Nghe ý của Long Tống, quý cô họ Dịch này đã có phần buông lỏng, khả năng sẽ đồng ý giúp đỡ.
Hắn cảm thấy mình nhìn người rất chuẩn,
nhất thời quên mất “tâm lý méo mó”, “nhân cách phản xã hội” cũng là lời
bình hắn từng ban cho cô. Hắn khoe với A Phạ: “Cậu xem, tôi đã bảo mà,
đừng nghĩ người ta xấu xa như vậy!”
A Phạ không muốn so đo với cái loại não bị nước vào này một chút nào.
Trời không còn sớm nữa, Long Tống nhắc
Tông Hàng nên về thôi: Y còn đang tính đi dạo phố chụp mấy pô ảnh, lấy
khu chợ đêm làm cảnh nền để chụp tấm hình Tông Hàng lái xe tuk tuk của
khách sạn.
Tất nhiên, ảnh chụp là để gửi cho Tông Tất Thắng, viết caption gì kèm theo y cũng đã nghĩ xong rồi: Tông Hàng trải nghiệm cuộc sống của tài xế xe tuk tuk khách sạn, chở khách đến điểm
tham quan chợ đêm.
Cốc nước của Tông Hàng chỉ còn lại mỗi đáy. Long Tống lượn phố chọn cảnh trước, bảo hắn uống xong hẵng tới tụ họp.
Thanh toán rồi đi ra, đương lúc chợ đêm
sôi động nhất. Quán rượu của Dịch Táp làm ăn rất thuận lợi, chẳng những
chật kín khách mà ngay cả bên ngoài cũng đầy người đứng vây quanh. Không biết họ đang tán gẫu điều gì thú vị, thi thoảng lại rộ lên những tràng
cười lớn.
Tông Hàng hơi hậm hực, cảm thấy mình như bị sự náo nhiệt này cho ra rìa, ngoái đầu lại nhìn đến mấy lần.
Lần cuối cùng, sắc mặt hắn đột nhiên là lạ.
Hắn giữ A Phạ lại, thấp giọng nói: “Cậu
trông, gã kia kìa! Cái gã đang đứng bên cạnh tiệm mát xa đó, chẳng phải
chính là tên đàn ông trong bức ảnh cậu chụp sao?”
A Phạ nghoảnh đầu nhìn.
Cách quán rượu tuk tuk không xa có một
tiệm mát xa, cửa kính mở rộng, những chiếc ghế mát xa bày lấn cả ra mặt
phố, một gã cao to đang đứng đằng sau một trong số những chiếc ghế mát
xa ấy, mặc sơ mi màu xanh, cổ và tay áo thêu hoa văn màu sắc.
Thân hình rất cường tráng, cổ áo mở hai khuy, chiếc sơ mi vẫn hơi bó chặt, lộ rõ đường nét cơ bắp hằn lên.
A Phạ hỏi: “Vậy à?”
Đối với A Phạ mà nói, dân Trung Quốc chẳng khác gì dân Tây, đều là người nước ngoài. Cậu ta không phân biệt nổi
khuôn mặt của người nước ngoài, theo trực giác thì cứ thay quần áo là
đổi thành một người khác.
Tông Hàng khẳng định: “Chắc chắn luôn. Với lại, cậu nhìn xem, hắn cứ dán mắt vào Dịch Táp suốt ấy.”
Nhìn một lúc, A Phạ cũng thực sự nhận thấy chút manh mối: Mặc dù gã đàn ông kia che giấu rất tốt, thường xuyên cúi đầu, quay người hoặc đi ra xa ngắm cảnh đường phố, nhưng luôn có những
giây phút, ánh mắt khó đoán và đầy vẻ thăm dò của hắn dừng lại trên
người Dịch Táp.
Trong lòng A Phạ rờn rợn: “Tên này muốn làm gì thế?”
Tông Hàng huy động kinh nghiệm xem các bộ
phim hình sự của mình, cảm thấy người này giống biến thái, một kẻ cuồng
theo dõi, một tên tội phạm tình dục tiềm tàng, tóm lại trông thế nào
cũng không giống người tốt.
Hắn sai A Phạ: “Cậu đi nói với Dịch Táp một tiếng, để cô ấy tính toán, bất kể người này là ai, ít nhiều cũng có phòng bị.”
A Phạ không vui: “Cậu chủ, cô ấy từng hãm hại cậu đấy!”
Tông Hàng đáp: “Cậu làm người đừng nhỏ
nhen vậy chứ, cái gì ra cái nấy, lỡ gã đó là tội phạm giết người thì
sao? Bình thường Phật tổ dạy cậu thế nào? Nếu vì chúng ta không nhắc nhở mà tối nay cô ấy bị người ta giết, tôi với cậu có thẹn với lương tâm
không?”
Hầu hết người dân Campuchia đều tín Phật, Phật tổ hữu hiệu hơn bất cứ điều gì, A Phạ lập tức đi qua.
Tông Hàng lủi vào góc tối ven đường. Chẳng biết tại sao, hắn lại không muốn để Dịch Táp biết đến sự tồn tại của
mình. Có lẽ trong lòng tự cảm thấy chuyện giúp người này tốt nhất là nên xong việc rũ áo ra đi, công danh gửi nơi sâu thẳm (*).
(*) Hai câu thơ trong bài “Hiệp Khách Hành” của Lý Bạch.
Hắn đưa mắt nhìn theo A Phạ. Cậu ta giơ
tay chọt chọt vào vai Dịch Táp, ghé sát tai cô thì thầm. Dịch Táp đưa
cho cậu ta một lon bia Cam, sau đấy quay người tiếp tục chuyện trò rôm
rả với khách, không hề liếc mắt về bất kỳ một phương hướng nào.
Bất kể là bị nhìn trộm hay được báo tin, cô dường như đều chẳng bận tâm.
Nếu không phải biết rõ nội tình, Tông Hàng sẽ cho rằng A Phạ chỉ qua đấy mua lon bia.
Vốn còn muốn khen A Phạ biết ngụy trang,
nhưng khi người tới trước mắt mới phát hiện cậu ta vẫn cầm lon bia với
vẻ mặt ngơ ngác chưa kịp phản ứng.
Rất hiển nhiên, nếu cảnh tượng ban nãy mà là diễn kịch thì cậu ta cũng không phải vai chính, chỉ bị động phối hợp mà thôi.
Tông Hàng dẫn cậu ta ra ngoài: “Cô ấy bảo gì?”
“Chẳng nói gì cả, cứ như thể chẳng sao hết.”
Tông hàng không tin: “Mặt cũng không biến sắc?”
Nếu đột nhiên có người xa lạ chạy tới nói
cho hắn biết có người đang nhìn trộm hắn, ít nhất hắn cũng sẽ có dáng vẻ giống như trong tiểu thuyết thường tả, “trong lòng cả kinh”, “mặt biến
sắc”, “tay run lên” các loại.
Bấy giờ A Phạ mới tỉnh táo lại: “Không biến sắc, cô ấy hình như… đã sớm biết rồi.”
Dứt lời, A Phạ đưa cho Tông Hàng một tờ
tiền gấp nếp: “Đây, của cô ấy cho đấy, sau khi tôi nói xong, cô ấy đặt
dưới lon bia đưa cùng cho tôi.”
Tông Hàng nhận lấy rồi mở ra.
Bày ra trước mắt là khuôn mặt anh tuấn từ bi của tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ngài Washington.
Mười đô la, Ten Dollar.
Thu nhập trung bình hằng tháng của người
dân Campuchia không cao, chỉ khoảng một trăm đô, nếu đây là món quà cảm
ơn thì xem như cũng có thành ý.
A Phạ rất thành thật: “Cậu chủ, công lao là của cậu, tiền cũng nên để cậu cầm.”
***
Ngày hôm sau trôi qua nhanh như chó chạy ngoài đồng.
Tông Hàng đến phòng y tế làm kiểm tra, dọc đường hắn nhận được vô số sự quan tâm của mọi người, còn nhận cả một
cuộc gọi của Đồng Hồng.
