Đó là một ngày tháng 11 trong xanh. Bác sĩ Thompson và trưởng thanh tra Japp đến nhà báo cho Poirot biết kết quả thủ tục kiện ra tòa án hình sự vụ Alexander Bonaparte Cust.
Poirot bị viêm phổi nhẹ nên không tham dự buổi đó. May là ông không nhất mực muốn tôi ở bên cạnh ông.
“Vụ án đã được đệ lên tòa để xét xử”, Japp nói. “Vậy là đâu vào đấy rồi”.
“Không có gì bất thường nếu được biện hộ ở giai đoạn này chứ?” tôi hỏi. “Tưởng tù nhân luôn có quyền được biện hộ”.
“Theo thông lệ là thế”, Japp đáp. “Tôi nghĩ anh chàng Lucas muốn xử vụ này càng sớm càng tốt. Anh ta là người xét xử mà. Bệnh tâm thần là biện hộ duy nhất”.
Poirot so vai.
“Dù là bệnh tâm thần cũng không được xử trắng án đâu. Lĩnh án ở tù vô hạn cũng chẳng thua gì án tử hình cả”.
“Hình như Lucas thấy có một cơ hội đấy”, Japp nói. “Với chứng cứ ngoại phạm tốt nhất ở vụ Bexhill, toàn bộ vụ án sẽ nhẹ đi. Tôi nghĩ anh ta không biết vụ án này nghiêm trọng đến mức nào đâu. Dù sao, Lucas vẫn sẽ làm theo nguyên tắc. Anh ta còn trẻ và muốn gây ấn tượng với công chúng”.
Poirot quay sang Thompson.
“Ông nghĩ sao, bác sĩ?”
“Về Cust à? Nói thiệt là tôi chẳng biết nói gÌ. Ông ta đóng vai người bình thường giỏi quá. Dĩ nhiên là ông ta bị động kinh”.
“Đoạn kết hay quá trời luôn”, tôi nói.
“Lúc ông ta ngất đi ở đồn cảnh sát Andover á? Ờ, đúng là một hạ màn đầy kịch tính. A B C lúc nào cũng canh thời điểm quá chuẩn”.
“Có lúc nào người ta phạm tội mà không biết mình đã làm không?” Tôi hỏi. “Sự phủ nhận của ông ta nghe có vẻ rất thật”.
Bác sĩ Thompson hơi mỉm cười.
“Ông đừng có tin vào cái luận điệu đóng kịch ‘Tôi thề có trời đất’ đó. Theo tôi thì thằng cha Cust đó biết rất rõ mình đã gây ra các vụ án mạng”.
“Họ lúc nào cũng hùng hồn thế đấy”, Crome lên tiếng.
Đến lượt bác sĩ Thompson, ông nói: “Về câu hỏi của ông, người bị động kinh hoàn toàn có thể hành động ở trong trạng thái mộng du và hoàn toàn không biết mình đã làm gì. Nhưng thông thường thì hành động đó phải không ‘trái ngược với ý muốn của người đó khi họ tỉnh táo’.”
Rồi ông bác sĩ cứ tiếp tục nói về vấn đề này và nhắc tới chứng động kinh nặng và chứng động kinh nhẹ, và thú thật là những thuật ngữ đó khiến tôi hoàn toàn khó hiểu nhất là khi người có chuyên môn cứ huyên thuyên nói mãi.
“Tuy vậy, tôi phản đối giả thiết ông Cust gây ra những vụ này mà không hề hay biết. Giả thiết ấy có thể xét tới nếu không có những bức thư đó. Những bức thư đã bác bỏ cái lý thuyết kia vì chúng là minh chứng của việc lập mun và lên kế hoạch cặn kẽ cho hành vi phạm tội”.
“Nhưng rồi chúng ta cũng chưa biết giải thích thế nào về những bức thư mà”, Poirot lên tiếng.
“Điều đó khiến ông quan tâm à?”
“Đương nhiên rồi - vì người ta viết cho tôi mà. Và nói về mấy lá thư đó, Cust khăng khăng không biết. Đến chừng nào tôi chưa tìm ra được lý do vì sao người ta viết những bức thư đó cho tôi thì tôi cho là vụ án này vẫn chưa xử lý xong”.
“Vâng - tôi hiểu ý ông rồi. Chẳng có lý do gì ông ta muốn chống lại ông cả đúng không?”
“Đúng thế”.
“Tôi có ý này. Chắc là do cái tên của ông!”
“Tên của tôi ư?”
“Đúng thế. Rõ ràng Cust mang trên mình một gánh nặng áp lực từ người mẹ (tôi chắc là hội chứng Oedipus) khi bà đặt cho ông ta cái tên kép nghe rất kiêu: Alexander và Bonaparte. Các ông có để ý ý nghĩa của cái tên không? Người ta cho Alexander là bất bại và luôn khao khát đi chinh phục thế giới. Bonaparte là đại đế nước Pháp. Ông ta muốn có đối thủ mà kẻ đó phải cùng đẳng cấp với mình. Ờ, mà ông lại là chàng Hercules dũng mãnh đấy”.
“Ý của ông rất hay, bác sĩ ạ. Nó khiến tôi nghĩ đến...”
“Ôi, tôi chỉ nêu ra một ý thế thôi. Ờ, tôi phải đi đây”.
Bác sĩ Thompson đi rồi. Japp còn nán lại.
“Chứng cứ ngoại phạm này làm ông lo lắng à?” Poirot hỏi.
Thanh tra công nhận: “Cũng có đôi chút. Nói thật tôi không tin lắm bởi vì tôi biết đó không phải là sự thật. Nhưng rất khó phá. Cái gã Strange này đúng là một nhân vật khó chơi”.
“Ông miêu tả anh ta cho tôi nghe đi”.
“Anh ta chừng 40 tuổi. Kỹ sư ngành mỏ. Cứng đầu, tự tin và bảo thủ. Tôi có cảm giác anh ta cứ đòi chúng ta phải xét lời khai của anh ta ngay lập tức. Anh ta vội đi Chilê nên muốn thu xếp xong xuôi mọi việc ngay lập tức”.
Tôi nhận xét: “Anh ta là một trong những người quyết đoán nhất mà tôi từng gặp đấy”.
Poirot nói vẻ trầm ngâm: “Anh ta là loại người không chấp nhận rằng mình có thể sai sót”.
“Anh ta khăng khăng kể câu chuyện đó và không muốn ai chen ngang cả. Anh ta thề rằng anh ta tình cờ quen ông Cust tại khách sạn Whitecross ở Eastbourne vào chiều tối ngày 24 tháng 7. Anh ta thấy cô đơn và cần người trò chuyện. Tôi thấy Cust có vẻ là người rất biết lắng nghe người khác, ông ta không hề ngắt lời ai! Sau bữa ăn tối, anh ta và Cust chơi trò domino. Có vẻ Strange là một tay chơi domino rất cừ và anh ta rất ngạc nhiên khi biết Cust cũng chơi hay không kém. Domino đúng là trò chơi kỳ quặc. Người ta cuồng trò này quá trời. Họ có thể chơi hàng giờ đồng hồ liền. Rõ ràng Strange và Cust cũng thế. Cust muốn đi ngủ rồi mà Strange không chịu và đòi chơi ít nhất là cho tới nửa đêm. Và họ đã làm thế. Họ chia tay lúc 0 giờ 10 phút sáng. Và nếu Cust ở khách sạn Whitecross ở Eastbourne cho đến 0 giờ 10 phút sáng ngày 25 thì ông ta không thể thắt cổ Betty Barnard trên bãi biển ở Bexhill trong khoảng từ nửa đêm đến 1 giờ sáng được”.
Poirot nhận xét vẻ nghĩ ngợi: “Vấn đề này khó giải quyết thật. Rõ ràng, nó khiến người ta phải suy nghĩ”.
“Đó là điều Crome phải suy xét đấy”, Japp nói.
“Gã Strange này quả quyết lắm à?”
“Đúng thế. Gã rất ngoan cố. Và khó mà phát hiện ra có sơ hở ở chỗ nào. Giả sử Strange nhầm lẫn và người đàn ông mà anh ta gặp không phải là Cust - tại sao ông ta phải nói ra tên ông ta là Cust chứ? Và chữ viết trong sổ đăng ký lưu trú khách sạn cũng là của ông ta. Không thể cho rằng anh ta là tòng phạm - những kẻ cuồng sát thường không có tòng phạm! Thế có phải cô gái sau đó mới chết không? Bác sĩ rất chắc chắn về chứng cứ của mình và dù sao ông Cust phải mất khá nhiều thời gian mới từ khách sạn ở Eastbourne đến được Bexhill cách đó chừng 14 dặm mà không bị phát hiện...”
Poirot nói: “Vấn đề là ở chỗ đó... đúng thế”.
“Đương nhiên, thẳng thắn mà nói thì đó không phải là vấn đề. Chúng ta quy cho Cust tội giết người ở vụ Doncaster - cái áo khoác có dính máu, con dao - không hề có một sơ hở nào ở vụ đó. Chúng ta không thể ép hội đồng xét xử xử trắng án cho ông ta được. Nhưng chứng cứ đó quả thật đã làm cho vụ án không trọn vẹn. Ông ta gây ra vụ án mạng ở Doncaster. Ở Chuston. Ở Andover. Thế thì, trời ạ, ông ta hẳn phải là thủ phạm của vụ Bexhill chứ. Nhưng tôi chưa biết bằng cách nào!”
Japp lắc đầu rồi đứng dậy.
“Bây giờ đến lượt ông đó, Poirot”, ông nói. “Crome đang rối như tơ vò rồi. Ông hãy vận dụng khối chất xám nổi tiếng của ông đi. Chỉ cho chúng tôi biết bằng cách nào ông ta thực hiện được vụ án đó”.
Nói rồi Japp ra về.
“Giờ thì làm sao hả Poirot? Tôi hỏi. “Mấy cái tế bào chất xám nhỏ nhoi của ông có làm gì được vụ này không?”
Poirot trả lời câu hỏi của tôi bằng câu hỏi khác.
“Hastings, nói cho tôi biết ông có nghĩ liệu có phải vụ án này đã kết thúc?”
“À, vâng, trên lý thuyết là thế. Chúng ta đã bắt được hung thủ. Và chúng ta hầu như có đầy đủ các chứng cứ rồi. Chỉ cần mấy chi tiết phụ nữa là xong”.
Poirot lắc đầu.
“Vụ án đã kết thúc! Vụ án đó! Vụ án là chính hung thủ, Hastings à. Chừng nào chúng ta hiểu hết hung thủ thì chừng đó bí ẩn mới hé lộ. Không phải cứ đưa hắn ra trước vành móng ngựa là chiến thắng đâu!”
“Chúng ta biết khá nhiều về hắn rồi đó chứ”.
“Chúng ta có biết gì nhiều đâu! Chúng ta biết hắn ta sinh ra ở đâu. Chúng ta biết hắn ta đã từng ra trận và bị thương nhẹ ở đầu và rồi được giải ngũ vì bị bệnh động kinh. Chúng ta biết hắn thuê trọ ở nhà bà Marbury gần hai năm rồi. Chúng ta biết hắn ta ít nói và nhút nhát - kiểu người mà ít ai để ý. Chúng ta biết hắn đã nghĩ ra và tiến hành những âm mưu gây án rất tinh khôn và gọn gàng. Chúng ta biết hắn mắc những sai lầm cực kỳ ngớ ngẩn. Chúng ta biết hắn ra tay không thương tiếc và rất tàn nhẫn. Chúng ta biết hắn cũng khá tốt bụng khi không để cho những người khác phải bị vạ lây vì những vụ án mà hắn ra tay. Nếu hắn muốn giết người mà không bị cản trở thì việc để cho người khác phải bị trừng phạt vì tội của hắn dễ như trở bàn tay. Tên này là một con người đầy mâu thuẫn, ông có nhận ra điều đó không, Hastings? Ngu ngốc và láu cá, tàn nhẫn và cao thượng - và phải có một yếu tố nổi trội nào đó hòa hợp hai phẩm chất trái ngược đó chứ”.
Tôi đáp: “Đương nhiên là thế nếu ông xem hắn như một đối tượng nghiên cứu tâm lý học”.
“Vụ án này ngay từ đầu đã có thêm yếu tố nào nữa nhỉ? Ngay từ đầu đến giờ tôi phải mò mẫm tìm đường để mong hiểu được tên giết người này. Và giờ đây tôi nhận ra rằng tôi chẳng biết gì về hắn ta cả, Hastings à! Tôi hoang mang quá”.
“Khao khát quyền lực...” tôi gợi.
“Ừ, điều đó cũng giải thích được nhiều khúc mắc lắm... Nhưng tôi chưa thấy thỏa mãn. Có nhiều điều tôi cần phải biết. Tại sao hắn ra tay mấy vụ này? Tại sao hắn chọn những người đó...?”
“Chọn theo bảng chữ cái mà...” tôi đáp.
“Betty Barnard có phải là người duy nhất ở Bexhill có họ là Barnard đâu? Betty Barnard... Tôi có một ý tưởng... Nó phải là sự thật... nó phải là sự thật. Nhưng nếu thế thì...”
Ông im lặng vài giây. Tôi không muốn ngắt lời ông. Thật ra tôi nghĩ lúc đó mình bắt đầu bị cơn buồn ngủ kéo đi.
Poirot lắc vai gọi tôi dậy.
Ông nói, giọng trìu mến: “Mon cher Hastings, [1] ông đúng là thiên tài”.
Tôi thấy hơi bối rối khi đột nhiên được quý mến quá như thế.
“Thật mà,” Poirot khẳng định, “ông luôn luôn giúp tôi, đem may mắn đến cho tôi. Ông khiến tôi phải nghĩ đến điều mà tôi bỏ quên đấy”.
Tôi hỏi: “Lần này tôi đã làm gì khiến ông nghĩ thế?”
“Khi tôi đang tự đặt câu hỏi cho mình tôi nhớ lại lời nhận xét của ông - nó lóe lên một hình ảnh thật rõ ràng. Tôi chưa nói với ông rằng ông có tài phát hiện ra những sự thật hiển nhiên. Những thứ hiển nhiên mà tôi lại không để ý”.
“Thế cái nhận xét xuất sắc lần này của tôi là gì?” tôi hỏi.
“Nó làm tôi thấy mọi việc sáng rõ hơn. Tôi tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của mình. Đó là tìm được nguyên nhân của vụ bà Ascher (sự thật thì tôi đã thoáng thấy lâu rồi), của vụ ngài Carmichael Clarke, của vụ Doncaster và cuối cùng cũng là quan trọng nhất, đó là nguyên nhân chọn Hercule Poirot”.
“Ông giải thích rõ hơn xem nào?”
“Không phải lúc này. Trước tiên tôi phải tìm thêm một vài thông tin nữa đã. Tôi chỉ có thể có được thông tin đó từ Đội Đặc nhiệm của chúng ta. Và rồi, rồi thì, khi tôi đã có câu trả lời cho một câu hỏi mấu chốt của mình, tôi sẽ đi gặp A B C. Lúc ấy chúng tôi sẽ mặt đối mặt - A B C và Hercule Poirot - như hai đối thủ”.
“Rồi sau đó thì sao?” Tôi hỏi.
“Rồi sau đó chúng tôi sẽ trò chuyện!” Poirot đáp. “Je vous assure, [2] Hastings ạ, không có gì nguy hiểm bằng một cuộc đối thoại nhất là với người có điều gì cần giấu diếm! Một ông già thông thái người Pháp đã từng nói với tôi rằng lời nói là phát minh con người tìm ra để họ khỏi phải suy nghĩ. Không sai vào đâu được, lời nói còn là phương tiện tìm ra những gì mà người ta muốn giấu đi. Hastings ạ, người ta khó mà không có lúc để lộ suy nghĩ của mình và thể hiện cá tính của mình khi nói chuyện. Càng nói anh ta càng để lộ mình”.
“Ông mong Cust sẽ nói gì với ông?”
Hercule Poirot mỉm cười.
Ông nói: “Một lời nói dối. Và từ lời nói dối đó tôi sẽ tìm ra được sự thật!”
Chú thích:
[1] Ông bạn Hastings thân mến.
[2] Tôi cam đoan với ông.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT