Hai đứa trẻ sợ hãi dìu kéo nhau xuống góc bếp ngồi. Chúng có một cái ổ rơm ở góc bếp. Hai chị em ôm nhau khóc thút thít, mặc dù rất đau nhưng không dám khóc to vì mợ đã cấm.
– Làm sao mà mình đánh chúng nó thế?
Cậu của hai đứa trẻ, tên Tất, rít một hơi thuốc lào, phả khói ra rồi hỏi. Mợ của hai đứa trẻ, tên ở nhà là Mơ, nhưng từ khi lấy chồng mọi người đều gọi là chị Tất, mắt long lên sòng sọc.
– Chúng nó đánh con mình đấy!
– Hả?
– Vợ chồng mình có con rồi.
– Thật ư?
– Ừ, bà cụ Kén nói, tôi có mang rồi.
Cả hai vợ chồng đều vui sướng hỉ hả, quên bẵng luôn hai đứa trẻ vừa bị đánh đòn đang phải nhịn đói dưới góc bếp. Kể từ hôm đó, cậu Tất của bọn chúng mặc kệ vợ muốn đánh, mắng cháu thế nào thì đánh mắng.
Một hôm, có một người đàn bà đi buôn bán xa về, ghé qua nhà cậu Tất. Bà ta nhổ toẹt bãi nước trầu đỏ lòm ở cổng, í éo gọi.
– Chị Tất có nhà không?
Chị Tất đi từ trong buồng ra, bụng đã hơi nhô.
– Bác Gạo đấy à? Gớm! Có chuyện gì mà tìm em đấy?
– Gớm chửa, nhà cô là may phước tám đời rồi đấy nhé!
Người chưa thấy mặt nhưng tiếng đã theo vào. Rồi bác Gạo kể cho mợ Tất nghe, nghe đến đâu mắt mợ Tất mở to đến đấy. Bác Gạo chuyên đi buôn bán xa, sang cả các xứ khác. Không ngờ chuyến buôn lần này bác buôn một mạch lên đến tận kinh thành, phần vì cũng muốn đi xem kinh thành ra sao. Vậy mà không ngờ ở đó bác Gạo tận mắt nhìn thấy phò mã, con rể vua. Mà người này không xa lạ gì, chính là vị tú tài năm xưa ở nhờ nhà chồng mợ Tất, cha của hai đứa trẻ mợ ta đang nuôi.
Mợ Tất nghe xong thì ngây ngẩn cả người, đến nỗi bác Gạo về từ bao giờ cũng không biết.
– Mình, mình làm sao thế?
Đến tận khi cậu Tất về thì chị ta mới giật mình, túm vội lấy tay chồng.
– Mình, mình ngồi xuống đây tôi bảo.
Chị Tất kể cho chồng nghe chuyện bác Gạo vừa nói. Sau đó hai vợ chồng thì thầm bàn bạc. Lúc ấy trời đã nhá nhem tối, hai đứa trẻ mồ côi lùa mấy con dê về. Chúng mới hơn bốn tuổi, bé và đen bằng con dê còi, vậy mà ngày nào cũng đi chăn bốn, năm con dê to hơn người. Đàn dê này là cả gia tài nhà Tất, trước đây là chị vợ đi chăn, nhưng vì dạo này người mệt mỏi nên thi thoảng bắt hai đứa trẻ con đi.
– Tý, Cu, hai đứa về rồi hả?
Chị Tất đon đả hỏi khiến hai đứa trẻ sợ hãi đứng nép sau con dê.
– Mợ hỏi không có mồm à?
– Cháu chào mợ.
Hai đứa sợ hãi nói lí nhí. Chị Tất phát vào tay chồng một cái.
– Đừng mắng chúng nó.
– À, ờ.
Từ buổi tối hôm đó, hai đứa trẻ không hiểu tại sao lại được ăn no ngày hai bữa, còn là cơm gạo trắng. Đến cậu mợ chúng còn không được ăn như vậy. Chúng cũng không phải làm gì, chỉ việc quanh quẩn ở nhà chơi ngoài sân, ngoài vườn với bẹ chuối, con cóc, con chuột.
Chỉ mấy ngày mà hai đứa trẻ trông có da có thịt hơn hẳn. Nhìn chúng cũng trắng trẻo, sạch sẽ hơn. Bố mẹ chúng đều đẹp nên đứa con trai giống cha, con gái giống mẹ, đều xinh đẹp, đáng yêu cả.
