Hoàng thượng, việc để Trần Tĩnh Kỳ vào cung dạy học, thần thiếp e có điều không ổn?

- Ái phi có điều chi lo ngại?

Hạng đế quay sang hỏi.

Triệu Phi Yến đáp:

- Thưa Hoàng thượng, như người đã nói, Trần Tĩnh Kỳ chung quy vẫn là Hoàng tử Đại Trần. Mặc dù Trần - Hạng hiện đang giao hảo, nhưng khúc mắc hãy còn, nếu giao các hoàng tử, công chúa cho hắn chỉ dạy... Thần thiếp xin Hoàng thượng suy xét lại.

- Phi Yến, lời này của muội có phải là đa nghi quá không? Với hoàn cảnh hiện tại, thân ở Hạng đô, An vương há lại dám có ý nghĩ không an phận? Lại nói, mỗi tháng các hoàng tử, công chúa đều sẽ phải đến gặp Hoàng thượng để người kiểm tra, An vương có khả năng giảng dạy những điều bất hảo?

- Tuy là như vậy, nhưng không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất.

Hoàng hậu Triệu Cơ và Hoàng phi Triệu Phi Yến đã vì chuyện gọi Trần Tĩnh Kỳ vào cung dạy học mà nảy ra tranh cãi, đôi bên chẳng ai chịu nhường nhịn ai, mỗi người đều có lý lẽ của mình. Phải đến khi Hạng đế Lý Uyên lên tiếng thì các nàng mới chịu yên.

Quyết định của Hạng đế, cuối cùng vẫn là đồng thuận với lời đề xuất của Triệu Cơ, tuy nhiên, hắn bảo trước khi chính thức để Trần Tĩnh Kỳ vào cung giảng dạy, hắn phải tự mình kiểm tra.

Đối với những điều này, Trần Tĩnh Kỳ thực sự vẫn chưa hay. Ngay ngày hôm sau thì hắn đã nhận được lệnh truyền triệu kiến của Hạng đế Lý Uyên. Nơi gặp mặt chính là Ngự thư phòng, so với trước thì lần này có vẻ trang nghiêm hơn rất nhiều.

- Tĩnh Kỳ tham kiến Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế.

- Được rồi, Tĩnh Kỳ ngươi không cần phải đa lễ.

Hạng đế ngồi ở trên ghế, trước mặt là một mớ tấu chương đang chờ phê duyệt, đứng hầu bên hông có hai vị thái giám, một trong số đó chính là Trịnh Hoài An - người mà Trần Tĩnh Kỳ đã khá quen thuộc.

Hắn tạm để tấu chương sang một bên, bảo Quế Lân - vị thái giám còn lại - đi chuẩn bị trà nước rồi mới đứng dậy, hướng chiếc trường kỷ đặt ở gần đó tiến đến. An vị, hắn ngẩng lên nhìn Trần Tĩnh Kỳ cũng vừa mới theo qua, cung kính đứng chờ, vuốt nhẹ chòm râu, hỏi:

- Trần Tĩnh Kỳ, ngươi đã ở Hạng bao lâu rồi?

- Thưa Hoàng thượng, Tĩnh Kỳ đã ở Hạng hơn sáu năm rồi.

- Sáu năm... thời gian tính ra cũng chẳng ngắn.

Hạng đế khẽ gật đầu, lại hỏi:

- Vậy, trong hơn sáu năm sống trên đất Hạng, ngươi cảm thấy nước Hạng ta thế nào, con dân Đại Hạng ta ra sao?

- Thưa Hoàng thượng, Tĩnh Kỳ thấy Đại Hạng đương buổi phồn vinh, đất nước phát triển, nhân dân ấm no, xã hội rất ổn định.

- So với Trần quốc của ngươi thì thế nào?

Trần Tĩnh Kỳ khựng lại một nhịp, thoáng nghĩ rồi đáp:

- Tĩnh Kỳ xa rời cố thổ đã lâu, hôm nay bối cảnh Trần quốc ra sao, thật có nhiều điều không rõ.

Hạng đế mỉm cười, không bình luận gì.

Hai người nói chuyện thêm một lúc thì từ bên ngoài, thái giám Quế Lân đi vào. Hắn không đi thẳng mà khom lưng bước, đầu cũng cúi xuống chứ chẳng ngẩng cao. Nơi tay hắn, một chiếc khay bạc đang được bưng, trên khay có đựng một cái bình và hai chiếc tách, từ bên trong bình, hương thơm toả ra khiến cho người ta cảm thấy dễ chịu.

Mùi hương này...

Trần Tĩnh Kỳ có chút nghi hoặc. Hắn nhớ không lầm thì hình như mình đã thưởng thức qua...

Đúng rồi! Đây là mùi hương của trà Lương Bạch! Dạo trước hắn đến Mai Hương Viện bàn chuyện với Viên Hi, chính Thu Nguyệt đã pha trà bưng tới.

Phản ứng của Trần Tĩnh Kỳ không thoát ra khỏi cặp mắt Hạng đế Lý Uyên, hắn hỏi:

- Tĩnh Kỳ, coi bộ ngươi đối với hương vị của trà Lương Bạch này rất quen thuộc?

Quả nhiên là trà Lương Bạch.

Trần Tĩnh Kỳ khiêm cung hồi đáp:

- Thưa Hoàng thượng, trước đây Tĩnh Kỳ đã từng có lần dùng qua, đến nay vẫn còn ghi nhớ hương vị.

- À... Cũng phải. Lương Bạch là loại trà quý, khiến người lưu luyến âu rất đỗi bình thường. Nào, nhà ngươi hãy uống thử, xem xem có khác gì so với loại ngươi đã từng uống qua hay không.

Trần Tĩnh Kỳ đương nhiên là chẳng dám chối từ. Hắn tiếp lấy tách trà từ tay thái giám Quế Lân, chậm rãi nhấp một ngụm.

- Thế nào?

- Hồi Hoàng thượng, hương vị giống hệt như nhau.

- Nói vậy thì loại trà Lương Bạch mà nhà ngươi đã từng uống qua, nó cũng thuộc hàng hảo hạng nhất rồi.

...

- Tĩnh Kỳ, ta có vài điều nghi hoặc muốn trực tiếp hỏi ngươi.

Giọng của Lý Uyên hiện giờ đã có sai biệt với trước, bộ dáng chừng cũng nghiêm trang hơn.

Quan sát thấy thần sắc hắn như vậy, Trần Tĩnh Kỳ lại càng thêm cảnh giác. Dù vậy, bề ngoài hắn vẫn tỏ ra bình tĩnh chờ nghe.

- Hoàng thượng, xin người cứ hỏi.

Hạng đế Lý Uyên gõ nhịp trên mặt bàn, chính thức nêu ra vấn đề:

- Xưa nay người ta vẫn luôn tranh cãi về việc trong trị quốc, thì dùng pháp trị hay đức trị. Vậy theo nhà ngươi, pháp trị tốt hơn hay đức trị tốt hơn?

Hỏi về đạo trị quốc sao?

Trần Tĩnh Kỳ nhất thời vẫn chưa rõ dụng ý của Lý Uyên, quyết định cứ thành thật mà đem suy nghĩ nói ra:

- Thưa Hoàng thượng, Tĩnh Kỳ ngẫm chuyện cổ kim, xét thấy việc linh hoạt dùng cả hai biện pháp thì sẽ mang lại hiểu quả tốt đẹp nhất. Nhưng về lâu về dài và để giải quyết tận gốc mọi sự đe dọa đối với bất kỳ một quốc gia nào, thiết nghĩ đức trị chính là giải pháp cơ bản.

Hạng đế chưa vội đánh giá, lại hỏi:

- Người làm vua bất kể là minh chúa hay hôn quân, đều mong muốn trăm họ làm thuận dân, lương dân, vậy theo ngươi trăm họ hy vọng như thế nào đối với Hoàng đế ngồi trên ngôi cao?

Đối với câu hỏi này, Trần Tĩnh Kỳ chỉ đáp gọn hai chữ: "Chính giả."

- Chính giả?

- Phải, là chính giả.

Trần Tĩnh Kỳ theo ý Hạng đế mà trình bày:

- Chính giả, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính. (Người cầm quyền phải chính. Lấy chính dẫn dắt người, ai dám không chính)

Lại nói rằng:

- Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong, tất yển. (Đạo đức của người quân tử như gió, đạo đức của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi hướng nào, cỏ rạp hướng đó). Chính hay không là ở người nắm quyền. Một người nhân đức, một nước nhân đức; một người không tranh, cả nước không tranh; một kẻ tham lam tàn bạo, một nước làm loạn.

Cuối cùng hắn chốt:

- Thưa Hoàng thượng, quân có đức, nhà nước hưng; quân vô đức, nhà nước vong. Những minh quân thời xưa đều biết rõ đại nghĩa trị quốc này nên đều tu dưỡng thiện tính thiên phú của bản thân, tu thành quân tử đại đức xứng với Đất Trời, nhờ vậy mà quốc gia của họ trở nên cường thịnh, bách tính mới được ấm no, xã hội mới ổn định phồn vinh.

Hạng đế Lý Uyên nghiền ngẫm, và càng ngẫm thì càng thấy lời Trần Tĩnh Kỳ chí lí.

Ngẩng đầu lên, hắn bỗng nở một nụ cười:

- Trần Tĩnh Kỳ, theo sự quan sát và cảm nhận của nhà ngươi, ta đã xứng với hai chữ "minh quân", bậc "quân tử đại đức xứng với Đất Trời" hay chưa?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play