La Nhận lờ mờ cảm thấy, người phụ nữ này rất lợi hại.
Cô nếu không phải một tay giỏi buôn bán thì nhất định chính là một tay giỏi thăm dò.
Nếu anh không cự nổi, bỏ tiền ra mua, cô sẽ bán được một đơn hàng, nếu không mua thì chẳng khác nào tự thừa nhận mình không có bạn gái, vô duyên vô cớ để cô biết chuyện tư của mình.
Về phía anh thì sao?
Mua thì mất tiền, không mua thì là nói xạo trái với lương tâm, cả hai đều chẳng lấy gì làm thoải mái.
Anh cười cười, nói: “Tặng đồ không phải là xem ý mình mà phải xem người ta có thích hay không. Đồ dù tốt, cũng không phải cứ đắt tiền là ai cũng đem tặng được.”
Cô gái kia ngẩn ra, một lần nữa đánh giá lại La Nhận.
Thông thường khách vào tiệm, cô sẽ liếc một cái trước để chọn lọc, có vài người, nhìn là biết trong túi rỗng tuếch, cô dứt khoát kệ luôn không tiếp, những người đó tức giận vì bị bẽ mặt, cũng sẽ bỏ đi.
Một số khác là kiểu nhà giàu có thể moi được tiền, cô sẽ tới, giới thiệu, giải thích, nếu vẫn không mua, người có tiền đều sĩ diện, nhất là đàn ông có tiền, cô sẽ khích thêm hai câu, mua lấy hai món để giành được nụ cười của giai nhân, cớ sao không làm chứ?
Người như La Nhận, trong lời nói giấu mũi kiếm, là lần đầu tiên cô gặp phải.
Người đàn ông này, cô có hứng thú.
Cô gấp lại mảnh lĩnh đỏ, đặt về ô nhung đen: “Đợi người hữu duyên tới thưởng thức cũng tốt, không vừa ý cái này, anh có thể xem những thứ khác, nếu không có cái nào hợp với bạn gái anh thì thật đáng tiếc.”
La Nhận hỏi cô: “Sao lại đáng tiếc?”
Cô không đáp, vươn tay ra: “Liên Thù.”
Người ta chủ động kết giao, không đáp lại thì thật không phải phép, La Nhận vươn tay, bắt tay hờ với cô: “La Nhận.”
Tay cô trơn láng mềm mại, lúc buông ra, móng tay khẽ gãi một cái vào lòng bàn tay anh.
La Nhận không quá ngạc nhiên, trong dự liệu.
Lại lặp lại câu hỏi: “Sao lại đáng tiếc?”
Liên Thù nói: “Tiệm này tên là ‘Liêm Diễm’.”
Chẳng lẽ còn có điển cố gì à?
La Nhận cười cười, cũng không khách khí nhiều nữa: “Tôi ít đọc, ban đầu trông thấy còn cảm thấy cái tên này đặt diễm tục quá.”
Chữ “Diễm” này như hoa như phấn vậy, xanh xanh đỏ đỏ, quá mức ướt át phóng túng, thiếu mất chút u chút nhã.
Liên Thù làm như nghe không hiểu anh nói ý ở ngoài lời: “Cuối triều Minh đầu triều Thanh, có một người phụ nữ tên là Đổng Tiểu Uyển, soạn một cuốn sách tên ‘Liêm Diễm’, tuyên bố rằng muốn thu thập ghi lại tất cả những món đồ hương mỹ của con gái vào cuốn sách này.” (*)
(*) Liêm Diễm (奁艳), Liêm là cái tráp đựng đồ trang sức của phụ nữ thời xưa, Diễm là đẹp đẽ, ướt át.
Hóa ra điển cố là vậy.
La Nhận nhìn quanh tiệm: “Vậy nên chỗ này của cô cần gì có đó.”
Gác những cái khác sang một bên, đồ trong tiệm đúng thật là tinh xảo, nghiên mực hoa văn hình phượng, kéo cắt nhung lụa, túi hương, hà bao, còn cả thảo lý kim (*) có thể dùng làm cúc áo…
(*) Cái hồ lô cực nhỏ vê bằng tay thì được gọi là thảo lý kim, càng nhỏ càng là cực phẩm, giá càng cao.
Nếu là “thu thập ghi lại tất cả những món đồ hương mỹ của con gái”, tức là đang bày ra cái thế không mua chút gì thì đi không được ấy hả?
Ánh mắt La Nhận đậu lên một cái tượng đất hình người.
Là tượng một cô gái nhà nông trẻ tuổi, đeo tạp dề, đội khăn lam in hoa, tay phải cầm một cái chổi, cái chổi được làm bằng nan trúc thật bó lại, tay trái xách cái làn, trên cánh tay treo bọc quần áo.
Bọc quần áo cũng là dùng mảnh vải nhỏ cuộn thành, nhìn gần, trong làn có đựng ít gạo, là gạo thật.
Đề giá 1200.
Một cái tượng đất thôi mà, cái cô Liên Thù này thật đúng là biết làm tiền.
La Nhận cười cười, nói: “Quấy rầy rồi.”
Anh xoay người rời đi, lúc đẩy cửa, Liên Thù ở phía sau hỏi: “Không vừa mắt món nào sao?”
Nói thế cũng không đúng, chỉ là anh không có hứng thú xem tiếp thôi.
Chắc là không hợp với không khí của tiệm này.
“Hay là, anh có hứng thú muốn xem hai món trấn tiệm chỗ tôi không?”
Trấn tiệm?
La Nhận xoay người lại, đáp: “Được thôi.”
Thực ra anh cảm thấy hứng thú với giá tiền hơn, vật trấn tiệm, cô nàng này sẽ ra giá bao nhiêu đây?
Liên Thù đi tới, lật tấm biển gỗ “đang mở cửa” vào trong, đổi thành “đã đóng cửa” quay ra ngoài, lại cúi người xuống, bấm chốt khóa cửa kính, sau đó quay về phía anh tiêu sái ra dấu “mời”.
Từ phía này nhìn sang, bấy giờ La Nhận mới phát hiện ra, trong góc Liên Thù ngồi ban nãy, đằng sau treo một bức tranh Phật thêu chỉ màu chứ không phải là tranh vẽ.
Đồng thời cũng là một tấm mành treo làm cửa, bên trong còn có một gian phòng.
Thấy La Nhận có vẻ lưỡng lự, Liên Thù nhìn anh, khóe miệng hơi nhếch lên: “Không dám à? Sợ tôi ăn anh?”
La Nhận nói: “Xương tôi cứng lắm, e là cô nuốt không nổi.”
***
Bức Phật thêu được vén lên, bên trong là một căn phòng nhỏ, bốn vách tường đều phủ nhung đen, ở giữa có một cái bệ đỡ, bên trên đắp một tấm nhiễu điều viền chỉ vàng, bốn góc đính tua rua nho nhỏ.
Trông rất giống khăn đội đầu của các tân nương thời cổ đại, không biết là đậy cái gì, có điều nhìn hình dạng thì có vẻ như là một cái rương hình chữ nhật.
Giá thì lại thấy được, mẩu giấy ướp hương được dán lên cạnh bệ đỡ, không biết có phải là cố ý chỉ dán một góc hay không, vừa có người đi vào, giấy thơm lập tức run run.
188.000, giá được đấy.
Rốt cuộc là món đồ gì mà đắt giá đến vậy? Còn phải dùng khăn đội đầu của tân nương ra đắp nữa?
Liên Thù đi tới, nín thở tĩnh lặng, gần như thành kính, chậm rãi vén tấm khăn voan lên.
Bên trong đặt một lồng vuông bằng thủy tinh chẳng khác tủ trưng bày trong viện bảo tàng là bao, bên hông có một ô cửa nhỏ để mở lồng.
Trong tủ kính…
La Nhận thầm mắng một câu vãi chưởng trong lòng.
Là hai đôi giày thêu gót sen ba tấc.
Một đôi bằng gấm đỏ thêu cá chép nghịch nước, một đôi bằng gấm xanh thêu hoa cúc ôm lan.
Loại giày này, hình dáng tất nhiên là không giống với giày thêu thông thường, vòm bàn chân cong lên.