Một hôm, khi chúng đang buộc dây chuối vào bụng con cóc, để con cóc nhảy qua nhảy lại trong sân thì cậu chúng mang đâu về hai bộ quần áo vải bông cũ nhưng còn lành lặn, gọn gàng cho chúng mặc. Lần đầu được mặc bộ quần áo mới như thế, cả hai đứa trẻ ríu rít suốt buổi tối.
Sáng hôm sau, cậu của chúng mang theo cái tay nải rõ to, nói sẽ dắt chúng lên kinh thành chơi. Hai đứa trẻ chưa từng đi ra khỏi làng, nghe thấy vậy thì vô cùng sung sướng. Người cậu hai tay dắt hai đứa trẻ gần năm tuổi âm thầm rời khỏi làng. Hai vợ chồng họ đã bàn tính với nhau sẽ nuôi cho hai đứa béo hơn một chút rồi đưa lên kinh thành tìm cha. Cha chúng bây giờ đã là quan to, chắc chắn sẽ báo đáp bọn họ nhiều tiền.
Lặn lội hơn nửa tháng trời cũng đến được kinh thành, người cậu hỏi thăm đường đến phủ phò mã. Nơi đây tường cao quá đầu, có quân lính canh gác, người cậu xin gặp phò mã nhưng bị lính canh cổng đuổi đi ngay. Người cậu đành dắt hai đứa trẻ con, ăn xin loanh quanh gần đó. Lại mất gần một tháng mới có cơ hội gặp được vị tú tài năm xưa.
Vừa nhìn một cái người cậu đã nhận ra ngay. Anh ta lập tức chạy lên, ôm lấy chân vị tú tài đó, vừa khóc vừa chỉ vào hai đứa bé mà nói. Vị tú tài năm xưa thi đỗ trạng nguyên, được vua gả con gái cho, giờ đã là phò mã, nghe thấy thế thì tái xanh mặt. Anh ta vội kéo người cậu vào ngõ nhỏ gần đó. Sau khi nhìn rõ mặt hai đứa trẻ, phò mã càng hoảng sợ. Anh ta gằn từng tiếng.
– Cậu mau mang bọn chúng rời khỏi đây ngay, ta và chị cậu chỉ quen biết sơ sơ, cậu có biết tội vu vạ cho mệnh quan triều đình là bị xử chém cả nhà không?
Anh Tất người nhà quê, cả đời không đi đến đâu,vừa nghe mấy câu đó đã sợ run cả người, chỉ biết cầu xin phò mã đừng báo quan. Phò mã nói nể tình trước đây từng ở nhà anh ta nên tha cho, bảo anh ta mau về đi, đừng bao giờ đến đây nữa. Sau đó, phò mã oai vệ đi, bỏ lại anh Tất hai tay dắt hai đứa trẻ đứng nhìn theo bóng quan lớn bước vào cánh cổng sơn son thếp vàng rực rỡ, có quân lính theo hầu đầy phía sau. Với hai đứa trẻ con, cánh cổng ấy là cánh cổng nhà trời, chúng vĩnh viễn không thể bước chân vào.
Cậu chúng càng rầu rĩ hơn. Anh ta dắt hai đứa trẻ quay ngược về nhà. Lúc này không còn một xu dính túi, ba cậu cháu chỉ có thể ăn xin qua ngày lần đường về quê.
Vốn anh ta tính rằng phen này lên kinh thành sẽ kiếm được một món hời, cha của hai đứa bé sẽ trả ơn anh ta bằng thật nhiều vàng bạc. Vậy mà vị tú tài năm xưa bạc tình bạc nghĩa rũ sạch mọi quan hệ với bọn họ. Anh ta chỉ là thường dân thấp cổ bé họng, làm sao dám đấu với phò mã quyền cao thế trọng. Anh Tất hậm hực tìm đường trở về, càng nghĩ càng uất hận. Mấy tháng trời lặn lội cực khổ, ăn gió nằm sương, lại phải nuôi hai đứa trẻ này mấy năm trời mà một xu cũng không được. Sắp tới vợ đẻ, anh ta nuôi làm sao được từng đấy miệng ăn? Cha chúng nó là quan triều đình, tiền nhiều như nước còn không nhận chúng nó, anh ta tại sao phải nhịn ăn nhịn mặc cho con người khác? Chưa kể bây giờ có hai đứa trẻ vướng chân vướng tay, anh ta đi một ngày chẳng được mấy dặm đường, biết bao giờ mới về đến nhà?
Đến một khu rừng hoang vắng, anh ta ngồi bên bờ suối, bảo hai đứa nhỏ đi lấy lá múc nước. Hai đứa trẻ ngoan ngoãn vâng lời, vội kiếm mấy cái lá to, khoanh lại rồi lom khom bên bờ suối, mỗi đứa múc một cái lá để đủ cho cậu chúng uống. Hai cái bóng bé xíu lúi húi múc nước, lúc ngẩng đầu lên, chúng thấy một cái bóng to lớn hiện ra trong làn nước trong vắt.
Hai đứa trẻ đồng thời ngẩng đầu nhìn, vừa lúc ấy cậu chúng giơ tay, đẩy mạnh một cái, cả hai đều lộn nhào xuống dòng suối. Dòng suối này nước sâu đến ngang ngực người lớn, đầy mỏm đá ngầm nhấp nhô. Với hai đứa trẻ chưa tròn năm tuổi thì nước sâu quá đầu chúng. Chúng sợ hãi với tay lên, nhưng chẳng mấy chốc đã thấy hai bóng dáng nhỏ bé biệt tăm biệt tích trong làn nước. Cậu chúng khoan khoái vươn vai vì vừa rũ được gánh nặng. Anh ta cúi người, khua khua nước rồi lấy tay khum lại, múc nước suối uống, sau đó giở cơm nắm ra ngồi ăn bên chính bờ suối đó.
Nghỉ một lúc cho đỡ mệt, cậu của hai đứa trẻ rời khỏi con suối, nhanh chóng đi về với người vợ bụng mang dạ chửa của mình, không chút mảy may bận tâm tới hai đứa trẻ đang chìm dưới dòng suối.
Mấy ngày sau anh ta về đến nhà. Vừa thấy chồng, chị vợ đon đả chạy ra đón, hớn hở ra mặt.
Nhìn đằng sau không thấy hai đứa trẻ con đâu, chị ta càng rít lên.
– Quân khốn nạn! Đồ bất lương! Nó bắt con nó đi mà không trả tiền công cho nhà mình à?
Anh Tất thấy vợ sắp bù lu bù loa lên thì gằn giọng.
– Câm mồm ngay! Thằng cha nó không chịu trả tiền, không nhận con. Hai đứa nó chết rồi!
– Chết… chết…
Chị Tất lắp ba lắp bắp, đứng giữa sân không nói được gì nữa. Chị ta nhìn theo chồng đang hùng hục đi vào bếp tìm xem còn gì ăn không thì chợt hiểu ra. Nhưng nét mặt chị ta cũng không mảy may thương xót.
– Đáng đời! Ai bảo cha chúng mày không nhận chúng mày, uổng công ta nuôi chúng mày bao nhiêu ngày trời. Lũ ăn hại vô tích sự!
Nhưng chị ta chỉ lầm bầm chửi trong miệng, không dám nói to, sợ hàng xóm nghe thấy. Mấy ngày nay hàng xóm hỏi, chị ta đều nói cha hai đứa trẻ nhận con nên anh Tất đưa chúng đến nhà cha. Bây giờ chúng không quay về nữa, kể cũng không ảnh hưởng gì.
Tối đó, ăn xong mấy củ khoai cho no bụng thì hai bợ chồng đi ngủ từ chập tối. Anh Tất mấy tháng trời đi đường mệt nhọc nên vừa đặt lưng xuống giường liền ngáy vang cả nhà. Chỉ còn chị Tất nằm trằn trọc mãi, tới tận khuya mới bắt đầu thiu thiu ngủ.
Đang mơ mơ màng màng ngủ, chị Tất đột nhiên nghe tiếng chó bên nhà hàng xóm sủa râm ran, chị ta giật mình tỉnh dậy. Tiếng chó vẫn sủa không ngừng, thậm chí càng ngày càng dồn dập. Chị ta căng mắt ngó ra bên ngoài, chỉ có tiếng chó sủa như phát cuồng. Chị Tất ngồi hẳn dậy, định đi ra ngoài xem có chuyện gì không thì tiếng chó sủa đột nhiên im bặt. Chị Tất nghe ngóng thêm đôi chút, không thấy gì nữa thì nằm xuống ngủ tiếp.
Nằm một lúc không ngủ lại được, chị ta uể oải trở mình cho đỡ mỏi, nhưng vừa xoay người xong, bỗng nghe văng vẳng tiếng trẻ con gọi.
– Cậu ơi! Mợ ơi!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT