Đợt này chính là quãng thời gian các nhà cung cấp hét giá trên trời, bởi có vô vàn thương nhân muốn tới Hải Thành dựng quầy hàng.
Quang đi tham khảo giá một hồi, chán nản lắc đầu. Sự kiện còn chưa diễn ra, mà dám hết 8 hào 1 cân thịt, đúng là muốn chém người ta làm 3 khúc. Thịt thì chỉ dùng được trong ngày, chúng nó định bán cho ai mua vậy? Chạy thêm vài vòng, Quang cũng nhận ra, giờ đây giá trung bình của thịt lợn là 3 hào 1 cân. Vẫn quá đắt. Một suất ăn chỉ bán có 30 xu, vậy mà riêng 1 lạng thịt lợn cũng đã tốn ít nhất 30 xu rồi, vậy thì còn buôn bán chó gì.
Hàng hoá mua theo số lượng nhiều, thì được bớt đi đôi chút. Chỉ còn 2 hào rưỡi 1 cân thịt lợn. Vẫn chưa được.
Quang cần tiếp cận theo một hướng khác. Hắn không tìm đến các nhà phân phối lớn nữa. Hắn tìm về các khu chợ nhỏ.
Tuy thị trường là chung, giá cả cũng chung, nhưng Quang tin rằng, chợ của người có tiền với chợ của người không có tiền rất khác biệt. Ở những khu chợ nghèo, người ta luôn tìm ra hàng hoá kém chất lượng để bán rẻ cho khách.
Quang tìm tới chợ cá nơi mẹ con thằng Văn từng sống. Đúng là hàng hoá nơi đây vẫn rất rẻ. Lương người lao động ở nơi này chỉ vài hào 1 tháng, mà bọn họ vẫn cần phải sinh sống. Hơn nữa, cá ở đây là tự cung tự cấp, do chính những người đi biển bán ra. Giá cả có lên hơi cao một chút, nhưng vẫn có thể chấp nhận.
Hắn đặt mỗi cửa hàng một ít, gom lại cũng hơn vài chục cân cá mỗi ngày, kí một cái hợp đồng để giao tới nhà hàng. Vậy là xong khoản về cá. Có lẽ, nên điều chỉnh bữa ăn sao cho cá là món chủ đạo, như vậy cũng tiết kiệm chi phí đi nhiều.
Nhưng còn rau và thịt, thì thật sự không có giải pháp. Không có một nơi nào chịu cung ứng rau và thịt rẻ tiền. Hiện giờ nhu cầu đang quá lớn, mà nguồn cung lại ít.
Quang chợt nhớ ra, thằng Văn có quen với Lý Thanh Long. Mà nhà họ Lý, sở hữu vài cái trang trại. Có lẽ, có thể xin cung ứng được chăng. Nghĩ vậy, hắn đành đi bắt xe chạy tới phía Đông Nam thành phố. Quang đi mãi không về, làm chị Thanh vô cùng sốt ruột. Chị cảm thấy mình có trách nhiệm với cái nhà hàng này còn hơn cả ông chủ của nó nữa. Chỉ thấy thằng Văn hớt ha hớt hải chạy về.
- Mẹ à, cô Tố Uyên mẹ của Linh có nói, mẹ là một Tâm Linh Sư và Thư Pháp Gia rất mạnh.
- Đúng vậy. - Chị cười. - Rất chi là mạnh. Nhưng mà mạnh tới mức nào, con có biết không?
- Cô ấy nói, mẹ mạnh tới mức không thể tin nổi.
- Vậy thế nào gọi là không thể tin nổi?
- Con... cũng không biết nữa, chỉ cảm thấy rất chi là khủng.
- Vậy con có biết, một Tâm Linh Sư khủng có thể làm được những gì?
- Ơ ừm, có thể... như ông Bắc Hoàng hôm nọ, triệu hồi ra một con chim đỏ?
- Còn làm được gì nữa?
- Con... cũng chẳng biết nữa. Con chẳng biết cái gì gọi là Tâm Linh cả.
Chị Thanh từng dẫn thằng Văn đi chùa. Vào cái hồi nó còn rất bé. Nhưng thằng bé này từ lúc đó đã chẳng có hứng thú gì với chùa chiền, càng không tin tưởng vào thần thánh. Những không gian tôn giáo được dựng lên để tạo ra tâm lý kính sợ và choáng ngợp, thì đối với nó, chi giống như một căn nhà khá đẹp mà thôi.
Thằng bố nó cũng như vậy. Thằng chú nó cũng như vậy. Ông nội của nó cũng vậy, mà bà trẻ của nó cũng vậy. Cả họ nhà nó đều như vậy. Không ai coi thần thánh là thứ để tôn thờ. Trong mắt bọn họ, Tôn giáo cũng chỉ là một loại quyền lực để quản lý xã hội mà thôi.
Điều này làm chị Thanh không đồng tình.
- Tâm Linh, là chỗ dựa tâm lý cho con người, đồng thời cũng là một không gian kết nối. Kết nối giữa cái thực tại, và quá khứ. Kết nối tiềm thức mọi người lại với nhau. Thánh thần, có thể chỉ là một thứ sản phẩm tưởng tượng, nhưng sản phẩm tưởng tượng ấy lại vô cùng hùng mạnh, con có biết vì sao không? Vì thánh thần đại diện cho dòng chảy tiềm thức của con người.
Hôm nay không có đơn vị cung cấp, nhà hàng cũng chẳng bán được gì. Chị kéo tay thằng Văn.
- Đi, hôm nay đóng cửa nhà hàng. Mẹ dẫn con lên chùa.
- Ớ, nhưng mẹ à, con đang định nhờ mẹ một chuyện.
- Chuyện gì?
- Bác Itou đang rèn một thanh kiếm, bác ấy muốn nhờ mẹ dùng Văn Lực vẽ Hamon lên kiếm cho bác ấy. Mẹ biết Hamon nghĩa là gì không ạ?
- Biết chứ. Nhưng vẽ Hamon cũng không có gì vội. Cứ bảo bác ấy đợi đi.
- Vâng... Chùa Quảng Trí là ngôi chùa lớn tại Hải Thành, được xây dựng nhờ vốn đầu tư của một doanh nghiệp lớn. Nghe nói, ông chủ doanh nghiệp này vô cùng mê tín, luôn ngày đêm nơm nớp về sự nghiệp của mình, nên xây ra ngôi chùa này, hằng mong tích thêm chút đức cho bản thân. Không chỉ chùa Quảng Trí, người doanh nhân này còn bỏ rất nhiều tiền vào các công trình tâm linh khác trên khắp thành phố.
Có người nói, lão ta xây chùa, chỉ là để rửa tiền mà thôi, có người lại nói, người càng giàu, lại càng tiếc tiền, mà càng tiếc tiền, lại càng coi trọng tâm linh. Nhiều người thấy vợ của lão ta thường xuyên đi các giá hầu đồng với vài xe tải tiền, cho thấy cái nhà này mê tín tới mức nào.
Bất kể ra sao, bà con Hải Thành vẫn được xây dựng miễn phí một ngôi chùa to đoành, vừa là thắng cảnh dừng chân, vừa là nơi phục vụ nhu cầu tâm linh. Các sư sãi cũng vô cùng hoan hỉ mà tụng niệm cho vị doanh nhân kia xuôi chèo mát mái, để hàng năm còn tu bổ cho chùa.
Chùa Quảng Trí thật sự là một thắng cảnh. Nằm trên một sườn núi, nhìn ra biển, khuôn viện lại rộng lớn khổng lồ. Công trình kiến trúc lại đa dạng bắt mắt.
“Phật giáo được ra đời trên Vương triều Visshala cũ, bởi một vị thái tử. Từ nhỏ, vị thái tử đã phải ở trong cung điện, với ngọc ngà châu báu, với những vũ công xinh đẹp, không có buồn khổ, không có đau đớn, không có bệnh tật. Một ngày, chàng ta xin phép phụ hoàng đi vi hành trong dân chúng. Trên đường đi, tất cả mọi người đều vui vẻ đón chào ngài. Nhưng ngài chợt nhìn thấy một người nhăn nhó khóc lóc bên đường. Chàng hỏi người hầu rằng, vì sao người đó lại khó coi như vậy. Người hầu trả lời, vì anh ta đang chịu đau khổ. Khi trở về cung, chàng trằn trọc không ngủ nổi vì suy nghĩ về nỗi khổ.
Một lần khác, chàng lại đi vi hành. Lần này đức vua ra lệnh cho toàn bộ dân chúng phải tươi cười đón chào ngài, không ai được phép nhăn nhó khóc than. Chàng hoàng tử nhìn thấy những gương mặt tươi cười, trong lòng chàng lại nhẽ nhõm đi không ít. Chợt chàng lại nhìn thấy một cụ già với gương mặt nhăn nheo, với cái lưng còng rụp. Chàng lại hỏi người hầu rằng, vì sao người đó lại khó coi như vậy. Người hầu trả lời rằng, đó là vì ông ta đã già. Con người ta, lớn lên, qua thời trẻ trung, rồi sẽ già đi, sẽ xấu xí và ốm yếu như vậy. Khi trở về cung, chàng lại trằn trọc vì sợ hãi tuổi già.
Lần thứ 3 đi vi hành, nhà vua hạ lệnh chỉ cho người trẻ tuổi ra đường tiếp đón, những người già buộc phải ở trong nhà. Lần này, chàng hoàng tử lại thấy một đoàn người khiêng cáng, trên cáng nằm một người. Mọi người xung quanh dù đang đau khổ tột cùng vẫn cố tươi cười chào đón chàng. Chàng mới hỏi, người đó bị làm sao vậy. Chàng người hầu trả lời rằng, người đó đã chết. Sinh, lão, bệnh, tử, là điều không ai có thể tránh khỏi. Chết, là hết. Người chết không còn đau khổ, cũng không còn buồn vui, cũng không thể nào ngắm nhìn cuộc sống được nữa.
Chàng lại hỏi, nếu là ta, rồi cũng sẽ trải qua sinh lão bệnh tử chứ?
Người hầu trả lời, dù có là ngài, cũng sẽ già đi, cũng sẽ mắc bệnh, rồi chết.
Trở về cung, chàng hoàng tử khóc lóc 3 ngày 3 đêm. Chàng quyết chí rời khỏi cung điện lộng lẫy xa hoa, tìm kiếm cách để vượt qua sinh, lão, bệnh, tử”.
Vừa đi tới cổng chùa, chị Thanh vừa kể cho nó nghe như vậy. Chỉ thấy thằng Văn đăm chiêu suy nghĩ.
Nó nhớ tới ông chú Liêu dưới cống ngầm. Ông ta cũng sợ hãi tuổi già. Ông ta cho rằng, vì trẻ con luôn trẻ, nên chúng sẽ không bao giờ già. Nhưng cách nghĩ đó quá sai lầm. Vì vòng tuần hoàn sinh, lão, bệnh, tử, không chừa bất cứ ai.
- Mẹ kể tiếp đi mẹ!
==============
Tác đang ốm. Tối có ra chương tiếp được không còn tuỳ vào tình hình sức khoẻ. Peace!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT