Tần thị nghe không hiểu khoa học và vật lý mà nhi tử nói, nàng chỉ biết rằng cơ hội kiếm tiền đã tới rồi.
Diêm tiêu mười mấy văn tiền có thể mua được một cân, còn một cục băng vuông nho nhỏ để hạ nhiệt lại là một trăm văn tiền một viên.
Để có được khối băng cho toàn bộ Khánh quốc dùng vào mùa hè, đó là nhờ khi đông đến người ta đục ra từng khối băng lớn ở trong sông, sau đó vận chuyển chúng đến hầm băng để bảo quản. Khi mùa hè đến, hầm băng sẽ được mở ra và từ trong đó lấy ra khối băng để hạ nhiệt. Bởi vì thời tiết mùa đông rất lạnh nên việc lấy băng rất tốn công và nhân lực, do đó giá băng mới có thể cao ngất ngưởng như thế. Trạm phủ cũng có tự mình xây một hầm băng lớn, cứ đến mùa đông là hầm băng lại được chất đầy băng. Tuy nhiên, một hầm băng này không đủ cung cho cả Trạm phủ sử dụng vào mùa hè.
Đấy là còn có Vương thị sợ lạnh. Ngoại trừ những ngày nóng nhất trong mùa hè thì bình thường bà đều không dùng đến băng.
Không chỉ có Trạm phủ, mà hầu hết tất cả các nhà huân quý trong Kinh thành cũng đều không có một ai thoải mái vung tay dùng băng. Chỉ có các quý nhân trong cung đến hè mới có thể thỏa thích dùng băng, chẳng qua chỉ giới hạn trong các quý nhân được sủng ái. Còn các phi tần không được sủng ái, suốt mùa hè chưa chắc đã có một chậu băng để dùng.
Tuy Trạm Vân Tiêu dùng diêm tiêu làm thành băng không thể ăn, nhưng dùng hạ nhiệt hay ướp lạnh đồ uống và trái cây thì vẫn có thể được. Nói kỹ hơn, nếu có ăn vào một ít băng cũng không tạo thành vấn đề quá lớn.
Nói đến việc kiếm tiền, Tần thị luôn luôn là lôi lệ phong hành. Nàng phát hiện ra cơ hội kinh doanh của diêm tiêu chế thành băng, liền lập tức cho người dưới đi thu mua diêm tiêu ở khắp nơi.
(*) 雷厉风行 - lôi lệ phong hành: một thành ngữ Trung Quốc, bính âm là léi lì fēng xíng. Nó được mô tả là mạnh mẽ và hành động nhanh chóng.
Tiệm thuốc có bán diêm tiêu, ngoài việc để lại một ít diêm tiêu để chữa bệnh khẩn cấp cho bệnh nhân, thì tất cả số diêm tiêu dự trữ trong khắp các tiệm thuốc ở Kinh thành đều bị Tần thị hạ lệnh bao trọn. Chỉ thế còn chưa đủ, Tần thị sau khi tự mình thực hiện thành công dùng diêm tiêu chế thành băng, liền sắp xếp một quản sự đáng tin chạy đến một khu vực khai thác diêm tiêu mua một lượng lớn diêm tiêu trở về.
Động tác của Tần thị rất nhanh, ngày hôm sau trong cửa hàng của Trạm gia đã bày bán khối băng với giá cả rẻ hơn. Tất nhiên, Tần thị cũng không quên dặn dò chưởng quỹ và hỏa kế của cửa hàng rằng, nhất định nhớ giải thích cho mọi khách hàng đến mua khối băng rằng băng bán trong cửa hàng không ăn được, chỉ dùng ướp lạnh hoa quả hay đồ uống hoặc dùng để hạ nhiệt.
Khối băng có thể ăn được đang bán trên thị trường là một trăm văn tiền một viên nhỏ. Băng trong cửa hàng Tần thị bán với giá rẻ hơn, một khối băng có kích thước bằng nhau chỉ bán sáu mươi văn tiền một viên.
Tin này vừa truyền ra lập tức khiến toàn bộ Kinh thành chấn động. Trước kia chỉ có quan lại quyền quý mới bỏ được tiền mua băng về dùng hạ nhiệt, nhưng băng của Trạm phủ vừa lên thị trường đã khiến những nhà tiểu phú sẵn sàng xuất tiền ra mua một ít về dùng hạ nhiệt.
Không ai ghét bỏ chuyện tiền trong tay chi ít đi một chút cả. Đến cả những môn cao đại hộ trong Kinh thành mỗi ngày đều cho người tới cửa hàng mua một ít băng về dùng. Băng ăn được trong phủ, bọn hắn giữ lại làm đá bào và kem ăn. Còn ướp đồ uống, hoa quả hay dùng để hạ nhiệt thì bọn hắn sẽ dùng băng bán trong cửa hàng của Trạm gia. Nhờ cách này, hè này bọn hắn đã tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền.
Trong lúc Tần thị bận làm ăn, Trạm Vân Tiêu lại lần nữa bị Thánh nhân tuyên tiến cung.
Lại nói trở về, sau khi Trạm Bác Thiệp đang chuẩn bị thay hắn dâng hiến một giỏ bắp ngô non lên cho Thánh nhân, lại đúng lúc giỏ dưa hấu được bên điền trang đưa tới. Nhìn dưa hấu trông khá ngon, Trạm Bác Thiệp cũng chọn ra hai quả vừa tròn vừa lớn nhất cùng dâng lên cho Thánh nhân.
Khánh quốc vốn cũng có dưa ngọt, bề ngoài của nó không khác mấy so với dưa hấu. Chỉ là thịt quả bên trong lại không đỏ tươi, không có nhiều thịt quả và cả hạt bằng dưa hấu. Dựa theo Trạm Vân Tiêu thấy, dưa ngọt của Khánh quốc có lẽ do chúng chưa được cải tiến, thêm nữa nó là từ Thổ Phồn* truyền sang bên này.
- - - - -
(*) 吐蕃 - Thổ Phồn: Thổ Phồn (chữ Hán: 吐蕃, bính âm: Tǔbō, tiếng Tạng: བོད་ཆེན་པོ།, THL: Bö chen po), hoặc Đại Phồn quốc (chữ Hán: 大蕃国, bính âm: Dàbō guó), là một đế quốc của người Tạng tồn tại từ thế kỷ thứ 7 tới thế kỷ thứ 9. Sau khi thống nhất các quốc gia cổ đại tại cao nguyên Thanh Tạng, lãnh thổ thời cực thịnh trải dài từ bồn địa Tarim tới Himalaya, Bengal, Pamir và các khu vực tại Cam Túc và Vân Nam, Trung Quốc ngày nay.
- - - - -
Thánh nhân là chủ của một nước, ông tự nhận mình có đồ tốt gì chưa từng gặp qua hay đồ ăn ngon gì chưa từng nếm qua cơ chứ. Nhưng khi ông nhìn thấy ngô và dưa hấu Trạm Bác Thiệp dâng lên, mới phát hiện thế gian này vẫn còn có nhiều đồ vật mới lạ lắm.
Dưa hấu sau khi được ướp lạnh, hương vị của nó quả là ngọt lành, mát tận ruột gan, nước quả còn rất nhiều. Vậy nên, hương vị của dưa hấu thoáng chốc đã bắt được tâm Thánh nhân. Điều khiến ông không hài lòng duy nhất đó là số lượng dưa hấu dâng lên quá ít.
Mặc dù hai quả dưa hấu kia Trạm Bác Thiệp đã cố ý chọn quả lớn nhất dâng lên, mỗi quả nặng cũng chừng mười bảy mười tám cân*. Nhưng trong hậu cung của Thánh nhân có đông đảo phi tần, ông cùng Hoàng hậu và Thái hậu chia nhau một quả dưa, còn quả kia mang đi chia cho các phi tần có vị phần cao trong hậu cung, tính ra số lượng người nhận được dưa hấu rất có hạn.
(*) Bên Trung 1kg = 0.5 kg bên Việt mình. Mười tám cân = 4.5kg.
Thánh nhân vẫn còn nhớ rõ tiểu nhi tử của Trạm gia. Năm ngoái khi Trạm Vân Tiêu dâng lên khoai tây, đầu xuân năm nay chúng đã được gieo trồng thử ở điền trang của Hoàng gia và có cả quan viên nông sự đặc biệt chịu trách nhiệm chăm sóc. Hôm trước, bên điền trang Hoàng gia còn báo lên rằng khoai tây sinh trưởng rất tốt và sắp có thể thu hoạch được rồi.
Lần này Trạm Vân Tiêu lại dâng lên bắp ngô và dưa hấu rất được Thánh nhân yêu thích. Bắp ngô, ông đã để ngự trù của ngự thiện phòng dựa theo phương pháp chế biến mà Trạm Vân Tiêu nói nấu ra thành đồ ăn, hương vị kia thật đúng là không tệ chút nào.
Ngô luộc vị ngọt lành, ngô nướng dẻo mà thơm, canh sườn ngô thì ngọt thanh. Mỗi một món đều không hề thua kém so với khoai tây.
Cũng bởi hai thứ đồ này, Thánh nhân lại cho gọi Trạm Vân Tiêu tiến cung.
Đây là lần thứ hai Trạm Vân Tiêu diện thánh. Có kinh nghiệm của lần trước, lần này hết thảy mọi chuyện đều đơn giản hơn hẳn. Hạt giống của ngô và dưa hấu, Trạm Vân Tiêu vẫn lấy lý do trước kia ra sử dụng: Đừng hỏi thần nhiều, bởi đây là khi thần ở biên quan đã đổi được từ trong tay người dị tộc. Thần chỉ là nghĩ trồng nghịch mà thôi, ai biết được lại thành công trồng chúng trưởng thành.
Kết quả lần này Trạm Vân Tiêu tiến cung diện thánh cũng giống như vậy. Thánh nhân theo thường lệ muốn một nửa chỗ ngô năm nay điền trang trồng, đến cả ruộng dưa cũng không bỏ qua, vừa mở miệng đã muốn hơn một nửa ruộng dưa hấu và dưa bở.
Lúc Trạm Vân Tiêu gần đi, Thánh nhân còn có ý riêng mà hỏi: "Nghe nói điền trang nhà ngươi còn trồng một loại gọi là rau khoai lang phải không?".
Trạm Vân Tiêu nghe vậy không thiếu được lại phải giải thích một phen. Hắn nói, khoai lang cũng là một loại lương thực. Lá non chỉ là giá trị kèm theo mà thôi, chứ thứ hắn coi trọng chính là khoai lang sinh trưởng dưới đất.
Từ khi Trạm Vân Tiêu lựa chọn trồng các giống cây lương thực Vân Sơ đưa ở điền trang, hắn chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể giấu được đương kim Hoàng thượng. Toàn bộ thiên hạ này đều là vương thổ, đến các vương của tiểu quốc xung quanh đều xưng thần với vua nước hắn, chớ nói chi hắn còn ở ngay dưới chân thiên tử gieo trồng những loại cây giống lương thực này.
Vốn ngay từ đầu, ý định của hắn khi làm những việc này là muốn dùng những lương thực đó cải thiện hiện trạng khó khăn của người dân khắp toàn bộ Khánh quốc, để các nông hộ chỉ dựa vào trồng trọt cũng có thể lấp đầy cái bụng của mình và người nhà mình. Đương nhiên, nếu nhờ những lương thực này mà có được Thánh nhân ban thưởng thì cũng rất tốt.
Lúc Trạm Vân Tiêu mua những hạt giống này từ Vân Sơ còn chưa cùng nàng ấy có quan hệ gì, hơn nữa, những lương thực này đều là hắn dùng trân bảo hiếm thấy để đổi lại. Tuy rằng hiện tại hắn đã cùng Vân Sơ lãnh chứng, những đồ vật lúc trước hắn đưa ra ngoài tương đương với bỏ từ túi trái sang túi phải. Chẳng qua, hiện tại hắn đã là người có gia đình rồi, muốn kiếm thêm chút đồ tốt về cho gia đình nói chung cũng không quá phận lắm đi.
Khi nghe Trạm Vân Tiêu nói về năng suất của ngô cao, Thánh nhân thật cảm thấy vị tiểu tử Trạm gia này quả là một kẻ diệu nhân. Vận khí của hắn tốt đến lật trời mà, chỉ là tùy ý trao đôi chút đồ với thương nhân dị tộc thôi mà lại có được biết bao nhiêu đồ tốt như thế.
Thánh nhân vỗ tay cười nói: "Tốt. Có ngô và khoai tây này, sau này con dân Khánh quốc ta sẽ không lo bị đói bụng nữa".
Trạm Vân Tiêu hợp thời nhắc nhở rằng lương thực cao sản không chỉ có khoai và ngô. Khoai lang hắn đang trồng bên điền trang nghe nói cũng là một loại cây trồng cho ra năng suất cực cao.
Thánh nhân sờ râu, gật gù nói: "Đúng vậy, còn có khoai lang nữa. Khoai lang bên điền trang các ngươi, các ngươi nhớ phải chăm sóc cho thật tốt, đây chính là một chuyện lợi quốc lợi dân. Nếu ngươi có thể trồng ra được khoai lang và chúng có năng suất cao đúng như ngươi nói, vậy trẫm sẽ trực tiếp phong ngươi làm Thiện Quốc công, để đời đời con dân Khánh quốc ghi nhớ công lao của ngươi".
(*) Quốc công (phồn thể: 國公; giản thể: 国公) là một tước hiệu thời phong kiến, được Quốc vương hoặc Hoàng đế ban cho công thần hoặc thân thích. Tước hiệu này là một phần trong hệ Công tước. Tước "Quốc công" đứng liền trên tước Quận công và đứng ngay dưới tước Vương.
Trạm Vân Tiêu nghe thế cảm thấy vui mừng khôn xiết. Tuy hắn đã nghĩ việc mình hiến lương chính là có công lớn, nhưng hắn không nghĩ rằng Thánh nhân sẽ ban tước phong Quận công cho hắn. Quận công, đó là tước phong vinh quang cỡ nào cơ chứ. Trước hôm nay, hắn căn bản không nghĩ tới Thánh nhân sẽ phong hắn làm Quốc công.
Khánh quốc kiến quốc hơn một trăm năm đến nay tổng cộng chỉ xuất ra tám vị Quốc công. Đến hiện tại có hai vị Quốc công bởi vì không người kế tục, mắt thấy vị trí kế thừa tước vị đã vô vọng rồi. Tước vị Quốc công không phải là một chức quan, cho dù Thánh nhân sau này phong hắn làm Thiện Quốc công nhưng hắn lại không có thực quyền. Chỉ cần Thánh nhân không sắp xếp công tác cho hắn thì hắn không cần phải quản sự. Thực ra, an bài như thế ngược lại rất hợp tâm ý của hắn.
Chuyện phong tước Quốc công là chuyện sau này, hiện tại Thánh nhân cũng không hề keo kiệt chút nào. Bởi vì có được bắp ngô và dưa hấu Trạm Vân Tiêu dâng lên, ông vẫn lấy danh nghĩa ban thưởng thưởng cho hắn tiền bạc và ít đồ trân quý.
Trạm Vân Tiêu mang theo đồ ban thưởng hồi phủ, Vương thị cùng Tần thị nghe tin càng là cao hứng ghê gớm. Thánh nhân ban thưởng nhiều đồ như thế đã đủ thấy ngài ấy rất coi trọng Trạm Vân Tiêu. Tần thị liên tục nói chuyện tốt như vậy nên để cho mọi người trong phủ đi theo dính chút hỉ khí, một điều vui nữa là hai ngày qua nàng kiếm được rất nhiều bạc. Vừa cao hứng lên, nàng liền hào phóng thưởng cho tất cả hạ nhân trong phủ thêm một tháng tiền lương.
Trở về viện, Trạm Vân Tiêu nhét tất cả những bảo vật quý giá và tinh xảo đang đặt trong kho riêng của mình vào nhẫn không gian, chỉ để lại một ít thứ chiếm nhiều diện tích ở lại trong kho coi như giữ thể diện. Sau khi sắp xếp xong những đồ Thánh nhân ban thưởng, Trạm Vân Tiêu liền sai Lâm Nghiêm chạy qua bên điền trang một chuyến.
Mặc dù Thánh nhân đã nói muốn hơn một nửa số dưa hấu ở điền trang năm nay, nhưng dưa hấu trong ruộng hiện tại còn chưa chín. Thêm nữa, tiết trời bây giờ khá nóng nực sợ rằng dưa hấu này sẽ không để được lâu, vậy nên hắn tính toán để bên điền trang cứ năm ngày sẽ đưa một lần dưa hấu vào trong cung. Mỗi lần đưa bao nhiêu thì tùy thuộc vào dưa hấu trong ruộng đã chín được bao nhiêu, chuyện này không có số lượng cụ thể được.
Vốn Trạm Vân Tiêu còn dự tính đợi khi một số lượng lớn dưa đã chín thì hắn sẽ cho người vận chuyển chúng tới Kinh thành bán, nhưng tình huống hiện tại đã giúp hắn bớt đi không ít công phu.
Thánh nhân trực tiếp mua một phần lớn dưa hấu và dưa bở, chỗ dưa hấu còn lại trong ruộng xem chừng chỉ đủ cho người của Trạm phủ ăn. Với số dưa còn lại này, dù có mang đi làm lễ vật tặng ân tình vãng lai còn chưa chắc đã đủ. Thánh nhân mua nhiều dưa hấu như thế thực ra không phải chỉ để chính mình và phi tần trong hậu cung thưởng thức, mà khẳng định sẽ phải lấy ra một phần để ban thưởng cho các trọng thần trong triều.
Năm nay, Trạm Vân Tiêu thấy mình vẫn nên giữ lại hạt dưa hấu thì tốt hơn. Bởi hắn thấy chuyện sang năm bán lại hạt giống dưa hấu hay mầm cây dưa hấu sẽ thực tế hơn nhiều. Không nói đến các quý nhân trong cung mà chỉ nói đất Kinh thành này thôi, đầy đất đều là quý tộc Hoàng cung. Chỉ bằng chút dưa hấu trồng bên điền trang của hắn, đừng nói đến việc xa vời như để bình dân Kinh thành nếm thử hương vị dưa hấu, mà chỉ sợ trong vòng một hai năm tới chuyện này cũng không thể nào thực hiện được.
Chẳng qua, nếu hắn bán hạt giống dưa hấu hay cây mầm dưa hấu vậy chắc chắn sẽ có rất nhiều người nguyện ý mua về trồng thử. Đến lúc đó, chính bọn hắn tự trồng ra dưa hấu được rồi, vậy chuyện muốn ăn dưa hấu còn không phải đơn giản hơn nhiều à.
Dưa hấu và dưa bở, miễn là chúng đã trưởng thành lúc đầu thì về sau có thể hái liên tục.
Lãnh Nhị hiện cứ cách năm ngày sẽ đưa một xe ngựa chở đầy dưa hấu cùng dưa bở tươi mới đến Hoàng cung. Các loại rau quả Trạm Vân Tiêu trồng bên điền trang cũng đã bước vào thời kỳ chín. Hiện tại đã hái được gồm có cà tím, đậu giác và ớt, mỗi ngày đều có thể hái được một sọt lớn.
Nhiều rau quả như vậy một mình Trạm phủ tất nhiên ăn không hết được. Trạm Vân Tiêu thấy thế liền để Lãnh Nhị tiện thể mang theo một ít rau quả khi đưa dưa hấu vào cung, phần rau còn lại thì để Tần thị cầm đi làm ân tình.
Hiện tại, mấy nhà có giao hảo với Tần thị như Phạm phu nhân mỗi ngày sau khi chơi mạt chược xong đều sẽ xách theo một rổ rau quả của bên điền trang mới đưa tới trở về.
Chỉ có riêng quả ớt là Trạm Vân Tiêu không để bên điền trang thoải mái hái, mà để bọn họ ngẫu nhiên hái một ít đưa tới trong phủ làm đồ ăn. Bởi hắn còn muốn giữ lại hạt ớt sau khi chúng đã chín hoàn toàn hết.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT