Sự kiện giao lưu Khoa học Nghệ thuật ở Hải Thành đã bước vào những ngày cuối. Chẳng biết học sinh hai bên có giao lưu học hỏi được gì không, chỉ thấy bao nhiêu chuyện nhốn nháo lộn xộn xảy ra. Và tỉ lệ thương tật thì tăng đột biến.
Khắp 4 quận trung tâm của Hải Thành, cũng dần lan truyền một hung danh. Nữ Ma Thần! “Quân đoàn” của Nữ Ma Thần đi tới đâu, người ta phải cúi mình tới đó. Quân đoàn này do chó săn Vương Thành Văn dẫn đầu, đi tới đâu càn quét tới đó, lực lượng càng ngày càng đông, không ai có thể ngăn cản. Dù chỉ là một đám học sinh, nhưng lại đều là những học sinh tiềm năng của thành phố, người lao động bình thường không thể nào đương cự.
Người ta dần mong ngóng chờ xem, khi lũ quỷ con này đụng tới địa bàn của các băng nhóm lớn, chúng nó còn có thể vênh váo được bao lâu.
Ai dè, chuỗi nhà hàng mang tên “bình ổn giá” này cứ như vậy mà thâm nhập vào địa bàn của Hắc Long, của Thịnh Doanh mà không xảy ra xung đột gì. Ngẫm lại cũng phải, Trần Phương Linh vốn là người nhà. Rồi tới Hải Long cũng dễ dàng nhượng bộ, khiến một số người hồ nghi. Nhưng tới khi chuỗi nhà hàng thản nhiên mọc lên ở địa bàn của Thanh Hải, ai cũng phải há hốc mồm kinh ngạc. Cứ như vậy, 4 quận trung tâm thành phố đều đã bị thâu tóm. Giá cả thực phẩm rẻ đến mức bất ngờ, khiến những ai không tham gia vào chuỗi cửa hàng này, hay không được cung cấp, sẽ chịu lỗ thê thảm.
Gió chiều nào thì phải che chiều ấy. Trước một thế lực đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, các thương buôn nhỏ đều không dại gì không đu theo. Cái tên Trần Phương Linh cứ như vậy dần trở thành một loại tín ngưỡng trong giới buôn bán, lan truyền còn nhanh hơn dịch bệnh. Nếu ngày trước ai cũng muốn vỗ ngực xưng là học trò thầy Phương, thì bây giờ người ta lại đua nhau tôn thờ cháu ngoại của ông ta. Tâm lý này xảy ra, một phần cũng vì sức ảnh hưởng quá lớn của Phạm Viết Phương lên văn hoá kinh doanh Đại Nam.
Những chuyện này, Văn không biết. Nó chỉ nhìn thấy trong mắt mình, học viện nào đã quy thuận, học viện nào còn chống đối. Học viện nào chống đối, nó lại chia ra làm 3 bước thuyết phục: gián tiếp thuyết phục, trực tiếp thuyết phục, và dùng tới vũ lực. Sau bước vũ lực, lại quay về bước 2, trực tiếp thuyết phục. Vui vẻ nhất là bước gián tiếp thuyết phục thành công, tức là cho những kẻ đã quy thuận tìm kiếm đối tượng cần thuyết phục, gợi ý để bọn họ cùng tham gia. Với mỗi một lần giới thiệu thành công, lại được hưởng thêm nhiều ưu đãi. Dần dần, một hệ thống cấp bậc các đại lý ra đời.
Khi số lượng đại lý càng đông, thì hệ thống cấp bậc này đã đủ sức để tự vận hành, tức là các đại lý lại đi thuyết phục các nơi khác tham gia, và số lượng cứ thế nhân lên. Đến lúc này, Văn hầu như không phải quan tâm nhiều tới hệ thống nữa. Những việc như trực tiếp thuyết phục, hay dùng bạo lực để đạt mục đích, càng ngày càng ít cần dùng. Tuy nhiên, việc duy trì một lực lượng chiến đấu mạnh lại không thể lơ là.
Nó bám đúng những lời anh Quang dạy, lựa chọn những người đáng tin cậy nhất để trở thành lực lượng nòng cốt, là học sinh Kình Ngư. Nó giao lại gần như toàn bộ mọi việc cho Lý Thanh Long, vì anh ta có kinh nghiệm kinh doanh từ nhỏ, lại đang rảnh rỗi. Việc điều hành, nó lại để lại cho Cầm Dạ Nguyệt. Bà chị này không hiểu vì sao luôn có rất nhiều hứng thú với việc làm lãnh đạo.
Văn không ham hố những chuyện quyền lực thế này. Nó tính toán sơ qua và cảm thấy đồng lương mình nhận được từ lãi suất đã đủ nhiều, còn nhiều hơn cả lần cá cược năm ngoái, nó đã hài lòng.
Giờ đây nó cần tập trung tâm sức cho giải đấu. Nó vẫn không quên lời nhắn nhủ của thầy hiệu trưởng.
3 trận đấu đầu tiên, đối thủ của nó đều là các học sinh Cao trung Giang Hạ. Đều là những ngôi trường vô danh chưa bao giờ nghe tên.
Học sinh Giang Hạ lại nổi tiếng gầy yếu, dài lưng tốn vải. Văn chỉ cần dùng tốc độ của mình, và một cú đấm chưa bung hết sức, đã đủ để đánh bay bọn họ ra ngoài.
Vũ Hải Phong cũng nhẹ nhàng chiến thắng tất cả.
Cùng tham gia giải đấu lần này, còn có Hoàng Bích Như, Hồ Việt Khoa, Triệu Thiên Trúc, và một số hạt giống khác. Bọn họ đều mạnh một cách áp đảo.
Nhưng Văn quan tâm tới Nguyễn Thanh Phong hơn. Nó mơ hồ cảm thấy, Nguyễn Thanh Phong mới thật sự đáng sợ, dù rằng lúc tiếp xúc, anh ta tỏ ra vô hại và khờ khạo đến khó tin. Trong giải đấu lần này, cũng có khá nhiều người để mắt tới Nguyễn Thanh Phong. Đừng nghĩ rằng đây chỉ là một sự kiện giao lưu, có hàng nghìn con mắt tuyển dụng đang săm soi vào từng thí sinh một.
Các thế lực lớn hoàn toàn có thể tự tin ra giá với các thiên tài nổi bật, lôi kéo nhân lực về phe mình. Các thế lực nhỏ thì chăm chăm phát hiện tài năng tiềm ẩn, vì bọn họ không đủ tài lực để lôi kéo những kẻ đã thành danh.
Tài năng tiềm ẩn, có thể là một khái niệm rất hên xui. Tài năng tiềm ẩn có thể sẽ có một ngày bộc phát, cá chép hoá rồng, cũng có thể mãi mãi chỉ là... tiềm ẩn, chẳng bao giờ ngóc đầu lên được. Hơn nữa, nếu có thể dễ dàng nhìn ra tiềm năng của một người, thì người ta đã không gọi nó là “tiềm ẩn”.
Những trường hợp như Nguyễn Thanh Phong rất hiếm. Không phải con ông cháu cha, không có tham vọng gì to lớn, lại ngây ngây ngô ngô, là đối tượng quá hoàn hảo để chiêu dụ. Nhưng quan trọng nhất, là người ta nhìn ra được tiềm năng của thằng bé.
Một tài năng Hội hoạ như vậy, có thể chưa đủ tiềm lực như những thiên tài top đầu như Triệu Thiên Trúc, như Hoàng Bích Như, nhưng ít ra cũng hơn ối kẻ tầm thường.
Nhưng trận đấu đầu tiên của cậu ta, lại khiến nhiều người thất vọng.
Đối thủ của Nguyễn Thanh Phong, đến từ Duyên Hải. Dù là niềm tự hào của cả trường, nhưng đặt tại mặt bằng chung của Hải Thành, cũng chỉ là loại khá. Luyện tập Kiếm Thuật được 6 năm, chưa hình thành được phong cách gì độc đáo, chỉ gọi là nắm vững cơ bản. Lên sàn đấu, tên này cũng mang theo một thanh kiếm đã được phong ấn để tránh gây thương tích chí mạng.
Nguyễn Thanh Phong thì lên sàn với một cây bút lông. Đây là điều dễ hiểu. Học sinh Giang Hạ giỏi về cầm kì thi hoạ, khi thi đấu đều dùng đạo cụ hoặc là đàn, hoặc là kinh thư, hoặc là bút vẽ.
Về mặt thể chất, võ thuật, thì Giang Hạ thua kém Hải Thành quá nhiều. Nhưng xét cho cùng, sức mạnh thể chất có thể trực tiếp chuyển thành chiến lực. Học một cú đấm là đấm được một cú. Nhưng các bộ môn Nghệ thuật muốn trở thành chiến lực, lại phức tạp hơn khá nhiều. Chẳng ai cầm cây bút lông đi đánh nhau, cũng chẳng ai đem đàn ra gảy cho đối thủ nghe. Muốn biến Nghệ thuật thành chiến lực, thì cần đạt tới một trình độ nhất định. Chỉ riêng việc học sinh Giang Hạ có thể tự tin bước lên sàn đấu, đã đáng để vênh mặt.
Phần lớn người Đại Nam cho rằng thi ca nhạc hoạ chỉ dành cho lúc trà dư tửu hậu, phục vụ cho mục đích giải trí là chính. Còn dùng chúng làm vũ khí phòng thân, thì ít người tin tưởng. Quan niệm này chủ yếu ảnh hưởng từ Vương tộc. Nhưng trên thực tế, các ngành Nghệ thuật lại có thể cho ra chiến lực không hề thua kém, thậm chí còn mang nhiềm tiềm năng và khả năng biến hoá kinh người. Hãy nhìn vào Edward Kaiser là biết. Đại Hoạ gia, Đại Nhạc gia của thế kỉ, trong đầu chẳng có chút kiến thức nào ngoài mấy trò xướng ca vô loài, nhưng xét về thực lực, hắn đang nằm trong top 3 người mạnh nhất thế giới, chỉ sau Kumo Sasaki và Kwaruh.
Chính vì khả năng biến hoá đa dạng và khó lường, mà mỗi lần chứng kiến một Hoạ gia hay một Nhạc gia chiến đấu, người ta lại háo hức chờ đón những điều mới lạ.
Đối với Nguyễn Thanh Phong cũng vậy. Ai cũng tò mò muốn biết, cậu nhóc hoàn thiện bài thi của mình chỉ trong một buổi thi duy nhất, nam sinh duy nhất đại diện Giáo phường Cẩm Giang đi thi, rốt cuộc có chiến lực thế nào.
Nhưng Thanh Phong có vẻ chả quan tâm tới điều này. Hắn bước lên sàn với dáng đi xiêu xiêu vẹo vẹo, mặt thì ngước lên trời, mắt thì ngơ ngáo, mồm thì lẩm bẩm. Người ngoài nhìn vào, chỉ thấy giống những nhà thơ ngáo ngáo đi ngơ ngẩn tìm ý tưởng, mà vẫn bị đám lái xe chửi vì cái tội sang đường cẩu thả.
Mà đúng là Thanh Phong đang suy nghĩ thật. Hắn còn chẳng nhớ nổi hắn đang làm cái gì, và vì sao phải làm vậy. Theo thói quen, người ta nói hắn lên sân khấu đi, và hắn cứ vậy vô thức bước lên. Đắm đuối suy nghĩ tới mức, đối thủ đã ra đòn, mà hắn còn chả hay biết.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT