Câu chuyện về khoai tây bắt nguồn từ khoảng 13.000 năm trước ở Nam Mỹ, khi giống cây họ cà này còn mọc dại ở những vùng núi thuộc dãy Andes, phía nam Peru và đông bắc Bolivia ngày nay.
Về mặt địa lý, Andes không phải địa điểm có thể nuôi dưỡng một loài cây lương thực chính. Nó là dãy núi dài nhất trên hành tinh, cao hơn 6.700 m và chắn thành một dải 8.850 km bên bờ Thái Bình Dương.
Có rất nhiều núi lửa hoạt động rải rác trên dãy Andes, kết quả của những đứt gãy địa chất thường xuyên đẩy khu vực này vào tình trạng phải đối mặt với động đất, lũ quét và sạt lở. Ngay cả trong những ngày yên bình nhất, khí hậu của Andes vẫn rất khắc nghiệt để một loài cây lương thực có thể sinh sôi.
Nhiệt độ trên núi có thể dao động từ 24oC xuống mức đóng băng chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Không khí thì quá loãng để giữ nổi nhiệt. Ở một vùng đất như vậy, chỉ có ngô, quinoa và khoai tây mới có thể mọc được.
Người Inca là dân tộc đầu tiên thuần hóa được khoai tây và biến nó trở thành một loài cây lương thực chính. Các di tích khảo cổ cho thấy khoai tây đã được người Inca chôn cùng người chết cách đây 4.500 năm. Và những đồ gốm hình khoai tây, có niên đại 400 năm trước Công Nguyên được tìm thấy ở Peru cũng xác nhận sự sùng bái của người Inca với loài cây lương thực này.
Cũng phải, bởi nhờ có khoai tây, người Inca mới xây dựng được một đế chế hùng mạnh ở Nam Mỹ. Loại củ giàu tinh bột này đã cung cấp cho họ năng lượng để chinh phạt và thôn tính các bộ lạc xung quanh, những tộc người ăn ngô.
Người Inca cũng phát minh ra một phương pháp lưu trữ đông lạnh khoai tây, bảo vệ nó khỏi nấm mốc, chuột bọ và ngăn không cho khoai tây nảy mầm. Bằng cách này, khoai tây có thể được bảo quản trong hàng năm mà không bị mất giá trị dinh dưỡng.
Và cũng bởi vậy mà khoai tây trở thành một "đồng tiền" trong đế chế. Hoàng gia Inca có thể thu thuế từ những người nông dân bằng khoai tây, lưu trữ chúng trong các kho thực phẩm, rồi giải ngân cho các binh lính, thợ xây và nô lệ.
Trong khi người Ai Cập trồng lúa mì và lúa mạch để xây dựng lên những kim tự tháp vĩ đại, khoai tây đã giúp Đế chế Inca dựng lên những ngôi đền hoành tráng, những thành phố dát vàng lộng lẫy cho riêng mình.
Cực thịnh đến thế kỷ 15, Đế chế Inca bắt đầu suy yếu khi bước sang thế kỷ 16, đó cũng là thời điểm những người Châu Âu đầu tiên khám phá ra Châu Mỹ, giới thiệu các mầm bệnh mới vào lục địa. Sởi và đậu mùa đã lây lan từ Trung Mỹ vào Inca, gây ra những đợt dịch chết người không thể cứu chữa.
Cột mốc năm 1532 chính thức đánh dấu sự sụp đổ của đế chế, sau khi Francisco Pizarro González, một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha mang theo 186 tùy tùng đổ bộ vào bờ biển Peru ngày nay.
Họ bắt cóc vua Atahualpa của Inca, cướp bóc mọi đền thờ và kho báu trên khắp đế chế. Sau khi đã lấp đầy cả một căn phòng với đầy vàng bạc châu báu, người Tây Ban Nha không quên ném vào xó thuyền một vài củ "nấm cục", khoai tây theo cách gọi của họ, chúng nhăn nhúm, bám đầy bùn đất trông chẳng có gì là quý giá. Vượt qua Đại Tây Dương, những củ khoai tây đầu tiên đã du nhập vào Châu Âu.
Các nghiên cứu lịch sử ước tính rằng, trong đợt cướp bóc của mình ở Inca, người Tây Ban Nha đã thu về một lượng vàng bạc tương đương với 45 triệu Euro ở thời điểm hiện tại. Nhưng ít ai có thể ngờ, thứ quý giá nhất mà họ mang về không phải là châu báu, mà lại là vài củ khoai tây bị vứt lăn lóc dưới sàn thuyền.
Từng đem đến sự cực thịnh cho Đế chế Inca, khoai tây tiếp tục "lây lan" sự thịnh vượng của nó đến cho những quốc gia ở Châu Âu, biến họ thành những đế quốc. Nhưng mọi chuyện không diễn ra đơn giản trong một sớm một chiều.
Khi được người Tây Ban Nha đem về từ Nam Mỹ, khoai tây chỉ nhận được những con mắt dè chừng. Vào năm 1570, một số nông dân Tây Ban Nha bắt đầu thử nghiệm trồng khoai tây trên quy mô nhỏ. Nhưng sau khi thu hoạch, củ của nó chủ yếu chỉ được dùng làm thức ăn cho lợn.
Cuối thế kỷ 16, khoai tây tìm được đường sang Italia. Đến đầu những năm 1600, nó đã có mặt ở Áo, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Bồ Đào Nha, Ireland và Pháp. Nhưng không ở đâu loài cây này được chào đón.
Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, khoai tây tất nhiên không xuất hiện trong Kinh Thánh. Vì thế mà Giáo hội Công giáo cho rằng Chúa không muốn con người ăn khoai tây.
Hơn nữa, loài cây này có những đặc tính dị biệt hoàn toàn khác với với hiểu biết của người Châu Âu. Nó không mọc lên từ hạt, mà phát triển từ những mảnh củ.
Nếu người nông dân chôn nguyên một củ khoai xuống đất, nó sẽ mọc mầm và phát triển thành một cây khoai tây mới. Nếu họ cắt một củ ra làm tư, họ sẽ có tới bốn cây khoai con. Sự kỳ lạ này khiến khoai tây được đặt cho cái tên "táo quỷ", những quả táo nhăn nhúm sinh sôi trong lòng đất.
Một điều kỳ lạ nữa là khoai tây không hô hấp vào ban đêm. Những nhà thực vật học Châu Âu cuối cùng cũng xác định được loài cây này thuộc họ cà, một họ cây thường có độc tính. Cũng bởi vậy mà khoai tây thường bị cấm trồng hoặc chỉ được trồng giới hạn trong các vườn cây thảo dược.
Những cuộc thử nghiệm ăn khoai tây đầu tiên ở Châu Âu không mấy khi kết thúc tốt đẹp. Bởi người ta chỉ ăn những củ khoai nhộ lên khỏi mặt đất, nghĩa là khi chúng đã mọc mầm, họ thường bị ngộ độc thật. Một số nhà khoa học còn cho rằng khoai tây là nguyên nhân gây bệnh phong, chỉ vì củ của nó trông méo mó giống như những người mắc bệnh
Denis Diderot, một triết gia người Pháp từng viết trong Bách khoa toàn thư (1751-1756), cuốn sách đầu tiên tóm tắt những tư tưởng khai sáng ở Châu Âu: "Bất kể bạn nấu nướng khoai tây như thế nào, cái rễ của của nó cũng là một loại thực phẩm bồn bột và vô vị".
Diderot coi khoai tây chỉ là một loại thực phẩm dành cho những người "ăn để sống". Những người nông dân, quân đội trong nạn đói có thể ăn khoai tây. Nó là một thứ thực phẩm gây chướng bụng, nhưng có thể cung cấp năng lượng để giúp họ sống sót.
Nạn đói, hóa ra, lại là cơ hội duy nhất giúp khoai tây có thể vươn lên cạnh tranh với lúa mì ở Châu Âu. Quay trở lại thời gian đó, đói là một thứ gì đó thường trực ở lục địa này.
Theo thống kê của nhà sử học Fernand Braudel, nước Pháp từng phải chịu đựng tới hơn 40 nạn đói trên quy mô toàn quốc, trong khoảng thời gian từ năm 1500 đến 1800. Nước Anh cũng rơi vào một tình trạng tương tự, với 17 nạn đói toàn quốc từ năm 1532 đến 1623. Cả lục địa đơn giản là không thể tự nuôi sống.
Frederick Đại đế, vua của nước Phổ, là người đầu tiên nhìn ra được tiềm năng của khoai tây trong việc chống lại nạn đói. Vào năm 1756, Frederick ban hành sắc lệnh Kartoffelbefehl, hay "Đạo luật khoai tây", bắt buộc mọi thần dân của mình phải trồng loài cây này.
Chính Frederick cũng là người phổ biến cụm từ "khoai tây" để thay cho cái tên mà những người nông dân hay gọi loại cây này là "nấm cục".
Việc thực thi sắc lệnh ban đầu diễn ra không mấy suôn sẻ. Ở nước Phổ khi đó có một câu nói
"Là der Bauer nicht kennt, frisst er nicht", nghĩa là "Thứ mà nông dân không biết nó là gì, anh ta sẽ không ăn".
Kolberg, một thị trấn thậm chí còn trả lời sắc lệnh của nhà vua rằng:
"Cái thứ đó [khoai tây] không có mùi, cũng không có vị, thậm chí những con chó còn không thèm ăn chúng, vậy chúng có ích gì với chúng tôi không?".
Để đối phó với sự chống đối này, Frederick đã nghĩ ra một kế. Ông cho trồng khoai tây bạt ngàn trên các trang trại Hoàng gia ở vùng Berlin bây giờ. Sau đó, Frederick cắt cử một đội lính canh làm nhiệm vụ bảo vệ cánh đồng.
Nắm được tâm lý của dân chúng, hễ thứ gì được cho bảo vệ nghiêm ngặt, họ sẽ nghĩ đó là thứ quý giá, Frederick Đại đế đã dặn những người lính canh giả vờ ngủ hoặc thường xuyên xao nhãng nhiệm vụ của mình. Điều này đã thực sự thu hút được sự chú ý của những tên trộm.
Hằng đêm, những tên trộm đều đến cánh đồng hoàng gia đánh cắp khoai tây. Chẳng mấy chốc, loài cây này được bán tràn ngập thị trường chợ đen. Những người nông dân quay trở lại quan tâm khoai tây vì nó được giá. Và thế là loài cây này đã xâm chiếm thành công mọi mảnh vườn ở Phổ, cứu sống người dân qua những mùa vụ lúa mì thất bát.
Khoai tây với đặc tính dễ trồng, dễ bảo quản và giàu năng lượng chính là nguồn lương thực đã nuôi sống quân đội Phổ trong chiến tranh Bảy năm (1756-1763), giúp Frederick Đại đế đánh bại cả liên quân giữa Áo và Pháp.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT