Các binh sĩ lùi vào trong thành, cổng lớn ngàn cân khép lại. Những người bị đám binh sĩ trục xuất ra ngoài cổng túa về như cơn thủy triều đen kịt, nện ầm lên cổng. Các tướng sĩ trên cổng thành hét lớn: "Rút đi! Rút đi! Ai đã lãnh lộ phí có thể khởi hành rồi, đi về phía Đông, đừng dừng dọc đường!"
Tuy nhiên, những người Vĩnh An này rời bỏ quê hương, chạy nạn suốt một đường, đi đến hoàng thành gần với mình nhất. Cổng chính hoàng thành đóng trước mặt bọn họ, nếu muốn sống thì phải vòng qua hoàng thành, đi đoạn đường dài hơn để đến thành trì càng xa về phía Đông.
Thế nhưng đi cả chặng đường đến đây đã trải qua biết bao gian khó, tử thương vô số, nào còn thừa sức tiếp tục đi về phía trước? Cho dù mỗi người được phát cho một ít lộ phí, nước và lương khô, nhưng liệu chống được mấy ngày trên đường đây?
Ai nấy cũng mặt xám mày tro, có người kéo lê nồi niêu xoong chảo, có người cõng trẻ con, có người khiêng cáng cứu thương, dìu thì dìu, nằm thì nằm, đi không nổi nữa, ngồi thành từng tốp trước tường thành. Đám đàn ông trẻ tuổi còn sức để nổi giận, đập cổng thành hô lớn: "Các ngươi không thể làm vậy được! Các ngươi muốn bọn ta chết sao!"
"Đều là người Tiên Lạc với nhau, các ngươi có cần đuổi cùng giết tận như vậy không!"
Một người đàn ông gào đến khản cổ: "Đuổi bọn ta ra thì thôi đi, ta không vào, nhưng cho vợ con ta ở lại được không?!"
Như kiến càng lay cây, cổng thành chẳng hề nhúc nhích.
Tạ Liên đứng trên lầu cổng thành. Áo trắng bay phần phật, y lướt qua tường chắn mái, nhìn xuống bên dưới. Phía ngoài hoàng thành toàn là đầu người chậm chạp lúc nhúc, chi chít đông nghịt, cực giống bầy kiến mà y từng thấy vào thuở nhỏ chơi trong ngự hoa viên.
Lúc đó xuất phát từ tò mò, y nhìn thêm vài lần, vừa duỗi một ngón tay định chọt lén thì có cung nhân kêu lên ngay: "Điện hạ, thứ này bẩn muốn chết, không được chạm, không được chạm!" Sau đó nhấc váy chạy vội qua đây, đạp vài cái nghiền chết bầy kiến ấy.
Lúc kiến dế còn sống, ngoài chi chít lít nhít thì chẳng có gì đẹp mắt, bị giẫm chết lại biến thành một bãi thua cả bùn cặn, càng chẳng đẹp đẽ gì cho cam.
Còn bên trong hoàng thành, vạn nhà đèn đuốc sáng trưng, ca múa vui vẻ. Một bức tường thành, tách rời hai thế giới khác nhau một trời một vực.
Người Vĩnh An đến sau không được vào thì thôi, vậy mà người ở trong từ trước cũng bị đuổi ra. Tuy nhẫn tâm thật, nhưng Tạ Liên có thể hiểu được, đó là bởi vì mấy tháng nay, dân hoàng thành và dân Vĩnh An xung đột gây sự càng lúc càng nhiều, để cả đám đàn ông như thế trong thành, chỉ sợ lỡ như bọn họ nội ứng ngoại hợp gây nhiễu loạn.
Tuy nhiên, có một điều Tạ Liên cho rằng vẫn thương lượng được, y nghiêm túc nói: "Tại sao phụ nữ và trẻ em cũng phải rút luôn? Trong đó có một số người chẳng còn đi được bao xa nữa."
Phong Tín và Mộ Tình đứng hầu sau lưng y. Mộ Tình đáp: "Muốn rút thì phải rút đi cùng nhau. Không lo ít chỉ lo chia không đều, không thể phân biệt đối xử, bằng không khó tránh kích động kẻ khác. Dựa vào đâu họ ở lại được còn ta thì không?"
Phong Tín nói: "Ngươi nghĩ nhiều quá."
Mộ Tình hờ hững cất giọng: "Sẽ có người nghĩ thế đấy. Hơn nữa nếu vợ và con đều ở lại, đám đàn ông đó sẽ không chịu đi quá xa, sớm muộn cũng sẽ quay trở lại. Giữ người trong thành chẳng khác nào để lại tai họa về sau."
Nhóm người Vĩnh An này không chịu đi, các tướng sĩ phía trong cổng thành cũng không đi được, nói: "Hừ, cứ nhây thế đi!"
Quốc vương bệ hạ đã hạ lệnh, lẽ nào bọn chúng cho rằng ngồi đây ăn vạ sẽ có tác dụng sao? Nhây được một hai ngày thôi, lẽ nào nhây được một hai tháng, một hai năm?
Dân chúng và tướng sĩ trong hoàng thành đều cho là thế. Có người Vĩnh An vì tuyệt vọng mà chấp nhận số phận, quyết định đánh cược một lần, tiếp tục đi về phía Đông, nhưng số lượng đó không nhiều. Phần lớn vẫn mong mỏi ngồi trước cổng thành, ngóng trông hoàng thành mở cổng cho mình vào, chí ít cho mình một chốn dừng chân để thu xếp sơ trước rồi tiếp tục lên đường. Thêm nhiều người Vĩnh An mới tới, nhìn cổng thành đóng chặt cũng thất vọng vô cùng, nhưng thấy nhiều người ngồi canh như thế, bọn họ cũng ôm lòng kỳ vọng và mong đợi gia nhập đại đội.
Thế là ba bốn ngày sau, người tụ tập ở cổng thành càng lúc càng đông, mấy chục ngàn người gần như đã dựng trại đóng quân tại đây, tạo nên một cảnh tượng hoành tráng. Bọn họ miễn cưỡng chèo chống nhờ nước và lương khô mà quốc vương phân phát, nhưng đã sắp đến cực hạn.
Cực hạn này, xảy ra vào ngày thứ năm.
Năm ngày qua, ngày nào Tạ Liên cũng chia một ngày làm ba, một phần dùng cho tín đồ điện Thái Tử, một phần dùng cho thu xếp chuyển nước tạo mưa, một phần dùng cho chăm sóc dân chúng Vĩnh An ngoài thành, tuy có Phong Tín và Mộ Tình phụ giúp, nhưng đôi lúc y cũng cảm thấy không kham nổi gánh nặng, có lòng mà không đủ sức. Ngày hôm đó, vào đúng canh giờ y không canh giữ ở ngoài thành, dưới ánh mặt trời gay gắt, trước cổng thành đột nhiên vang lên một tiếng hét thảm.
Tiếng hét thảm là của một cặp vợ chồng đang bế một đứa bé. Người người đua nhau vây quanh họ, hỏi: "Thằng bé này sao thế?" "Đói hay khát?" Lát sau kinh hãi kêu lên: "Mọi người đem chút nước tới đây đi, sắc mặt thằng bé này không ổn rồi!"
Phụ nhân kia khóc lóc đút nước cho đứa bé ngộp đến nỗi mặt đỏ au, song tất cả nước đều bị nôn ra. Cha nó nói: "Ta không biết xảy ra chuyện gì nữa, nó bị bệnh rồi, đại phu, cần đại phu!" (Phụ nhân = phụ nữ đã có chồng)
Bế con trai xông đến trước cổng thành, hắn đập cổng rầm rầm: "Mở cổng, mở cổng cứu mạng với! Có người sắp chết, con ta sắp chết!"
Dĩ nhiên binh sĩ phía trong không dám mở cổng. Bất luận có phải thật sự có người sắp chết hay không, ngoài cổng tận mấy chục ngàn người, mở cổng rồi đừng mong đóng lại nữa, vì vậy chỉ dám thông báo cho tướng sĩ cấp trên. Khí trời oi bức, các tướng sĩ canh giữ suốt nhiều ngày cũng có hơi cáu kỉnh, nói qua quýt lấy lệ: "Cho hắn nước và thức ăn." Thế là bọn họ dùng một sợi dây thừng, treo chút nước và thức ăn đưa xuống dưới. Cha đứa bé kia nói: "Cảm ơn các ngươi, cảm ơn các vị tướng sĩ đại ca, nhưng chúng ta không cần nước và thức ăn, có thể nào tìm giúp chúng ta một đại phu không?"
Điều này thật sự khiến người ta khó xử, không thể cho hắn vào cổng tìm đại phu, cũng không thể treo một đại phu đưa xuống cho hắn. Có trời mới biết ra đến ngoài cổng, đám dân đói bụng suốt bốn năm ngày đó sẽ làm nên chuyện gì? Vì vậy, mấy vị tướng quân nói: "Bỏ đi, đừng quan tâm, cứ lờ đấy, không chết được đâu. Nếu hỏi nữa thì bảo đã thông báo rồi, đang đi xin chỉ thị của quốc vương bệ hạ."
Liên tục mấy ngày buồn phiền vì chuyện của Vĩnh An, quốc vương đã nhiều lần nổi giận, dĩ nhiên không ai dám đi quấy rầy ngài vì chút chuyện vặt này. Các binh sĩ đáp lại theo lời dặn, cha đứa bé kia mới yên tâm, luôn miệng nói cảm tạ, đội ơn quốc vương, quỳ xuống đất dập đầu. Nhưng hết canh giờ này đến canh giờ khác trôi qua, bóng nắng chói chan ngả từ bên này sang bên kia, đại phu mãi không xuất hiện, đứa bé trong ngực lại càng lúc càng nóng.
Cặp vợ chồng kia bế con mà tay run cầm cập, cha đứa bé đổ mồ hôi lạnh đầy đầu, lẩm bẩm: "Còn có người tới không? Còn mở cổng cho ta không?"
Cuối cùng hắn không nhịn được nữa, lớn tiếng gọi với lên cổng thành: "Các tướng quân, thật xin lỗi, ta muốn hỏi một chút... Đại phu đâu?"
Binh sĩ đáp: "Đã đi xin chỉ thị của quốc vương bệ hạ, ngươi chờ thêm chút đi."
Bên dưới có người không kiềm được: "Hai canh giờ trước đã nói đi rồi, sao đến giờ vẫn chưa trở lại?"
Đám binh sĩ nghe theo chỉ thị của cấp trên, đáp xong không đếm xỉa tới nữa. Những người dưới tường thành vừa tức giận, vừa bất đắc dĩ, vừa đau lòng, bọn họ túm tụm quanh đứa bé, bắt đầu hoài nghi: "Mấy người đó thật sự đã thông báo cho quốc vương bệ hạ sao? Không phải đang gạt chúng ta chứ?"
Cha đứa bé không chờ được nữa, hạ quyết tâm cõng con trai buộc sau lưng mình, dặn dò vợ vài câu. Phụ nhân kia tháo một lá bùa hộ mệnh trên cổ, đeo vào cổ chồng. Người đàn ông nọ chạy nhanh về phía tường thành, thử trèo lên trên.
Mặt bên tường thành được xây theo kiểu cực khó đặt tay, cha đứa bé túm vài cái nhưng không trèo lên được, đám đàn ông còn lại rối rít nói: "Để ta giúp ngươi!" Sau đó chạy qua nâng hắn lên. Mấy chục người xếp chồng lên nhau, đưa hắn lên chỗ cao hơn một trượng. Đến đây, cha đứa bé mới miễn cưỡng nắm lấy sợi dây thừng vừa rồi được dùng để treo nước và thức ăn, tiếp tục trèo lên trên. Mấy chục ngàn người bên dưới hồi hộp theo dõi cha đứa bé, không dám cổ vũ hắn cố lên, sợ bị phát hiện. Nhóm binh sĩ trên lầu cổng thành đã canh giữ vài ngày, đám dân chạy nạn Vĩnh An này cũng không gây nên chuyện lớn gì, khó tránh có chút lơi lỏng, chờ khi cha đứa bé trèo đến gần phân nửa, bọn họ mới bất chợt phát hiện có một người bám trên tường thành, bèn cất giọng quát to: "Làm gì vậy! Không được phép trèo tường! Kẻ nào trèo tường giết không tha! Có nghe rõ không, kẻ nào trèo tường giết không tha!"
Nghe bọn họ uy hiếp, cha đứa bé cũng hô lớn: "Ta không có ác ý! Ta chỉ muốn đưa con đi xem bệnh, sẽ không làm gì hết!" Vừa hô vừa tiếp tục trèo lên trên. Một gã tướng quân vốn đang dùng cơm, vừa hay tin này thì nổi cơn tam bành. Nếu hắn ta trèo lên bình yên vô sự, mở ra tiền lệ đó, thế chẳng phải sau này sẽ có vô số người Vĩnh An noi theo? Nhất định phải cản lại! Thế là gã sải bước dài, đứng bên bờ tường rống xuống dưới: "Ngươi không muốn sống nữa sao! Lập tức xuống ngay, nếu còn không xuống chúng ta không tha cho ngươi đâu!"
Mà người đàn ông nọ đã trèo đến nơi rất cao, qua được hơn phân nửa, cố thêm một chút là lên tới rồi, tất nhiên không chịu dừng lại. Xưa nay trong quân doanh, gã tướng quân kia luôn nói một là không có hai, chẳng ai dám trái lệnh của gã, ai dám trái lệnh thì đơn giản thôi. Gã đi tới bên tường, rút kiếm ra chém một nhát, sợi dây thừng đứt phựt.
Người đàn ông nọ nắm sợi dây thừng bị chém đứt, rơi xuống từ lưng chừng không trung. Giữa tiếng thét chói tai của vô số người, ngã phịch xuống nền đất cứng ngoài cổng thành.
Tạ Liên xuất hiện ngay sau đó.
Người đàn ông nọ ngã đưa lưng xuống đất, mà lưng hắn còn cõng đứa bé. "Đùng" một tiếng, đứa bé bị ép thành một bãi thịt vụn nát bấy, một đóa hoa máu bắn tóe ra mấy trượng. Cổ của cha nó cũng bẻ gãy, hai mắt trợn tròn, một lá bùa hộ mệnh trượt khỏi cần cổ méo lệch, chính giữa viết hai chữ "Tiên Lạc", có hoa văn thêu bằng chỉ vàng, chính là bùa hộ mệnh khai quang lấy từ điện Thái Tử.
Vào khoảnh khắc trước khi trèo lên, người đàn ông nọ và vợ mình từng nắm bùa hộ mệnh, lặng lẽ khẩn cầu Thái tử điện hạ phù hộ, thế nên Tạ Liên mới nghe được tiếng cầu nguyện của bọn họ mà đuổi tới nơi này.
Tiếc rằng suy cho cùng, y nào phải những nhân vật chính anh hùng trong thoại bản* truyền kỳ, lần nào cũng có thể hiện thân vào đúng một khắc trước khi đao chém xuống, hô đao hạ lưu nhân trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc. Phụ nhân kia không đủ can đảm lật xác chồng lại xem con trai biến thành hình dạng gì, nàng bụm mặt gào to một tiếng, không nhìn mà lao thẳng về phía trước, đâm đầu vào tường, "cộp" một tiếng, ngã xuống không nhúc nhích nữa.
*Thoại bản: hình thức tiểu thuyết Bạch thoại phát triển từ thời Tống, chủ yếu kể chuyện lịch sử và đời sống xã hội đương thời, thường được dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này. (theo vndic)
Ngay trước mắt Tạ Liên, dưới bức tường hoàng thành, chỉ trong nháy mắt đã có thêm ba thi thể!
Y còn chưa kịp phản ứng, dân chúng ngoài cổng thành đã không chịu nổi nữa.
Có người bắt đầu mắng: "Chết cả rồi, một nhà ba người chết cả rồi! Nhìn đi, đây là tướng quân tốt phụng sự cho quốc vương bệ hạ của chúng ta đấy! Không cứu chúng ta, ngược lại còn ép chúng ta vào đường chết!"
"Không cho chúng ta vào cũng không đưa người ra, bảo người ta phải làm sao đây? Ba mạng người máu me đầm đìa đang nhìn các ngươi đấy!"
"Bảo rằng người Vĩnh An phải rút hết khỏi hoàng thành, thế tại sao những kẻ giàu có kia không rút chung luôn? Chúng ta không tiền không quyền thì đáng phải chờ chết phải không? Xem như ta đã nhìn rõ rồi!"
"Không nhịn được nữa... thật sự không nhịn được nữa. Thuế cần thu hàng năm thu đâu có ít, lúc cứu trợ thiên tai bay đi đâu hết rồi?"
"Thà đút tiền nuôi lũ sâu mọt đó xây miếu cho con mình chứ không cứu tế nạn dân, chỉ cho chút nước và lương khô rồi đuổi đi, coi chúng ta là gì chứ? Hôn quân, hôn quân!"
Binh sĩ trên lầu cổng thành quát to bảo ngừng, tướng quân kia có tình thế nào mà chưa từng nhìn thấy, vì vậy chẳng để vào mắt. Tuy nhiên, tình hình đã mơ hồ vượt khỏi tầm kiểm soát. Hàng ngàn hàng vạn đôi tay căm phẫn đẩy cổng chính, có người còn dứt khoát dùng đầu hay thân mình mà tông, lần này không còn là kiến càng lay cây nữa.
Cổng thành nhúc nhích, thậm chí cả tòa lầu cổng thành cũng lờ mờ rung chuyển!
Từ khi sinh ra tới nay, Tạ Liên chưa bao giờ chứng kiến tình hình thế này. Nhân dân mà y nhìn thấy luôn thân thiết, hoà đồng, ấm no, đáng mến. Những người mặt mày méo xệch khóc la thảm thiết này, khiến y như lọt vào một thế giới hoàn toàn lạ lẫm, không khỏi sởn hết gai ốc. Ngay cả khi chạm trán yêu ma tà linh khủng bố nhất, y cũng chưa hề có cảm giac như thế. Đúng lúc này, trên lầu cổng thành trruyền đến một tiếng gầm giận dữ.
Tạ Liên quay phắt đầu lại, chỉ thấy một bóng người cao gầy bóp cổ gã tướng quân khi nãy chém đứt dây thừng khiến cho ba người dưới tường thành bỏ mạng, "rắc" một tiếng giòn vang, bẻ gãy cổ của gã.
Đám binh sĩ cũng không biết người này đột ngột xuất hiện thế nào, cả bọn sợ mất mật, gào thét cầm kiếm vây tới: "Kẻ nào đấy?!" "Ngươi lên đây bằng cách nào?!"
Tạ Liên lại nhanh chóng chú ý đến tay đối phương, đôi tay ấy đã máu thịt lẫn lộn. Người này thế mà lại dùng một đôi tay bằng xương bằng thịt, bấu vào tường thành gần như không có kẽ hở trèo lên trên. Mà khi bóng người kia quay lại, quả nhiên là Lang Anh!
Lang Anh bị binh sĩ bao vây chẳng hề suy suyển, lật tường chắn mái ném thi thể của gã tướng quân kia xuống lầu cổng thành, còn mình thì giẫm lên thi thể đó, xem nó như bàn đạp giảm xóc, nhảy xuống.
Một khắc trước khi nhảy xuống, hắn nhìn thẳng về phía Tạ Liên, nhưng không phải nhìn Tạ Liên, mà là xuyên qua Tạ Liên, nhìn hoàng cung tọa lạc tại chính giữa hoàng thành.
Kể từ hôm đó, nước Tiên Lạc chìm sâu vào hỗn loạn.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT