Mưa dữ dội suốt ngày hôm qua, và cả ngày hôm nay. Nhật Phượng ngồi co ro trong nhà nhìn ra sân, nơi có những cái bong bóng phập phòng. Bà Nga nhắc nhở cô bằng giọng lo lắng:

- Sao con không chịu bóp chân cho mau hết. Thằng Thiên nói chai dầu nóng Hồng Kông này hay lắm đó! Trong người có sao không mà cứ ngồi cú rú một chỗ hoài vậy?

Nhật Uyên tủm tỉm cười:

- Nếu có sao thì đã có rồi, mẹ khéo lo cho con gái út quá! Nó đang đợi anh chàng Thiên tới bóp chân, chớ đâu phải cú rú một chỗ. Mà mẹ thấy anh chàng được không?

Bà Nga chưa kịp trả lời thì Nhật Trung đang ngồi với tờ báo trên tay vội… ăn cơm hớt:

- Bảo đảm được hơn ông Sơn của bà!

- Thằng vô duyên! Tao có hỏi mày đâu?

- Biết chị chẳng đời nào thăm dò dư luận quần chúng, nên em phải chớp thời cơ để phát biểu chứ!

Nhật Uyên liếc Trung một cái sắc lẻm:

- Đúng là ham ăn hay nói!

- Nhưng em toàn nói… đúng không hà. Còn chị chuyên môn mang át nạt dũa, cố chấp, chủ quan, có ai ý kiến gì đâu. Sao chị ác cảm với em.

Bà Nga gắt lên:

- Có im dùm chưa! Tụi bây già đầu cả rồi mà cứ như con nít. Hễ xáp lại là gây…

Nhật Trung cười hì hì:

- Tụi con “đấu lý” mà mẹ bảo là gây. Nhờ lúc nào cũng có sẵn người để tranh luận, nên thi hùng biện con mới được giải đó.

- Hay ho gì ba cái giải lẻo mép ấy mà khoe.

Nhật Uyên cố… kè thêm môt câu nữa, trước khi đeo cái earphone lên tai để nghe nhạc từ máy cassette mini bỏ túi, nhỏ bằng quyển sổ.

Nhật Trung nhún vai, cúi đầu trên tờ báo. Bà Nga nhìn trời nói bâng quơ:

- Mưa dầm như vậy ngày mai đi chợ dơ phải biết!

Nghe mẹ than, Nhật Phượng thấy thương bà quá! Suốt đời mẹ quanh quẩn trong nhà, lo ăn lo mặc cho lũ con tươm tất đầy đủ. Với bà như vậy đã là chu toàn bổn phận và trách nhiệm làm mẹ rồi. Bản tính rụt rè khép kín khiến bà ngại tiếp xúc với bạn trai lẫn bạn gái của các con. Thông thường sau vài câu xã giao chào hỏi, bà Nga lặng lẽ đi vào, mặc cho lũ trẻ trò chuyện, tâm tình, thế nhưng vừa có “hiện tượng” lạ xảy ra. Phượng không hiểu gã cậu trời mồm mép ấy đã nói chuyện trên trời dưới đất gì với mẹ cô gần cả tiếng đồng hồ, để bây giờ động một cái bà lại đem Thiên ra để… trấn áp cô. Thật thấy ghét! Mẹ làm sao ngờ được Thiên là thứ giả nhân giả nghĩa cơ chứ! Rồi anh Trung nữa, chẳng biết vì đâu anh lại có cảm tình với hắn dữ vậy, nghe ai nhắc tới Thiên là anh khen lấy khen để làm Phượng bực mình quá sức. Khó chuyển, và lúc này là lúc hơn bao giờ hết Phượng không muốn để lộ nỗi buồn của mình cho mọi người biết. Chỉ thỉnh thoảng đón lấy cái nhìn hơi quan tâm của anh Trung thôi, cô đã thấy tự ái ngó đi nơi khác, huống hồ chi có thêm nhiều đôi mắt nữa.

Nhật Minh mang chiếc áo mưa ngoài của anh bước vào nhà với mái tóc hơi ướt:

- Chân em đi lại bình thường được chưa Phượng?

Ngạc nhiên vì câu hỏi đầy vẻ quan tâm khác thường của Minh. Nhật Phượng gật đầu:

- Em đi được rồi nhưng không nhanh và còn hơi cà nhắc, chi vậy anh Minh?

- Vậy ngày mốt đi làm được chưa?

Bà Nga lật đật hỏi:

- Đi làm ở đâu lận?

- Chỗ bạn con cần một điện thoại viên nữ phụ trách mục kể chuyện cho trẻ con nghe qua điện thoại. Con thấy con Phượng có thể nhận công việc này, không cực lắm và cũng không phải đi xa.

Bà Nga nói ngay:

- Bên công ty của con Linh cũng cần người, mẹ thấy vào làm ở đó có chị có em không sợ bị ai ăn hiếp.

Nhật Phượng phản đối:

- Con không thích làm cho chị Linh đâu. Kể chuyện cho con nít nghe thích hơn.

Nhìn con gái với vẻ không bằng lòng bà Nga nói:

- Làm ở công ty này phải bảo đảm hơn nghe điện thoại không? Đã vậy chỉ được làm mỗi việc cho mấy đứa con nít gọi để yêu cầu kể chuyện cho nó nghe. Mẹ thấy không xứng với công ăn học cha mẹ cực khổ nuôi nấng hai chục năm ròng. Chắc gì ba bây đồng ý.

Nhật Minh làm thinh, Nhật Trung lên tiếng:

- Bây giờ con Phượng còn chờ bằng tốt nghiệp mới đi kiếm việc làm. Bộ mẹ tưởng thời buổi này đi xin việc làm dễ lắm sao? Thiên hạ có bằng đại học vẫn thất nghiệp đặc trời. Nó thích làm “Chị Thủy Tiên ơi!” cho bọn con nít vui vẻ thì cứ để nó làm. Chừng nào xin được việc ngon hơn hẳng hay!

- Tại sao chỗ con Linh nó lại chê?

Nhật Phượng rầu rĩ:

- Không phải con chê, mà là con ngán…

Nhật Minh cười cười, trong khi Nhật Trung gật gù nói toẹt ra:

- Ngán là phải! Vừa là chị vừa là phó giám đốc, có em út nào chịu nỗi bà Linh ở cái độ “Tuổi đá buồn” đâu mà bảo không ngán.

Kéo cái earphone ra khỏi tai, Nhật Uyên chỉ vào Trung nạt lớn:

- Đủ rồi thằng quỷ! Tao cũng chờ xem vợ mày sau này ra thế nào, mà chị em trong nhà này ai mày cũng chê hết.

- Ủa! Nghe nhạc mà cũng nghe cả chuyện… đời nữa à. May mà nãy giờ không ai đá động gì tới chị hay ông Sơn. Hú hồn.

Bà Nga bực bội:

- Riết rồi tao không hiểu nổi tụi bây. Người ta chỉ mong gia đình được chừng một người có chức có quyền để nhờ cả họ, chúng bây lại đi sợ với ngán chị ruột mình. Đâu phải cái địa vị hiện nay của con Linh tự nhiên mà có. Nó phải làm việc ngày đêm đổ mồ hôi, xót con mắt mỗi lần hơi ngốc lến ấy chứ! Tụi bây đi sau có người dẫn dắt mà còn chê.

Đảo mắt nhìn hai cô con gái và hai cậu con trai một cái, bà Nga rầy:

- Tui bây ngán con Linh nhất nhà này, chẳng qua tại chúng bay ham chơi không cầu tiến, không có ý thức như nó.

Nhật Trung vẫn là người phản ứng đầu tiên:

- Mẹ nói có một chiều. Đâu phải ai cũng đủ khả năng làm mặt lạnh lùng không tình cảm, để chỉ năm ngón tay sai khiến người khác kiểu như chị Linh được đâu! Trước đây con từng không thích vào công ty của chị Linh một phần vì muốn mình tự lực vươn lên, một phần cũng vì không thích cách làm việc của chị. Đối với nhân viên chị Linh độc đoán lắm, chẳng ai ưa chị đâu!

Bà Nga bênh vực Nhật Linh:

- Cứ hễ làm việc đàng hoàng, đúng nguyên tắc là bị ghét. Ai chẳng thích gặp được lãnh đạo dễ dãi chứ. Muốn nên thân phải chịu trên đè dưới bua một thời gian. Đây tụi con coi, ở nhà này có đứa nào lương cao, chức vụ ngon lành bằng nó? Hồi mới vào công ty này chị Linh bây làm việc thấy mà thương, mỗi ngày cộc ca cộc cạch chiếc xe rơ líp tuột sên, đạp mười mấy cây số, đi làm suốt buổi, chiều về tới nhà ăn đại ăn đùa ba hột cơm với rau muống xào, xong lại hấp tấp chạy đi học thêm nữa. Nó cực quá mà thành ra phải cố gắng ngoi lên bằng khả năng của mình thôi. Bù lại bây giờ nó được đi Mã Lai, Singapore, Philippin thường xuyên như đi chợ. Ai như tụi bây cứ lò dò tựa lục bình trôi. Chán!

Nhật Uyên hờn mắt:

- Nhà này có chị Linh với anh Vi là con ruột thôi, còn tụi con đều là con ghẻ hết!

Bà Nga mắng yêu:

- Tổ cha bây! Nhà này có mày với thằng Trung là vừa bẻm mép lại vừa lẻo lự, tao sợ bây luôn!

Nhật Uyên nheo mắt nhìn Nhật Phượng rồi khúc khích cười:

- Có con gái út của mẹ là ngoan hiền nhất. Gã quách nó cho nhà giàu phải hay hơn không?

- Tội quá mà chị Uyên! Em đâu dám bóp còi qua mặt anh chị mình.

Nhật Uyên hất hàm mặt ngâm nga:

- Ối! Đời này “Cứ tới duyên ai thì cưới trước cho chờ với đợi… lỡ thời sao?”

Nhật Trung chen vào:

- Chê số lỡ thời thì… bóp kèn qua mặt bà Linh trước đi. Con Phượng còn nhỏ, chị lo gì tới nó?

Giọng Nhật Uyên đầy châm chọc:

- Con Phượng thì còn nhỏ nhưng ông Thiên đâu còn nhỏ nữa. Ông ta sắp lên lão làng rồi ấy chớ!

Nhật Phượng nhìn mẹ kêu cứu:

- Mẹ nghe chị Uyên nói được không? Kỳ cục thật tự nhiên gán người ta với thằng cha đã có một đời vợ.

Bà Nga trố mắt:

- Nó… có một đời vợ thật à?

Phượng gật đầu, Trung và cả Uyên cũng ngỡ ngàng không kém mẹ. Anh chép miệng:

- Thì ra con gà xước chê anh ta vì lý do này… Ủa! mà sao Thiên bỏ vợ vậy Phượng?

- Em đâu biết chuyện của ông ta mà anh hỏi em, lạ lùng ghê!

Nhật Minh chợt lên tiếng:

- Có một đời vợ thì đã sao mà mọi người ngạc nhiên đến thế?

Nhật Trung tủm tỉm cười:

- Ông có… ý đồ gì mà nói như vậy? Bộ định sau này hai vợ hả?

Không đợi Nhật Minh trả lời, Nhật Uyên đã tiếp:

- Tẩm ngẩm tầm ngầm chẳng nói tới ai như thằng Minh, đến khi cưới vợ dám cưới một lúc hai cô lắm nghen!

Trung nhún vai:

- Làm người cưới một lúc cả hai chị em nữa là khác.

Từ từ, chậm chạp Minh nói:

- Chuyện đó tao không biết, nhưng tao biết có một gã kiên trì nhẫn nại cưới gần hết đám con gái của một gia đình chung xóm với gã.

Nhật Phượng chột dạ, cô hỏi tới:

- Nghĩa là sao hả anh Minh?

- Ngốc! Nghĩa là hắn tán tỉnh từ cô chị tới cô em út chớ sao nữa!

Nghe Nhật Trung bốp chát xen vào. Nhật Phượng làm thinh. Cô sợ cái mồm như loa phóng thanh của ông anh quá mức.

Thấy cô em út nhìn mình như chờ đợi Minh kể:

- Xóm thằng Vinh có gã thợ, may cũng khá giả, gặp thời thiên hạ thích moden nên tiệm của gã phát rất nhanh. Gã yêu cô chị Hai trong gia đình có đâu … bốn năm cô con gái gì đó. Thế nhưng cô Hai chê gã vừa lùn vừa bé đã đi lấy một ông chồng đẹp trai nhưng không giàu có. Gã buồn rầu một thời gian lại nhờ mai mối tới hỏi cô Ba. Cô Ba noi gương chị nên cũng bỉu môi khinh rẻ. Khi cô Ba đi lấy chồng, anh chàng lại xin cưới cô Tư, rồi sau đó tới cô Năm… cô Sáu…

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play