Chương 797: Đề thi Luyện Dược
“Đề bài:
Vương Đỗ là người Quan Ninh, gia đình 3 đời làm nông, năm 15 tuổi trong lúc cày ruộng bị vấp trẹo chân, y sư địa phương chẩn đoán ảnh hưởng tới huyệt Thương Khâu và Thái Khê. Tuy đã qua 1 năm châm cứu, thương tích đã lành, nhưng Vương Đỗ từ đó mà bị ảnh hưởng chuyện đi lại, không thể linh hoạt như người thường. Năm 25 tuổi, 1 vị Tiên nhân Cúc Sơn phái ngao du qua làng của Vương Đỗ, thấy được ẩn sâu bên trong thanh niên quê mùa này là huyết mạch Nhiệt Nguyên Căn Huyết hiếm gặp, muốn thu nhận làm đồ đệ, ngặt nỗi huyệt Thái Khê ở chân phải Vương Đỗ đã bị tổn thương, ảnh hưởng vào gân cốt, rất khó để vận hành Công pháp, đường tầm đạo khó mà đạt thành tựu.
Nếu ngươi là vị Tiên nhân Cúc Sơn đó, ngươi có thể làm gì?”
===
Đây là đề bài cho cuộc thi Luyện Dược, top 50. Các đề bài này hoặc do đích thân Bắc Hoàng Hà Chí Thương biên soạn, bằng không cũng đều là từ những Học sĩ tài ba nhất tiến cống, thông qua tay Bắc Hoàng Đại nhân phê duyệt, chỉnh sửa.
Đề thi cho Luyện Dược Hội chưa bao giờ đơn giản theo kiểu “hãy luyện chế 1 viên đan dược xxx nào đó theo đúng công thức đã cho” cả. Mỗi đề bài đều vắt căng não của thí sinh tham dự, thử thách toàn bộ năng lực phân tích, chẩn đoán, xử lý tình huống và cuối cùng là trình độ luyện đan. Càng vào các vòng sau, đề bài càng lắt léo khó nhằn.
Sau khi đọc đề bài, các thí sinh có 5 phút để ngồi tại chỗ suy nghĩ cho tới khi hồi kèn bắt đầu vang lên. Ngay lập tức, toàn bộ 50 người theo những phương hướng đã định sẵn trong đầu, lao nhanh ra ngoài.
Toàn bộ sân thi đấu được sắp xếp theo đồ hình Ngũ Hành. Mỗi Hành tượng trưng cho một Kinh Đô. Nói cách khác, sân thi đấu này đại diện cho bản đồ của Bắc Hà Lãnh thổ. Dựa theo bố cục ấy, các loại dược liệu được phân bố, cũng giống như cách chúng xuất hiện trên bản đồ địa lý.
Bắc Hà Lãnh thổ rộng lớn, các loại địa hình khí hậu đa dạng, kỳ hoa dị thảo cũng từ đó mà phân hóa ra hàng trăm triệu loài, dược vật cũng theo đó mà phức tạp vô biên. Có những địa phương, dược vật này tốt hơn hẳn những nơi còn lại, cũng có thể xuất hiện những loài trân quý khó tìm.
Tuy vậy, không phải cứ nhắm tới những dược liệu quý giá nhất đã là điều hay. Như đề bài đã nói rõ, Vương Đỗ là người Quan Ninh. Đây là vùng thôn quê nằm gần Thổ Hành Kinh, cách 500 cây số chếch về mé Tây Nam. Dựa theo đầu bài, có thể thấy rõ ràng rằng, các dược liệu dễ dàng tìm thấy xung quanh khu vực này sẽ giúp thí sinh ghi được nhiều điểm hơn trong đánh giá của giám khảo. Các dược vật quý hiếm ở quá xa xôi, đặt vào hoàn cảnh thực tế vẫn không phải không thể có được, chỉ là nếu phải dùng đến thất sách như vậy trong cuộc thi, sẽ là 1 điểm trừ lớn.
Không chỉ cần thông thuộc bản đồ dược liệu, còn phải dựa vào đó mà đưa ra phương thuốc hợp lí nhất, đây rõ ràng là tiêu chí đầu tiên để khảo hạch năng lực Luyện Dược Sư.
Nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó? Toàn bộ đề bài lắt léo của Bắc Hoàng đã ẩn chứa quá nhiều cạm bẫy. Đừng tưởng vị tiên nhân kia đến từ Cúc Sơn Phái thì có nghĩa là Ngài đang thiên vị cho những thí sinh đến từ nơi đây. Cúc Sơn, Tùng Sơn, Mai Sơn đều dung chung 1 loại căn cơ Công pháp. Thứ căn cơ này kì thực không có gì quá phức tạp, chung quy vẫn chỉ xoay quanh cách vận hành Khí lực trong nội thể. Đối với kẻ dám vỗ ngực xưng mình là Luyện Dược Sư, nếu đến kiến thức phổ thông này còn không nắm vững, thì đốt lò đập niêu giải nghệ là được rồi. Oái oăm hơn cả, là Vương Đỗ trong đề bài bị thương tổn huyệt Thái Khê, đây rõ ràng là mắt xích trọng yếu trong việc điều chuyển Khí lực. Người ta vẫn nói, cắt gân chân là phế bỏ võ công, kì thực loại thương tổn này đối với Tiên Đạo cũng tai hại chẳng kém.
Chỉ là ngã trẹo chân, lại có thể khiến đường tầm Đạo của 1 kẻ phàm nhân vĩnh viễn khép lại hay sao? Sẽ có nhiều thí sinh đưa ra phỏng đoán, là chấn thương ban đầu vốn dĩ không nặng, nhưng do Vương Đỗ nhà nghèo, vùng quê lại thiếu thốn, không thể tìm được y sư giỏi, đành phải nhờ lang băm chạy chữa, cuối cùng chữa lợn lành thành lợn què.