Kịch mở màn rồi cũng chẳng ngăn được người đi.

Bởi dàn cảnh cẩu thả, trên màn sân khấu vẽ non xanh nước biếc, đình đài lầu các, giả đến không thể giả hơn – sân khấu kịch bây giờ rất xem trọng bắt kịp thời đại, có công nghệ kỹ thuật nào mới cũng đều có thể áp dụng vào được, thực sự không nên qua loa lấy lệ như thế.

Giang Luyện cảm thấy vở kịch này không có thành ý, quá không tôn trọng khán giả, mà đã không tôn trọng khán giả thì khán giả tất nhiên cũng sẽ khinh thường sân khấu.

Hắn cũng nổi lên tâm tư muốn rời đi, thế nhưng nhìn lại, trong rạp hát nhỏ vậy mà lại chỉ còn mình hắn.

Điều này khiến hắn nảy sinh nhiều hơn một cảm giác trách nhiệm mà vốn hắn không cần chịu: cọng rơm cuối cùng đè chết lạc đà, bông tuyết cuối cùng gây nên lở tuyết, cú kéo cuối cùng kéo mở nút thắt – hắn mà đứng dậy rời đi thì buổi diễn kịch này có khả năng hỏng thật, hơn nữa, diễn viên chắc sẽ xấu hổ lắm.

Quên đi, dù sao tối cũng chẳng có việc gì, hi sinh chút thời gian giúp người ta hoàn thành ước vọng vậy.

Thế là hắn lại ngồi về chỗ, ngồi xuống rồi, bởi biết dù sao cũng phải nghe kịch nên có thể tĩnh tâm, nghe một hồi, dần dần nhận ra được chút ý vị.

Một thể loại hí kịch, phàm có thể truyền thừa, có thể được công chúng ủng hộ, thì tất nhiên là phải có sức quyến rũ đặc biệt, anh nôn nóng buồn bực không get được mà rời đi không có nghĩa là người khác không thể thưởng thức ra ý vị này.

Giang Luyện đang nghe đến say mê thì chợt thấy có người nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, lại hỏi hắn: “Thích việt kịch à?”

Là một người phụ nữ, giọng nói vừa ung dung vừa trầm lắng, kể cũng lạ, rõ ràng là đang nói chuyện nhưng lại khiến người ta có cảm giác như một tiếng thở dài sâu kín.

Giang Luyện cười cười, đáp: “Cũng không phải, tôi nghe không hiểu tiếng Quảng, đến xem vui thôi.”

Vừa nói vừa quay đầu sang, điều lọt vào mắt khiến hắn bất giác ngẩn người.

Đó là một người phụ nữ rất đẹp, đẹp chứ không phải xinh, không nói rõ được bà đã bao tuổi, có thể ba mươi, cũng có thể bốn mươi – cảm giác về số tuổi của bà không tới từ dung mạo mà đến từ ánh mắt và khí chất, hơn nữa, có thể nhìn ra được rằng, bà không mượn trang điểm hay cách ăn vận để che giấu tuổi tác, tất cả đều thuận theo tự nhiên, sự tự nhiên chảy quanh người bà, vẻ đẹp cũng chảy quanh người bà, chảy từ mái tóc rủ ngang vai tới nếp nhăn nhàn nhạt trên lần áo nơi khuỷu tay.

Giang Luyện hoàn toàn bị bà làm choáng ngợp.

Hắn thu mắt, trong lòng đột nhiên nảy ra một ý nghĩ: Vở kịch tối nay cũng không tệ.

Những thứ đẹp đẽ, bất kể là tranh vẽ, phong cảnh hay con người, đều khiến người ta cảm thấy lòng dạ khoan khoái, không phụ thời gian.

Người phụ nữ nói: “Vậy lại càng hiếm có, có đôi lúc, nghe là đủ rồi, không nhất định phải hiểu.”

Lại hỏi hắn: “Ngồi nghe kịch ở đây có cảm nhận thế nào?”

Giang Luyện thoáng trầm ngâm: “Đầu tiên, nơi này chắc chắn là có người bỏ tiền tài trợ, bằng không tuyệt đối không thể chèo chống được.”

Trên đài, ánh đèn sáng rực tô điểm cho khuôn mặt phấn son của diễn viên, đuôi mắt đậm mực; dưới đài, trong ánh sáng mờ ảo, khóe miệng người phụ nữ nhếch lên một nụ cười rất nhạt.

Đây là người đứng thứ sáu trong quỷ non, Khúc Tiếu, cũng là “em sáu” làm lão đại mà mặc kệ sự đời trong miệng Lộ Tam Minh.

Việt kịch lưu hành ở những khu vực nói tiếng địa phương, rất được yêu thích ở Quảng Đông, Hồng Kông, nhưng tình huống ở Quảng Tây thì phức tạp hơn: ở Quế Tây thì phần lớn là dân tộc Choang, còn Quế Đông thì văn hóa người Hán chiếm chủ đạo.

Quế Đông cũng chia ra nam bắc, Quế Lâm thuộc Quế Bắc, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hồ Tương, nói tiếng phổ thông; Quế Nam như Nam Ninh, Ngô Châu thì lại lưu hành tiếng địa phương.

Bởi vậy nên việt kịch không quá được ưa chuộng ở Quế Lâm, hơn nữa, rạp hát nhỏ này vừa đơn sơ lại vừa cũ kỹ, hằng ngày căn bản là bán không được vé, sở dĩ có thể ngày ngày diễn kịch hoàn toàn là nhờ bà – Lộ Tam Minh để lấy lòng cô sáu đã âm thầm làm rất nhiều việc: chẳng hạn như ôm đồm gần hết vé xem kịch về làm phúc lợi cho khách trọ ở khách sạn, kéo khách sang đây cổ vũ; chẳng hạn như thuê “fans” lâu dài, chuyên đến cổ vũ cho cô Khúc, nghe thấy cô Khúc không hát tất nhiên là sẽ lập tức tan tác chim muông như được cho nghỉ lễ.

Khúc Tiếu nói: “Đó mới là cái ‘đầu tiên’, ‘thứ hai’ thì sao?”

Giang Luyện cười: “Thứ hai, tôi cảm thấy, kịch diễn ở đây căn bản cũng không phải diễn cho khán giả xem.”

Khúc Tiếu ngẩn người, bà quay sang nhìn Giang Luyện: Giang Luyện đang tập trung xem sân khấu, bóng sáng in lên mặt hắn, khiến ngũ quan trở nên đặc biệt góc cạnh, nhưng cũng rất mềm mại, hơn nửa là bởi dường như lúc nào hắn cũng nhoẻn cười.

Khúc Tiếu hỏi: “Vậy là diễn cho ai xem?”

Giang Luyện đáp: “Cho bản thân xem.”

Hắn ra hiệu lên sân khấu: “Tôi cũng không biết người đó là ai, nhưng chị xem, cách bài trí, thiết kế kiểu những năm tám mươi, chín mươi này chẳng lẽ lại là không có tiền để cải tạo, chắc chắn là không phải. Vậy là cố tình làm ra, trong lòng người đó có lẽ là có một giấc mộng không thoát ra được, sớm đã qua rồi, vật đổi sao dời, nhưng người ấy lại không muốn buông tay, hoặc giả là không buông tha cho chính mình, tái hiện đi tái hiện lại, hồi tưởng đi hồi tưởng lại, không để tâm có ai xem hay không, cũng không phải là để kiếm tiền.”

Khúc Tiếu ngồi bất động, mọi thứ trên đài đột nhiên như nhòa đi: muôn vàn những bóng hình đang cất lời ca tiếng hát, múa khúc đánh võ, có người đang múa gậy, vù vù oai phong, bóng gậy múa thành hình tròn, lại xoay vòng lên xuống, như muốn phun chuyện năm xưa ra, hoặc là muốn hút bà của bây giờ vào.

Bà nghe thấy Giang Luyện hỏi mình: “Chị không sao chứ?”

Bà biết khóe mắt mình đã ứa ra một hàng lệ, cũng không lau đi, chỉ cười, đáp: “Không sao.”

Lại chỉ hai bên sân khấu: “Cậu xem, bên nào cũng có cửa.”

Giang Luyện nói: “Đúng vậy, là để diễn viên lên xuống sân khấu.”

Khúc Tiếu lắc đầu: “Người thường mới nói như vậy, đó gọi là ‘cửa hổ độ’, năm ấy học hí kịch ở Quảng Đông, sư phụ yêu cầu rất nghiêm khắc, liên tục nhấn mạnh rằng lên sân khấu này là nhất định phải có lòng kính sợ, phải tôn trọng vở kịch…”

Giang Luyện nghe bà nói “năm ấy học hí kịch”, nhịn không được “á” một tiếng: “Chị là…”

Khúc Tiếu không trả lời, như đang nói cho mình nghe: “…Cũng phải tôn trọng vai diễn của mình, vào cửa hổ độ rồi, cậu không còn là chính mình nữa, dù cho cậu vừa mất cha mất mẹ mất vợ con, dù cho xuống đài sẽ lập tức bị bắn chết, một khi đã bước qua cánh cửa này, bước lên sân khấu này, cậu phải quên trời quên đất, quên người quên ta, không được mang theo bản thân lên sân khấu, cũng không được mang thù hận của mình lên, trong mắt trong lòng chỉ có thể có vở kịch này.”

Bà và người đàn ông bà yêu nhất đã nên duyên nhờ hí kịch, trên đài dưới đài, quyến luyến quanh co, sao đó, tình cảm thay đổi, hai người bất hòa sau sân khấu, y bạt tai bà, bà cào rách cổ y, trong móng tay toàn là máu thịt y.

Nhưng đã mặc hí phục rồi, vẫn phải lên diễn, bà giấu một con dao lên đài, bụng nghĩ, không bằng đâm chết y ngay trước mặt mọi người rồi cắt cổ tự sát, xướng một vở phúng điếu cho chính mình trên sân khấu này.

Song, lúc bước qua cửa hổ độ, cả người chấn động, trên đầu như có lời cảnh cáo thúc mình tỉnh ngộ: Bước lên sân khấu này phải quên trời quên đất, quên người quên ta.

Vở kịch hôm ấy là vở việt kịch “Đế nữ hoa” nổi danh.

Mỉa mai làm sao, cặp nam nữ mới phút trước còn anh muốn ăn thịt tôi tôi muốn hút máu anh, lên diễn rồi lại tình nồng ý đậm, nhiều năm sau nhớ lại, bà cảm thấy người đàn ông đó cặn bã thì cặn bã thật đấy nhưng không thể không thừa nhận, y đúng là một diễn viên xuất sắc chuyên nghiệp.

Diễn đến đoạn hai người song song uống thạch tín tự sát.

Bà hát: “Trời dài đất rộng, phượng si vĩnh viễn sánh đôi cùng hoàng tình.”

Diễn đến cảnh giao bái tự sát dưới tán cây liền cành, trong mắt y rưng rưng, hợp xướng cùng bà: “Phu thê chết đi, đôi cây tựa dáng người.”

Dưới đài dần có tiếng khóc nổi lên bốn phía, từ từ hòa vào với nhau. Bà nhìn máu đỏ đã khô đặc trong kẽ móng tay mình, nghĩ đến tổn thương tê dại trên mặt đã được son phấn che đi, cảm thấy vừa hoang đường lại vừa nực cười.

Sau khi xuống đài, bà bắt đầu không phân biệt rõ được đâu là nhân gian đâu là đài kịch nữa, dạo chơi nhân gian, ngao du đài kịch, không quản sự đời, phục chế lại nguyên dạng rạp hát nhỏ từng diễn kia ở đây, mướn một đoàn việt kịch tương tự, ngày qua ngày ôn lại mộng cũ cùng bà.

Bà sống trong mộng, sống trong kịch, kịch mộng đều là hư vô, tỉnh mộng rồi, kịch cũng tan, nhưng ngày dài tháng rộng thì là thật, có điều, đó là chuyện trời đất, người cũng chỉ cầu một buổi ham vui.

Theo lý, Mạnh Thiên Tư hẳn là do bảy u me thay phiên nuôi lớn, nhưng bà lại chỉ dắt dìu cô được một lần, sau đó không còn nuôi nữa, nghe nói Cao Kinh Hồng từng bảo: “Lão lục càng ngày càng kỳ cục, đừng để em ấy nuôi bé Tư thành ra mặt chai mày đá như em ấy.”

Không nuôi thì không nuôi, nhưng bà rất thích Thiên Tư, lễ tết đều tới Phường Quế Non thăm, mãi đến năm, sáu năm trước, vì một sự kiện mà trở mặt với các chị em, từ đó không qua lại nữa, mang cả trạm non quê bên đây cũng xa lánh theo – phía Quảng Tây thành ra y như một đứa con không được sủng ái, từ đó phai nhạt khỏi tầm mắt Phường Quế Non.

Bà giới thiệu bản thân với Giang Luyện: “Tôi họ Khúc, tên là Khúc Tiếu.”

Lại đứng lên: “Nếu cậu có thời gian, để tôi đi hóa trang trước, xướng một đoạn hí khúc cho cậu nghe.”

Không đợi Giang Luyện trả lời, bà đã xoay người đi vào hậu trường, đến tận khi ngồi vào bàn trang điểm rồi, vẫn còn đang nghĩ đến lời Giang Luyện.

Trong lòng người đó cõ lẽ là có một giấc mộng không thoát ra được;

Vật đổi sao dời, nhưng người ấy lại không muốn buông tay, hoặc giả là không buông tha cho chính mình.



Bà nhìn vào gương hóa trang, vẽ rồi vẽ, tay cầm bút dần run lên, bà còn tưởng rằng mình đã sớm tự tại, cũng đã thông suốt.

Nhưng lời nói ra từ miệng của người xa lạ cũng là người đứng xem đã đâm thẳng vào lòng bà.

Thì ra, nhiều năm như vậy chẳng qua chỉ là bản thân không buông tha cho chính mình? Cũng phải, khoảng thời gian đau lòng nhất chỉ có hai, ba tháng, nhưng bà lại dùng hai, ba mươi năm ngày ngày tế lễ.

Sân khấu ngày đó, vở kịch ngày đó, buổi diễn luôn chẳng có ai xem này, ngày ngày tái hiện, rốt cuộc là có nghĩa lý gì đây?



Giang Luyện ngồi xem hết “Hương yểu – Đế nữ hoa”.

Đoạn này kể vào cuối triều Minh, nước mất nhà tan, công chúa Trường Bình và phò mã Chu Thế Hiểu song song tự sát trong đêm thành thân.

Động phòng hoa chúc, mũ phượng khăn choàng, vở diễn lại là chuyện xưa bi lụy, Giang Luyện nghe hiểu không mấy, song thấy trên sân khấu chết mất hai người, cảm giác vô cùng phiền muộn, lúc chào cảm ơn, hắn đứng lên, vẫn vỗ tay, tiếng vỗ tay ít ỏi này không ngừng quanh quẩn trong sảnh diễn.

Diễn viên xuống khỏi cửa hổ độ, trong sảnh bật sáng đèn, Giang Luyện trông thấy có vài diễn viên chưa kịp tẩy trang đang ôm bó hoa chạy vội về phía hắn.

Hắn còn tưởng là tặng giải khán giả kiên trì tới cùng cho hắn cơ.

Sau đó mới biết là không phải, người đi đầu là một võ sinh, dúi hoa vào tay hắn, vẻ mặt nhờ vả: “Ngại quá, bây giờ cô Khúc hiếm lắm mới lên đài một lần, bình thường buổi nào cô ấy lên cũng đều có người tặng hoa, nhưng giờ khán giả đều đi hết mất rồi…”

Đã hiểu, Giang Luyện chưa từng xem việt kịch nhưng từng xem phim: Diễn viên khi trở lại hậu trường thường đều nhận được hoa hay trang phục gì đó, rất xem trọng độ phô trương.

Giang Luyện ôm bó hoa vào hậu trường, Khúc Tiếu vừa tháo mũ phượng xuống, khuôn mặt trang điểm tinh xảo được màu đỏ của hỉ phục tôn lên, vô cùng diễm lệ.

Bà nhận hoa, hỏi Giang Luyện: “Cậu rảnh không, cùng ăn một bữa khuya nhé?”

Giang Luyện hơi lưỡng lự, nhưng lời tiếp theo của Khúc Tiếu lại khiến hắn không thể thốt nổi lời từ chối ra khỏi miệng.

Bà nói: “Hôm nay là sinh nhật tôi, vốn tưởng là sẽ cứ thế nguội ngắt trôi qua, không ngờ đến phút chót lại gặp được người trò chuyện hợp.”

***

Khúc Tiếu ở tại một tòa nhà nhỏ kiểu Tây.

Năm ấy, Quảng Tây có một tay quân phiệt Quế hệ tên Bạch Sùng Hi, dinh thự họ Bạch được đơn vị bảo hộ, không dễ mua bán, tòa nhà Tây này nghe nói là của một sĩ quan phụ tá cho ông ta, sau giải phóng đã qua tay nhiều người, cuối cùng được Khúc Tiếu mua lại – bà vốn là người sống trong kịch mộng, không thích cuộc sống đương đại, mua xong sửa hết lại về phong cách cũ, ở trong tòa nhà Dân quốc, hát diễn kịch thời Minh Thanh, mối tình bị tổn thương hơn hai mươi năm trước ngày ngày đều tạt qua những không thời gian khác nhau.

Hiện giờ, tầng trên tầng dưới tòa nhà Tây đều không sáng đèn, chứng tỏ chủ nhân chưa về.

Trên con đường cách tòa nhà không xa đỗ một chiếc SUV lớn, trên hàng ghế sau, Mạnh Thiên Tư mở nắp hộp quà ra, kiểm tra lần cuối chiếc mũ miện tặng Khúc Tiếu.

Không nói ngoa chút nào, mở nắp ra là châu ngọc chói lòa, tơ tằm uốn lượn ôm lấy ngọc ngà như mơ, nâng mũ miện lên, đằng sau còn tô điểm rèm châu trắng bóng.

Bên trong xe không phô diễn hết được, cô cúi người ghé sát vào miện ngọc, than: “Đẹp quá đi, làm tôi cũng muốn đi hát hí khúc nữa.”

Tân Từ ngồi ghế phó lái quay lại nhìn cô: “Ghê gớm thế cơ à?”

Ngồi ghế lái là Mạnh Kình Tùng, y liếc Tân Từ: “Cậu cho là quà tặng cô sáu mà có thể dùng hàng nhái được sao? Chỉ tính riêng rèm châu phía sau thôi đã dùng hơn bốn ngàn viên ngọc trai rồi đó.”

Tân Từ nuốt nước bọt, sững người một lúc rồi hỏi tiếp: “Sao không để trạm non quê tiếp đãi chúng ta? Còn phải thuê xe tự đi nữa, thiệt thòi lão Mạnh phải làm tài xế.”

Mạnh Kình Tùng đáp: “Tôi chẳng có gì thiệt thòi cả, cậu càu nhàu của cậu đi, đừng có lôi tôi xuống nước theo.”

Mạnh Thiên Tư tức giận: “Kinh động đến trạm non quê lại thành động tĩnh lớn, lại phải mời bạn bè bên này ăn, có thấy phiền không? Hơn nữa, không phải là tạo niềm vui bất ngờ cho u sáu à, nhiều người biết rồi thì còn niềm vui bất ngờ gì nữa?”

Tân Từ nói: “Lỡ u sáu người ta đêm nay, ờm, đi cả đêm không về thì sao?”

Mạnh Thiên Tư trừng hắn: “Đừng có nói lung tung.”

Tân Từ tủi thân: “Có phải không có khả năng đâu, sinh nhật mà… Cô sáu được yêu thích như thế, nghe nói có cả tá người theo đuổi bà, đến cả trai trẻ hơn hai mươi cũng…”

Mạnh Thiên Tư lạnh mặt: “Càng nói càng không biết giới hạn rồi đúng không?”

Tân Từ lẩm bẩm: “Thật mà, cũng có phải tung tin đồn nhảm về bà ấy đâu.”

Mạnh Thiên Tư vặc lại hắn: “Đến cả trai trẻ hơn hai mươi, cậu nghe thử lời cậu nói xem – chỉ cho đàn ông tìm gái trẻ, không cho phụ nữ tìm trai trẻ chắc? U sáu của tôi xinh đẹp như thế, vừa giữ gìn nhan sắc thỏa đáng vừa có tiền, không xứng với ai chứ?”

Tân Từ phẫn nộ: “Ai nói là không xứng đâu, đừng có đổi kênh thế…”

Mạnh Thiên Tư đạp một cước vào lưng ghế hắn.

Thực ra trong lòng Mạnh Kình Tùng cũng nghĩ vậy, có điều, Tân Từ có thể luyên thuyên lung tung được chứ y thì không, y nghĩ ngợi: “Đợi toi công thì đành, đợi được cô sáu về cũng vẫn tốt, cơ mà, lỡ như cô về với người khác thì sao, có phải hơi xấu hổ không?”

Mạnh Thiên Tư ngạc nhiên: “Nếu u dẫn người khác về thật, anh nghĩ tôi ngốc đến mức còn lăng xăng chạy lại tặng à? Tôi không biết điều thế chắc?”

Đang nói thì cách đó không xa có chiếc taxi đỗ lại.

Ngồi ghế phó lái là một người đàn ông trẻ tuổi, anh ta đi xuống rồi vòng ra sau mở cửa xe, một người phụ nữ ôm bó hoa đi từ bên trong ra, người đàn ông kia giúp bà cầm hoa, đóng cửa xe lại rồi mới cùng bà đi qua đây.

Nương ánh đèn đường, Mạnh Thiên Tư thấy rõ, người phụ nữ kia chính là u sáu Khúc Tiếu, còn người đàn ông…

Mạnh Thiên Tư chăm chú nhìn kỹ, Mạnh Kình Tùng và Tân Từ cũng bất giác nghiêng người ra trước, ghé sát lại kính chắn gió.

Phút chốc, Tân Từ hít mạnh một hơi lạnh, là người đầu tiên thì thào ra tiếng: “Vãi chưởng, không phải đâu chứ, có phải tôi nhìn lầm rồi không…”

Hắn còn vừa nói vừa vẫy vẫy tay ra sau: “Thiên Tư, cô xem, kia có phải là Giang…Giang Luyện không, sao tên này thần thông vậy, thoắt cái đã từ Tương Tây nhảy đến Quảng Tây…”

Mạnh Thiên Tư không nói gì, cô đưa tay nắm lấy vải bọc hàng ghế ngồi phía trước, từ từ siết vặn.

Tim Mạnh Kình Tùng đập thình thình, sững người một lúc rồi quay lại nhìn Mạnh Thiên Tư: “Thiên Tư, hay là chúng ta hôm nay tạm tránh đi trước?”

Thấy Mạnh Thiên Tư không ý kiến, y định cho xe chạy.

Đúng lúc đó, bỗng nghe tiếng cửa xe vang lên, vội quay lại nhìn, Mạnh Thiên Tư vậy mà lại xuống xe.

Không những xuống xe, cô còn thân thiết nồng nhiệt gọi: “U sáu.”

Gọi rồi, quay lại vào trong xe, bảo: “Đưa đồ cho tôi.”

Tân Từ phản ứng lại, gần như nhào cả nửa người ra phía sau, vội vàng mang hộp quà ra đưa cho Mạnh Thiên Tư, đưa mắt nhìn Mạnh Thiên Tư đi về phía hai người kia, kích động đến run cả giọng: “Vãi chưởng, lão Mạnh, thế này, tôi thật sự, vãi cả chưởng í.”

Mạnh Kình Tùng khẽ buông một tiếng thở dài.

***

Mạnh Thiên Tư đón lấy ánh đèn đường, đi thẳng tới trước mặt Khúc Tiếu, chìa hộp quà ra, nói: “U sáu, chúc mừng sinh nhật.”

Cô biết Giang Luyện đang nhìn mình nhưng giả vờ không biết, coi như hắn không tồn tại, chỉ cười nhìn Khúc Tiếu.

Khúc Tiếu sững sờ mấy giây, ban đầu không dám nhận, về sau cuối cùng cũng nhận ra, kích động đến môi cũng run lên: “Thiên Tư à, đã bao năm rồi u không thấy con.”

Lần trước gặp, tuy trông cô vẫn thế này nhưng nét mặt vẫn còn chút ngây ngô, giờ đã khác, hoàn toàn là một cô gái trưởng thành rồi.

Mạnh Thiên Tư cười, nói: “Vâng.”

Khúc Tiếu khẽ thở ra một hơi, lúc này mới nhớ ra Giang Luyện, vội giới thiệu với cô: “Cậu đây là…”

Mạnh Thiên Tư ngắt lời bà: “Con không có hứng làm quen.”

Dứt lời lại cười: “Tặng quà xong rồi, u sáu, con đi đây.”

Cô xoay người rời đi, cảm thấy rất hả dạ, dù chính mình cũng không biết rốt cuộc là đang giận cái gì, chỉ càng chạy càng nhanh, lúc tới bên xe, giật phăng cửa ra rồi ngồi vào.

Mạnh Kình Tùng nhanh chóng cho xe chạy, vòng qua bên cạnh Khúc Tiếu và Giang Luyện.

Trong xe tắt đèn, nhìn không rõ người bên trong, Khúc Tiếu chỉ nhìn thấy khuôn mặt của mình và Giang Luyện bị ánh đèn mờ tối làm cho hơi biến dạng, vụt in lên cửa sổ xe màu trà rồi trôi tuột đi.

Rốt cuộc bà cũng phản ứng lại được, quay đầu nhìn Giang Luyện: “Có phải cậu quen biết Thiên Tư nhà tôi không?”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play