Trương Thúy Nga thoát chết.

Lúc tỉnh lại, nàng phát hiện mình đang ở trong một tòa nhà trống. Tòa nhà không quá to, nhưng tường rất cao, khoảng chừng gấp ba lần nàng.

Các vết thương nhỏ trên người gần như đã lành hết, vết thương lớn thì chưa khỏi hẳn. Bởi vậy mọi cử động của nàng còn hơi khó khăn, chỉ có thể miễn cưỡng xuống giường đi lại.

Nàng thấy mình đúng là sống dai như đỉa, trúng bao nhiêu tên vậy rồi mà vẫn chả chết nổi. Hoặc cũng có thể là do chưa chịu đủ báo ứng, nàng điềm tĩnh nghĩ.

Qua chốc lát, nàng chầm chậm rời giường. Không biết đã hôn mê bao lâu, các cơ ở bắp chân bắp tay đều nhão hết ra, chẳng còn sức lực nữa. Nàng thả bộ dạo quanh một vòng, đúng là trong nhà trống trơn, tất cả các cổng đều bị khóa ngoài. Tuy nhiên, y phục và đồ dùng hàng ngày chuẩn bị cho nàng đều rất đầy đủ, thậm chí còn có ít món trang sức vàng bạc, châu ngọc.

Ở đây nàng gặp được hai người sống. Một là cô hầu câm, chuyên lo nấu cơm, giặt giũ, thay thuốc cho nàng. Một là lão bộc câm, chỉ làm mấy việc tốn sức như chẻ củi, đun nước.

Hai người kia cũng chưa từng ra khỏi nhà. Trên tường đã trổ sẵn một cửa sổ nhỏ nên mỗi ngày đều có thịt cá, rau quả tươi và dược liệu nhét qua đó. Bọn họ cứ ê a, dùng tay trao đổi với nhau, song từ đầu tới cuối chẳng hó hé lời nào với nàng. Nàng bắt chuyện thì họ cũng không nghe, chỉ xua tay, chẳng biết là không nghe thấy hay không được phép tiếp xúc.

Trương Thúy Nga đành chui vào góc tường đào ba ba đếm ngày. Nàng lấy một vò rượu của lão bộc câm, mỗi ngày bỏmột con ba ba đào được vào đó. Lúc vò rượu ngâm tới mười tám con thì mọi thương tích trên người nàng đều khép miệng. Thuốc đấy đúng là cực tốt, đơn thuốc cực công hiệu, nên cứ đem đến là nàng nhận tất, cũng không bám theo hầu gái câm để dò hỏi tình hình nữa. Mười tám ngày này nàng rất yên phận.

Sau khi bỏ vào con ba ba thứ mười chín, nàng thả một mồi lửa trong kho củi, rồi dùng than viết một hàng chữ to đẹp mà rất đơn giản dễ hiểu:

Ai dám làm gì hai người hầu câm này, thì đừng trách ta luyện người cõi âm về giết sạch cả nhà.

Nàng đã gom hết trang sức và y phục vô túi, lựa lúc hai người kia lo dập lửa là chui ngay vào đường hầm đào ba ba, trốn ra ngoài.

Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh ra con tự động biết đào hang. Tường quá cao chẳng bay thoát được, chả lẽ lại không nghĩ ra nổi vài biện pháp khác?



Vẫn là ở trong thành Kiến Khang, nàng xác nhận. Nhưng nàng đột nhiên phát hiện nơi này đã khác hẳn khi trước, cứ như được lột xác hoàn toàn.

Cả tòa thành đều trắng sáng lóa mắt, yên tĩnh khiến lòng người hoảng hốt. Nàng giơ tay che nắng, ngắm nhìn xung quanh. Quả nhiên đã chẳng phải thành Kiến Khang trong trí nhớ của nàng. Hiện nay cả vương thành này đều không còn một sợi âm khí, bùn đất bị máu huyết nhuộm đen hầu như đã biến trở lại màu sắc vốn có. Nàng cảm giác được, yên tĩnh đây thực ra không phải là không có thanh âm. Trái lại, mọi người lui tới rất huyên náo, chỉ là những tiếng động kia đan chéo giao thoa, nhưng chẳng một tiếng cụ thể nào truyền được vào tai nàng. Trên mặt mỗi người đều an tĩnh, đã thôi hết những hoang mang, căng thẳng khi xưa.

Là thiên hạ thái bình rồi sao?Nàng nghi hoặc, bối rối hết sức, do dự chưa dám khẳng định chắc chắn. Ngẩng đầu nhìn về đầu thành vời vợi ở nơi xa, dưới bầu trời xanh thẳm là một lá vương kỳ khổng lồ đang bay phất phới, chính giữa khung viền thêu chỉ đen trang trọng hiện rõ một chữ “Tiêu” lớn.

Vẫn là thành của Trừng vương.

Vậy Lý Nhu Phong đâu?

Nàng chạy đến vương cung, cửa cung đóng kín. Nàng níu lấy một ông lão đứng gần đấy: “Xin hỏi cụ, hiện giờ người ở vương cung này là Trừng vương phải không ạ?”

Câu này của nàng rất kỳ quái, cứ như đã sống trên núi rất lâu, không biết năm tháng ở nhân thế. Ông lão thấy nàng ăn mặc chỉnh tề, sang quý, nói chuyện cũng lễ phép, liền đáp: “Đúng là Trừng vương ở, nhưng cũng rời cung khá lâu rồi.”

“Trừng vương đi đâu vậy ạ?”

“Ngài ấy đang xuất chinh thảo phạt Đại Ngụy đấy.”

“Vậy cụ có biết Lý Nhu Phong thế nào rồi không?”

“Lý Nhu Phong là ai?”

“Công tử thứ ba nhà họ Lý Trừng Châu, tên Lý Băng. Chắc là chàng vẫn theo bên Trừng vương…”

“Chưa từng nghe thấy.” Ông lão trả lời, “Con trai lão là thân binh của Trừng vương đây, nhưng đâu nghe nói bên cạnh ngài ấy có người nào như vậy.”

“Thế... Thế bây giờ ai ở trong cung ạ?”

“Chuyện này mà cô nương cũng không biết à? Tạm thời thay mặt quản lý triều chính là Nam Bình vương, còn trông coi cung cấm là thái tử Tiêu Thuần Phong.”

Trương Thúy Nga rất ngạc nhiên. Nam Bình vương anh em của Trừng vương thì nàng biết, nhưng thái tử Tiêu Thuần Phong là chui từ xó nào ra vậy? Chẳng phải tất cả con cái của Trừng vương đều bị giết hết rồi à?

Nàng xin ít thông tin về Tiêu Thuần Phong, ngặt nỗi ông lão im re không đáp.

Trương Thúy Nga chưa thỏa lòng, nhưng đành cám ơn ông lão. Vừa tính đi thì sực nhớ tới một người, bèn hỏi: “Cụ ạ, còn Thông Minh tiên sinh hiện đang ở đâu nhỉ?”

“Thông Minh tiên sinh à, ngài ấy đến tháp vua A Dục [*] để thọ giới lễ Phật rồi.”

Trương Thúy Nga “Ồ” lên, thắc mắc sao lại thế, ông lão giải thích: “Trừng vương điện hạ sùng bái Phật giáo, Thông Minh tiên sinh vốn là tông sư Đạo gia, nếu không thể Phật – Đạo kiêm tu, thì làm sao có thể được Trừng vương tín nhiệm, bảo toàn phái Dương Ẩn?”

Trương Thúy Nga ngơ ngẩn. Sau khi chào ông lão, nàng lững thững loanh quanh khắp thành. Đi rất nhiều nơi, hỏi rất nhiều người, đáp án nhận được không mấy khác biệt với ông lão kia.

Nàng mệt lử trở lại nhà cũ. Cổng nhà khóa chặt, nhìn qua khe cửa thấy trong đó chẳng có thứ gì. Lại sang ngôi phù đồ, trái ngược hẳn là bên này được tu sửa, đổi mới hoàn toàn, tượng Phật to đã được bọc vàng, bắt đầu nghi ngút khói hương. Ấy vậy mà chẳng thấy bóng dáng A Xuân và nhóc Đinh Bảo, đến Đại lang quân, ngựa ô, cả lừa xám cũng chẳng biết đi đâu rồi.

Trương Thúy Nga trèo vào nhà cũ ở một đêm. Khuya vắng, vẫn là một đêm gió lạnh se sắt thổi bóng trúc chao lay.

Nàng bước quanh sân, thấy gạch chữ từ «Thiếp Lan Đình» vẫn đan xen lát đầy trước mắt.

Đột nhiên, nàng cảm giác tựa như mình vừa trải giấc mộng dài. Là giấc mộng có bao người chân thật, mộng tỉnh rồi lại chẳng còn ai.

Cả thành Kiến Khang không còn cảm nhận được tí âm khí nào, cứ như thể ba ước nguyện trong mộng kia của nàng đều biến thành hiện thực:

Thế gian này không có người cõi âm.

Thế gian này dương bạt chỉ là người thường.

Thế gian này đã không còn những chuyện như của nàng và Lý Nhu Phong.

Đều là cơn mộng dài.

Nhưng sao nàng lại là người còn sống? Mộng nay tỉnh, người đâu mất rồi?

Nàng chợt cười to. Cười đến vang vọng nhất thì bắt đầu bật khóc, ngả xuống đất khóc òa. Cứ khóc, khóc mãi, bỗng chốc cảm giác thật trống rỗng, thậm chí chẳng hiểu vì sao mình rơi lệ.

Nàng chỉ còn thấy buồn bã, mất mát, hồn vía cũng trôi vào hư không.

***

Nàng rời khỏi thành Kiến Khang. Nàng chẳng thấy phương hướng, cứ lang thang vô định. Khi thì cưỡi ngựa, khi thì nhờ xe, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ, trong đầu hoàn toàn rỗng không. Bàn tay nàng xách rựa, ngón tay kẹp mớ bùa, nom vô cùng hung hãn, ngay cả trộm cướp có gặp cũng phải đi vòng qua.

Thân mình nàng ngày càng đầy đặn.

Tới một sớm nọ dậy thay đồ, nàng đột nhiên phát hiện như bị béo bụng, vòng eo to bất thường. Bấy giờ mới giật nảy, tự hỏi sao bỗng nhiên lại phát phì thế chứ.

Nàng đoán chắc là do nhẹ lòng nên tăng cân nặng. Lang bạt bấy lâu, những người những việc trước kia nàng gần như sắp quên cả. Đây cũng là ý định ban đầu của nàng. Đã chẳng chết được, vậy cứ quên sạch sẽ thôi, quên hết rồi thì nàng sẽ được giải thoát.

Cơ mà để béo thế này cũng không hay lắm.

Nàng bèn ngừng cưỡi ngựa, tự mình đi bộ. Đến giữa trưa thì dừng chân ở một trấn ven sông ăn cơm. Vì hôm nay vận động nhiều quá nên không dằn lòng được, phải gọi ngay một suất lớn đầy thịt. Nàng nhận thấy dạo gần đây mình rất thích ăn thịt.

Ăn xong rồi lại tiếc đứt ruột vì suất lớn thế này rất đắt. Nhưng sờ vào đống thịt trên cổ và bụng, nghĩ, thôi béo cứ béo đi, đều là tiền cả. Mặc dù tiền này chẳng phải của mình, vào bụng thành mỡ dù sao vẫn hơn là nôn hết ra.

Vừa tự an ủi thế, bỗng đâu thấy buồn nôn thật, buồn nôn hết sức. Ban đầu nàng còn cố nhịn, ai ngờ nó cứ òng ọc trào lên, không thể ép xuống nổi. Thế là phải tấp vội vào lề đường xả tuốt tuột bao nhiêu thứ mới ăn ban nãy, còn nôn cả nước chua.

Nàng thở hồng hộc cầm túi nước ra sông súc miệng rửa mặt, thầm lo kiểu này là ních quá nhiều nên hỏng bụng hay sao nhỉ? Nhưng rõ ràng chẳng thấy đau, với cả bụng nàng xưa nay đâu ngán thứ gì, từng ăn cả chuột bọ mà vẫn bình thường đấy thôi.

Nàng quỳ trên bờ lau mặt, chợt phát hiện phần cằm nhọn của mình nay đã vô cùng mượt mà, hai má cũng đầy đặn hơn rất nhiều.

Chớp lóe, một ý tưởng nàng chưa từng dám nghĩ bay vút qua đầu. Nàng lập tức hóa đá quỳ ngay đơ ở đó.

Đơ hồi lâu, nàng lại vội run rẩy đặt hai ngón lên mạch cổ tay mình. Nhà chồng đầu tiên của nàng theo nghề thuốc, mẹ chồng là bà đỡ nên nàng cũng được truyền ít tay nghề.

Nàng bắt mạch mãi lâu, nhủ bụng không thể nào không thể nào, nhất định là do tinh thần bất ổn nên phán đoán sai thôi. Nàng tĩnh tâm ngồi cả nửa ngày chỉ để tự bắt mạch, bắt đi bắt lại mấy chục lần, nhẩm tính thời gian.

Hơn ba tháng.

Nàng lập cập đứng bật dậy, suýt nữa giẫm luôn lên váy té nhào. Nàng cầm rựa giơ hai tay, hướng ra khung cảnh non xanh nước biếc, khàn giọng hét to:

“Lý Nhu Phong! Mẹ nhà chàng này!”

------------

[1] Vua A Dục (Ashoka, A Du Ca, A Du Già…): Vị vua kiệt xuất của Ấn Độ xưa, là người có công ủng hộ và lưu truyền Phật giáo. Ông từng chiêm bái hết tất cả thánh tích ở Ấn Độ, ở mỗi thánh tích đều cho xây bảo tháp, bia đá, trụ đá để đánh dấu nơi đức Phật từng đi qua.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play