Thời đại WeChat, kết nối tình thân về cơ
bản đều dựa vào tin nhắn thoại, chuyện quan trọng mới gọi điện thoại.
Tông Hàng nghe máy chẳng thể nói là không thấp thỏm. Giọng của Đồng Hồng cũng như nung như nấu: “Hàng Hàng, nghe ba con bảo con ở bên đó đạp xe
xích lô hả? Đông Nam Á nóng như vậy, thế này chẳng phải là bắt người ta
phải cảm nắng à?”
Tông Hàng cảm thấy quý bà Đồng Hồng thật
sự nên ra khỏi Đại Quan Viên (*), xem thử thế giới bên ngoài: “Không
phải đạp xích lô, là xe gắn máy đấy mẹ! Giống lái xe, còn đơn giản hơn
ấy!”
(*) Khu vườn rộng và đẹp nổi tiếng trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng.
Đồng Hồng thở phào nhẹ nhõm, sau đấy kinh ngạc: “Ô, họ còn có cả xe gắn máy nữa hử, phát triển quá nhỉ!”
….
Chập tối, Tông Hàng rục rịch lại muốn tới
chợ đêm, nhưng sợ đến thăm liền tù tì hai ngày sẽ dẫn tới nhiều thêm
những phỏng đoán trêu chọc của A Phạ.
Vốn đang ngần ngừ, A Phạ còn đổ thêm dầu
vào lửa. Cậu ta gõ cửa phòng hắn, hỏi: “Cậu chủ, hôm nay cậu còn đi ngắm người đẹp bán rượu nữa không?”
Tông Hàng điên tiết: “Tôi rảnh lắm chắc? Muốn nhìn cô ấy thế sao? Không đi!”
A Phạ mừng rỡ: Cuối cùng cũng có một ngày được tan làm đúng giờ!
Bữa tối là mì trứng rau chân vịt. Tông
Hàng rảnh đến phát sợ. Sau khi uống sạch nước mì, hắn còn lấy xà phòng
ra rửa sạch bát đũa, cầm khăn bông lau chùi sáng loáng đến độ có thể soi gương, thậm chí đem cả khay đồ ăn đặt ở ngoài cửa, xếp gọn gàng chỉnh
tề. Sau đó, hắn mai phục sau cánh cửa, ghé sát vào mắt mèo, đợi xem vẻ
mặt tán thưởng của nhân viên phục vụ khi tới thu dọn bát đũa.
Nhân viên phục vụ có lẽ sẽ khen hắn rất có tố chất: Con người ta khi ra nước ngoài, cá nhân đại diện cho tổ quốc,
điều đó có nghĩa là dân Trung Quốc có tố chất rất cao – bởi vậy nên hắn
thế này không được coi là nhàm chán, là hắn giành vinh quang cho đất
nước trên mặt trận đặc biệt mà thôi.
Mai phục đến nửa chừng, đợi nhân viên thu
dọn bát đũa thì chẳng thấy đâu mà trái lại, lại đợi được tiếng gọi của
Tỉnh Tụ trên ban công phòng bên: “Tông Hàng? Tông Hàng? Cậu có ở đó
không? Ra ngoài tí đi!”
Trong phòng vẫn để đèn, cũng không bật TV, chẳng tiện giả vờ là không có ai hoặc không nghe thấy. Hơn nữa, căn cứ
vào độ mạnh yếu trong giọng điệu của Tỉnh Tụ và góc độ biến hóa của
hướng nguồn âm thanh truyền tới, Tông Hàng nghi cô nàng đang bám vào lan can, nửa người trên liên tục vươn sang bên này.
Đừng lỗ mãng thế chứ, ngã lộn cổ xuống ai khóc hộ cho.
Hắn đáp một tiếng rồi đi ra ban công.
Tỉnh Tụ đưa cho hắn một cuốn sách: “Này, tặng cậu!”
Tặng?
Tông Hàng ngỡ ngàng, nhận lấy xem, là cuốn “Vẻ đẹp Angkor” mà Tỉnh Tụ từng nhắc tới. Bìa sách sặc sỡ, vừa là đầu
một vị Phật vừa là tháp Phật, nội dung cũng có vẻ in chui, nhưng những
chuyện này đều chỉ là râu ria.
Hắn lắp bắp: “Thế…thế này sao được, còn đặc biệt mua sách cho tôi.”
Tỉnh Tụ đáp: “Không phải đặc biệt, tiện
tay thôi, quầy bán đồ cho du khách dưới tầng có mà. Cậu đi thăm Angkor
sẽ thấy mấy đứa nhỏ xách giỏ cầm sách này, chuyên tìm người Trung Quốc
để bán đấy!”
“Tiện tay” cũng ngại lắm, cộng thêm sự hẹp hòi trong suy nghĩ của bản thân, cứ hoặc cố tình hoặc vô ý trốn tránh
cô suốt hai ngày nay…
Tông Hàng xấu hổ, cảm thấy so sánh giữa hai người, ai hào sảng ai nhỏ mọn nhìn phát là ra ngay.
Hắn tìm chuyện để nói: “Cô cho tôi biết chỗ để tôi đi mua là được mà…”
Tỉnh Tụ có vẻ uể oải: “Không sao, cũng
không đắt, hai hôm nữa tôi đi rồi, nghĩ dù sao cũng gọi là quen biết,
trông thấy thì mua luôn.”
Đi?
Cũng phải, nhất cử nhất động của cô đều là do khách hàng quyết định.
Tông Hàng thò người sang ngó về phía căn
phòng sau lưng Tỉnh Tụ, chẳng trông thấy gì, nhưng phòng khách rõ ràng
yên ắng, yên ắng kiểu vắng lặng và tẻ ngắt.
Hắn hỏi: “Ừm…bạn cô, không ở nữa à? Anh ta tới tìm ai vậy? Tìm được chưa?”
“Không biết, ban ngày nhờ tôi thuê giúp
một cái xe máy, nói là có việc đột xuất, khách sạn đặt phòng đến ngày
mai, tối mai nếu anh ấy không về thì hẳn sẽ không quay lại nữa, bảo tôi
tự trả phòng rồi đi.”
Phụ nữ đúng là sinh vật kỳ lạ, không khóc
lóc không ầm ĩ, nhưng trong giọng nói lại dâng trào hết thảy mọi ưu tư,
vừa vặn truyền đạt cho hắn, khiến hắn dẫu không hiểu hết cũng có thể
biết được ba, bốn phần.
Tông Hàng dè dặt: “Cô ổn chứ?”
Rồi pha trò: “Làm sao thế, ở với nhau được mấy hôm đã nảy sinh tình cảm rồi à, luyến tiếc anh ta?”
Tỉnh Tụ im lặng, sắc mặt hơi khó coi.
Tông Hàng ngậm miệng ngay tắp lự.
Mới có vài ngày, lẽ ra cô là người đã nhìn qua ngàn thuyền (*), kinh nghiệm từng trải hẳn phải rất phong phú,
trong thế giới buôn da bán thịt này làm gì có chân tình, không nên động
lòng mới phải. Hơn nữa, bữa trước tiếp xúc, thấy cô tiêu sái thông suốt
lắm kia mà…
(*) 阅尽千帆 (duyệt tẫn thiên phàm), ý chỉ đã trải qua rất nhiều chuyện, lấy từ câu “阅尽千帆终执手, 此心安处是吾乡 (tạm dịch: Nhìn qua ngàn thuyền tới rồi đi, cuối cùng nắm lấy tay người, nơi lòng ta an chính là cố hương)”.
Tông Hàng bối rối hết sức, cúi đầu nhìn chân, lại thò tay sờ sờ lan can, lan can làm bằng sắt, chỗ tróc sơn đã hơi gỉ.
Cuối cùng hắn ngẩng đầu, nhìn về phương xa.
Ánh đèn nơi đó sáng hơn so với chung quanh, những đám mây lưng chừng trên trời cũng ánh lên sắc màu, mơ mơ hồ hồ, khi mờ khi tỏ.
Đang ngắm say sưa thì Tỉnh Tụ lên tiếng: “Đó là khu chợ đêm.”
Tạ ơn trời đất, rốt cuộc có chủ đề mới để nói rồi, hắn vội tóm chặt lấy, sợ lại sa vào tình cảnh ngượng ngùng ban nãy.
“Sao cô biết?”
Tỉnh Tụ cười cười, đáp: “Vì nó náo nhiệt.”
***
Nói một cách nghiêm túc, bỏ đi những di
chỉ xung quanh, những khu rừng dây mây rậm rạp thì diện tích của thành
phố Xiêm Riệp cũng chỉ có vài kilômét vuông.
Chợ đêm là “lõi nam châm” náo nhiệt nhất
của thành phố không rộng lớn này, mà chỉ thoáng cách xa khỏi khu vực ấy
thì mọi thứ sẽ quay về đúng với diện mạo ban đầu, như chính bản thân đất nước Campuchia còn chưa phát triển này vậy: Đường phố thưa thớt, nhà
cửa thấp bé, thậm chí đến đèn điện cũng lác đác hiếm hoi.
Cho nên người trong cái “lõi” ấy như bị
hút chặt, như vô số con thiêu thân bay quanh ngọn lửa, chưa tới đêm
khuya khúc hết đèn tắt thì chưa chịu giải tán.
Đương nhiên, luôn có kẻ về trước.
Đinh Thích ngồi trên xe máy, đợi trong một góc khuất ở đầu ngã ba, nhìn người qua kẻ lại trên con phố chính.
Đây là chỗ theo dõi trời ban: Cách con phố chính ồn ào một con đường, lại còn vắng vẻ – phần lớn khách du lịch chỉ liếc mắt nhìn qua chỗ này, cảm thấy ngõ nhỏ, đèn tối bèn coi như nó
không tồn tại.
Dù thi thoảng cũng có đôi ba kẻ đi nhầm
vào, nhưng bắt gặp người chạy xe máy cũng cảm thấy rất bình thường: Xe
máy là phương tiện giao thông quan trọng nhất nơi đây, tỉ lệ của nó cũng tương tự như xe đạp tại Trung Quốc thập niên những năm tám mươi, chín
mươi vậy.
Từ bé Đinh Thích đã lớn lên bên sông Hoàng Hà, trông gì cũng giống sông: Phố chính là sông cái, nước to, ngã rẽ là nhánh sông, nước nhỏ và lặng sóng.
Còn bao giờ hắn cưỡi xe hòa vào dòng người sông cái thì phải xem khi nào Dịch Táp lên đường.
Ánh mắt hắn nhìn thì như rong chơi khắp nơi, song thực ra chưa từng rời khỏi một chỗ.
Đằng trước quán rượu tuk tuk kia dựng một
chiếc xe máy khác đã cũ, trên tay lái treo một cái mũ bảo hiểm màu xám,
trước yên xe đặt một máy cát-xét cầm tay cũ kỹ – nếu là ở Trung Quốc thì còn đáng giá mua về sưu tập đồ chứ ở nơi này mà còn sử dụng thì có cũ
kỹ nữa cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Dịch Táp vẫn đứng cạnh xe tuk tuk. Cô đang bàn giao công việc với người thuê: chỉ chỉ đồ uống, đại khái là bảo
người ta chú ý đến hạn sử dụng, rồi ra hiệu về phía đèn màu chăng quanh
xe, có mấy chỗ không sáng, cần phải thay.
Đinh Thích kiên nhẫn đợi. Hắn đã nghe ngóng được cô sẽ rời đi vào tối nay.
Quả nhiên, không bao lâu sau, Dịch Táp leo lên xe máy, đội mũ bảo hiểm, thuần thục cài quai đeo, trên kính mũ phản chiếu màu sắc rực rỡ của cả con phố.
Tiếp đó nổ máy.
Đinh Thích cũng lập tức nổ máy, chiếc xe
từ trong bào thai của bóng tối chui ra, vọt thẳng vào con phố chính sáng choang ánh đèn.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT