Những quán cơm ven đường thế này, một ngày ba bữa thêm một bữa ăn khuya, ca ăn khuya là hỗn loạn nhất.

Đại khái thì ban ngày ban mặt trời sáng bảnh mắt, người ta còn có thể gắng sức mà kiềm chế bản thân, lịch sự lễ độ được chứ đến tối khuya thì rất dễ nảy sinh tâm lí buông thả bản thân.

Phanh ngực hở lưng gác chân lên bàn, to tiếng mua say, mượn rượu giả điên, từng cảnh từng cảnh thô tục nhảm nhí này, Mộc Đại chỉ coi như là một môi trường hỗ trợ cô tu tâm dưỡng tính.

Bàn gấp trong quán được mở hết ra, trong tiếng chơi đố số ầm ĩ, thức ăn bưng lên không ngơi nghỉ, Mộc Đại bưng khay nghiêng người: “Nhờ chút, nhờ chút.”

Có người không nhịn được trừng cô, cô không chút khách khí trừng lại, có một vị khách say rượu mặt dày quay qua sờ ngực cô, bị cô bắt lấy cổ tay vặn cả cánh tay ra sau lưng, cả người úp sấp xuống bàn, Mộc Đại giội một cốc bia lên đầu hắn, nói: “Nào, làm phát cho tỉnh rượu.”

Vị khách kia vô cùng tức giận, vùng vẫy đứng lên, đầu lắc lắc, giọt bia bay tán loạn, hệt như một con chó bị rơi xuống nước vừa bò lên bờ.

Trong quán lặng im vài giây, vị khách kia nhấc một đĩa đồ ăn lên muốn đập xuống đất.

Mộc Đại nói: “Anh dám!”

Vị khách kia bị cô nạt, cầm cái đĩa mà đập không được, không đập cũng không xong.

Trịnh Thủy Ngọc sợ phiền phức, vội tới nhéo tay Mộc Đại: “Mau xin lỗi khách đi.”

Mộc Đại nhìn người nọ chòng chọc, bắt đầu cởi dây tạp dề: “Ra ngoài đánh tay đôi không?”

Ánh đèn ngoài phố nhỏ đung đưa, người trong quán bắt đầu nhao nhao.

“Hoặc là…” Cô vươn tay cầm lấy một chai bia trên bàn bên cạnh, nện một đòn nặng nề lên bàn này, người cả bàn sững sờ nhìn nhau, “Tu chai (*)?”

(*) Nguyên văn: 吹瓶, là kiểu thách uống rượu/bia không dùng cốc, ngửa cổ tu cả chai nốc cạn.

Vẻ mặt người kia xấu hổ, người đi cùng vội đứng dậy khuyên giải, nhờ vậy mới làm nguôi đi được bầu không khí giữa hai người, không đánh đôi cũng không tu chai.

Ca ăn khuya tiếp tục, chỉ là các bàn các nhóm dường như trật tự hơn rất nhiều, lúc Mộc Đại mang thức ăn từ bếp lên, có người còn chủ động dịch ghế nhường đường cho cô.

Lúc quay trở lại sau bếp, ánh mắt đám Trịnh Thủy Ngọc nhìn cô không còn như trước nữa.

Trịnh Lê nói: “Chị Mộc Mộc, trước đây chị từng gặp trường hợp này rồi à? Giải quyết trơn tru vậy cơ mà?”

Mộc Đại nói: “Không có.”

Cô nghĩ ngợi một chút, cũng hơi ngượng ngùng: “Lần đầu tiên.”

Mặt Trịnh Lê trắng bệch: “Vậy chị…như thế…”

Mộc Đại nói: “Những người này, nhìn qua là biết chỉ quen giải quyết bằng nắm đấm, tôi phải mượn lần này ra oai lập uy, đúng không? Nếu không ruồi nhặng không chỉ có một con mà có cả đàn, ngày nào cũng tới, không dứt điểm thì phiền không cơ chứ?”

Trịnh Thủy Ngọc: “Tóm lại là cháu mạnh miệng chứ gì.”

Bà lo lắng: “Nguy hiểm quá đi mất, nếu thật sự phải ra ngoài đánh tay đôi thì phải làm sao?”

Mộc Đại thờ ơ như không: “Cũng đâu phải là cháu đánh không lại hắn.”

“Tu chai thì sao?”

“Tu một hai chai thì có là gì?”

Trịnh Thủy Ngọc á khẩu không trả lời được, lúc sau len lén nói với Hà Cường: “Sao tôi cứ cảm thấy không thực tế thế nhỉ?”

Hà Cường đang mải trông bếp, bảo bà: “Bà đó, cái tính chợ búa không giấu đi đâu được, lúc nào cũng muốn mời được một nhân viên toàn năng, lúc mời được thật rồi thì lại sợ đông sợ tây. Nếu bà thật sự sợ nó ra trước không được thì bảo nó ra sau bếp làm đi vậy.”

Giữ Mộc Đại làm ở sau bếp, Trịnh Thủy Ngọc cũng muốn thế thật, nhưng nhìn Trịnh Lê mặt nhăn mày nhó như vậy, đành phải nhịn xuống.

Đến gần nửa đêm, khách lục tục giải tán, chỉ còn lại một bàn đầy côn đồ, tuổi không lớn, chừng mười tám mười chín, tự mang bia tới uống.

Trịnh Thủy Ngọc ngại kiểu này nhất, chẳng kiếm được chút mỡ màng gì, một đĩa lạc thêm một đĩa khoai tây sợi là có thể ngồi lì ở đó uống rượu những hai tiếng, chiếm một cái bàn mãi không chịu đi, ảnh hưởng đến việc bà dọn quán, còn rất dễ gây sự nữa.

Quả nhiên, lúc sau đã nghe thấy tiếng đập bàn hò hét.

Trịnh Thủy Ngọc đau hết cả đầu, dặn dò Mộc Đại: “Cháu ra trông đi, đừng để chúng nó đập phá đồ đạc.”

Mộc Đại kéo ghế, ngồi xuống cách đó không xa.

Cũng chẳng rõ chúng ầm ĩ vì lí do gì, mặt đỏ tía tai, lớn tiếng với một tên con trai mập mạp: “Có gan thì đi đi, không đi không phải đàn ông!”

Chỗ nào thần kỳ vậy, nghiêm trọng đến độ không đi không phải đàn ông cơ à.

Tên con trai kia lúng túng, hai má núng nính rung rung, tựa hồ đang rất khó xử.

Tên đầu húi cua cầm đầu tát cho hắn một phát vào ót vang dội.

“Mày có gan không thế? Đi xem thôi chứ ai đòi mạng mày đâu?”

Tên mập ngập ngừng nói: “Tao nghe nói rất đáng sợ…”

“Bọn tao đều đã đi rồi, chỗ nào đáng sợ? Còn không phải là đều êm đẹp trở về sao?”

Tên mập co ro giương mắt: “Người ta nói…”

Hắn hạ giọng, mặt sợ sệt: “Vào nửa đêm, dán tai lên đài xi măng nghe, có thể nghe thấy tiếng tim đập, giống như là trong đó có người…”

Mộc Đại liếc hắn, giọng nói vừa đúng, vẻ mặt biểu cảm cũng vừa đúng, không đi diễn phim kinh dị thật đúng là mất mát của làng diễn xuất.

Đầu húi cua chửi hắn, lại giơ tay lên, muốn tát thêm phát nữa.

Mộc Đại lên tiếng: “Này.”

Thái độ cô sốt ruột, trên mặt viết rõ hai chữ đuổi người.

Đầu húi cua hơi sợ cô, tay giơ lên đổi thành tóm xuống, nắm lấy áo tên mập đẩy ra ngoài: “Đi đi.”

Cả đám đứng dậy, sầm sập ra khỏi quán, có người đập tiền cơm lên bàn.

A di đà phật, ngày hôm nay dài thật đấy, cuối cùng cũng kết thúc công việc được rồi.

***

Ngoài cửa, tên mập cúi đầu ủ rũ, nơm nớp lo sợ.

Đầu húi cua rất xem thường hắn, nói: “Thằng cu mày lớn gan hơn một chút đi được không…”

Tên mập cố hết sức biện hộ cho mình: “Thật mà, tao còn nghe nói…”

Chưa nói đến hắn đã tự rùng mình trước: “Người ta nói, trong cái đài xi măng đó vùi một người phụ nữ, đêm nào không trăng, ả sẽ đi một đôi giày cao gót màu đỏ…”

Đầu húi cua đẩy hắn một cái lảo đảo: “Cút, không có gan đi thì đừng đi theo bọn tao nữa.”



***

Mộc Đại cảm thấy, mình và Trịnh Lê nói chung là có sự khác biệt.

Cuối cùng cũng xong ca, cô sức cùng lực kiệt chỉ muốn ngủ, vậy nhưng Trịnh Lê lại vẫn còn tinh thần, muốn đi chơi net.

Mộc Đại truy vấn, Trịnh Lê ngượng nghịu: “Em đã hẹn lên chat với người ta rồi…”

Hai má ửng đỏ, người kia chắc là một cậu trai cùng tuổi nào đó, quán net ở ngay nhà bên dưới tầng, Mộc Đại cũng không phải lo lắng cho an toàn của cô bé: “Vậy đi đi, đi sớm về sớm.”

Trịnh Lê dạ một tiếng, vui sướng như chim nhỏ sổ lồng.

Không có Trịnh Lê, căn phòng yên tĩnh hẳn khiến người ta không quen, cái đồng hồ treo tường cũ kĩ cứ đúng giờ là báo tiếng, không hề e ngại quấy nhiễu mộng đẹp của ai chút nào.

Lúc đồng hồ điểm ba tiếng, Trịnh Lê trở về.

Cô bé rón ra rón rén, như sợ làm ồn ảnh hưởng đến Mộc Đại, lại cũng như có chuyện muốn nói với cô, dừng lại bên gối cô một lúc, hỏi như thì thầm: “Chị Mộc Mộc, chị còn tỉnh không?”

Không có tiếng đáp lại, Trịnh Lê nghĩ, chắc là ngủ rồi.

Vừa mới xoay người, Mộc Đại ở phía sau hỏi: “Có chuyện gì?”

Trịnh Lê bị dọa sợ suýt vấp ngã.

Quay đầu lại, Mộc Đại đã chống tay ngồi dậy.

Trịnh Lê dè dặt: “Em đánh thức chị à?”

Mộc Đại nói: “Vốn cũng không ngủ được, có chuyện gì à?”

Trịnh Lê đáp: “Em lên mạng, tìm thử giúp chị, không phải chị muốn tìm một người phụ nữ đi giày cao gót màu đỏ sao? Em tra giúp chị.”

Mộc Đại không biết nên khóc hay nên cười: Cách này tìm sao đúng được chứ.

Quả nhiên, Trịnh Lê kể, tra ra được một chuyện kinh dị về người phụ nữ đi giày cao gót màu đỏ.

Giày cao gót màu đr, giày thêu hoa các loại, những cái kiểu này trước giờ vẫn luôn đề tài quen thuộc đến nhàm chán của những câu chuyện kinh dị, Mộc Đại đến hứng thú nghe cũng chẳng có.

Cô lại lần nữa nằm xuống, giọng điệu ra lệnh: “Ngủ.”

Trịnh Lê không còn cách nào khác, quấy quá rửa mặt rồi chui vào chăn.

Kim giây trên đồng hồ kêu tích tắc, nhắm mắt lại, trong đầu chỉ toàn là tình tiết của câu chuyện thấy được trên mạng.

***

Ban đầu, cô vốn thật sự là lên net chat, nhưng sau khi anh chàng tên “Kị sĩ truy phong” kia gửi một tấm selfie đến thì cô hoàn toàn không còn hứng thú gì nữa.

Có một câu nói cũ nói rất đúng: Xấu thì đừng có ra cửa dọa người.

Nhưng đặt tiền net hai tiếng, thời gian còn lại làm gì thì tốt nhỉ?

Bỗng nhiên nghĩ đến: Chị Mộc Mộc không phải là muốn tìm người sao?

Vì vậy bèn mở trang tìm kiếm, nhập: Nam Điền, giày cao gót màu đỏ.

Bất ngờ là, kết quả tìm kiếm rất nhiều, tiêu đề giống hệt nhau, có thể thấy được là cùng một nội dung được đăng đi đăng lại nhiều lần.

Giống như tất cả những cô bé cùng độ tuổi, đối với những câu chuyện kinh dị, Trịnh Lê vừa sợ lại vừa hiếu kì.

Cuối cùng, lòng hiếu kì chiến thắng, con chuột dịch tới dịch lui, rốt cuộc vẫn click vào.

Trong đó kể là gần hai mươi năm trước, huyện Nam Điền sửa một bức tượng điêu khắc.

Theo dự định quy hoạch lúc đó, tượng điêu khắc này sẽ đặt ở ngã ba giữa ba con đường cái mới sửa, tiếp nối mở lối, tượng trưng cho sự phát triển của đô thị, bởi vậy nên tượng điêu khắc hình một con tuấn mã đang ngẩng đầu vọt lên, nền là một cái đài xi măng dày nặng.

Nhưng kế hoạch không địch nổi biến hóa, tượng điêu khắc xong xuôi rồi, ban lãnh đạo lại có ý tưởng quy hoạch mới, trung tâm thành phố được chuyển sang phía nam, những con đường cái khác nối thông với đường tỉnh, nơi này cùng phạm vi chung quanh hoàn toàn lụi bại, rớt thẳng xuống thành một khu vực nửa thành thị nửa nông thôn, giống như những gì Mộc Đại thấy trước đó, trên ruộng mọc đầy lúa mạ, bất cứ lúc nào cũng có thể bắt gặp một con ngỗng trắng nhởn nhơ đi dạo.

Tưởng tượng ra thì, cảnh sắc vừa lạnh lẽo vừa kỳ dị, khu vực ngoại ô lụn bại, người ở thưa thớt, bức tượng điêu khắc dựng ở đây hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với cảnh vật xung quanh.

Không ai quản lý, không ai giữ gìn, nơi này trở thành một khu vực hỗn tạp chỉ toàn côn đồ và những kẻ không có nghề ngỗng cố định, muốn đánh lộn có đánh lộn, muốn phóng đãng có phóng đãng, trên đài xi măng có đủ các loại dùng sơn viết bậy vẽ bạ, viết thì toàn chửi tục, vẽ thì toàn phóng tác, tóm lại, xem không hiểu là đúng rồi.

Cũng không biết là năm nào, có một vụ ẩu đả rất lớn, đầu ngựa cũng bị đập vỡ mất nửa.

Sau đó, câu chuyện kinh dị kia được truyền ra.

Kể là, vào buổi đêm vắng lặng, nếu một mình tới trước đài tượng ngựa, dán tai lên đài xi măng nghe cẩn thận, sẽ nghe thấy tiếng tim đập.

Giống như trong đài xi măng vùi một người sống vậy.

Còn nói, lúc đang nghe đến nhập thần, sau gáy sẽ đột nhiên có gió lạnh phất qua, vội quay đầu nhìn lại, phía sau đương nhiên là không có người, nhưng nếu cúi xuống sẽ phát hiện ra, phía sau có một đôi giày cao gót màu đỏ…

Trịnh Lê sợ đến da đầu tê rần.

Rất nhiều người xác nhận, khiến người ta khó tưởng tượng được là, đây vậy mà lại trở thành một địa điểm giải trí của cái đất Nam Điền có đời sống tinh thần văn hóa cằn cỗi này, rất nhiều người lấy chuyện này ra thách nhau, so đấu gan dạ, chuyên canh lúc trời tối trăng mờ mà ra đấy, dùng bút xóa viết lên đài XXX đã từng qua đây như để khoe khoang.

Lúc chuyện gây xôn xao dư luận nhất, đội thi công lúc trước đã đứng ra bác bỏ tin đồn, nguyên văn lời đốc công là: Vớ vẩn! Lúc đó không có xe nâng cỡ lớn, xi măng làm đài là chúng tôi trộn xong từng xẻng từng xẻng đổ vào, nếu có người sống thật, sao chúng tôi lại không biết.

Nhưng tốc độ tin đồn luôn nhanh hơn chứng thực, hoặc giả, trong lòng mọi người, ai cũng thầm mong ngóng những chuyện kinh dị kích thích, có thật hay không chỉ là thứ yếu.

***

La Nhận đang ngủ mơ màng thì bị điện thoại Thần Côn gọi đánh thức.

Nửa đêm nửa hôm thế này, hẳn sẽ không phải là gọi để hàn huyên, La Nhận ngồi dậy trong bóng tối, hỏi: “Chú đến ải Hàm Cốc rồi?”

Thần Côn nói: “Sớm rồi.”

Trong giọng lão có phần kích động hiếm có.

La Nhận nhận ra: “Có chuyện gì à?”

Thần Côn nói: “Tuy tôi không quá quan tâm đến chuyện của các cậu và Hung Giản, nhưng cũng không có nghĩa là tôi không để ý. Tôi vẫn cảm thấy, Hung Giản là một đề tài rất đáng nghiên cứu…”

La Nhận bật cười: Trên đời này, chắc cũng chỉ có mỗi Thần Côn mới gắn cho những truy tìm này cái mác “nghiên cứu” hay “đề tài”…

“Sau thanh Hung Giản thứ hai, tôi đã bảo Tiểu Vạn Vạn giúp tôi để ý một việc, bởi tôi cũng không chắc chắn lắm nên không đề cập với các cậu, chỉ là hi vọng, có thể phát hiện ra chút gì đó từ một góc độ mới…”

Tiểu Vạn Vạn, đương nhiên là Vạn Phong Hỏa rồi.

Vạn Phong Hỏa rất nể mặt Thần Côn, Thần Côn đại khái hẳn là người duy nhất có thể lấy tin tức từ y mà không phải trả tiền, bởi lão đã từng chém đinh chặt sắt mà nói: Muốn tiền thì không có, muốn mạng thì có một cái.

La Nhận hơi căng thẳng, anh vươn tay, chạm tới công tắc mở đèn trên kệ đầu giường rồi thì lại từ từ rụt về.

Cứ như bóng tối có thể đem lại cảm giác an toàn vậy.

Anh hỏi: “Chú muốn tra cái gì?”

“Mấy bức vẽ, hình minh họa người rối dây câu, bức tranh khổng lồ dưới đáy biển Hợp Phố, có từng xuất hiện ở những nơi khác, dưới hình thức khách hay không.”

“Có không?”

Thần Côn dừng lại một chốc, giữa khe chốc này, La Nhận nghe thấy tiếng hít thở của mình ngừng lại.

Sau đó, lão nói: “Có.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play