Ít khi nào tôi vào các quán bar mà người ta rỉ tai nhau địa chỉ kèm theo cái nháy mắt đầy ngụ ý. Đơn giản vì họ đến đó để thỏa mãn nhu cầu bản năng nhiều hơn là rượu chè, khói thuốc hay nhạc nhẽo ầm ì. Nhưng công việc và các mối quan hệ xã giao lằng nhằng đôi lúc buộc tôi không thể từ chối những lời mời phải “nhắm mắt đưa chân” vào đấy, như đêm nay.

Vừa yên vị ở một góc bàn, những người bạn đi cùng đã có vài cô tiếp viên đến rót rượu chuốc mời. Họ xưng “em” với tôi, nhưng với bản tính lịch sự lẫn khách sáo thâm căn cố đế, tôi chỉ kịp đáp lại bằng đại từ “tôi – cô” vô cảm. Dần dần, các cô tìm được “tri âm tri kỉ” dù thoáng chốc cho mình. Còn tôi, một mình, sau khi lắc đầu trước lời chào mời phục vụ của các cô. Tôi mừng vì họ để tôi yên.

Ánh sáng vẫn lừa mị nhãn quan, những hình người quay cuồng trên sàn nhảy cứ giật cục, lảo đảo như một con rối cũ kỹ dưới đèn màu. Tôi chẳng nhìn được ai bởi mọi cử động của họ đều ngắt ngứ, rời rạc như thời phim ảnh chưa được hai mươi bốn hình/giây. Mảng tranh tối sáng cứ hút mắt vào vòng xoáy loạng choạng xập xình của đèn, của nhạc. Đi tìm một khuôn hình trọn vẹn, hoàn chỉnh ở nơi đó, e là bất khả.

Cho đến khi em bước đến bên tôi…

Từ lúc đặt chân vào đây, tôi đã quá quen với những chiếc váy ngắn cũn cỡn và cổ áo xẻ sâu như chào mời mọi lời đề nghị bằng tay chân khiếm nhã nhất. Nhưng tôi vẫn lặng người khi em bước đến trong chiếc váy trắng thêu họa tiết đen vằn vện. Dù chẳng nhìn rõ được hình thù gì trong không gian mê mị ấy, tôi vẫn cảm giác rằng em đẹp như một cánh bướm trắng đang khép mình giữa đêm.

Và em đến bên tôi. Tôi rụt rè cố che giấu sự ngượng nghịu trong ngụm bia lạnh đến ngọt lịm (đến bây giờ, tôi vẫn chẳng hiểu sao bia ở bar đấy lại ngọt ngắt như vậy?)

Em thầm thì vào tai tôi: “Anh mới đến đây lần đầu à?”

Tôi cúi mặt, gật đầu.

Rồi em cố hét to để tôi có thể nghe được giữa tiếng nhạc ồn ã thừa thải kia. Em hỏi tên, hỏi tuổi, hỏi cả nghề nghiệp như một cách bắt đầu cuộc trò chuyện. Tôi chỉ đáp lại bằng những ậm ừ vỏn vẹn.

Cho đến khi em nói: “Em tên Khanh, bằng tuổi anh, nhưng cứ để em gọi là anh nhé, bởi vì xét về học vấn thì em thua anh nhiều. Anh học cao quá, còn em bỏ học từ hồi cấp hai rồi”.

Tôi quay sang nhìn em, lần đầu tiên tôi chạm vào mắt em, ở khoảng cách thật gần.

Khanh cũng là tên cô bạn gái đã từng khiến tôi thơ thẩn suốt thời áo trắng, và đến giờ, vẫn còn giữ một khoảng không kỷ niệm trong tôi. Tự dưng, tôi thấy mình không còn thể diễn tròn vai “bất cần” với những lời em nói được nữa.

Câu chuyện đưa đẩy đến hoàn cảnh gia đình em, đang ở tận Hóc Môn, nơi ngày nào em cũng chạy xe về vào giữa khuya, một mình. “Thế em không sợ sao?”, em cười (chẳng biết nên gọi đó là nụ cười tươi hay khinh khỉnh, bởi nó chỉ kịp hằn lên môi một hình vòng cung khiên cưỡng) rồi bảo: “Mấy ngày đầu còn sợ, nhưng sau đó, đêm nào cũng uống với khách xỉn đuối người nên chạy bạt mạng, chẳng biết sợ là gì! Một là về đến nhà, hai là đoàn tụ ông bà, đường nào cũng người trong gia đình cả!”.

Tôi cười bởi sự tếu táo rất “tỉnh” của em, dù em đã uống ừng ực hết những ly men đầy, trong khi nhấp môi tôi cũng không còn đủ sức.

Dĩ nhiên tôi biết nhiệm vụ của em là uống càng nhiều để mời khách và tính tiền thêm cao cho vũ trường.

Dĩ nhiên tôi cũng biết câu chuyện đời em có thể chỉ đúng 10% sự thật, còn lại đã được ánh sáng mê mị, âm nhạc hùng hồn tung hô, vẽ vời, thêm thắt như trong một bộ phim tình cảm xã hội lâm lí nào đó.

Nhưng tôi cũng biết, cuộc đời có nhiều cách kiếm tiền để sống. Tôi viết lách kiếm sống, bạn dệt may kiếm sống, bạn hát hò kiếm sống… còn em, em uống để được sống, dù cuộc sống trong men rượu chếnh chóng giết dần giết mòn tuổi trẻ và tương lai.

Và tôi cũng biết, có thể những gì em kể với tôi chỉ là một mẩu chuyện tầm phào mà các cô tiếp viên rỉ tai nhau sau quầy pha rượu, nhưng chắc gì trên đời không có những cô gái nào đó như em, cũng lang thang mệt nhoài trên đường khuya về nhà khi bia rượu nốc đầy bao tử và trái tim rỗng không tình người…

Trước khi rời khỏi nơi tôi hứa sẽ chẳng khi nào quay lại, tôi chỉ kịp bỏ nhỏ vào tai em: “Chạy xe về nhà cẩn thận, Khanh nhé!”.

Và tôi về…

Sài Gòn co mình đêm lạnh, những con đường khép mắt ngủ say sau một ngày dài xáo động, nhưng đèn vẫn sáng choang rọi rõ khuôn mặt người. Tôi bất giác nhận ra mình vẫn chưa kịp nhìn kỹ khuôn mặt em, nhưng rồi chợt cười bản thân ngu ngốc. Làm sao ta nhận ra nhau, khi không còn ánh đèn mụ mẫm lừa lọc cảm quan, và cho dù có gặp lại giữa phố thị một ngày nắng rõ, có chắc rằng cả hai sẽ cúi đầu khẽ chào?

Nhưng ít ra tôi vẫn ngờ ngợ tin rằng em có một khuôn mặt rất xinh, xinh lắm. Và đôi mắt thật buồn, khi nhìn tôi cười nói: “Em bằng tuổi anh, nhưng cứ để em gọi là Anh nhé, bởi xét về học vấn thì em thua anh nhiều”.

Đã cho lấy chữ hồng nhan

Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân … (Nguyễn Du)

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play