- Chuyện này ngoài dự kiến của tôi. Có lẽ tại Nhã chờ lâu quá, hắn thất vọng.
- Không phải anh Nhã chờ lâu, không phải anh ấy thất vọng gì hết. Đây chỉ là trò đùa quái ác của anh, một người dối như cuội.
Mặc cho Thiên đứng ngẩn ra. Phượng gọi bé Tú:
- Ra mở cổng cho cô! Hoài Tú!
- Ủa! Sao cô Phượng về. Không ở lại coi cậu Nhã thua cá độ với cậu Thiên con hả. Một két bia lận đó!
Thiên quắc mắt nạt Hoài Tú:
- Vào nhà học bài đi Hoài Tú!
Con nhỏ lắc đầu:
- Bữa nay chủ Nhật mà cậu Thiên!
- Vậy vào nhà chơi búp bê. Nhanh!
Thấy ông cậu nổi nóng con bé cụp mặt chạy tuột. Phượng đâu phải kém thông minh, nên dẫu không nắm hết đầu đuôi lời Hoài Tú muốn nói, cô vẫn lờ mờ đoán được câu chuyện theo chủ quan của mình. Có lẽ Thiên uốn ba tấc lưỡi Tô Tần kéo cho được cô tới đây sáng nay, là vì lời thách thức của Nhã. Còn Nhã thì cũng chẳng cần biết cô đến hay không. Anh lẩn mất biệt tăm hơi, ngay sau khi thằng bạn quý hóa của mình lên xe bắt tay vào cuộc thách đố.
Uất nghẹn vì đau khổ hơn là tức tối đã nhẹ dạ tin lời Thiên. Nhật Phựợng choáng váng ngồi phịch xuống ghế. Cô buột miệng:
- Anh ác lắm!
Cứ ngỡ Phượng trách mình, Thiên rối rít:
- Phượng đừng hiểu lầm! Thật sự tôi nói dối vì muốn cô và Nhã được gặp nhau. Sao hắn bỏ đi đâu thế kìa!
Phượng nổi sùng lên
- Thôi để tôi về! Bọn các anh đúng là quỷ sứ, nỡ đem người khác ra làm trò đùa.
Phượng đứng bật dậy đi ra cổng, Thiên vội chạy theo, anh đứng tựa người vào chốt cửa.
- Cô phải ở lại đợi Nhã để hiểu là tôi nói thật. Biết đâu hắn đi mua tặng cô một bó hoa nhằm bày tỏ tình cảm. Cô nên tin tôi một chút, một chút thôi!
Gật gật đầu Phượng nói cho qua:
- Ừ! Tôi tin anh. Nhưng tốt nhất anh nên để tôi về. Tôi rất ghét những gì có tính cách sắp xếp trước.
Ngần ngừ nhìn Phượng, Thiên thở dài:
- Tôi sẽ đưa Phượng về!
- Không cần đâu! Tôi còn ghé chợ nữa…
Bước ra đường. Thiên ngoắc cho Phượng chiếc xích lô. Tay anh ta nhét tiền cho người đạp xe, mồm ngọt ngào đưa đẩy:
- Chỉ mong Phượng đừng hiểu lầm tôi.
Khinh khỉnh nhìn Thiên, cô nhấn mạnh:
- Anh chỉ mong vậy thôi sao? Còn tôi, tôi muốn đừng bao giờ phải gặp lại anh lần nữa. Anh nhắn với chị Tâm dùm, tôi sắp thi nên không rảnh dạy kèm bé Tú được.
Hả hê với những lời của mình, Phượng ra lệnh:
- Chạy mau mau đi bác!
Thế nhưng khi chiếc xe lắc lư băng qua các dãy phố đông vui, cô lại muốn khóc vì tức. Bao giờ đối với Nhã, Nhật Phượng cũng là con bé ngốc nghếch chẳng có gì để anh đáng quan tâm, như lời anh đã nói ở hai lần gặp lại sau bảy tám năm xa cách.
Cho đáng đời cái tội chủ quan, chỉ suốt đêm thao thức, mơ mộng nghĩ tới người ta. Lẽ nào Nhã từng ấy tuổi, đi từ ta sang tây mà chưa có mảnh tình vắt vai, để về đây vừa gặp con bé… ròm năm xưa đã rung động?
Càng phân tích, suy luận Phượng càng rối mù trong mớ bòng bong tình cảm. Tốt hơn cứ nghĩ Nhã vẫn còn xa nghìn trùng như từ trườc đến giờ anh vẫn xa. Chuyện gặp đêm qua chỉ là một giấc mơ tuyệt đẹp.
Vào nhà, Phượng đi thẳng xuống bếp và ngồi phịch lên ghế dưới cặp mắt ngạc nhiên của Nhật Trung.
- Chị Linh đâu anh Trung?
- Bả đi chợ rồi! Ê! Phượng! Cắt bánh ăn đi cưng. Lúc nãy anh… gợi ý chị Linh, bả nói nó thuộc quyền sở hữu của em. Vậy anh cắt nghe.
Phượng làu bàu:
- Cắt thì cắt! Nếu mà anh ăn được hết, em tặng anh luôn.
Nhật Trung hồ hởi mở tủ lạnh bưng cái bánh ra. Lúc này Phượng mới nhìn kỹ, đó là tầng bánh thứ hai của cỗ bánh ba tầng. Mặt trên của nó là một tòa lâu đài làm bằng kem thật xinh xắn. Lúc tối Phượng đã thích thú nhìn tầng bánh này khi Hoài Tú đứng tựa vào đó chụp hình. Bây giờ nhìn kỹ nó hơn, Phượng càng thích dữ.
- Đẹp thật! Cắt ra uổng quá.
- Lại vớ vẫn! Đẹp cỡ nào cũng vô miệng. Anh đói rồi, cấm em rút lại lời đã nói ra à nghe.
Nhìn Trung lăm lăm con dao với tư thế chuẩn bị Phượng hất mặt đi chỗ khác khi nghĩ tới Thiên.
- Thì anh cắt đi. Đẹp ăn càng ngon.
- A! Cậu của học trò em lịch sự đấy chứ. Ít ra, cũng biết em hảo ngọt nên mới đem tới cả một cái bánh to như vậy.
Phượng trề môi:
- Đàn ông gì mồm mép quá, thấy sợ.
- Ủa! Anh ta mồm mép gì đâu, từ đầu đến cuối ngồi im re nghe anh nói chuyện cá độ không mà.
Nghe tới chuyện cá độ, tự dưng Phượng tò mò:
- Thường thường bọn đàn ông các anh cá độ những gì?
- Sao hôm nay em để ý tới chuyện này vậy?
- Em muốn biết để đừng rơi vào trương hợp mình là vật thí, bị thiên hạ đem ra đánh cá vậy mà.
Trung cười hì hì. Anh từ tốn cắn một miếng bánh to, gật gù nhấm nháp rồi mới đáp:
- Với bọn anh cái gì cũng cá được hết. Coi đá banh cũng cá, đua xe đạp cũng cá, đôi lúc hai ba thằng ngồi ngoài quán, thấy một con bé được được đi ngang, hứng chí cũng cá xem đứa nào tán được “em” mời được “em” đi đạp vịt ở hồ Kỳ Hòa. Làm sao kể hết ba cái vụ cá độ trời thần đó.
- Mà… cá chi vậy?
- Tụi anh chủ yếu để vui thôi! Nhưng có nhiều tay chuyên sống bằng nghề cá độ. Nhất là cá độ ngựa. Bọn này thì thiên về cờ bạc. Em không đọc báo thấy đang ở cầu Nhị Thiên Đường có bọn chuyên môn nhìn trời rồi cá mưa nắng ăn tiền sao?
Nhún vai một cái Trung cười cười:
- Với bọn đàn ông… chân chính như anh chẳng hạn, thì cá độ đôi khi là cách biểu lộ tính háo thắng, sự tự tin cho mình là đúng, mình tài hơn kẻ khác, bằng bất cứ giá nào mình cũng phải làm được điều gì đã… cá.
Thấy Phượng nhíu mày làm thinh. Trung hỏi:
- Bộ có đứa nào cá là sẽ cua được em hả
- Đâu có! Sao anh hỏi kỳ vậy?
Nghiêm mặt lại Trung nói:
- Nếu có, em phải cho anh biết để anh nện vỡ mồm chúng ra. Anh không muốn bất kỳ ai đem em gái anh ra để bỡn cợt hết.
Chớp mắt cảm động, Phượng đùa:
- Bữa nay anh Trung oai ghê ha! Đáng thưởng nửa ổ bánh sinh nhật.
Nói xong Phượng lại ngồi thừ ra, bứt rứt. Bọn đàn ông là thế đó! Cô chua xót nhớ tới cái nhìn xấc xược của Thiên khi cô lên ngồi trên xe của anh ta. Đối với Thiên cô là trò đùa, đối với Nhã cô có gì khác hơn đâu?
Đang ngồi rầu rĩ với nỗi đau riêng, Phượng chợt nghe tiếng Nhật Uyên hát ở nhà trước.
“Khi tình yêu là một hoa hồng
Hơi thở người yêu
Hóa thành ngọn gió
Niềm hạnh phúc là làn hương nhỏ
Theo gió bay bát ngát giữa đời…”
Nhật Phượng nuốt vội miếng bánh.
- Bà Uyên làm gì mà yêu đời dữ vậy ta!
- Yêu người chớ chưa yêu đời đâu. Nè đẹp chưa! Khi trái tim ta là một hoa hồng…
Cả Nhật Trung lẫn Nhật Phượng đều nhìn tay Nhật Uyên. Cô đang cầm một cánh hồng hàm tiếu màu đỏ thật đẹp. Cánh hoa được gói giấy kiếng, cột nơ hồng cẩn thận, chứng tỏ hoa này là tặng vật của gã si tình nào đó. Mà Nhật Uyên của nhà này thì có nhiều gã si tình lắm!
- Phượng lên tủ kính lấy cho chị cái bình pha lê cổ cao nhanh lên! Chỉ có cái bình đó mới xứng với cành hoa này.
Nhật Trung nhún vai:
- Vẽ chuyện!
Nhật Uyên không thèm chú ý lời của Trung, cô vừa tháo lớp giấy kiếng ra, vừa lắc lư đầu hát tiếp:
- “Ta sẽ tự hào nở hoa giữa ngực…”
Phượng đem bình hoa xuống, cô đặt lên bàn rồi nhìn Uyên cắm hoa vào bình. Cái màu đỏ chói lòng làm cô tiếc rẻ. Biết đâu Nhã đi mua hoa cho mình như lời Thiên nói thật. Sao mình lại dửng dưng nổi giận thế, rồi ảnh biết tặng ai?
Hất mặt lên hí hửng, Nhật Uyên nói:
- Biểu tượng của tình yêu bất tử!
Vừa cắt thêm cho mình miếng bánh, Trung vừa ngâm nga:
- “Trong bình cắm là hoa
Ném ra ngoài là rác
Cũng như thế tình yêu
Trong trái tim bội bạc.”
- Điều đó không sai đâu! Thằng cha nào nói với bà hoa hồng là biểu tượng của tình yêu bất tử thì coi chừng. Thằng đểu đấy! Phải thực tế một chút, tình yêu không chỉ là hoa. Nó còn là rác nữa. Mà hoa nào cũng thành rác hết, thưa bà chị yêu dấu.
Nhật Uyên bĩu môi:
- Nói như mày, mấy chợ bán hoa ế hết!
- Nhưng mấy chỗ bán bánh lại đắt. Tui chịu như gã đẹp trai của con Phượng. Sáng sớm đã mang tới một ổ bánh kem to. Có thực mới vực được đạo yêu.
Phượng phản ứng ngay:
- Anh Trung nói bậy! Em với thằng cha đó không có gì hết à nhe!
Giả lơ như không nghe lời Phượng, Trung hỏi Uyên:
- Cành hoa hồng này của một anh chàng chị mới quen phải không?
- Sao mày biết?
- Dễ hiểu thôi. Mới quen nên bày đặt tặng hoa, chớ còn rành nhau quá rồi, ngu sao đi “ga lang” kiểu đó. Mà hỏi thật nghen. Em biết hắn ta không?
Bật cười thành tiếng, Nhật Uyên đáp:
- Dĩ nhiên là không.
Trung chặc lưỡi:
- Chà! Nhật Uyên mà cũng im im giống Nhật Linh. Coi chừng chị và chị Linh cùng chung một bí mật đó. Dạo này em thấy chị Linh coi bộ tuổi trẻ ra.
Nhật Uyên kêu:
- Mày muốn ám chỉ việc gì thằng quỷ
- Em đang nghĩ chả biết việc bà Linh đi ăn cơm nhà hàng với ông Nhã có giống việc chị đi ăn điểm tâm sáng nay với ai đó không.
Phượng ấp úng hỏi:
- Sao anh biết chuyện chị Linh đi ăn cơm với anh Nhã?
- Tình cờ thôi! Bữa đó anh đi với tụi bạn. Thấy hai ông bà, anh liền lánh ngay. Để mất công người ta ăn không ngon.
Nhật Uyên cười:
- Nghe cho rõ nè: Chị Linh đi ăn nhà hàng với anh Nhã là vì công việc làm ăn của công ty chỉ, chẳng giống chuyện chị đi ăn sáng với chủ nhân đóa hồng này đâu. Chắc gì ông Nhã thích thú khi phải ngồi “servir” cho chị Linh.
- Đương nhiên công việc của em làm sao quen nhiều việt kiều như chị được. Biết một vài tên thôi cũng thấy khó chịu. Hỏi là để phòng xa vì coi bộ dạo này Việt kiều tấn công tới bức tường rêu phòng kiên cố của nhà mình rồi.
Có tật giật mình, Phượng kêu lên:
- Là sao chứ?
- Mày đi mà hỏi bà Linh ấy!
Nhật Uyên nhanh nhẩu:
- Em muốn nói ông Nhã hả?
- Đúng phóc!
Phượng nghe tim minh đập hỗn loạn. Cô cúi đầu xuống nhìn những hoa cúc vàng nâu in trên mặt bàn mica và thấy như chúng đang nhảy muá loạn xạ theo tiếng cười rất lạ của Nhật Uyên:
- Ha! Ha! Em lại phóng đại sự tưởng tượng của mình quá cố rồi. Con gái hơ hớ thiếu gì, ông Nhã điên sao lại tốn thời gian tấn công bức tường rêu của nhà mình. Chị Linh sắp… băm tới nơi rồi. Khổ lắm đấy! Anh Nhã tới chở chị làm nhỏ đòi “dỗ” hoài. Có bao giờ anh nhắc nhở, thăm hỏi gì chị Linh đâu?
Ba chị em bỗng dưng rơi vào im lặng. Nhật Uyên bưng lọ hoa lên lầu. Trung ngồi lại nhâm nhi cho hết miếng bánh đang ăn dở. Phượng bước ra vườn.
Gia đình cô đông anh em, ba cô chỉ là một công nhân viên quèn. Ông đã từng phải cực nhọc làm thêm nhiều nghề phụ để nuôi bảy đứa con ăn học nên người. Tính ba cô kín đáo ít khi bộc lộ tình cảm của mình đối với con cái, mẹ cô cũng vậy, nên hai ông bà vô tình tạo cho lũ con lối sống khép kính, mỗi đứa là một thế giới riêng biệt. Khó ai nhìn vào bên trong được. Anh em, chị em trong nhà gặp nhau nói chuyện trên trời dưới đất rất vui, nhưng đố ai biết rõ ai, hầu như anh chị em cô không hề có những giây phút gọi là tâm sự. Mọi người đều ôm riêng trong lòng chuyện của mình. Bảy đứa con lớn lên, mỗi đứa một lối sống, một tính tình. Không bao giờ anh em cô gây gỗ, lớn tiếng với nhau, nên với mọi người xung quanh, gia đình cô là một gia đình trên thuận dưới hòa. Ba mẹ cô xem đó là điều đáng hãnh diện. Ông bà không hề hiểu rằng mỗi đứa con là một ngôi sao đơn côi rất thèm xích lại gần nhau. Nhưng trong bầu trời đêm vô tận đó, việc xích lại gần nhau chắc khó xảy ra vì thói quen của con người có khác nào quỹ đạo của tinh ngôi sao. Muốn không phải là được!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT