Phan Quỳnh Anh là một cô gái bé nhỏ, để tóc bím 2 bên, mắt đeo cặp kính cận dày cộp. Trông cô không xấu, nhưng cũng không nổi bật, mờ mờ nhạt nhạt, lại có đôi chút u ám.

Phan Quỳnh Anh từ nhỏ đã là một con mọt sách. Cô bé không giỏi vận động, cũng chẳng thích giao du kết bạn. Cô bé chỉ biết chăm chỉ học hành. Dù là một học sinh hiếm hoi trong trường cấp 2 thi đỗ vào Hải Dương, cũng chẳng bạn học cũ nào ấn tượng với cô. Vào tới cấp 3, cô bé vẫn lặng lẽ dè dặt như vậy, vô hình như một cái bóng.

Nhưng thành tích của cô bé lại không phải chuyện đùa. Đặc biệt là môn Văn. Cô bé yêu thích những điển tích Văn học, cô bé thức đêm thức hôm để phiêu lưu cùng những hiệp sĩ phương Tây, than thở cùng Văn nhân phương Bắc, hay choáng ngợp vì cảnh sắc phương Nam. Tất cả những xúc cảm đó, đều xảy ra trong thế giới tưởng tượng của cô, mà cô vẽ ra từ những trang sách.

Phan Quỳnh Anh không quan tâm đến chuyện thi thố so tài. Phan Quỳnh Anh cũng không phải con nhà giàu có. Cô bé có niềm đam mê với môn Văn, nhưng lại không phải là một kẻ lập dị. Quỳnh Anh vẫn có những suy nghĩ rất con người, như bao cô gái không nổi bật khác. Cô bé thầm thích Vũ Hải Phong. Cô bé thích tiết kiệm tiền mua sách. Cô bé không thích tiêu pha bừa bãi. Cô bé thích nuôi mèo... Và rất nhiều những điều rất bình thường khác.

Nhưng đối với Viện trưởng Hải Dương Bùi Kiến Huy, Phan Quỳnh Anh trong mắt lão chỉ là một con cờ bí mật. Ngay khi cái trò triệt hạ tay ba ngớ ngẩn giữa ba học viện diễn ra, khi tất cả các bên đã ngỡ là cùng nhau chết chùm, lão sẽ tung con bài cuối này vào sân.

Phan Quỳnh Anh rất giỏi. Những kẻ biết hết mình để đam mê một lĩnh vực nào đó, thì người bình thường làm sao có thể sánh nổi?

Thậm chí, cô bé có thể không so nổi với Triệu Thiên Trúc, nhưng so với các thành viên khác phía Giang Hạ, thì không hề thua kém. Ở Đại Nam, có thể ngang ngửa trình độ văn chương với học sinh Bắc Hà đã là vô cùng ghê gớm.

Nhưng những chuyện đó, cô bé không quan tâm. Cô bé được gọi đi thi, cô bé được dặn hãy cố hết sức mình, và cho dù không ai dặn cô cũng sẽ làm vậy. Vì chẳng một người yêu văn chương nào lại hời hợt làm ra bài thi của mình cả. Và nhà trường cũng chỉ mong có vậy.

Lần này, sau khi kết thúc đợt thi thứ 2, dù Quỳnh Anh có được 17 điểm đi nữa, cô bé cũng chẳng thấy chút nào xúc động. Cô chỉ cảm thấy đói. Giống như bao thiếu nữ thiếu tự tin khác, mỗi lần lo lắng, cô bé lại bị đau dạ dày. Mà còn nỗi lo nào hơn mỗi lần bước vào phòng thi chứ?

Giở chiếc ví được mẹ đan cho, cô bé đếm đi đếm lại chút tiền mình đang có. Ngày càng ít ỏi. Số tiền mẹ cho cô để tiêu trong đợt thi này cũng không quá ít, nhưng cái giá cả cao ngất ngưởng của Hải Thành thời gian này khiến cô bé vừa ăn vừa tiếc tiền hùi hụi. Thậm chí, ăn xong một bữa ăn có giá cao gấp 3 lần bình thường, 2 bữa còn lại cô bấm bụng nhịn đói.

Cứ như vậy, Phan Quỳnh Anh đã vật vờ như một cái bóng, càng vật vờ hơn. Cô bé không có bạn bè nào đi cùng, chỉ có thể một mình vật vờ giữa dòng người đông đúc trong trường, đầu óc cố gắng thoát khỏi cái cơ thể phàm tục này mà theo đuổi những dòng suy nghĩ cao siêu.

Nhưng vật chất quyết định ý thức. Có thực mới vực được đạo. Bụng đói thì lấy gì mà mơ tưởng. Cái bụng đói kéo cô bé về với thực tại phũ phàng. Cô bé nhìn quanh những cửa hàng thực phẩm. Chỉ một cái xúc xích thôi cũng tới 50 xu! Chẳng lẽ đành cắn răng mua một cái để ăn tạm?

Đúng lúc này, dòng người đông đúc xếp hàng thu hút chú ý của Quỳnh Anh. Người ta chen nhau nô nức tiến vào một gian hàng to đùng đặt chình ình ngay đó.

“Nhà hàng bình ổn giá”.
Phan Quỳnh Anh muốn xếp hàng, nhưng người ta thấy cô bé vật vờ ốm yếu như sắp dẹo tới nơi, không ai bảo ai, người ta đều thương cảm mà nhường cô bé lên phía trước. Vậy là chỉ 5 phút sau, Quỳnh Anh đã chễm chệ ngồi trên bàn gọi món.

Giá cả thật sự quá rẻ. Không tới mức rẻ như ngày thường, nhưng vẫn quá choáng váng. Quỳnh Anh bán tín bán nghi hỏi cậu bé chạy bàn. Cậu ta liên tục gật đầu xác nhận.

- Chị đừng lo. Chủ nhà hàng này có thể thiếu bất cứ cái gì, chỉ có tiền là luôn luôn thừa mứa. “Người ta” muốn dùng tiền mua danh dự, chứ không lừa đảo chị cái gì đâu. Chị cứ yên tâm gọi món đi.

- Em trai, em có vẻ biết rõ chủ nhà hàng quá nhỉ?

- Bạn em đó mà. Trần Phương Linh đó, không biết chị có nghe qua chưa?

-!!!!!

Quỳnh Anh chưa kịp trả lời, tất cả khách trong nhà hàng đều đã quay đầu lại trừng mắt kinh ngạc. Cái tên Trần Phương Linh, dù xướng lên ở đâu cũng đều gây ra phản ứng không nhỏ.

Trong số những người xếp hàng, đã có rất nhiều người nghi ngờ. Bà chúa Trần Phương Linh mở nhà hàng, chưa chắc đã là chuyện gì tốt lành. Nghe nói các dân tộc miền núi xa xôi có những loại bùa ngải sai khiến người khác, lỡ đâu trong thức ăn có trộn bùa này thì biết làm sao? Cả đời phải phục dịch cho Bà chúa sao?

Người ta rỉ tai nhau như vậy, rốt cuộc những kẻ ham rẻ mà tới, lục tục rời hàng bỏ về. Của rẻ là của ôi, mà ăn ôi là chết sớm. Chẳng mấy mà đám đông tản đi gần hết.

Trong nhà hàng chỉ còn lại vài người ung dung ngồi ăn uống như không có chuyện gì xảy ra.

Mà Quỳnh Anh giật mình phát hiện thấy chủ khảo Đinh Kiến Châu.

- Thầy Châu!

Thầy Đinh Kiến Châu đang điềm nhiên ăn phở, nghe tiếng gọi mà không phản ứng chút nào, một lúc sau mới giật mình quay lại.

- Em là...?

- Em là Quỳnh Anh, học sinh thi môn Văn của Hải Dương. Em đọc được vài cuốn sách của thầy rồi, thầy viết rất hay!

Hà Chí Thương hơi chút giật mình. Hắn đang giả dạng Đinh Kiến Châu, còn Đinh Kiến Châu thật thì đang phải ngồi im một chỗ ở Giang Hạ. Mà tiến sĩ như Đinh Kiến Châu, ở Bắc Hà có hàng trăm người, bố ai biết tên tiến sĩ này viết được bao nhiêu bộ sách, và chi tiết của từng cuốn là ra sao.

Nhưng trước sự nhiệt tình khẩn khoản của Phan Quỳnh Anh, hắn không thể đuổi khéo cô bé, đành vui vẻ mời cô ngồi xuống nói chuyện.
- Ê Văn, lấy cho bọn anh cốc nước!

Ngồi ăn trong quán, còn có Lê Thanh Bình và chuyền hai của đội bóng chuyền, Phan Văn Dũng. Hai tên này đang ngồi ăn vừa sôi nổi bàn luận về trận đấu sắp tới. Phan Văn Dũng bỗng nhiên bị coi như 1 thiên tài chiến thuật, cũng chỉ biết phụ hoạ theo sự hứng khởi của Lê Thanh Bình.

- Nước đây nước đây!

Văn cầm ra hai cốc nước cho hai đàn anh, rồi định chạy vào trong bếp. Đột nhiên, nó nghe 2 vị khách ngồi bên nói chuyện.

- Em đã đọc sách gì của thầy ấy nhỉ?

- Dạ, là cuốn Tiềm thức Văn học.

- Ờ ừm, vậy hở? Tiềm thức Văn học à? - Hà Chí Thương chưa từng đọc cuốn này, nhưng hắn có cách để gỡ bí. - Vậy đọc cuốn đó, em rút ra được điều gì?

- Dạ. Thầy có nói, Văn học là một công cuộc khám phá tiềm thức của bản thân, qua đó kết nối được với tiềm thức của nhân loại, và kết nối được mọi người lại với nhau.

“Ra vậy”, Hà Chí Thương cười khà khà. Quan điểm này, hoá ra là Đinh Kiến Châu viết ra dựa trên triết lý của các đời Bắc Hoàng. Vậy thì hắn nắm rõ hơn ai hết.

- Khà khà khà, đúng vậy. Văn học, chính là một công cuộc khám phá tiềm thức. Quan điểm này, là vô cùng đúng đắn.

- Em nghĩ là thầy nhầm rồi.

Bỗng nhiên, thằng nhóc chạy bàn Vương Thành Văn đột ngột xen vào một câu.

==================

Cả ngày hôm nay tác giả bị bắt cóc, đến giờ mới xuất hiện trở lại. Mọi người hãy chúc mừng tác giả đi nào!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play