1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115
Đó cũng là đợt Nam vào lớp 10, sau hôm đi khỏi nhà của bố trở về nhà bà ngoại khoảng 5 ngày sau thì nó tháo băng tiếp tục đến trường. Vào cấp 3 môi trường xung quanh thay dổi khá nhiều, bạn mới, trường mới, lớp mới, thầy cô giáo mới...Nhưng với một vết sẹo dài nằm ngay bên mắt trái, hôm nó quay lại lớp tất cả mọi người nhìn nó như một kẻ lập dị, với bản tính lầm lỳ, ít nói gương mặt hiếm khi nở nụ cười, nay nó được bố khắc lên trên mặt một vết sẹo khiến ai nhìn nó cũng phải dè chừng. Không ai biết vết sẹo đau đớn đó là do bố nó tặng. Những tiếng xì xào lại tiếp tục vang lên theo những cánh tay chỉ trỏ: - - Thằng này chắc lại đi đánh nhau đây mà. - - Nhìn nó sợ nhỉ..? Ngay cả thầy giáo khi nhìn thấy nó đi học lại còn khẽ lắc đầu: - - Học sinh bây giờ chỉ giỏi nghịch ngợm, khổ bố mẹ ở nhà. Nó im lặng không giải thích, vì nếu nói ra là bị bố đánh thì càng nhục nhã hơn. Nó cúi mặt chấp nhận những lời bàn tán. Trong đầu nó nghĩ: “ Đúng vậy, tôi đánh nhau đó...Các người cứ nghĩ vậy đi.” Bao nhiêu hi vọng, kỳ vọng, tưởng tượng về một thời học sinh sáng sủa, vui vẻ hơn khi nó bước chân vào trường cấp 3 đã tan biến. Cách đây mấy tháng khi nó đi xem tên mình có đỗ vào trường cấp 3 không nó hồi hộp lắm. Nó đã cố gắng rất nhiều, và rồi khi tên nó có trên dánh sách học sinh trong năm học mới nó đã đạp thẳng một mạch về nhà khoe bố, bố nó cười: - - Đậu cấp 3 thôi mà đã vui thê hả. Bao giờ đậu cả đại học rồi bố mở tiệc ăn mừng luôn. Ngày xưa bố mẹ chỉ học được đến lớp 8 cũng bằng lớp 10-11 tụi con bây giờ. Nhưng rồi biết viết cái chữ hầu như bỏ học hết. Nên các con phải cố gắng. Nó gật đầu mừng rỡ, đậu cấp ba tất nhiên là bình thường nhưng trường nó muốn vào học là trường ở cách nhà bố nó không xa, lại tiện một đoạn đường đến trường của bé Hạnh. Nó muốn thi vào đó để có thể tiếp tuc đưa đón em đi học. Nó xin phép bố chạy ra khoe bà ngoại, đạp xe đến nhà bà ngoại nó chạy vào mừng rỡ: - - Bà ơi, cháu được vào trường cấp 3 rồi bà ạ. Tiện ra nhà bà mà tiện về nhà cháu luôn. Bà ngoại nhìn nó chửi yêu: - - Sư bố nhà anh, làm bà tưởng có chuyện gì. Đấy từ bây giờ học hành tốn kém lắm đấy. Phải cố mà học cháu ạ, học giỏi cho bố mày mừng. Ngồi nhìn bà cười nó tâm sự: - - Vâng ạ, mà bà ơi. Vào cấp 3 rồi không ai biết ngày xưa bố mẹ cháu bỏ nhau đâu bà nhỉ. Cũng không ai biết bố cháu mới đón cháu về đâu bà nhỉ..? Bà ngoại nhìn nó cười một nụ cười buồn, khổ thân thằng cháu, bà ngoại biết bao năm nay nó bị mặc cảm rất lớn. Hồi còn ở với ông bà, đi học nó hay bị bạn bè trêu là thằng không có bố, đến khi mẹ mất thì bị gọi là thằng mồ côi. Đi đâu với bà hễ ai thấy nó là đều hỏi những câu khiến nó không dám nhìn ai: - - Thằng này vẫn không về với bố à, bảo bố mày đón đi chứ. Hay có người lại nói: - - Ông bà già mà vẫn phải nuôi trẻ con vất vả thật bà nhỉ..? Bà ngoại là người tinh ý, dù bà biết những người kia đôi khi chỉ nói đùa. Nhưng một đứa trẻ nó biết đâu là đùa đâu là thật, những lúc như thế bà lại cười rồi đáp: - - Cháu nó ở với ông bà quen rồi, giờ đón tôi cũng không cho đón. Đi được một đoạn bà bảo nó: - - Kệ người ta cháu ạ, thiên hạ nó ác mồm lắm. Đúng vậy, thiên hạ rặt một lũ ác mồm. Với lũ đó những lời thốt ra từ miệng bọn chúng có thể được gọi là câu nói đùa. Nhưng nghi một đứa trẻ nghe thấy nó lại cảm thấy mặc cảm vì bản thân mình không có bố mẹ, ông bà già vẫn phải nuôi. Người lớn đôi khi là một giống loài độc ác, họ độc từ trong suy nghĩ lẫn phát ngôn. Hôm nay nó hỏi bà ngoại những câu này chứng tỏ bao năm qua nó vô cùng mặc cảm. Nó sợ những người biết hoàn cảnh của nó rồi miệt thị nó. Bảo sao thi đậu vào cấp 3 Nam lại vui mừng như vậy. Bởi vì từ nay khi đến một môi trường mới nó có thể sống với một con người mới với các bạn mới. Hoặc nếu giờ đây ai hỏi nhà nó ở đâu nó sẽ nói đến nhà bố nó, sẽ không ai biết trước đây bố con nó không nhận nhau. Niềm vui của nó đơn giản chỉ có vậy và quả thật khi mới đến trường nhận lớp nó vui vẻ hòa đông, lao động chăm chỉ, giúp đỡ bạn bè một cách nhiệt tình….Lần đầu tiên trong đời nó được sống thoải mái mà không sợ mọi người nói nó là thằng mồ côi không cha không mẹ. Quay trở lại với hiện thực. với vết rách lớn trên mắt vẫn chưa được cắt chỉ nó ngồi đó lặng im chịu đựng những ánh nhìn, những lời bán tán mà mọi người đang nói về nó. Mặc cảm ngày xưa của nó lại bắt đầu xuất hiện, giờ đây nó lại là thằng không cha không mẹ, lại là thằng làm khổ bà ngoại. Những hi vọng trước đây của nó cũng dần dần biến mất, nó cảm giác cuộc đời nó từ đây chỉ còn một màu đen. Bỗng nhiên từ bàn trên có người quay xuống hỏi nó: - - Nam bị sao vậy, chắc đau lắm hả..? Đó là Trang, bạn học cùng lớp ngồi bàn trên, nó và Trang đều biết nhau nhưng chưa bao giờ nói chuyện. Không phải biết từ khi vào lớp này mà là đã biết nhau từ hồi học cấp 2, mà nói là biết nhau cũng không đúng. Chỉ có nó là biết Trang thôi, Trang là người cùng phường với nhà ông bà ngoại. Nhà Trang và nhà ông bà ngoại nó không xa lắm, ngày trước đi học ngày nào nó chẳng phải đi qua nhà Trang. Mà trường cấp 2 chỉ có hai lớp 9A và 9B. Tuy khác lớp nhưng Trang khá nổi tiếng vì xinh xắn và học giỏi. Cả trường ai chẳng biết, tuy vậy nhưng khi nhận lớp dù biết Trang nhưng nó không nói chuyện thậm chí nó còn tỏ ra không quen. Vì nó sợ Trang sẽ nói cho mọi người biết hoàn cảnh của nó trước đây, nó tránh mặt những người quen biết với nó. Ngước lên nhìn nó ấp úng không biết trả lời ra sao, nó bối rối: - - Tớ...tớ bị ngã thôi...Cũng hết..đau..rồi. Nhìn điệu bộ như gà mắc tóc của nó Trang tủm tỉm cười rồi quay lên, sau nụ cười đó nó bỗng nhiên quên sạch những lời bàn tán, xầm xì khi nãy. Giờ nó đang đỏ mặt vì được một bạn nữ xinh xắn hỏi thăm. Nhất là người đó lại là người nó kiêng dè, có phần ngại ngùng sợ hãi vì đã biết nó trước đây. Hết giờ học, nó vừa dắt xe ra khỏi cổng thì thấy Trang đứng đó, nó đi ngang qua như cố tính không nhìn thấy thì bị gọi giật lại: - - Này, sao cậu nhìn thấy tớ mà cứ bơ đi thế hả. Ngày trước chúng ta học cùng trường cơ mà. Ít ra đến trường mới có người quen cũng tốt hơn chứ..? Nam quay lại đáp: - - Ừ..ừ..Có chuyện gì không..? Trang chạy lại cười: - - Tớ đang đợi cậu đấy…? Nó ngơ ngác nhìn xung quanh, sau lưng xem có ai đứng đó không, xong tay nó chỉ vào bản thân: - - Cậu đợi tớ...hả…? Trang lém lỉnh: - - Chẳng lẽ ở đây có ma à..? Cho tớ về cùng với, xe tớ hỏng sửa chiều mới lấy được. Nam định từ chối, nó lấy lý do: - - Nhà tớ ở….. Không để nó nói hết câu Trang đẩy đẩy xe nó rồi nói: - - Nhà cậu ở cùng khu với tớ chứ gì nữa, sáng nay tớ thấy cậu đạp xe đi qua nhà tớ mà. Về thôi...về thôi, đứng đây chắn hết lối người ta đi. Vừa nói Trang vừa đẩy cả xe lẫn nó về đằng trước rồi leo lên đằng sau, thế là nó bất đắc dĩ chở cô bạn cùng lớp về trong ánh nhìn của mấy đứa học sinh cùng trường, một thằng mặt mũi lầm lỳ, mắt đang bị khâu mà ngồi sau chiếc xe đạp cũ lại là cô gái xinh xắn, dễ thương trên miệng lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói. Không biết người khác chăm chú nhìn bởi vì sự khác biệt giữa hai con người hay họ ngạc nhiên, ghen tị với Nam nhưng chỉ biết thằng Nam lấy sức đạp thật nhanh để thoát ra khỏi đám đông trước cổng trường. Cả đoạn đường nó im lặng không dám nói một câu, Trang thấy vậy hỏi: - - Cái xe đạp đẹp đẹp đợt trước cậu đi đâu rồi. Nhắc tới cái xe đạp, cái xe đẹp, xịn mà bố nó mua cho nó đợt trước khi nó đi khỏi đó tất nhiên những gì bố nó mua nó đều để lại, kể cả cái mũ lưỡi trai mà hôm nó đi lao động bố nó cho. Về nhà bà ngoại mọi người cũng bàn bạc về chuyện học hành rồi đi lại của nó. Cuối cùng bác Dung cho nó cái xe đạp cũ mà bác hay đạp mỗi khi sang bà để đi học. Xe để mấy bác đi lại gân nhà nên tất nhiên hình thức không đẹp, cũ là điều tất nhiên. Nó trả lời: - - Đấy không phải xe của tớ. Trang nghe trong giọng nó có chút hậm hực, Trang nói: - - Chả sao, xe cũng chỉ là phương tiện đi lại. À mà này, chiều đi học cho tớ đi nhờ tiếp nhé. Đằng nào cậu chẳng đi qua nhà tớ, nhỉ...hi..hi. Nam im lặng chẳng nói gì, nó vẫn thế, vẫn luôn không muốn mở lòng với người lạ. Hai đứa im lặng cho đến khi về dến cửa nhà Trang, Trang xuống xe chưa kịp nói gì thì nó đã phóng đi mất. Về đến nhà nó thấy bà đã dọn cơm, nó chào bà rồi hỏi: - - Bà ăn cơm chưa ạ..? Bà thấy cháu đi học về thì vội cầm cái quạt phe phẩy cho cháu mát rồi nói: - - Bà chưa…? Nhà có hai bà cháu bà đợi cháu về ăn cùng cho vui. Đi rửa mặt đi rồi còn ăn cơm, chiều có phải đi học không..? Nam chạy ra sân sau múc nước rửa mặt rồi trả lời bà: - - Chiều cháu có nhưng 2h mới học bà ạ. Bà ngoại sắp lại mâm bát rồi xới cơm đợi cháu vào ăn, ăn cơm xong Nam dọn dẹp sạch sẽ rồi nó nhặt hết quần áo bẩn của bà của nó ra giặt, bà ngoại thấy vậy nói: - - Cứ để đấy bà giặt cho, nghỉ ngơi đi chiều còn đi học. Nó cười đáp: - - Để cháu giặt, có mấy bộ quần áo thôi mà. Bà không để cháu giặt thì cháu biết làm gì nữa. Mà sau bà cứ ăn cơm đi không cần đợi cháu đâu. Nhỡ đâu có hôm ở trường có việc cháu về muộn thì sao…? Bà ngoại ngồi phe phẩy cái quạt nan nhìn nó chửi: - - Bố nhà anh, bà ở nhà cả ngày có làm gì đâu mà đói phải ăn trước. Già rồi cứ phải thấy con cháu về đến nhà thì mới ăn được cơm. Vậy nên...mày có đi đâu cũng nhớ phải về sớm kẻo bà đợi đấy. Bà già rồi không còn như trước không thấy cháu đâu là đi tìm được đâu...Giờ đi tìm cháu có khi lạc mất cả bà...ha ha ha. Bà ngoại cười sảng khoái khi nhắc tới chuyện đi tìm nó ngày xưa. Hồi đó nó nhỏ tí, ngày đó chưa có bé Hạnh, bố mẹ đi làm gửi nhà bà chiều đón. Ai ngờ ông bà vừa quay đi, quay lại đã không thấy cháu đâu. Cái ao sau nhà hồi ấy còn rộng do hàng xóm bên cạnh chưa đổ đất. lúc đó tầm đâu nó mới có 8 tuổi. Ông bà hốt hoảng chạy láo loạn lên tìm, ông ngày đó còn khỏe lắm, ông lội xuống ao mò mãi không thấy đâu, các bác các cậu cũng xuống mò, người thì chạy khắp nơi hàng xóm nhưng vẫn không thấy. Bà ngoại đứng trên bờ khóc: - - Chết rồi, hay nó chết đuối rồi. Ồng ngoại bên dưới vừa mò vừa mắng: - - Chết đuối thì bao nhiêu người tìm thế này phải thấy chứ. Bỗng nhiên mọi người nghe thấy tiếng trẻ con cười trong nhà để than, ngày ấy ông bà ngoại có cái nhà nhỏ để than vì ông bà làm hàng kẹo bánh. Bà ngoại chạy vào mở cửa ra thì thấy nó đang ngồi trong nhà than tay đang bẻ than xong vẽ vạch xuống đất. Thế là bà ngoại vừa mừng vừa giận, lôi nó ra quất mấy cái vào mông thì ông ngoại vội đi từ dưới ao lên cản lại. Cả nhà nhìn cái mặt nó đen thui toàn than là than thì ai cũng phì cười. Nó thấy bà nhắc chuyện cũ thì cười ngại rồi nói: - - Cháu giờ có còn như ngày bé nữa đâu. Giặt giũ phơi phong xong xuôi cũng gần đến giờ đi học, Nam sắp xếp sách vở rồi chào bà định đi thì bà gọi lại: - - Đây bà cho 50k giữ lấy, cái xe bác Dung cũ rồi. Cầm lấy lỡ đâu hỏng xe còn có tiền sửa. Nó giật mình: - - Bà lấy tiền đâu mà cho cháu nhiều thế, cháu không cần đâu. Bà ngoại cứ dúi vào tay nó nói: - - Tiền này là tiền trước ông để lại cho bà. Cũng có phần của cháu, ông bảo bà giữ hộ bao giờ mày lớn thì cho. Giờ cháu lại về đây ở với bà thì bà cho, ông mày đúng là đến lúc mất vẫn lo cho các cháu ….Mà ông nói gì nghĩ lại giờ thấy đúng thật...Mà thôi đi đi không muộn..Nắng đấy đội cái mũ vào. Nam chào bà rồi phóng xe đi, đi dược một quãng nó đang đạp thì có người đứng bên đường vẫy vẫy: - - Nam ơi..Cho đi nhờ với.. Lại là Trang, cô bé đã đứng đó đợi từ bao giờ, Nam dừng xe lại, Trang nói: - - May quá, tưởng cậu đi rồi chứ..hi hi. Nam trả lời: - - Thế lỡ tớ đi rồi hoặc không đi học thì sao. Tớ đâu có nói sẽ đón cậu. Trang trèo lên xe vỗ vai nó trả lời: - - Ngày trước hồi còn ở đây ngày nào cậu cũng đi học qua đây, đâu có nghỉ ngày nào. Giờ chắc cũng thế, với lại tớ đứng đợi từ 1h rồi. Đi thôi…. Bây giờ là 1h30, vậy là Trang đã đợi nó được 30 phút. Không nói gì nó khẽ cười rồi chở cô bạn cùng lớp đến trường trong cái nắng nhưng không gắt hòa cùng những cơn gió mang hơi lạnh của cuối thu, lặng im nhưng dễ thương vô cùng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115