Chân một người, phải tàn phá cho thành hình dạng nào mới có thể nhét được vào đôi giày như vậy?
Liên Thù mở ô cửa bên hông lồng thủy tinh, lấy đôi gấm đỏ ra trước, có tiếng vang khẽ, cũng không phải là tiếng do vòng tay của cô đụng vào nhau phát ra.
Cô giơ đế giày lên cho La Nhận xem, đế giày treo hai cái chuông rất nhỏ.
“Đôi này gọi là cấm hài (*), anh biết treo chuông để làm gì không?”
(*) Cấm hài (禁鞋), cấm là chịu đựng, nhẫn nhịn, cũng có nghĩa là giam cầm, ngăn cấm, hài là cái giày.
La Nhận nhíu mày, vẫn duy trì lễ độ cơ bản: “Để êm tai à?”
“Để nhắc nhở người con gái lúc bước đi dáng đi phải đoan trang ổn trọng, đi lại vững vàng đến khi nào chuông không phát ra tiếng mới được coi là hợp quy cách.”
Cô trân trọng đặt lại đôi này về, rồi lấy đôi gấm xanh kia ra, như cũ quay đế giày lên.
Đôi này thoạt nhìn không có gì đặc biệt, chỉ có một điểm, đế giày điêu khắc một đóa sen, chạm rỗng lõm vào trong.
Chờ anh nhìn rõ, cô lại quay giày về mặt trên, kéo từ phía sau ra một cái, hoá ra là có một ngăn nhỏ tinh xảo, lót lưới vải sa làm đáy, bên trong đựng phấn thơm.
Đẩy ngăn kéo đóng lại, nói: “Đôi này, lúc bước đi, giẫm chân xuống rồi nhấc lên, phấn sẽ lọt khỏi lưới sa rơi xuống dưới, in hình đóa sen điêu khắc ở đế giày lên mặt đất, mỗi bước là một đóa sen, gọi là bộ bộ sinh liên.”
“Những cô gái tâm tư khéo léo, chạy một vòng in vô số hình sen nhỏ tạo thành một đóa sen lớn, anh nghĩ xem, dưới ánh hoàng hôn, vạt váy tung bay, dưới chân nở sen, thật đúng là tuyệt đẹp…không gì tả xiết…”
“Hai đôi một trăm tám mươi tám nghìn?”
“Một đôi.” Liên Thù nhẹ phủi mặt gấm, “Có điều, dù có đủ tiền cũng chưa chắc tôi đã bằng lòng bán, vẫn câu nói kia, phải đợi người hữu duyên tới thưởng thức.”
La Nhận bật cười: “Biến thái hữu duyên ấy hả?”
Mặt Liên Thù biến sắc.
La Nhận tự sửa miệng: “À, ý tôi thực ra là, chắc là người hữu duyên thích mấy món đồ cổ quái, ngoại trừ các chuyên gia, học giả nghiên cứu phong tục tập quán dân tộc hoặc nhà sưu tầm bảo tồn đồ cổ ra.”
Sắc mặt Liên Thù càng lúc càng xấu.
La Nhận nói: “Chịu thôi, tôi không thưởng thức nổi kiểu đẹp này. Gót sen ba tấc, tôi đúng là đã từng nghe đến, cũng từng nghe nói về chén rượu sen vàng gì đó, có điều tôi vẫn cho đó là sở thích đam mê những món cổ quái của mấy tay đàn ông tâm lý có chút không bình thường.”
“Có điều đến cô đây cũng là một phụ nữ, tôi thực sự không thể hiểu nổi vì sao cô lại thích những món này, lại còn có thể nói những lời như tuyệt đẹp không gì tả xiết, tôi không nhìn ra được tuyệt đẹp chỗ nào, chắc là do thẩm mĩ giữa hai chúng ta chênh lệch quá lớn rồi.”
Sắc mặt Liên Thù xanh mét, ngón tay nắm giày thêu hơi run run.
“La Nhận, đến cả lễ độ và tôn trọng cơ bản nhất anh cũng không có.”
La Nhận cười cười: “Thế à?”
Anh rất biết nghe lời phải mà “lễ độ” cáo biệt cô: “Không cần tiễn đâu.”
Đi xa khỏi đó rồi, La Nhận nghĩ cẩn thận lại, rốt cuộc cũng nghĩ ra mình và không khí cái tiệm đó không hợp nhau chỗ nào.
Liêm Diễm, rốt cuộc là thu thập tất cả những món đồ hương mỹ của con gái, hay chỉ những món đồ chơi làm đẹp cho phụ nữ dựa theo thẩm mĩ của đàn ông?
***
Vẫn còn sớm, La Nhận bèn qua Họp Tan Tùy Duyên chơi.
Tào Nghiêm Hoa đang chạy qua chạy lại bưng rượu trong quán, không biết có phải là do ngày nào cũng luyện công hay không mà thân hình mập ú của gã trông lại có vẻ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, thoáng liếc thấy anh, giọng nhất thời hăng hái hơn hẳn, cao vống lên một quãng tám: “Aiz, anh Tiểu La, vào trong ngồi đi…tới ngay đây…”
Có khách che miệng khúc khích cười trêu, Tào Nghiêm Hoa chẳng khác nào biến thẳng một quán bar hữu tình lãng mạn thành phong cách ỏm tỏi kiểu quán ăn bình dân.
Mọi kiềm nén và khó chịu lúc trước được quét sạch, so ra thì, anh vẫn thích bầu không khí thế này hơn, có thể không tinh tế, nhưng thắng ở chỗ không câu thúc gò bó, thản nhiên tự tại.
La Nhận chọn một chỗ trong góc ngồi xuống, Một Vạn Ba tới trước, đưa cho anh một bìa đựng tài liệu lớn bằng giấy dai.
La Nhận nhận lấy, mở miệng ra cảm ơn hắn chuyện khác trước: “Bác Trịnh gửi lời cảm ơn cậu mấy ngày nay đã dành thời gian chơi với Sính Đình.”
Không ngờ anh sẽ nói vậy, Một Vạn Ba có chút mất tự nhiên.
La Nhận hỏi hắn: “Thích Sính Đình hả?”
Một Vạn Ba hỏi một đằng đáp một nẻo: “Tôi lọt được vào mắt nhà anh chắc?”
La Nhận đặt bìa đựng tài liệu sang một bên: “Bất kể là tôi hay bác Trịnh đều không có tư cách làm chủ thay Sính Đình, phải xem ý cô ấy.”
Một Vạn Ba cười rộ lên, hắn ngả người dựa lên ghế ra dáng rất thờ ơ, mở hai tay ra, mắt nhìn lên trần nhà.
Dừng một chút rồi nói: “Ở bên Sính Đình rất tự tại. Mấy người các anh ấy à…”
Hắn liệt kê từng người một: “Cô chủ nhỏ xem tôi như một tên lừa đảo, chú Trương coi tôi là một thằng ăn cơm không phải trả tiền, Tào Mập tuy gọi tôi là anh em nhưng tôi trong mắt anh ta sớm cũng đã định hình, phú bà thì khỏi nói, ngày nào cũng muốn chặt tôi ra thành sáu ngàn rưỡi…”
Hắn nhìn La Nhận: “Kể cả anh, trong mắt anh, tôi cũng chẳng tốt lành gì, xuất thân thì hỗn loạn, ăn cơm lừa uống nước gạt, tôi lọt nổi vào mắt nhà các anh sao? Anh đáp nghe thì khéo lắm đấy, thực ra rõ ràng là nhìn không vào.”
Hắn móc một bao thuốc lá trong túi ra, rút một điếu, châm lửa, cắm xéo ngậm trong miệng, liếc sang La Nhận: “Cho nên anh hiểu chưa, ở cạnh Sính Đình rất tự tại, cô ấy không nhìn tôi với lắm tầng thành kiến như thế.”
“Nhưng mà, đợi cô ấy khỏe lại rồi thì cũng chẳng còn ngày đó nữa…”
Lời còn chưa dứt, chú Trương đi ngang qua tức giận giật điếu thuốc trong miệng hắn ra: “Oắt con, khách lại phàn nàn cho xem, đã bảo bao lần rồi!”
Một Vạn Ba nhún nhún vai với La Nhận.
Như là đang nói: Thấy chưa, tôi đã nói rồi mà.
Tào Nghiêm Hoa phấn khích chạy qua bên này: “Anh Tiểu La, uống gì không?”
Còn bảo Một Vạn Ba: “Tam Tam, cậu tích cực lên chút đi chớ, tích cực mới có tiền thưởng, đừng có tiền tới mồm lại không thèm đớp thế.”
Ghi xong đơn, lại hào hứng chạy về quầy bar.
La Nhận nói: “Cậu không cảm thấy Tào Mập rất cố gắng chăm chỉ à?”
Một Vạn Ba cười nhạt: “Cả người anh ta chỉ còn mấy tấm vé, nằm mơ cũng nói mớ ngọc trai. Chăm chỉ chỗ nào?”
“Anh ấy muốn luyện công, tôi luôn cho là anh ấy nói chơi, không ngờ lại thật sự kiên trì. Anh ấy nói không làm trộm nữa là thật sự không làm, ban ngày chạy bàn ở quán cơm, tối lại làm công ở quán bar, tôi không biết anh ấy có thấy mệt không nhưng chí ít thì ngoài mặt tinh thần rất tốt.”
Anh cầm bìa tài liệu lên, không nhìn Một Vạn Ba nữa, từng vòng từng vòng cởi nút dây quấn của bìa đựng: “Cậu trách Mộc Đại xem cậu là đồ lừa đảo, có từng nghĩ tới, đó là bởi vì cậu từng làm chuyện ấy, để cô ấy bắt được, hơn nữa, cậu cũng không muốn sửa đổi không.”
“Tào Nghiêm Hoa cũng từng làm trộm, nhưng cậu có thấy Mộc Đại gọi anh ấy là trộm lần nào chưa? Quá khứ của một người ra sao, xuất thân thế nào đều không quan trọng đến vậy, quan trọng là hiện tại và sau này, người đó đối nhân xử thế ra sao. Cậu cầm tiền lương, lúc làm việc lại dửng dưng nằm ngửa, hút thuốc, chú Trương dựa vào đâu mà có thể không mang thành kiến nhìn cậu chứ?”
“Dù là tôi, nghĩ đến tương lai để Sính Đình qua lại với cậu, cũng phải băn khoăn nữa là.”
Một Vạn Ba không hé răng, từ từ ngồi thẳng dậy, thoáng thu lại dáng vẻ buông tuồng.
La Nhận rút từ bìa tài liệu ra mấy tờ giấy.
Đều là giấy vẽ khổ A4, miêu tả rất chi tiết, dùng kim băng ghim chắc, chia làm hai tập.
Tập thứ nhất, tờ đầu là cảnh tượng chăng dây của con rối dây câu, tờ thứ hai là ảnh nước có chó và lồng Phượng Hoàng Loan, tờ thứ ba là đàn thú tiên nhân chỉ lối trên giác tích.
Tập thứ hai, tờ đầu là bức tranh bằng xương thú dưới đáy biển phụ cận thôn Ngũ Châu, tờ thứ hai là ảnh nước hình người phụ nữ táng thân trong biển lửa.
La Nhận ngẩng lên nhìn Một Vạn Ba.
Một Vạn Ba nói: “Căn phòng anh dùng để để Hung Giản trống trải quá, anh dán mấy cái này lên tường đi. Tôi cứ cảm thấy, chuyện này vẫn chưa xong.”
Hắn cầm lấy hai tập giấy vẽ, chia ra lật tới hai bức ảnh nước, đẩy qua cho La Nhận xem.
“Anh không cảm thấy kỳ quái à, trên hai bức ảnh nước đều xuất hiện con chó, nhưng suốt đoạn đường chúng ta đi qua, chuyện…hoàn toàn chẳng có gì liên quan đến chó hết.”
Chẳng biết mọi người sao chứ chương này tớ thấy La Nhận ngầu vãi cha mẹ các cậu ạ ;;;A;;;
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT