Hồng Đại Nghiệp người kinh đô, vợ là Chu thị nhan sắc rất đẹp, hai bên đều yêu thương nhau. Sau Hồng cưới tỳ nữ là Bảo Đới làm thiếp, nhan sắc kém xa Chu nhưng Hồng lại yêu chiều. Chu bất bình, vì thế vợ chồng sinh ra bất hòa. Hồng tuy không dám công nhiên ở luôn lại phòng thiếp nhưng càng chiều chuộng Bảo Đới mà xa cách Chu.
Sau Hồng dời nhà, ở cạnh nhà một người buôn lụa họ Địch. Vợ Địch là Hằng Nương qua thăm Chu trước, thấy khoảng ba mươi tuổi, nhan sắc chỉ bình thường nhưng nói năng dịu dàng, Chu thích lắm. Hôm sau qua thăm đáp lễ thấy nhà nàng cũng có người thiếp khoảng hai mươi tuổi rất xinh đẹp. Ở cạnh nhau gần nửa năm, Chu không nghe thấy họ cãi cọ gì cả, mà Địch lại chỉ yêu quý có Hằng Nương, vợ thiếp chỉ là người để đó mà thôi. Một hôm Chu qua chơi nhà Hằng Nương, hỏi "Thiếp trước nay cho rằng chồng yêu vợ lẽ là vì vợ lẽ muốn thay bậc đổi ngôi, nay mới biết không phải. Phu nhân có thuật gì thế, nếu có thể dạy được thì thiếp xin làm học trò". Hằng Nương đáp “Ồ! chị tự xa cách rồi lại trách chồng sao? Ngày đêm cứ nói sa sả là đuổi chim sẻ cho bụi rậm, càng xa cách nhau hơn. Về nhà cứ để mặc họ, dù chồng tự tới cũng đừng cho vào phòng. Sau một tháng thiếp sẽ tính tiếp cho chị".
Chu theo lời, trang điểm thêm cho Bảo Đới, bảo cùng ngủ với chồng, Hồng ăn uống gì cũng bảo Bảo Đới ăn chung. Lúc nào Hồng quan tâm thì Chu ra sức từ chối, từ đó mọi người đều khen Chu thị hiền. Như thế hơn tháng, Chu qua thăm Hằng Nương, Hằng Nương vui vẻ nói "Được đấy!” Bây giờ chị về nhà bỏ hết nữ trang, đừng mặc quần áo đẹp, đừng đánh phấn tô son, để mặt bẩn đi giày rách làm lụng với người nhà, một tháng sau hãy qua đây”.
Chu theo lời, mặc áo vá đụp, làm ra vẻ bẩn thỉu chỉ lo dệt vải chứ không hỏi gì tới chuyện khác. Hồng thương xót bảo Bảo Đới cùng làm lụng nhưng Chu không cho, cứ quát đuổi lên nhà. Như thế hơn tháng, lại qua gặp Hằng Nương, Hằng Nương nói "Đứa nhỏ này dạy được đấy! Ngày tới là tiết Thượng ty*, muốn rủ chị đi chơi. Chị nên bỏ hết quần áo rách, giày dép áo quần thay mới một loạt rồi qua ta cho sớm", Chu thị vâng dạ.
*Tiết thượng ty: một lễ hội ở Trung Quốc cổ, tiến hành vào ngày Tỵ đầu tiên trong thượng tuần tháng ba âm lịch.
Đến ngày, Chu thị soi gương trang điểm kỹ càng, hết thảy đều theo như lời Hằng Nương dặn. Trang điểm xong qua nhà Hằng Nương, Hằng Nương vui vẻ nói "Tốt lắm” rồi búi hộ mái tóc cánh phượng, mượt bóng như gương, tay áo không hợp thời trang thì tháo ra may lại, lại nói kiểu giày vụng, lấy vải vụn trong rương ra cùng khâu, xong rồi lập tức bảo Chu thay đổi. Lúc chia tay mời Chu uống rượu rồi dặn "Về gặp mặt chồng xong là đóng cửa đi ngủ ngay, y có tìm gõ cửa cũng đừng mở. Gọi ba lần mới mở cửa cho vào một lần, nhưng phải dè sẻn chuyện hôn hít vuốt ve. Nửa tháng sau hãy qua đây”.
Chu ăn mặc đẹp đẽ về nhà vào chào Hồng, Hồng chăm chú ngắm vợ từ trên xuống dưới, vui vẻ cười nói khác hẳn ngày thường. Chu thị kể qua buổi đi chơi rồi đỡ má ra vẻ mệt mỏi, trời chưa tối đã đứng dậy về phòng cài cửa đi nằm. Không bao lâu quả nhiên Hồng tới gõ cửa, Chu cứ nằm mãi không chịu dậy, Hồng mới bỏ đi, đêm sau cũng thế. Sáng ra Hồng trách móc, Chu nói "Ngủ một mình quen rồi, không chịu nổi sự quấy rầy”. Trời vừa xế Hồng đã vào phòng vợ ngồi giữ chỗ, kế tắt đèn lên giường như đêm tân hôn, thương yêu rất mực, lại hẹn đêm sau. Chu không chịu, hẹn trở đi cứ ba ngày một lần.
Khoảng nửa tháng qua gặp Hằng Nương, Hằng Nương đóng cửa lại chuyện trò rồi nói "Từ nay thì chị có thể chiếm luôn chồng rồi. Có điều chị tuy đẹp nhưng chưa có duyên. Nhan sắc như chị mà biết làm duyên thì tranh giành được cả lòng sủng ái với Tây Thi, huống hồ là kẻ xấu hơn”. Liền bảo Chu liếc thử, nói “Không phải thế! Cạnh ngoài khóe mắt chưa được”. Lại bảo cười thử, nói "Không phải thế! Má bên trái chưa được," Rồi liếc mắt đưa tình, hé miệng cười duyên bảo Chu làm theo, mấy mươi lần mới hơi giống. Hằng Nương bảo "Chị về cứ soi gương mà tập, thuật chỉ có bấy nhiêu thôi. Còn như lúc trên giường thì tùy cơ mà khêu gợi, tùy sở thích mà chiều chuộng thì đó không phải là điều dùng lời mà dạy được!".
Chu về làm đúng như lời Hằng Nương dạy, Hồng rất đẹp ý, bị cả nhan sắc lẫn phong thái của vợ làm cho si mê, chỉ sợ bị cự tuyệt. Trời vừa xế là vào ngồi nói chuyện vui cười với vợ không chịu rời phòng nửa bước, ngày nào cũng thế, không sao bảo ra được. Chu càng tử tế với Bảo Đới, mỗi khi ăn uống trong phòng đều gọi vào ngồi cùng, nhưng Hồng càng thấy Bảo Đới xấu xí, chưa xong bữa đã bảo nàng ta đi ra. Chu lại lừa chồng vào phòng Bảo Đới rồi cài cửa ở bên ngoài nhưng suốt đêm Hồng không động chạm gì tới, Bảo Đới vì thế giận Hồng, gặp ai cũng oán trách ra miệng.
Hồng càng chán ghét, dần dần tới chỗ đánh đập. Bảo Đới phẫn uất bỏ cả trang điểm, áo bẩn giày rách, đầu bù tóc rối nên càng không trách ai được. Một hôm Hằng Nương hỏi Chu "Thuật của ta thế nào?". Chu đáp "Đạo thầy thật là tuyệt diệu, có điều đệ tử có thể làm được mà rốt lại vẫn chưa hiểu được. Để mặc là vì sao?". Hằng Nương nói "Chị không biết sao? Người ta vốn chán cái cũ mà thích cái mới, trọng cái khó mà khinh cái dễ. Chồng yêu vợ lẽ không hẳn vì cô ta đẹp mà vì thấy cái ít được nếm là ngon, thấy việc khó được gặp là hay. Cứ để mặc cho ăn no thì sơn hào hải vị cũng ngán chứ nói gì tới canh rau muống". Chu hỏi "Bỏ hết trang điểm rồi sau ăn mặc lộng lẫy là vì sao?". Hằng Nương đáp "Bỏ không ngó ngàng gì tới thì như xa cách lâu ngày, bỗng thấy trang điểm đẹp đẽ thì như mới tới, khác nào người nghèo chợt được ăn thịt ngon, sẽ thấy gạo lứt là vô vị. Lại không dễ dàng cho nếm ngay thì kẻ kia là cũ mà mình là mới, kẻ kia thì dễ mà mình thì khó, đó chính là thuật biến vợ thành thiếp đấy".
Chu cả mừng, bèn coi Hằng Nương là bạn thân chốn khuê phòng. Được vài mấy chợt Hằng Nương nói với Chu “Hai người chúng ta tình như ruột thịt, tự nghĩ không nên giấu diếm tung tích, trước đã định nói nhưng sợ chị nghi ngờ. Nay sắp từ biệt nên xin nói thật, thiếp chính là hồ. Thuở nhỏ thiếp gặp nạn, bị mẹ kế bán lên kinh đô, vì chồng thiếp đối xử tử tế nên không nỡ dứt tình ngay mới dùng dằng đến nay. Ngày mai cha thiếp trút xác lên tiên, thiếp phải về thăm không trở lại nữa". Chu cầm tay Hằng Nương than thở, sáng ra qua xem thì cả nhà đang hoảng hốt kinh sợ vì Hằng Nương đã biến đâu mất.
Dị Sử thị nói: Người mua ngọc không quý ngọc mà lại quý cái hộp đựng ngọc*. Tình người đối với mới, cũ, khó, dễ vẫn là điều ngàn xưa đến nay không sao hiểu được, nhưng cái thuật đổi ghét thành yêu đã được dùng trong chỗ đó rồi. Kẻ nịnh thần ngày xưa thờ vua thì ngăn vua gặp người, cản vua đọc sách, đủ biết việc giữ cho mình được sủng ái lâu dài cũng là điều tâm truyền đấy.
*Người mua ngọc... cái hộp đựng ngọc: Hàn Phi tử chép có người nước Sở bán viên ngọc cho người nước Trịnh, lấy gỗ mộc lan làm cái hộp đựng, sơn phết chạm trổ đẹp đẽ, người nước Trịnh bèn mua cái hộp mà trả lại viên ngọc.
_________________
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT