Trương Hữu đối với đám người Thẩm Ngôn chẳng khách khí chút nào, đặc biệt là Thẩm Ngôn, ông ta gần như không thèm kiềm chế cảm xúc chán ghét.

Tuy rằng Trương Hữu cũng chẳng phải là kẻ yêu thương, bảo bọc gì bà vợ nhà mình, nhưng dù sao đấy cũng là người nhà của ông ta. Hiện tại đám người Thẩm Ngôn làm cho bà ấy tức giận đến nỗi khóc lóc ầm ĩ, lại còn bình phẩm gia đình ông ta không êm ấm, hài hòa gì gì đấy, Trương Hữu đối với Thẩm Ngôn có ấn tượng tốt mới là lạ.

"Chữ của tôi đương nhiên không thể so sánh với bức tranh chữ ban nãy, chuyện này cũng là điều bình thường, nhưng cứ cầm bút giấy nghiên mực đến đây, để tôi cho ông biết, cái gì gọi là thư pháp." Thẩm Ngôn vờ như nghe không hiểu ý tứ trào phúng trong lời nói của Trương Hữu, hắn bình tĩnh trả lời, ngữ điệu còn tương đối chân thành.

Nhưng rơi vào trong tai của mọi người xung quanh thì đây rõ ràng chính là cuồng vọng, một thanh niên trẻ tuổi như thế, sao có thể cùng đại sư thư pháp đã thành danh nhiều năm so sánh được. Ai cũng biết, thư pháp thì một phần thiên phú, chín phần là do rèn luyện. Thẩm Ngôn còn trẻ như vậy, có được bao nhiêu năm kinh nghiệm cầm bút nghiên như Hàn Mỹ Lân?

"Được lắm, hôm nay xem như tôi hời rồi, quả là sống càng lâu thì càng nhìn thấy được nhiều chuyện thú vị. Phục vụ đâu, vào thư phòng mang một cái bàn đọc sách, rồi chuẩn bị nghiên bút mực tới đây cho tôi."

Trương Hữu lạnh lùng khoát tay, sắp xếp cho nhân viên phục vụ dọn dẹp lại bàn ghế, chỉnh lại ánh sáng đèn. Hôm nay ông ta đã hạ quyết tâm, nhất định phải cho gã ăn bám này một bài học để hắn thật xấu mặt, ai mà đứng ra nói chuyện giúp tên họ Thẩm đó thì coi như là ông đã giúp họ trắng mắt ra.



Trà lâu của Trương Hữu ngoài việc kinh doanh thì còn có thư phòng chuyên dùng để tiếp khách, thế nên trong hậu viện vẫn có đầy đủ những dụng cụ văn phòng tứ bảo thích hợp cho việc viết thư pháp.

Mấy nhân viên phục vụ viên làm việc rất nhanh gọn lẹ, chỉ thoáng chốc sau liền chuyển một cái bàn đọc sách đến, lại sắp xếp đầy đủ giấy Tuyên Thành (giấy Tuyên Chỉ), nghiên mực nước đen thẫm, đồ chặn giấy bằng sứ hoa mỹ, mấy cây bút lông dài ngắn đủ kiểu bày ra cho mọi người xem.

Thẩm Ngôn bình tĩnh đi đến trước bàn, mở tờ giấy xuyến lớn, nhẹ giọng nói với Đông Lỵ Á đang đứng ngay sau lưng mình: "Mài mực cho anh đi!"

"Vâng!"

Đông Lỵ Á nhu thuận đi đến cạnh hắn, nhỏ một ít nước sạch vào trong nghiên mực, sau đó cầm mực thỏi lên thong dong mài.

Thẩm Ngôn tùy ý cầm một cây bút lông lên, chấm chút mực nước, trầm ngâm giây lát rồi đại bút huy sái viết xuống.

Động tác của Thẩm Ngôn thuần thục, điêu luyện. Từ lúc đặt bút xuống tới tận khi kết thúc đều không hề chựng lại, bút lông cứ thế di chuyển một mạch mà thành trên tấm giấy ngả vàng, tựa như cưỡi cương tuấn mã, nước chảy mây trôi.

Biển chứa trăm sông.

Bốn chữ lớn xuất hiện trên giấy Tuyên Thành, thế bút mạnh mẽ, độ đậm mảnh và nét mực phóng khoáng, con chữ nằm ngay ngắn ở giữa trang giấy như kích thích ánh nhìn của mọi người.

Kể từ khi hắn ‘học’ được kỹ năng thư pháp tới nay cũng đã qua mấy tháng, đây cũng xem như là lần đầu tiên Thẩm Ngôn múa bút thành chữ, cảm giác tương đối không tệ, nhất là mới nãy vừa uống rượu xong, trong lòng lâng lâng, lực tay đưa xuống vừa khéo là hoàn chỉnh.

"Đẹp! Rất đẹp!"

Một âm thanh kích động chợt vang lên.

Lại nói người bên ngoài chỉ biết là Thẩm Ngôn vừa viết xong chữ, nhìn động tác cũng có vẻ rất điêu luyện, còn thực hư bức tranh chữ này đạt giá trị thẩm mỹ cao như nào, cơ bản chưa ai kịp xem xét kỹ để mà thẩm định.

Vả lại xưa nay nghệ thuật là một cái gì đó rất trừu tượng, thư pháp lại càng thế.

Tùy vào cảm nhận của mỗi người, khó có thể phân định ai đúng ai sai. Một tác phẩm thư pháp cân đối hài hòa, đường nét câu chữ nói lên cái tình cái tâm của người viết, màu sắc gợi cho bạn những hỉ nộ ái ố khác biệt, tùy mức độ bạn cảm thụ được mà cho rằng nó có đẹp hay không.

Vì vậy tuy rằng cảm thấy động tác của Thẩm Ngôn cực kỳ tiêu sái, nhìn ra cũng không phải là tay mơ khoác lác, nhưng bảo người ngoài ngành như đám người Hoàng Bác nhận xét thì thật đúng là múa rìu qua mắt thợ. Thế nên ai cũng còn đang chần chừ chưa dám lên tiếng.

m thanh ban nãy chính là của Hàn Mỹ Lân - người duy nhất hiểu rõ chuyên môn và cũng là người có quyền lên tiếng nhất ở đây.



Cái gọi là ‘ngoài nghề xem náo nhiệt, trong nghề xem môn đạo’ (1) chính là như này. Chỉ vừa thấy Thẩm Ngôn cầm lên đúng cây bút nào giữa một đống bút lông tạp nham mà nhân viên của Trương Hữu lấy ra, ông liền biết người trẻ tuổi này chắc chắn là kẻ trong nghề.

Cũng giống như những game thủ chơi Lol chuyên nghiệp, muốn biết ai đó có phải là cao thủ hay không, đại khái không cần nhìn đến thao tác khi anh ta đánh boss, chỉ cần nhìn độ linh hoạt ngón tay khi anh ta giết lính thường thôi thì đại khái có thể nhìn ra đẳng cấp cỡ nào rồi.

Mà khi Thẩm Ngôn đặt bút xuống viết chữ rồi thu bút lại, Hàn Mỹ Lân liền cảm giác giống như thấy được sư phụ mình khi xưa - một bậc thầy về thư pháp đang đứng ra làm mẫu viết chữ cho ông xem.

Kỹ năng hội hoạ của Hàn Mỹ Lân rất đỉnh cấp, thiết kế mỹ thuật thì cực kỳ có kiến giải, nhưng nhìn chung thì bút lực thư pháp của ông ta vẫn là tốt nhất, cũng là thứ mà ông thấy tự tin nhất.

Đối với các thư pháp gia vẫn còn tại thế tại Hoa Hạ này, không có một người nào khiến Hàn Mỹ Lân có thể chịu phục, chớ nói chi là khiến hắn bội phục. Thậm chí khoa trương mà nói thì Hàn Mỹ Lân dám tự tin cho rằng mình chính là nhà thư pháp giỏi nhất ở Hoa Hạ hiện nay.

Nhưng trước mắt khi nhìn thấy bức tranh chữ của Thẩm Ngôn, trong lòng ông ta thoáng chốc dâng lên một cảm giác, ấy là bất lực! Loại cảm giác này thật sự rất rõ ràng, bởi vì ông minh bạch một điều, đó là bốn chữ hắn viết so với ông viết còn tốt hơn, bất kể là kiểu chữ, lực tay, độ đậm nhạt, đuôi móc… mặt nào cũng cực kỳ hoàn thiện.

Trong mắt người bên ngoài thì bốn chữ ‘Biển chứa trăm sông’ chỉ đơn giản là thuận mắt, nhiều lắm thì cũng coi là đẹp một chút.

Nhưng ở trong mắt Hàn Mỹ Lân, bốn chữ ‘Biển chứa trăm sông’ này thật sự đúng là biển chứa trăm sông. Cái đại khí ung dung tự tại kia như muốn xuyên thủng qua giấy, bay thẳng ra ngoài, cảm giác nhìn vào con chữ đó như thấy được cả gợn sóng của biển khơi, rộng lớn bao la mà hùng vĩ, khiến cho người ta không tự chủ được liền sinh lòng phóng khoáng.

Thư pháp và tranh thủy mặc của Hoa Hạ đều có một điểm chung, đó là trọng ý nghĩa mà không nặng hình thức, cái làm nên giá trị của tác phẩm là ý cảnh, là thứ cảm xúc mà người làm nghệ thuật phải khiến cho người xem cảm nhận được, nó có thể toát ra từ những chi tiết nhỏ hoặc cả tổng thể bức tranh, làm cho khán giả phải liên tưởng, phải choáng ngợp, phải rung động vì thứ mà tác phẩm mang lại.

Cả thư pháp lẫn tranh thủy mặc đều thế, vẽ giống thì dễ, vẽ ra cái thần mới là khó.

Ví dụ như bức tranh chữ của Thẩm Ngôn đây, hắn chính là tạo ra được cái thần “biển chứa trăm sông” ngay trong nét chữ của mình, là một tác phẩm đỉnh cao khiến Hàn Mỹ Lân thật lòng ngưỡng mộ.

"Dám hỏi Trương lão bản, bức chữ này so với bộ tranh chữ vừa rồi thì như thế nào?"

Thẩm Ngôn nhẹ nhàng đặt cây bút lông lên kệ gỗ, sau đó quay sang thản nhiên hỏi Trương Hữu.

Mi mắt Trương Hữu giật giật mấy cái, không vội đáp lời mà là quay đầu lại nhìn về phía Hàn Mỹ Lân. Hàn Mỹ Lân hít một hơi thật sâu, cười khổ đáp: "Hổ thẹn, hổ thẹn, thật sự là hổ thẹn, thật sự là hổ thẹn..."

Hàn Mỹ Lân không trực tiếp đánh giá gì bức tranh chữ của Thẩm Ngôn, nhưng hai chữ ‘hổ thẹn’ mà ông ta lặp đi lặp lại cũng coi như đủ để trả lời vấn đề mà Thẩm Ngôn vừa hỏi.

Mọi người chung quanh không khỏi hít một ngụm khí lạnh. Ánh mắt nhìn về phía Thẩm Ngôn trở nên hoàn toàn khác biệt so với ban đầu.

Đây rốt cuộc là quái vật phương nào? Một người trẻ tuổi như vậy, chẳng lẽ chữ của hắn có thể khiến Hàn Mỹ Lân lão sư cảm giác hổ thẹn vì kém cỏi hơn ư?



Hàn Mỹ Lân là ai? Đây chính là đại sư chân chính được người người thừa nhận và kính phục. Thế nhưng tình huống trước mắt chẳng phải là nói trong giới thư pháp này, Thẩm Ngôn cũng đủ sức bước vào hàng ngũ đại sư hay sao?

- -----

(1) Ngoài nghề xem náo nhiệt, trong nghề xem môn đạo: Đại ý câu nói này có nghĩa là chỉ sự khác nhau giữa người trong nghề và người ngoài nghề. Người ngoài nghề chỉ quan tâm tới bề nổi câu chuyện, xem kết quả công việc và xem hiệu ứng mà người kia mang lại.

Chỉ có người trong nghề thì mới nhìn vào môn đạo (cửa, lối vào, cách làm,..), ý chỉ nhìn những thứ nhỏ nhặt nhưng lại là điểm nhấn của vấn đề để biết thực hư tài năng của đối phương.

Ví dụ trong tình huống này, người ngoài chỉ xem náo nhiệt, trông chờ coi Thẩm Ngôn có viết được chữ ra hình ra dạng gì không, có bị Hàn Mỹ Lân (người có chuyên môn, đủ thẩm quyền lên tiếng) đánh giá chê bai hay nhận xét ngợi khen gì không. Còn người trong nghề là Hàn Mỹ Lân thì sẽ xem những chi tiết nhỏ nhặt, nội hàm để đánh giá tay nghề của Thẩm Ngôn, ví dụ như cách cầm bút, cách đặt bút viết, cách hạ bút… trước khi xem tới thành phẩm là bức tranh chữ của Thẩm Ngôn.

- -----

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play