Triệu Phi Yến đã ẩn nhẫn phục tùng Triệu Cơ bao nhiêu năm, há lại chẳng hiểu được tâm tính? Nàng biết tuy không biểu hiện ra ngoài nhưng khẳng định hiện giờ ở trong lòng vị tỷ tỷ này của mình đang rất bất cam, vô cùng tức giận.
Đâu dễ có được cơ hội đả kích, Triệu Phi Yến nhếch môi cười nói:
- Tỷ tỷ, câu đối này của Hoàng thượng, vị An vương kia của tỷ e là không thể đối được rồi.
Triệu Cơ nén giận làm vui, cười đáp:
- Vế đối của Hoàng thượng lần này rất đỗi cao minh, thường nhân khó lòng đối được. Chẳng phải đến những bậc đại trí bên cạnh Long Thành cũng không thể đối đó sao? Ta thấy hai chữ "đại trí" này, coi bộ cũng nên bỏ đi.
Nét mặt Triệu Phi Yến hơi đổi, song rất nhanh đã khôi phục như thường:
- Ít ra thì trong ba câu bọn họ cũng đối được một câu, còn phía Long Tích...
Triệu Phi Yến nhẹ lắc đầu, ý tứ chê bai.
- Tỷ tỷ, vụ cá cược này xem ra muội đã giành chiến thắng. Chiếc trâm phượng mà tỷ tỷ đang cài, thiết nghĩ cũng nên đưa cho muội rồi.
Triệu Cơ lặng lẽ nghiến răng, thực chỉ muốn vung tay tát vào mặt Triệu Phi Yến mấy cái. Nhưng rốt cuộc mong muốn vẫn chỉ là mong muốn, nàng sao có thể cư xử hồ đồ như vậy được. Đã thua phải chịu, nàng đưa tay lên đầu, đang tính tháo trâm cài thì... một thanh âm trầm ấm bỗng chợt cất lên.
Triệu Cơ ngưng động tác, đưa mắt nhìn xuống dưới thì thấy Trần Tĩnh Kỳ đã vừa mới bước ra.
- Hoàng thượng, Tĩnh Kỳ xin được đối.
- Ồ...
Hạng đế Lý Uyên tỏ vẻ hứng thú, gật đầu:
- Vậy ngươi đối ta nghe.
Trần Tĩnh Kỳ hít sâu một hơi, dưới sự chú mục của mọi người cất giọng đọc lên:
- Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm thích ngã tính, tính viên tình, tình viên tính, tính tính tình tình thư hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân.
(Ngày hạ đàn thơ, thơ ngụ tình ta, đàn hòa tính ta, tính hòa tình, tình hòa tính, tính tính tình tình nhàn ngày hạ, bạn tri âm biết bạn tri âm.)
Câu đối này của Trần Tĩnh Kỳ ý tứ thâm sâu, "cầm" là lấy từ tích "Ngu cầm" (tức đàn của vua Thuấn), còn "thi" thì chính là lấy từ "Thi Kinh".
Theo truyền thuyết, vua Thuấn làm chiếc đàn năm dây, ca bài "Nam Phong". Trong khúc hát Nam Phong có câu “gió Nam hoà ấm có thể giải được sự oán hận của dân, gió Nam hợp thời có thể làm cho dân ta thêm nhiều của cải”. Tương truyền vua Thuấn chỉ ngồi gảy khúc Nam Phong mà nhân dân an cư lạc nghiệp, xã hội thanh bình. Đó chính là “vô vi nhi trị” – đẳng cấp cao nhất trong thuật trị quốc của Thánh nhân. Còn nói về ngâm thơ, chữ “thi” trong “Thi Kinh” là để chỉ những tác phẩm dùng để giáo hóa dân chúng, từ đó nói lên nền tảng văn hóa sâu dày...
Trong thơ đã sẵn chứa tình, đàn hòa cùng tâm tính, cả đàn thơ hòa cùng tâm tính và sự yên bình của ngày hạ mà trôi qua trong êm đềm. Đó cũng là sự êm đềm với nội tâm thanh tĩnh của bậc túc nho: “lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ."
Nhà Nho nhắc tới việc hóng mát hát ca cũng là để nói rằng công thành danh toại. Làm quan là làm lợi cho thiên hạ, không màng danh lợi. Khi công thành lập tức thân thoái. Vì thế mà “thư hạ nhật” cũng là chỉ sự nghiệp đạt đến độ “công danh đã được hợp về nhàn” (Nguyễn Trãi).
Người tri âm nghĩa là không cần nói một lời nào mà vẫn có thể hiểu lòng nhau, vì đàn và thơ đã viên dung với tình tự và tâm hồn người, hòa với đất trời mà ngấm vào tâm can, chỉ có thể yên lặng mà thưởng thức. Như Bá Nha lắng nghe Tử Kỳ gảy đàn, nghe tiếng mà hiểu được lòng. Ý là Trần Tĩnh Kỳ hiểu được tâm tình của Hạng đế, cả hai đồng điệu về tâm hồn khi cảm thụ cái đẹp của tạo hóa. Chẳng phải chỉ có bậc tri âm thì mới hiểu được khách tương tư hay sao?
So với câu đối trước đó của Đề Thanh thì câu đối này của Trần Tĩnh Kỳ hay hơn, hợp hơn rất nhiều, không chỉ ở mặt câu chữ niêm luật mà còn ở cả ý cảnh, tâm cảnh.
Chính bản thân Đề Thanh cũng tự mình ý thức được. Hắn nghe qua, ngẫm một chút, chừng hoàn toàn hiểu ra thì lập tức hướng Trần Tĩnh Kỳ chắp tay bày tỏ lòng cảm phục, tự nhận mình so với Trần Tĩnh Kỳ còn thua một bậc.
Bên cạnh Lý Long Thành, Hứa Bỉ và Tào Tất An quay mặt nhìn nhau, sau đó cả hai cùng hướng về Trần Tĩnh Kỳ, chính thức thừa nhận tài năng của hắn.
Người trí thức trọng người trí thức. Cho dù đôi bên mỗi người thờ một chúa, lý tưởng khác nhau thì cốt cách vẫn là giống nhau, cùng là kẻ sĩ. Trần Tĩnh Kỳ có thể đọc ra câu đối ấy, chứng tỏ hắn thực có tài năng, đáng để bọn họ coi trọng.
Nếu như trước đó đối với Trần Tĩnh Kỳ, Hứa Bỉ vẫn còn hoài nghi thì bây giờ hắn đã thực sự tin tưởng, rằng bức Tứ Linh Hoá Phúc Đồ kia là do chính Trần Tĩnh Kỳ hạ bút. Trong đầu hắn thậm chí còn chợt sinh ra một ý nghĩ: Hai câu đối trước của Hạng đế, Trần Tĩnh Kỳ có phải hay không đã cố tình bỏ qua?
Trần Tĩnh Kỳ chẳng bận tâm nhiều đến chung quanh, theo lời Hạng đế bước lên cầm bút, nhanh chóng viết ra câu đối mà mình vừa mới đọc.
Một lần nữa chúng nhân thán phục. Chữ được viết ra, so với Hứa Bỉ, Tào Tất An một chút cũng không thua!
"Đây... là sự thật?"
Phạm Đăng Giai - sứ thần Đại Trần - từ nãy giờ vẫn dõi mắt nhìn theo thân ảnh Trần Tĩnh Kỳ, thâm tâm một trận thảng thốt, không nói được nên lời. Hắn... không dám tin những gì đang diễn ra trước mắt.
Trần Tĩnh Kỳ, vị hoàng tử thứ hai mươi bốn của Đại Trần quốc... thật sự là người này sao? Chính là vị hoàng tử nhút nhát, năng lực bình phàm, tài nghệ kém cỏi đó?
Sai rồi... Sai rồi...
Thiên Đức hoàng đế sai rồi! Đại Trần quốc sai rồi!!
Tất cả đều đã lầm! Trần Tĩnh Kỳ, vị nhị thập tứ hoàng tử này, hắn tuyệt đối không thể nào là kẻ vô năng! Hắn là nhân tài! Một bậc kỳ tài có kiến thức uyên bác, trí tuệ hơn người! Phải biết năm nay hắn chỉ mới có mười bảy tuổi!
Tính khắp thiên hạ, có kẻ nào bằng tuổi của hắn mà đối đáp thắng được những bậc đại trí ở đây?
Tại sao Đại Trần quốc lại có thể đem một vị hoàng tử năng lực xuất chúng như vầy gửi sang Hạng quốc để làm con tin kia chứ?!
Phạm Đăng Giai đang vì Đại Trần mà hối hận, mà lo lắng. Lúc này đây hắn thực chỉ muốn mọc thêm đôi cánh bay về Trần quốc, đem tất cả mọi chuyện báo lại cho Thiên Đức Hoàng đế, xin Thiên Đức Hoàng đế mau mau tìm cách đưa Trần Tĩnh Kỳ quay trở về.
Lấy trí tuệ, tài năng của vị nhị thập tứ hoàng tử này, chỉ cần được trọng dụng thì chắc chắn sẽ làm được rất nhiều điều cho Đại Trần quốc!
Phạm Đăng Giai hiểu được giá trị của Trần Tĩnh Kỳ, kẻ khác tất nhiên cũng có thể nhìn ra.
Hạng đế Lý Uyên, hắn... đang rất quan tâm.
Câu đối vừa rồi của hắn, chẳng nghi ngờ Trần Tĩnh Kỳ là người đối hay nhất, chỉnh nhất. Xét theo độ khó, cả "ý" lẫn "hình", kết quả cuối cùng, người thắng lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là Trần Tĩnh Kỳ.
Thế nhưng... nếu công bố Trần Tĩnh Kỳ thắng, vậy thì chiến thắng này, nó nên tính cho quốc gia nào? Hạng hay Trần? Thể diện là nước nào có được? Trần Tĩnh Kỳ theo Lý Long Tích mà đến, điều đó không giả, song suy cho cùng vẫn là một kẻ sĩ tự do, chưa có sự ràng buộc chính thức nào với Lý Long Tích; trong khi cái thân phận An vương, nhị thập tứ hoàng tử của Đại Trần quốc thì lại đang gắn liền, không thể chối cãi. Nói ra, chỉ e trong nhận định của mọi người, thể diện Trần Tĩnh Kỳ mang lại cho Đại Trần còn nhiều hơn là mang lại cho Đại Hạng...
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT