Lang Trượng tiễn Vân Vân và Hoàng Anh một đoạn ngắn, chỉ dẫn cho cô đường ra và chúc thượng lộ bình an. Tuy nói chuyến đi này không được như mong muốn, nhưng đổi lại, Vân Vân đã có thêm một người bạn đồng hành kỳ lạ. Thoạt đầu, cả hai còn ngại ngùng, không biết nên nói chuyện với nhau như thế nào nên Hoàng Anh chỉ khuyên Vân Vân chợp mắt một chút trên chuyến xe khách về Hà Nội. Họ còn phải ra sân bay ngay để kịp về Đà Lạt, rồi lại bắt xe về tận biệt thự.
Vân Vân nhắm mắt nhưng chưa ngủ, tựa đầu vào kính xe đang chạy bon bon trên cao tốc. Thái độ kiên quyết của Lang Trượng vẫn làm cô suy nghĩ. Dù ông sẵn sàng thực hiện nghi thức “khai quang” một cách tự nguyện, nhưng có vẻ ông không muốn bản thân dính dáng đến chuyện nhà Vân Vân. Cứ như, ông ta đang sợ một điều gì chứ không phải là không đủ khả năng. Cách ông ta đưa cô đến thế giới khác cho thấy rõ ràng, pháp lực của con người này không tầm thường.
Mà thôi, kệ! Không phải ai cũng có thể ép buộc, không phải thầy này thì sẽ còn thầy khác. Coi như không có duyên, cô sẽ tìm hiểu thêm về các thầy ở những vùng khác.
Khung cảnh ở rừng thông chưa thôi ám ảnh Vân Vân. Trên thực tế, ở đó chẳng có một ngôi nhà nào cả; chỉ là một vùng đất trống, cây cối phát triển chậm hơn bình thường và không khí không được dễ chịu như những nơi lân cận. Cô nhớ cách đây nhiều năm, ba cô mời các nhà quy hoạch đến xem xét và kiểm tra, nhưng sau vài ngày, họ đều kết luận nên để khu đất ấy tự nhiên, không khai phá hay xây dựng, thậm chí lập rào ngăn cách để hạn chế người ra vào. Có thể, họ cũng đã thấy điều Vân Vân thấy…
– Em vẫn quyết tâm hóa giải lời nguyền gia tộc à? – Hoàng Anh ngồi xuống ghế bên cạnh Vân Vân.
– Nếu để đời sau tiếp tục chịu những gì người thân em phải chịu, anh coi có phải khổ không? Nội em, ba mẹ em đều cam chịu trải qua, em không muốn em hay con cháu em sau này cũng thế.
– Nhưng đừng cho phép ông ta được tìm đến em như lúc nãy. Khó khăn lắm em mới thoát khỏi ông ta mà!
– Ít ra cũng được quen anh đó thôi!
Một người phụ nữ luống tuổi ở hàng ghế bên kia bỗng nhìn Vân Vân với cặp mắt khó hiểu. Cô chột dạ, nhớ lời thầy Lang Trượng, rằng không phải ai cũng thấy được Hoàng Anh, nên người ngoài sẽ nghĩ cô đang nói chuyện một mình. Vân Vân ngại ngần kéo tai nghe lên, giả vờ như đang nói chuyện điện thoại. Hoàng Anh phì cười, liền nhận lại cái lườm nguýt của Vân Vân. Tưởng cô lườm mình, người phụ nữ kia chép miệng quay đi, nghiêng đầu ngủ tiếp.
Vân Vân hạ giọng, thì thầm với Hoàng Anh.
– Em vừa nghĩ, nếu anh theo đuôi em từ kiếp trước…
– Đi theo. – Hoàng Anh chữa lời.
– Được rồi, đi theo. Nếu anh đi theo em từ kiếp trước, chắc anh phải biết chuyện ba mẹ em từ trước khi có em.
– Ừ, tất nhiên anh biết!
– Mẹ em nhất định không muốn nhắc lại ký ức, đành nhờ anh kể cho em. Em muốn biết cụ thể hơn về chuyện xảy đến với các thành viên trong gia đình mình.
– Vậy em ngủ một giấc đi! Anh sẽ cho em thấy trong giấc mơ.
Vân Vân xị mặt vì sự cầu kỳ của Hoàng Anh. Lúc “khai quang” cô đã bị dọa chết khiếp, giờ Hoàng Anh cũng phải dọa lại mới vừa lòng sao! Xét ở nghĩa tích cực, được tận mắt chứng kiến toàn bộ câu chuyện biết đâu có lợi hơn chỉ đơn thuần nghe kể từ một người đứng ngoài.
Nghĩ thế, Vân Vân co chân rồi gối tay lên cửa kính, cố chợp mắt. Chờ cô ngủ hẳn, Hoàng Anh mỉm cười, khẽ đặt bàn tay trong suốt lên hai hàng mi đang khép chặt của cô, từ từ đưa tâm trí cô về lại quá khứ của gia đình…
*
Mẹ Vân Vân – bà Thu Hiền – từng là một cô sinh viên trẻ trung, năng động, học về du lịch ở Hà Nội. Năm đó, bà Thu Hiền cùng vài người bạn tổ chức đi du lịch nhân dịp vừa tốt nghiệp. Họ nghỉ lại một khách sạn tại Đà Lạt. Ở đây, bà có cơ hội gặp gỡ với một chàng trai nhỏ hơn mình ba tuổi. Còn trẻ nhưng chàng trai đã đứng ra quản lý khách sạn mà bà Thu Hiền và các bạn thuê trong mấy ngày nghỉ, khiến bà không khỏi ngưỡng mộ. Chàng trai này chính là ông Thanh Tùng – bố của Vân Vân.
Mối tình chớm nở ngắn ngủi này đã thay đổi cuộc sống của bà Thu Hiền khi bà nhất quyết chọn ở lại Đà Lạt với ông Thanh Tùng bởi không thể kháng cự sự thu hút mãnh liệt đến từ chàng trai này. Đôi vợ chồng trẻ cùng nhau phát triển dịch vụ du lịch vốn đã có từ đời trước, và ít lâu sau, bà Thu Hiền hạ sinh chị hai của Vân Vân, đặt tên theo hoa cẩm tú cầu. Rồi, hai năm sau, bà sinh thêm chị ba Anh Đào, và mãi tận sáu, bảy năm kế tiếp, Vân Vân mới ra đời. Ngày sinh đứa con út, trời âm u nhiều mây, báo hiệu cho một cơn mưa bão sắp đến, nên cái tên Vân Vân được đặt cho cô.
Hồi đó, ba anh chị em nhà ông Thanh Tùng còn sống chung trong khu biệt thự kiểu Pháp. Trên ông Thanh Tùng có một anh trai, nhưng người anh chết yểu, mất từ lúc các em còn nhỏ; ông Thanh Tùng thay ba mẹ trông coi hai em và quán xuyến công việc gia đình. Sau này cô tư cũng phát bệnh, phải nằm viện điều trị thường xuyên nên chú út thường kề cận chăm sóc chị gái. Ngôi biệt thự giờ chỉ còn lại vợ chồng ông Thanh Tùng và ba cô con gái. Mỗi tội, từ sau khi sinh Vân Vân, sức khỏe của bà Thu Hiền cũng không tốt như trước; gia đình hay phải thuê người giúp việc phụ đỡ việc trong nhà. Nhưng tiếc là, chẳng ai ở lại lâu; dần dần, việc kiếm người làm trở nên khó khăn do tin đồn ra vào quanh nhà có những hiện tượng bất thường.
Vì công việc trong mùa du lịch bận rộn, ông Thanh Tùng muốn bà Thu Hiền gửi các con xuống chỗ bà Mơ – vốn là em dâu của mẹ ông. Bà Mơ sống một mình chục năm nay sau khi chồng mất, thường trông coi hộ đám trẻ con hàng xóm trong lúc ba mẹ chúng đi làm xa. Nhà bà có sân vườn rộng, trồng cả một cây liễu lớn xanh rì, tha hồ cho đám trẻ con chơi đùa.
Năm đó, chị hai Cẩm Tú vừa tuổi trăng tròn, cùng các em gái đến nhà bà Mơ ở trong lúc ba mẹ đi vắng. Bà Mơ hiền lành, tháo vát, chăm bẵm ba chị em cẩn thận và đầy đủ. Thỉnh thoảng, đám trẻ hàng xóm vẫn sang chơi cùng ba chị em.
Cẩm Tú càng lớn càng xinh đẹp và hoạt bát, dễ kết bạn, đi đâu cũng được yêu quý. Anh Đào không kém cạnh, vừa dễ thương vừa lễ phép, hàng xóm khen suốt, toàn trêu sau này muốn cô sang làm con dâu nhà họ. Vân Vân nhỏ hơn hẳn các chị gái nhưng không quảng giao, thường lạ người nên chỉ thích ở nhà kêu bà Mơ dạy cho đọc sách và viết chữ. Vì không chạy nhảy lung tung, bà Mơ trông Vân Vân không quá cực, để hai chị lớn tha hồ chơi và làm việc riêng.
Cẩm Tú chơi thân với hai người bạn cùng xóm là Khuê và Trinh, đều mười lăm tuổi. Cả ba thường rủ nhau qua nhà Khuê – nhà rộng nhất trong nhà của ba đứa – ngồi nói chuyện tâm sự, học tết tóc và làm đẹp cho nhau. Ba mẹ Khuê hay đi làm về muộn nên Khuê có cả ngôi nhà cho riêng mình.
Hôm ấy trong xóm có nhà tới rước dâu, bầu không khí nhộn nhịp và huyên náo hơn hẳn. Ba cô gái ngồi ở thềm nhà Khuê, nhìn theo đầy ngưỡng mộ, mơ mộng một ngày sẽ tìm được tấm chồng như ý.
– Này Cẩm Tú, bồ nói coi, bồ muốn lấy chồng ở đâu? – Trinh huých vai Cẩm Tú, cười khúc khích.
– Ở đâu chẳng được. Miễn chồng thương mình là được. – Cẩm Tú chớp mắt mơ mộng.
– Mẹ bồ là người ngoài Bắc nhỉ? Chịu khó vô tận đây gả chồng, coi bộ cũng sến lắm ấy!
– Tôi thấy Cẩm Tú nói đúng á! Xinh như cổ, anh nào mà chẳng thương.
Cẩm Tú đỏ mặt, đánh nhẹ vào vai bạn. Không chỉ Khuê hay Trinh, nhiều người gặp Cẩm Tú đều nói y chang – xinh đẹp và năng động như cô, sớm muộn sẽ có người thầm thương trộm nhớ, nguyện quỳ xuống bày tỏ tình cảm.
Ba cô gái cười đùa, vừa hay đoàn rước dâu đi hết. Ở cuối đoàn, cả ba bắt gặp một cô gái váy trắng, xõa tóc dài che ngang mặt, đi rất chậm so với đoàn người. Khuê và Trinh đang tết tóc cho Cẩm Tú, liền dừng lại ngước lên nhìn, cùng khẽ chau mày nhìn nhau. Trông cô gái ấy không giống người ở đây vì họ chưa từng thấy trong xóm bao giờ. Da dẻ cô gái có vẻ trắng bợt, thiếu sức sống. Từng bước đi lầm lì của cô đều mang theo một luồng khí lạnh sởn da gà. Trên mái tóc buông dài nhỏ tong tỏng vài giọt nước đục ngầu, như thể vừa gội đầu xong mà chưa hong khô. Cả ba nuốt ực một miếng dưới họng, chỉ biết im lặng đưa mắt theo đến khi đoàn người đi khuất.
– Ê này, bồ có biết cô kia là ai không? – Trinh quay sang Khuê tò mò.
– Tôi không có. Mà, đi rước dâu sao ăn mặc lôi thôi thế nhỉ? Tóc tai chẳng cột lên cho gọn gàng, sáng sủa tí nào!
– Hay là chị em bên nhà cô dâu? – Cẩm Tú hỏi.
– Rước dâu hôm nay là chị Dã nhà bác Bình đầu xóm. Nhà bác Bình chỉ có một cô con gái thôi, có chị em gái nào đâu!
Tay Khuê vừa thoăn thoắt tết những lọn tóc dài óng ả của Cẩm Tú, vừa kể chuyện với giọng điệu rành rọt.
– Hay là bồ cũ của chú rể?
– Trời, khùng! Chú rể nghe nói ở tận dưới Cà Mau, nay mới lên xóm mình rước dâu nha! Bồ cũ nào mà rảnh hết trơn vậy?
– Ai biết? Thời đại bây giờ, tôi đọc thấy nhiều chuyện mắc cười lắm!
Mặc cho Khuê và Trinh tranh luận sôi nổi, Cẩm Tú ngồi bó gối, nghĩ mãi về cô gái vừa đi qua. Cả Khuê và Trinh đều có lý, nhưng rốt cuộc chẳng cái nào thích hợp cả. Rồi, câu chuyện sớm trôi qua sau khi Khuê buộc túm đuôi tóc của Cẩm Tú xong xuôi và vuốt lại phần tóc bên trên cho mượt.
– À Cẩm Tú này, bồ ở đây cũng lâu lâu rồi, đã bao giờ xuống con suối nhỏ ở dưới kia chưa? – Trinh hỏi thích thú.
– Tôi có nghe, nhưng bà Mơ và ba mẹ đều dặn không được tự ý xuống đó chơi.
– Kỳ vậy? Ba mẹ tôi cũng dặn y xì luôn đó! – Trinh nhăn nhó.
– Ngoại tôi còn dọa, tôi dám xuống đó, ngoại sẽ chặt chân tôi cơ!
– Không biết ở đó có gì mà người lớn không cho tụi mình đến nhỉ?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT