Người ta bảo phàm những gì đã cũ thướng đáng quý và đáng nhớ hơn…
Nhưng nhiều khi, cũng đáng sợ nữa!
Bạn cũ chẳng hạn,
Có buồn không khi một ngày những người bạn, sau những ngày xa tháng cách, chợt gọi nhau bằng hai tiếng “bạn cũ”. Đã là bạn, sao lại còn cũ? Kỷ niệm cũ đã đành, đến bạn cũng cũ thì huống hồ, tình cảm có cũ không?
Không trách cứ bất kỳ ai, cũng chẳng thể đổ lỗi cho ngôn từ bởi đã thêm vào sau “bạn” cái chữ “cũ” dửng dưng và đanh điếng ấy. Một tính từ chỉ thời gian – vỏn vẹn thế thôi, mà níu dài không gian giữa hai người bạn ra ngút mắt và xa đến tận cùng. Tất nhiên, có quý nhau mới gặp lại, mới nhận ra và mới gọi bằng hai tiếng vừa quen vừa lạ, vừa ngần ngại vừa rưng rưng. Những vẫn xót vô cùng. Bởi những gì đã ướm vào chiếc áo “cũ” của thời gian, nghĩa là chẳng còn thể đưa tay chạm vào, hoặc nếu có, cũng chỉ níu với về lớp bụi bám hanh hao.
Sợ lắm cảm giác phải đối mặt trước mỗi ngã rẽ của những người bạn từng một thời khắng khít bởi biết mình hoàn toàn bất khả khi mỗi đứa một con đường, một ước mơ. Đến ngày gặp lại, chỉ có thể ngập ngừng gọi “bạn cũ” và chấp nhận những thay thế hời hợt của bây giờ - dù cho bản thân vẫn ngộ nhận tình cảm chưa bao giờ cũ. Ừ thì, chỉ có chúng ta là cũ trong nhau thôi…
Đường cũ,
Sài Gòn hiếm có con đường nào cũ cả, bởi quanh năm luôn được đào xới cần mẫn bởi các nhà cấp nước, cấp điện, cấp cáp hoặc cấp lô cốt… thế nên diện mạo lúc nào cũng mới toanh với nhựa đường, gạch đá ngổn ngang thường trực. Nhưng những con đường trong trí nhớ lại thường cũ xưa như thể thuộc về một miền xa lắc lơ mà bẵng đi lâu rồi chưa trở lại… Sợ đánh thức những điều đã cố nguôi ngoai. Con đường ngang qua nhà người thương đầu tiên khi tuổi vừa biết yêu. Có bụi hoa giấy rợp bóng mát, có ngõ ngách quanh co hẹp chỉ vừa hai người nép và có cả mùi thơm cà phê mới rang của nhà nào trong xóm bán chạp phô. Chẳng biết giờ nhà ấy còn hàng quán không, mà cứ mỗi khi ngang quan bất kỳ nơi nào thoảng mùi cà phê, lòng lại xốn xang như vừa chạm mặt ký ức. Ngày ấy, ở nơi đó, có một người cứ mỗi chiều lại đứng dưới tán cây chờ một nụ cười về ngang qua xóm, giữa những cánh hoa giấy rơi đều và xoay tròn như những bông vụ màu hồng phấn tí hon. Còn bây giờ, người đã xa cả nửa vòng Trái đất, mà đường xưa chẳng biết còn giữ lại chút nên thơ nào như trong trí nhớ không, nên cứ toàn đi đường vòng để tránh phải nhìn lại. Nỗi sợ đánh mất một phần ký ức gần như là duy nhất về một người giữa những thay đổi chóng vánh tất yếu của cuộc sống cứ mơ hồ tạo thành những thói quen né tránh. Dẫu biết bản thân có vờ không thấy thì thực tại cũng đã sang trang mấy lần mà chẳng cần được sự ưng thuận từ bất kỳ ai. Đường xưa đã cũ, mà người đời mấy ai đủ minh mẫn để nhớ rõ lối đi về sau chừng ấy thời gian và đổi thay của quy hoạch, giải tỏa, xây cất… Thế nên cứ sợ, mỗi lần bất giác lạc ngang qua những chốn cũ xưa…
Người yêu cũ… cũng thiệt là đáng sợ,
… cúp máy, và nghe hỏi phong thanh “Ai gọi thế?”, nhoẻn cười lơ ngơ “Người yêu cũ”.
Trả lời xong, thấy lòng hoang hoải và thấy mình xa ngái…
Người – nghe xa xa lạ lạ mà vẫn còn chút gần gũi thân thuộc. “Người yêu”, nghe “sến sến” nhưng đầy khắng khít dễ thương. Nhưng đến “người yêu cũ” rồi thì sao nghe buồn và dửng dưng đến xót!
Không thể trách ai nếu một ngày người yêu trở thành cũ và cũng nhiều người-đã-từng-yêu trở thành bạn cũ của nhau. “Bạn cũ” trong trường hợp này, vẫn có những trân trọng và quý mến riêng dành. Nhưng nếu người đã cũ, vẫn không thể gọi bằng bạn cũ, mà cứ luôn khăng khăng “người yêu cũ”, là vì sao?
Là vì… vẫn còn yêu, vì vẫn chưa thể đối mặt với những tình cảm ngày xưa bằng thái độ ngần ngại của những người bạn bàng quan bình thường. Và vì vẫn muốn gọi người bằng “người yêu” hơn là “bạn” – dẫu rằng tiếng “người yêu cũ” gợi nhiều kỷ niệm ức nước mắt hơn nhiều so với “bạn cũ”, ai đó ạ!
Đến bao giờ, chúng ta mới thật sự cũ trong những sai lầm và nông nổi của nhau? Đến bao giờ, những lời nói vô tình cứa hằn lên kỷ niệm, mới trở thành xưa cũ bông đùa trong trái tim không còn biết đau…
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT