng đều tới hết, tụ tập ở sân cười nói rôm rả.
Bạch Cẩm Tú liếc nhìn tờ báo, thấy là tờ báo cũ của mấy hôm trước. Ngay trang đầu tờ báo là tấm ảnh chụp hội nghị, anh ngồi ngay ở hàng đầu tiên.
Cô thấy bà Nhiếp nhìn mình thì gật đầu.
Bà Nhiếp cũng không quá tỏ thái độ, chỉ mỉm cười, cảm ơn huyện trưởng.
Huyện trưởng vô cùng nhiệt tình, muốn đón bà đến huyện thành để ở, còn nói nhà đã chuẩn bị xong hết rồi. Bà Nhiếp từ chối, nói sức khỏe yếu rồi đi lại không tiện, nhờ mẹ Thạch Đầu tiếp khách giúp bà.
Mọi người từng nghe bà trước đó bị hôn mê, không dám làm phiền tới bà nữa, chúc mừng xong thì giản tán hết.
Huyện trưởng được Thái công mời đi tham quan từ đường, nhưng náo nhiệt trong viện vẫn chưa kết thúc. Nhóm khách trước vừa đi thì lại có một người đàn ông mập mạp mặc áo khoác và thắt bím tóc như là nhà giàu bản địa, đi theo còn có cả bà mối nữa. Thì ra đó là ông chủ Hoàng giàu có nhất trong huyện Thái Bình.
Ông chủ Hoàng hôm nay đích thân mang theo lễ tới nhà, chào hỏi chúc mừng bà Nhiếp một hồi, tiếp đó bà mối kéo bà Nhiếp vào nhà, bắt đầu dùng miệng lưỡi nói ông chủ Hoàng có cô con gái năm nay vừa đôi tám, mỹ mạo đa tài, hiền huệ đáng yêu, rất xứng đôi với Nhiếp Tái Trầm, lòng thành liên hôn, trăm năm hạnh phúc.
– Mấy hôm trước tôi nhận được tin, con trai tôi đã có người thương ở Quảng Châu rồi, ý tốt của ông chủ Hoàng chỉ sợ là không thể nhận. Làm phiền bà chuyển lời xin lỗi đến ông chủ Hoàng hộ tôi.
Bà mối thất vọng, nhưng vẫn tiếp tục khuyên nhủ, nói vợ quê nhà vẫn tốt hơn, hiếu thảo tận nghĩa. Bà Nhiếp vẫn rất kiên quyết từ chối. Bà mối nói khô hết cả miệng cũng không được, cuối cùng xám xịt mà về.
– Tú Tú à, những chuyện như này không được con trai bác gật đầu thì bác sẽ không nhận lời thay nó đâu. Nhỡ nó có người mình thích rồi thì sao? Con nói có đúng không?
Bà mối đi rồi, bà Nhiếp nói với cô.
Bạch Cẩm Tú cười gượng, gật gật đầu.
Đêm đến, cô trằn trọc cả đêm, ngay sáng hôm sau thì xin phép bà Nhiếp, nói ở nhà còn có việc, giờ bệnh tình của bà đã ổn định, cô cũng nên quay về.
Bà Nhiếp thành khẩn giữ lại không được, đành phải đồng ý.
Bạch Cẩm Tú ở lại đêm cuối cùng, sáng hôm sau, mang theo rất nhiều đặc sản địa phương do mẹ Thạch Đầu và mọi người chuẩn bị cho rời khỏi nơi này.
Trước khi đi, bà Nhiếp đưa cho cô một lá thư, nhờ cô đến Quảng Châu rồi thì chuyển cho Nhiếp Tái Trầm hộ bà.
Bạch Cẩm Tú nhận lấy, tiếp tục chặng đường bôn ba, ngày hôm nay cuối cùng mới về tới Quảng Châu.
Tính toán thời gian từ lúc xuất phát cho đến lúc trở về cũng đã được tầm hai tháng.
Trương Uyển Diễm ở nhà lo lắng sốt ruột chờ dài cổ, cuối cùng cô út mới bình an về nhà mới yên lòng, hỏi đông hỏi tây, Bạch Cẩm Tú không hó hé một lời, chỉ đáp qua loa cho có lệ.
Sau hai ngày trở về, Bạch Cẩm Tú nhận được tin, Nhiếp Tái Trầm tối qua đã quay về Quảng Châu.
Sáng sớm, cô thay quần áo chuẩn bị đi nhà xưởng. Khi ra đến cổng, lấy lá thư kia ra, trong lòng cô đấu tranh một hồi, cuối cùng không kìm nén được lén mở ra xem.
Trong thư chỉ có bốn chữ: Thấy thư về ngay.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT