“Câu 29: Trong đại dương, cá hề sắc thể sặc sỡ nên thường trở thành mục tiêu của động vật săn mồi. Hải quỳ có màu sắc sặc sỡ, tuy rất đẹp nhưng xúc tua chứa độc mạnh, động vật trong đại dương không dám tới gần nó. Nhưng da cá hề có chất nhầy đặc thù, có thể an toàn sống cạnh hải quỳ mà không chịu ảnh hưởng từ nọc độc. Khi cá hề gặp phải nguy hiểm, hải quỳ sẽ bao bọc nó, để nó không bị những loài cá khác tấn công. Mà hải quỳ không thể di chuyển sẽ mượn cá hề làm mồi dụ, hấp dẫn loài cá khác tới gần để bắt mồi. Cá hề cũng sẽ chia sẻ thức ăn với hải quỳ. Trong tự nhiên, mối quan hệ giữa động vật này gọi là…”
Trần Niệm nhanh chóng khoanh đáp án A trên tờ giấy trả lời.
Đến nửa học kỳ II, mỗi tháng sẽ có một buổi thi thử. Các bạn học từ lâu đã không còn kêu ca ầm ĩ như học kỳ I nữa. Những kẻ có thành tích kém đã bỏ cuộc, làm sư ngày nào gõ mõ ngày ấy; học sinh có thành tích tốt làm bài kiểm tra, dồn chút sức lực cho bài thi cuối cùng vào hai tháng sau.
Khoa học tự nhiên là sở trường của Trần Niệm, chưa hết một giờ, cô đã làm xong câu hỏi lớn cuối cùng ở đề Vật lý. Cô quay lại kiểm tra lần nữa, bắt đầu tô tờ đáp án. Bút máy loạt soạt trên ký hiệu, đen nhánh, sáng lấp lánh, lóe lên ánh kim loại, hệt như đôi mắt của cậu thiếu niên buổi tối ấy.
Cô nhớ tới nụ hôn say đắm của cậu tối đó.
Chỉ trong chớp nhoáng, cô hoàn hồn lại.
Nhanh chóng có người đứng dậy nộp bài thi, phòng học xôn xao không nhỏ. Hội Ngụy Lai lần nào kiểm tra cũng nộp bài trước để ra ngoài chơi, thầy cô không buồn quan tâm, khẽ cảnh cáo họ giữ trật tự, đừng ảnh hưởng tới những bạn khác.
Nào có ảnh hưởng chứ, nửa số học sinh ngồi trước không hề ngẩng đầu quan tâm, toàn bộ vùi đầu làm bài, chẳng thèm ngó ngàng tới. Nửa số học sinh ngồi sau lại rục rịch cũng muốn ra ngoài.
Trần Niệm làm xong đề Hóa, Tăng Hảo đã đứng dậy rồi. Thành tích của Tăng Hảo rất tốt, nhưng Trần Niệm không ngờ lần này cô ấy làm bài nhanh đến thế, kiểm tra xong xuôi bèn nộp bài trước. Học sinh giỏi và học sinh kém nộp bài trước có tính chất hoàn toàn bất đồng, cô ấy đứng dậy, rất nhiều học sinh có áp lực, liên tiếp ngẩng đầu lên khỏi bài thi. Đôi khi Trần Niệm cũng nộp bài trước, lạnh nhạt đi về phía bục giảng, để lại áp lực vô hình cho người khác. Có người thứ nhất thì người thứ hai không còn ý nghĩa gì nữa.
Tăng Hảo hất cằm, bình tĩnh rời khỏi phòng học, nhưng đi không xa, đứng nhìn trời ở bên lan can.
Trần Niệm cúi đầu tiếp tục làm bài, làm xong đề Sinh học, cô xem đồng hồ đeo tay, còn bốn mươi phút nữa. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, bên lan can trống vắng, Tăng Hảo đã rời đi rồi.
Ngày đó sau khi mua bánh bao bị trả lại tiền giả, cô nói chuyện mình biết cho Tăng Hảo. Về sau, hai người không còn nói gì với nhau nữa.
Trần Niệm kiểm tra lại mấy lần. Dần dần có người nộp bài thi, vậy mà cô không đứng dậy, luyện chữ trên tờ giấy nháp. Chữ đẹp thì phần trình bày sẽ cao.
Tiếng chuông vang lên, giờ kiểm tra kết thúc.
Nhà vệ sinh đông nghịt. Nữ sinh đi vệ sinh rất phiền hà, phải xếp hàng. Mọi người ríu rít bàn về đề kiểm tra và đáp án, đợi hồi lâu, có người không nhịn được, gõ một cánh cửa trong phòng: “Này, làm sao thế?! Có ai ở bên trong không, vào lâu thế rồi mà không chịu ra! Cậu bị táo bón thì đừng đi vệ sinh có được không? Bao nhiêu người chờ ở đây này.”
Bên trong không có ai đáp lại.
Trần Niệm liếc nhìn nữ sinh la hét ầm ĩ kia, ở lớp khác, một đám nữ sinh đứng quanh a dua theo phàn nàn tỏ vẻ bất mãn. Nhưng không làm gì được, đâu thể đá cửa chứ.
Trên đường trở về lớp, hai thầy cô coi thi đi ngang qua, trao đổi: “Tăng Hảo nộp bài vội quá, không nhận ra mình có lỗi cẩu thả.”
Đợt này Trần Niệm kiểm tra nhiều lần, cảm giác mình thi rất tốt, ước tính có thể đạt 610 điểm(*). Mỗi lần thi xong, cô đều âm thầm mong mỏi, thi sớm rời khỏi đây, đến một nơi lớn hơn xa hơn, tới phương Bắc.
(*) Ở Trung Quốc thi tốt nghiệp xét đại học giống kỳ thi Quốc gia năm nay của Việt Nam. Trong đó mỗi khu vực thi với phương thức khác nhau. Phương thức được áp dụng tại phần lớn tỉnh thành là 3 + X (3 = Toán, Văn, Anh; X = khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Tổng cộng 750 điểm. Ngoài ra còn có những cách thi và tính điểm khác, nhưng 3 là bắt buộc.
Các bạn nói chuyện cười đùa ngoài lớp học, Trần Niệm trở về chỗ ngồi ngẩn ngơ. Vị trí của Hồ Tiểu Điệp phía trước trống không, Trần Niệm lại nhớ tới thân thể trắng ngần run lẩy bẩy kia.
Trước mắt bỗng xuất hiện bóng người, Lý Tưởng ngồi xuống trước mặt cô, nở nụ cười rạng rỡ như ánh nắng. Cậu ấy thật sự rất thích cười: “Trần Niệm, thi cử thế nào?”
“Bình thường.”
“Mấy bài kiểm tra gần đây thành tích của cậu đều rất ổn định, 600 không thành vấn đề đâu.”
Trần Niệm nhoẻn môi, coi như mỉm cười.
Lý Tưởng nhìn cô: “Cậu muốn đến thành phố nào?”
“Xem điểm đã.”
“Đến Bắc Kinh đi.” Mắt Lý Tưởng phát sáng, “Dưới chân Thiên Tử, có lịch sử, có văn hóa, bây giờ vẫn gọi là ‘Đế đô’ Bắc Kinh, khí thế biết bao.”
Trần Niệm không lên tiếng.
Tiểu Mễ bon chen: “Lý Tưởng, tớ thấy cậu được cử đến Bắc Kinh học nên bắt đầu kéo bầy đàn thì có.”
Lý Tưởng không giấu giếm: “Đương nhiên tớ không muốn đến lúc ấy chẳng có người bạn cấp ba nào cả, cuối tuần không thể tìm ai đàn đúm. Nói thật, Bắc Kinh tốt lắm, đừng ở lại quê mình, chẳng có ý nghĩa gì đâu.”
Tiểu Mễ cười ha ha: “Yên tâm đi, tớ và Trần Niệm đều muốn tới Bắc Kinh đó. Đúng không Trần Niệm?” Cô nàng huých tay Trần Niệm.
Lý Tưởng: “Nhất định sẽ đỗ mà. Đến lúc đó chúng ta hẹn nhau ở Bắc Kinh nhé.”
Trần Niệm không trả lời, nhìn ra cửa sổ.
“Lý Tưởng, nghe nói cô cậu là giáo viên ở trường trung học thuộc trường đại học sư phạm phải không.” Tiểu Mễ nói, “Trường điểm ở tỉnh lỵ, thành phố nhỏ như chúng ta không thể so sánh được. Có thể giúp đỡ tuồn đề thi Quốc gia chỗ họ về cho chúng ta học không?”
Lý Tưởng vui vẻ cực kỳ, khát khao cuộc sống đại học xa quê: “Không thành vấn đề, cứ giao cho tớ.”
Chuông vào học vang lên, Lý Tưởng trở về chỗ ngồi của mình.
Là giờ tự học, Trần Niệm phân tích những câu hỏi làm sai trong tháng trước. Trong lúc vô tình ngẩng đầu, chỗ ngồi của Tăng Hảo vẫn trống không.
Sau giờ kiểm tra, thầy cô bận chấm bài, tự học là tự nguyện. Những ai không học hành đều tự giác không làm ồn ở khu vực xung quanh phòng học, đều xuống sân chơi. Trần Niệm suy nghĩ chốc lát, cuối cùng tiếp tục giải đề của mình.
Mãi lâu sau, Tăng Hảo vẫn chưa xuất hiện.
Khi gần tan trường, Trần Niệm rời khỏi phòng học. Hành lang trống không, cả tòa nhà yên lặng như tờ, chỉ có tiếng bóng rổ văng vẳng ở sân thể dục đằng xa.
Nhà vệ sinh ở cuối hành lang im ắng, giọt nước nhỏ ra từ vòi nước không bao giờ siết chặt, rơi trên nền gạch men sứ thành mấy cánh hoa.
Cánh cửa trong cùng đóng kín bưng. Trần Niệm khẽ khàng bước tới, trên khóa cửa hiện màu đỏ. Cô trải một tờ khăn giấy xuống đất, nhẹ nhàng quỳ xuống, rạp người ghé đầu sát đất, nhìn vào trong qua khe cửa.
Cô nhìn thấy đôi chân chảy thứ chất lỏng màu đỏ.
Cô bình tĩnh đứng dậy, nhặt khăn giấy lên ném vào thùng rác. Tới cánh cửa lại vòng về, đổ rác trong thùng tại cánh cửa phòng trong cùng.
Trở về lớp học, Tiểu Mễ hỏi: “Đi vệ sinh à? Sao không gọi tớ đi cùng.”
“Không phải.” Trần Niệm nói, “Có một câu… không biết làm, tìm cô giáo.”
“Tìm được chưa?”
Trần Niệm lắc đầu.
“Tớ xem nào.”
Trần Niệm chỉ bừa một câu, Tiểu Mễ nghiêng đầu nhìn một lát, nói: “Có thể giải thế này, cậu xem.”
Lúc này, hội Ngụy Lai vào phòng học, ánh mắt giao nhau, Ngụy Lai lạnh lùng liếc nhìn cô nhưng không có cảm xúc nào khác.
Trần Niệm dời mắt, dừng lại ở một câu hỏi: “Diều hâu ăn thịt thỏ hoang và rắn, khi số lượng thỏ hoang giảm mạnh trong hệ sinh thái, tỉ lệ rắn bị bắt sẽ tăng lên rất nhiều.”
Tan học, Trần Niệm và Tiểu Mễ cùng rời khỏi lớp, hội Ngụy Lai đi lướt qua họ. Tiểu Mễ liếc nhìn bóng dáng kênh kiệu kia, bỗng nói: “Niệm, tớ nghĩ mãi về một vấn đề.”
“Hử?”
“Cậu nói xem, có phải bởi vì Ngụy Lai không?”
Trần Niệm quay đầu nhìn cô bạn.
“Có mấy lần Ngụy Lai cố ý chặn đường Hồ Tiểu Điệp trong giờ học và giờ nghỉ, cảm thấy Tiểu Điệp chịu ảnh hưởng rất lớn.” Tiểu Mễ không đợi Trần Niệm đáp lời, lại tự lắc đầu, “Chắc không đâu. Ai lại tự sát vì chuyện này chứ? Cô giáo bảo đừng nói lung tung, thế nên tớ chưa từng bàn luận với người khác về chuyện này.”
Trần Niệm không nói gì, thầm cảm thấy nguy hiểm.
Hai người không cùng đường, ra cổng trường liền vẫy tay tạm biệt.
Trần Niệm đi qua chỗ rẽ bên tường bao trường học, bên tai truyền đến tiếng huýt sáo và tiếng phanh xe máy. Quay đầu lại, Bắc Dã mặc áo phông đen quần jean, đeo chiếc hộp đàn ghi-ta màu đen, đi chiếc mô-tô màu đỏ đen. Cả người cả xe đều bóng bẩy, như một bức ảnh.
Trần Niệm nhìn cậu chằm chằm.
Cậu khom lưng, quay đầu nhìn cô, ngón tay gõ nhẹ vào tay lái, liếc cô trong chốc lát. Thấy cô vẫn đứng đần ra không phản ứng, cậu thẳng người dậy, mày hơi nhíu lại: “Lại đây.”
Trần Niệm đi tới, đứng bên vỉa hè.
Cậu hất cằm về phía sau: “Lên xe.”
Trần Niệm vừa định bước lên.
“Chờ chút.” Cậu ném cho cô một cái mũ bảo hiểm giống của cậu, nền đen, vẽ mấy chữ nguệch ngoạc, còn mới tinh. Mũ bảo hiểm rất chật, Trần Niệm vật vã lắm mới đội vào được, hai tay vụng về cài quai trên cằm.
Cài xong, cậu tháo đàn ghi-ta đeo lên người cô. Trần Niệm thoáng lảo đảo, hộp gỗ hơi nặng.
Trần Niệm giẫm lên chỗ đặt chân trèo lên xe mô-tô, cậu chống chân xuống đất, xe hơi chao đảo, cô vội vàng nắm lấy vai cậu, khớp xương rắn rỏi dưới áo phông tản ra hơi nóng. Cậu giữ tay lái, bóng lưng không hề lay động.
Trần Niệm ngồi vững, buông vai cậu ra.
Xe mô-tô gào rú phóng đi, thiếu niên lao vun vút giữa cơn gió đêm.
Bắc Dã chở Trần Niệm đi ăn tối, dừng lại ở ven đường, cô xoay người nhảy xuống loạng choạng, lùi lại mấy bước, không cẩn thận đụng vào người đứng sau, giẫm phải chân đối phương, hộp đàn còn đụng vào người ta.
Trần Niệm quay lại: “Xin… xin lỗi.”
Là một trong ba cậu nhóc choai choai: “Không có mắt à.”
Bắc Dã cởi mũ bảo hiểm, xuống xe: “Mắt mày để sau gáy à?”
Trần Niệm thấy đối phương giận, chắn trước mặt Bắc Dã nói xin lỗi: “Xin… xin l…”
“Là xin hay là xin lỗi.” Tên kia nổi nóng, “Bị nói lắp hay là không muốn xin lỗi đây hả?”
Sau lưng Trần Niệm có sức lực ùa tới, thầm nghĩ e rằng không ngăn nổi rồi.
Mà một người khác nhìn thấy Bắc Dã, suy nghĩ trong chốc lát bỗng chế nhạo như chiếm thế thượng phong, “Đây không phải là con trai của mụ kia sao? Bắc Dã, mẹ nó là điếm đấy. Ba nó là một tên cưỡng…”
Bắc Dã đẩy Trần Niệm ra, cười rất lạ, vứt chìa khóa sang: “Cầm lấy cho tôi.”
Trần Niệm vội vàng bắt lấy, nắm trong lòng bàn tay.
Cậu liếc nhìn tên kia, đạp một phát. Trần Niệm mở to mắt, cô không rõ vì sao cậu lại đánh nhau, là vì cậu, hay vì cô.
Chiến tranh nổi lên, mấy cái ghế ở quán ven đường đều bị lôi ra làm vũ khí.
Ba tên không phải đối thủ của cậu, một lát đã bị đánh bại.
Bắc Dã vẫy tay, không còn hứng ăn cơm ở đây nữa, tới bên Trần Niệm lấy mũ bảo hiểm và chìa khóa, sải bước tới xe mô-tô cắm chìa khóa đội mũ vào, vừa cài quai trên cằm vừa liếc mắt nhìn cô: “Ở lại đây xem kịch à?”
Trần Niệm vội vàng đi tới leo lên xe.
Đến một ngã tư, họ gặp đèn đỏ. Cô nghiêng về phía trước theo quán tính, kề sát cậu, cứ như hai cái bánh nướng áp chảo trên lò lửa vậy. Áo mùa hè mỏng tang, hai người kề quá sát, cự ly không thể tránh khỏi mùi mồ hôi. Trần Niệm hơi xấu hổ, mông dè dặt nhích ra sau, nhưng chỗ cô ngồi bị dốc, sau lưng còn có cái đàn to đùng nên hiệu quả chẳng là bao. Cô khựng lại ngay tại chỗ.
Ánh trời chiều ngả về phía Tây, thời gian đèn đỏ lùi dần lùi dần, từ 153 xuống thành 59. Cuối cùng cậu quay lại liếc nhìn cô, giao với tầm mắt của cô rồi không dời đi nữa.
“Mới vừa rồi em rất sợ hãi.”
“Sợ cậu… sẽ…” Trần Niệm mấp máy môi, cố hết sức không lặp lại chữ “sẽ” kia, tiếp lời, “Bị… đánh.”
“Em cảm thấy tôi sẽ thua ư?” Cậu nhướng mày cười lạnh, đôi môi mỏng nhếch lên.
“Hôm đó…” Trần Niệm nói, “Lần đầu tiên…”
Cậu vẫn giữ tư thế quay đầu ra sau, ánh mắt lướt qua bả vai nhìn cô. Tuy biết cô muốn nói gì, nhưng vẫn hết sức nhẫn nại chờ cô nói hết cả câu, “Gặp… mặt, cậu… bị người ta… đánh.”
“Hôm đấy bị sốt. Chúng nó đông người.” Ít nhiều cậu cũng có phần kiêu ngạo, lại hỏi, “Không biết cái gọi là nam tử hán không chịu thiệt thòi trước mắt sao?”