---
Muốn tỉnh nghe chuông sớm, khiến người giác ngộ sâu.
---
Huỳnh Công Lý cắt ngang:
- Hừ, lão trọc! Ngươi tưởng nói mấy lời vớ vẩn có thể gạt được ta sao?
Pháp Châu hòa thượng:
- Huỳnh giáo chủ, phải chăng ngài cũng luyện hết hai tầng của Duy Ngã huyền công thì bị bế tắc tại đó?
Huỳnh Công Lý không đáp. Pháp Châu hòa thượng nói tiếp:
- Bản chất ngài thông minh tuyệt thế, tuy không thể vượt lên tầng ba nhưng đã tự sáng tạo thêm, khiến cho Duy Ngã huyền công rẽ sang một đường khác. Tuy vậy tà không thể thắng chánh, cái ngài sáng tạo vẫn không thể bằng con đường chính ngạch được. Lẽ ra nếu ngài bớt được một chút tham sân si, tăng thêm một chút từ bi thì với trí thông minh hiếm có như ngài, sẽ không khó để vượt phá lên tầng ba của Duy Ngã huyền công.
Huỳnh Công Lý ngẫm nghĩ một lát, bỗng nhiên rộ lên một tràng cười đanh ác:
- Ta biết ngươi là ai rồi!
Pháp Châu hòa thượng niệm lớn:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.”
(Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.)
Huỳnh Công Lý nghe Pháp Châu hòa thượng tụng bài kệ trong kinh Kim Cang thì đột nhiên nổi giận đùng đùng, gầm lên:
- Lão trọc, năm xưa Diệp Thiên Ân cũng nói với ta những lời thối tha đó.
Dứt lời, Huỳnh Công Lý đánh vù ra một chưởng thật hung bạo. Pháp Châu hòa thượng “ối” lên một tiếng thật lớn, máu tươi trong miệng phun ra như suối, thương thế đã nặng giờ càng nặng hơn.
Pháp Châu hòa thượng gượng người ngồi thẳng dậy, lâm râm tuyên Phật hiệu:
- A Di Đà Phật! Huỳnh thí chủ, Duy Ngã huyền công vốn là võ công chánh đạo, nhưng rơi vào tay ngài lại ngày càng đi vào con đường ma đạo. Càng luyện ma khí càng công tâm, sớm muộn gì nội lực cũng tự công lẫn nhau, đứt hết kinh mạch mà chết. Bây giờ biết hối cải vẫn còn kịp, mong thí chủ đừng tự chặt đứt đường lui của chính mình.
Nói rồi, lão tăng tụng lên một bài kệ:
“Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái!”
Huỳnh Công Lý nghe lão hòa thượng phân tích thì giật nảy mình nhưng bản tính bá đạo quen thói, lại tự phụ nên không dễ gì chấp nhận, bèn đứng lên, vận kình ra song chưởng, quyết giết chết lão kỳ đà cản mũi này.
Tuy nhiên, lúc Huỳnh Công Lý động thủ thì Nguyễn Đăng Bảo cũng đã phóng vọt lên. Huỳnh Công Lý thấy chàng thanh niên nhanh chóng phục hồi thì hơi ngạc nhiên nhưng cũng ứng biến không chậm, liền đổi mục tiêu, đánh đôi chưởng về phía Nguyễn Đăng Bảo, kình khí ào ạt xô tới.
Nguyễn Đăng Bảo lúc này tâm sáng như gương. Toàn bộ các huyệt đạo đều cực kỳ nhu hòa dễ chịu, chân khí tự nhiên lưu chuyển không chút trở ngại. Chàng ở trên không, hữu chưởng chụp xuống đầu Huỳnh Công Lý.
Chưởng khí từ lòng bàn tay càng lúc càng mở rộng, như một cây dù lớn, bán kính ước chừng mấy trượng. Đây chính là phép Bạch Tán Cái lừng danh của Duy Ngã huyền công, vốn được tổ sư Bạch Liên Giáo sáng chế từ kinh Thủ Lăng Nghiêm.
- Thiên Thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn!
Nguyễn Đăng Bảo hô lớn, nội lực chảy ra ào ạt.
Huỳnh Công Lý ngước lên trời, chỉ thấy một cái dù trắng khổng lồ đang nhanh chóng chụp xuống. Bàn tay khổng lồ ấy chính là do kình khí của chàng tỏa ra. Huỳnh Công Lý cảm thấy áp lực đè lên lồng ngực càng lúc càng lớn, chực muốn nổ tung. Trời không nắng lắm mà lão mồ hôi tuôn ra như tắm, hơi thở càng lúc càng khò khè, chậm chạp.
Ầm một tiếng lớn, đất đá nổ tung dưới sự chấn động của chưởng lực, bụi bay mù mịt.
Trong cơn bụi mù mịt, chỉ có tiếng Phật hiệu vang lên đều đặn “A Di Đà Phật! Bể khổ vô biên, quay đầu là bờ”.
Cho tới khi gió dừng bụi lặng thì mọi người thấy Huỳnh Công Lý hai chân ngập sâu xuống nền đất, thất khiếu chảy máu.
Nguyễn Đăng Bảo vận chưởng từ từ tiến lại. Huỳnh giáo chủ lúc này không còn chút sức lực phản kháng , chỉ đành giương mắt chịu chết. Nguyễn Đăng Bảo đưa chưởng tâm lên cao, nhằm đầu Huỳnh Công Lý đánh xuống. Lúc ấy, chàng đột ngột quay qua nhìn Pháp Châu hòa thượng.
Lão hòa thượng nở một nụ cười hòa ái, chấp tay niệm:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.”
(Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.)
Đây là bài kệ kết thúc kinh Kim Cang mà lúc nãy lão hòa thượng đã khuyên Huỳnh Công Lý.
Nguyễn Đăng Bảo gật đầu hồi đáp:
- A Di Đà Phật! Tiểu bối đã hiểu.
Chàng bèn thu sát chiêu, không hạ đòn sát thủ nữa mà phát chưởng đánh vào huyệt Khí Hải của lão. Một luồng chân khí chí dương của Duy Ngã huyền công ào ạt xô vào cơ thể Huỳnh Công Lý. Huỳnh giáo chủ cảm thấy một luồng kình lực cực lớn công thẳng vào huyệt Khí Hải, toàn bộ 36 tử huyệt trên cơ thể trở nên đau nhức. Huỳnh Công Lý biết Nguyễn Đăng Bảo muốn phế bỏ công lực tu tập mấy chục năm của mình, liền vận lực kháng cự lại. Nhưng nội lực không tụ được, chỉ đành giương đôi mắt đầy phẫn nộ nhìn chàng.
Nguyễn Đăng Bảo thu tay về, đưa mắt nhìn qua Pháp Châu hòa thượng. Chỉ thấy lão hòa thượng hai mắt đã nhắm nghiền tự lúc nào, hai tay kết thành ấn Tam Muội.
Lữ Toàn Trung tiến lại gần Pháp Châu hòa thượng:
- Hòa thượng đã tọa hóa!
Tất cả mọi người có mặt tại trường đều chấp tay niệm Phật hiệu “A Di Đà Phật”.
Bỗng nhiên Lữ Toàn Trung nhìn kỹ vào lão hòa thượng rồi nói:
- Ta biết hòa thượng này là ai rồi!
Tất cả mọi người đều ngạc nhiên.
- Là ai?
Lữ Toàn Trung cầm bàn tay phải của Pháp Châu hòa thượng run run nói:
- Vũ hộ pháp, không ngờ lại là huynh!
Mọi người nghe đến ba chữ “Vũ hộ pháp” thì ồ lên kinh ngạc. Nguyễn Đăng Bảo tâm thần chấn động, quỳ xuống lắp bắp:
- Lữ thúc thúc, ông nói người này là… cha tôi sao?
Lữ Toàn Trung gỡ bàn tay phải của lão hòa thượng ra, nhìn chằm chằm:
- Năm xưa Bạch Liên Giáo gặp phải đại địch, ta và Vũ hộ pháp thống lĩnh một đội giáo chúng bảo vệ tổng đàn trên núi Nhất Sơn. Trận chiến ấy, rất nhiều anh em bỏ mạng, Vũ hộ pháp cũng trọng thương, đây chính là vết sẹo năm xưa. Giờ đây tuy khuôn mặt có thay đổi nhưng đối chiếu lại phong thái Vũ hộ pháp năm xưa, từ chiều cao đến vóc dáng cơ thể đều không thể nhầm lẫn được. Tiếc là ta không sớm nhận ra. Thật không ngờ bao nhiêu năm nay, ông ấy lại ẩn thân nơi cửa Phật.
Lữ Toàn Trung và Vũ hộ pháp Nguyễn Thái Sơn năm xưa là bạn thâm giao, ông ấy đã xác nhận thì không thể nào sai được. Nguyễn Đăng Bảo lê hai đầu gối tới nắm lấy tay Pháp Châu hòa thượng, dòng nước mắt nóng hổi tự nhiên chảy xuống.
- Cha, cha… tại sao cha lại không cho con biết sớm hơn…?
Bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu uất ức trào lên. Nguyễn Đăng Bảo nhịn không nổi, khóc rống lên.
Phải rồi, chuyện đơn giản như vậy tại sao chàng lại không nghĩ ra được. Năm lần bảy lượt lão hòa thượng đã cứu chàng, cố gắng điểm hóa cho chàng. Nếu không phải là người chí thân thì chắc lão hòa thượng cũng không đến nỗi khổ tâm như vậy.
Hơn nữa người nắm được yếu nghĩa của Duy Ngã huyền công ngoài Huỳnh Công Lý ra thì chỉ có Vũ hộ pháp. Bởi năm xưa, cả hai cùng được giáo chủ Diệp Thiên Ân ưu ái truyền thụ.
Sau khi gặp đại nạn không chết, Võ Lâm Đệ Nhất Bảo bị tiêu diệt, Vũ hộ pháp cũng chán nản thời cuộc, liền thay hình đổi dạng, ẩn thân nơi cửa Phật. Bao nhiêu năm nghiên cứu Phật pháp, giáo nghĩa ngày càng tinh thâm, sự hiểu biết của ông đối với Duy Ngã huyền công cũng ngày càng sâu sắc. Có được bí lục trong tay nhưng tham sân si đã bỏ, ông thấy luyện thêm cũng không để làm gì. Chính vì vậy ông mới trao tặng cho Lữ Toàn Long những mong tìm được người có tâm tính thiện lương để phát dương quang đại. Thật không ngờ cơ trời xảo diệu, bí lục lại vào tay đứa con côi cút của mình. Tuy Pháp Châu hòa thượng không tiếp tục luyện Duy Ngã huyền công, nhưng bao nhiêu tầng lớp, bao nhiêu dính mắc của chàng ông đều biết.
Duy Ngã huyền công là võ học nhà Phật, giáo nghĩa uyên thâm, hình thái thể hiện cũng biến ảo khôn lường, chính là dựa vào lý “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” . Chính vì vậy, người luyện nhất thiết phải thông tuệ cái lý vô thường, đại từ đại bi, vô chấp vô ngã mới có thể luyện tới tuyệt đỉnh.
Nguyễn Đăng Bảo sau khi được Pháp Châu hòa thượng điểm hóa đã vượt qua tầng ba của Duy Ngã huyền công, tâm tính cũng trở nên đại từ đại bi, chỉ phế bỏ võ công mà không giết Huỳnh Công Lý, đó cũng là khế hợp với đức hiếu sinh của trời đất.
Lữ Toàn Trung nói:
- Thế sự vô thường, ai rồi cũng phải chết. Mong công tử chớ quá đau thương!
Nguyễn Đăng Bảo gạt nước mắt:
- Đa tạ Lữ thúc thúc đã điểm hóa!
–––
Nói về quân Y Tâm Giáo bị vây dưới cổng Hắc Băng Thành, vẫn điên cuồng chống trả.
Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của các cao thủ võ lâm, quân Gia Định càng lúc càng dồn quân Y Tâm Giáo vào cửa tử.
Cuối cùng, Trịnh Phích Tinh và Võ Đại Hưng, Trần Hy, Mộc Tinh Linh đạo trưởng, Viên Thông đại sư… hợp lực giết được ba vị đường chủ Thiên, Địa, Nhân, ba ngàn giáo chúng còn sót lại mới chịu đầu hàng.
Nguyễn Đăng Bảo giao Huỳnh Công Lý lại cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt rồi ôm xác Pháp Châu hòa thượng đi khỏi Hắc Băng Thành.
Lê Văn Duyệt cùng chúng tướng vào tiếp quản Hắc Băng Thành, kiểm kê tài sản thì thấy châu báu vàng bạc chất cao như núi, con số quá lớn, nhất thời không kiểm kê nổi bèn cho niêm phong lại, cắt một đội quân canh giữ nghiêm ngặt. Sau đó, ông cho phá đi những vị trí phòng ngự trên thành rồi mới áp giải Huỳnh Công Lý cùng ba ngàn giáo đồ Y Tâm Giáo đã đầu hàng về thành Gia Định.
Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), tháng 9...
Phó tổng trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Văn Xuyên rằng: Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ tiên đế cất nhắc, ngôi đến phó Tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân dã khốn khó rồi.
Sau khi hội bàn với đình thần, nhà vua bèn cho bắt giam Huỳnh Công Lý, rồi sai Thiêm sự bộ Hình là Nguyễn Đình Thinh đến Gia Định để tra xét án. Kết cuộc, ngoài số tiền tham nhũng trên ba vạn quan, Nguyễn Đình Thinh còn phát hiện trong thời gian làm quan ở Huế, Huỳnh Công Lý đã bắt lính xây dựng ba cửa hàng gạch ở bên bờ sông Hương để tư lợi.
Đình thần luận tội, khép Huỳnh Công Lý vào tội chết. Sau khi án được nhà vua phê thuận, tháng 5 năm 1821, Huỳnh Công Lý bị xử tử tại Gia Định, số tài sản tham nhũng được chi trả lại cho quân lính và người dân bị bốc lột, cửa hàng ở Huế thì được bán để lấy tiền giúp cho cấm binh, còn con gái ông là Huệ phi bị đuổi ra khỏi cung về làm dân thường.
Ấy là những gì chính sử ghi lại. Thực tế Lê Văn Duyệt giam Huỳnh Công Lý vào địa lao, tức tốc tâu về triều đình Huế, nhưng Minh Mạng nghĩ Huỳnh Công Lý vốn có công với tiên đế, lại là cha vợ mình. Nếu bố cáo sự thực thì mất mặt hoàng gia nên bí mật thương nghị cùng các đại thần, cuối cùng ra quyết định trên. Đó cũng là kết cục cho những kẻ có âm mưu phản nghịch làm gương vậy!
Đứa con gái út của Huỳnh Công Lý là Huỳnh Tiểu Liên vì không có liên quan tới chuyện phản nghịch, lại được Nguyễn Đăng Bảo cậy nhờ tổng trấn Lê Văn Duyệt nên được Minh Mạng tha cho. Sau đó, nàng chán nản chốn hồng trần xuất gia làm ni cô, về sau trở thành chưởng môn một phái lớn.
–––
Minh Nguyệt Lâu mùa xuân, cỏ hoa rạp mình trong làn gió sớm, từng đàn bươm bướm bị âm thanh con người quấy nhiễu, bèn tung mình bay lên.
Một màu vàng rực rỡ của bầy bươm bướm bao phủ tòa lâu. Võ Linh Đan vươn tay tay nhỏ nhắn chụp lấy một con. Nàng ghé miệng hôn nhẹ bướm vàng rồi thổi một làn hơi, sau đó thả bướm bay đi.
Nguyễn Đăng Bảo đứng bên cạnh nàng, nhìn ngôi mộ vừa đắp xong thở dài. Võ Linh Đan siết chặt bàn tay chàng:
- Tiên phụ đã liễu thoát sinh tử, rời bỏ hồng trần để về chốn Liên đài. Chàng cũng đừng quá đau lòng!
Nguyễn Đăng Bảo gật đầu:
- Nàng nói phải lắm! Ông ấy xả thân cứu ta, lại điểm hóa đạo pháp, nhờ vậy ta mới thấu được tinh túy của Duy Ngã huyền công. Đấy cũng chính là tinh thần vô ngại vô úy của Di Lặc Phật. Từ sau cái chết của ông ấy ta mới thấu hiểu rõ ràng chân ngôn “Chân không gia hương, Vô Sinh lão mẫu”. Vô Sinh lão mẫu chúng ta đã gặp trong giấc mộng luân hồi rồi, còn Di Lặc Phật chính là ông ấy.
Võ Linh Đan bỗng nhiên nhìn chàng, nghiêm nghị:
- Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã tấu lên triều đình, xin phong cho chàng chức Ngũ quân đô thống. Chàng có làm không?
Nguyễn Đăng Bảo cười lớn:
- Làm quan để làm gì? Ta cùng với nàng bắc lên Thiên Sơn, nam xuống hải đảo, tiêu dao chân trời góc bể, há chẳng khoái hoạt hơn sao?
Võ Linh Đan lườm chàng một cái:
- Ai nói là em đồng ý đi theo chàng đâu?
Nguyễn Đăng Bảo phá lên cười, đưa tay cù vào hông nàng. Nàng chịu không nổi, cười ngặt nghẽo:
- Cái đồ xấu xa này, có ngừng chọc người ta không?
Nguyễn Đăng Bảo:
- Chừng nào nàng đồng ý làm thê tử của ta thì mới thôi.
Chàng vẫn không ngừng cù lét nàng. Võ Linh Đan ôm bụng cười ngặt nghẽo:
- Đô thống đại nhân tha cho tiểu nữ đi thôi. Tiểu nữ đồng ý…!
Ấy chính là:
Vượt hết non cao vực thẳm rồi
Bên đường bỗng thấy sắc hoa tươi
Mới hay siêu đọa do mình cả
Mà cõi mười phương cũng huyễn thôi
KẾT THÚC
---
Thích Quảng Châu, thế danh Nguyễn Quốc Bửu, nguyên quán Phú Yên, thường viết văn dưới bút danh Thiện Ngộ. Tác giả từng sống và học tập tại nhiều nước: Thái Lan, Malaysia và hiện đang là tăng sinh tại Học Viện Phật Giáo Singapore (Buddhist College of Singapore).
Như cuộc đời chính mình, các tác phẩm của tác giả đều mang màu sắc Phật giáo. Thông qua những tác phẩm của mình, tác giả mong muốn truyền tải những giáo lý gốc của Đạo Phật vào cuộc sống.
Liên hệ tác giả:
[email protected]FB: https://www.facebook.com/thienngowriter