*Nguyên bản in là "Quỷ nữ tứ tắc" (Bốn truyện nữ quỷ), nhưng thực tế có tới 23 truyện và không phải truyện nào cũng nói về nữ quỷ, rõ ràng chữ "nữ" đã bị lầm từ chữ "trấp" (hai mươi) vì có tự hình tương tự, đây đính lại như trên. Tuy nhiên bản Liêu Trai chí dị thập di chúng tôi dùng chỉ có 23 truyện, có lẽ bị in sót.

I.

Nhà người dân thôn Dư Can la Trương Học Lễ, đã đi ngủ, mục đồng ở chuồng bò nghe có tiếng gõ cửa, vội trở dậy ra nhìn. Thấy vài trăm tráng hán, đều khoác giáp ngũ hoa, đội mũ đâu mâu đỏ xông vào, kế biến mất không thấy đâu nữa. Đến sáng, năm mươi con bò trong chuồng đều chết, đại khái là ma ôn dịch

II.

Điền Xác người Truy Xuyên, cháu gái lấy con Lưu Lang trung. Lưu qua đời mấy năm, Điền thị bị bệnh, sai đầy tớ tới huyện bên cạnh gọi cháu họ là Trương Mẫn Trung tới, định gửi gắm hậu sự, Trương chưa tới thì Điền đã chết. Điền vốn có anh trai, cưới con gái họ Liêu ở huyện bên cạnh. Người ấy chết, lại cưới cô em gái, lúc anh Điền chết, chỉ còn có người chị dâu sau, bèn cùng Mẫn Trung tới viếng, ngụ ở gác Một Sơn chỗ Trương ở cũ. Lúc ấy là tháng mười năm Giáp thân. Đêm ấy Liêu thị chợt đau tim, mời thầy thuốc tới chữa cũng hơi đỡ. Quá nửa đêm, định ngồi dậy, ăn nói quàng xiên. Trương tới xem, thì là người chị nhập vào xác, trách mắng em gái nói “Lấy chồng chỗ nào không được, sao lại nhất định phải có chồng chung với ta, lúc chồng ta chết cũng không đặt bài vị thờ ta, khiến ta quanh năm không có nơi nương tựa. Không kéo ngươi cùng đi không được". Mẫn Trung nài nỉ nói "Đây là do chú Điền, không phải là lỗi của thím hai. Đã là chị em một nhà, sao lại nỡ làm thế?”. Giây lát, chợt chắp tay nói "Thúc ông vạn phúc”, lại nói "Khánh Tôn, ngươi cứ lên giường ngồi". Thúc ông là Điền Xác cha Điền Tam cô, Khánh Tôn là con út của Xác, đều đã chết. Đại khái ma quỷ đầy sảnh, người chung quanh đều nổi gai ốc.

Trong giây lát lại biến đổi vẻ mặt nói giọng họ Điền, nhìn Trương nói “Tri huyện vì cô mà tới đây. Lúc cô sống có lời muốn nói, nay cũng nên nói ra", rồi gọi Trương tới trước mặt nói chuyện lúc cô chết anh chồng lấn chiếm ruộng vườn và tỳ thiếp trộm cắp tiền bạc, lập ra danh sách, quả thật không sai, lại dặn lập đứa con nuôi thứ hai làm con thừa kế họ Lưu. Lại hạ giọng thì thào, như không muốn người khác nghe thấy. Hồi lâu ứa nước mắt nói "Ta không có tội gì lớn, sẽ không phải xuống địa ngục, nhưng đầu thai đường dài, chưa thể siêu thoát thôi”, rồi sụt sùi ra đi. Lúc nhập vào thì Liêu thị thành mắt xếch, má có lúm đồng tiền, mười ngón tay thuôn dài, rất giống Điền cô lúc còn sống. Cứ thế cách một ngày lại tới một lần, toàn nhập vào Liêu thị.

Mùa xuân năm sau đưa đi chôn cạnh mộ Lưu, Trương và Liêu thị tống táng, ngủ lại cạnh mộ. Lúc ấy mưa xuân lạnh lẽo, gió thông vi vút, mọi người đều sợ sệt nghĩ là Liêu sẽ bị nhập. Trương mắng "Nhất định là ma quái ngoài đồng giả ra, chứ nếu là Điền Tam cô, thì tại sao dung mạo lại khác hẳn mùa đông năm ngoái?". Con ma lập tức thay đổi, rõ ràng không khác gì trước kia, lại nói chuyện cũ, dặn dò cặn kẽ rồi đi. Đến khi Liêu thị về nhà, lại tới nhờ cậy, nói muốn gặp Trương. Người nhà nói “Trương Tri huyện cách đây không xa, sao không tới đó?". Đáp “Trạch long cản trở, tuy ta muốn vào nhưng không cho, ta cũng không khỏi làm ma”. Sau một năm Liêu chết, từ đó mới không tới nữa. Ma nhập vào người sống thì rất nhiều, nhưng chỉ con ma ấy là có thể khiến cho hình dáng trở nên giống mình, thật cũng kỳ quái.

III.

Dân ở đường Hoàng Bá Nam Môn Phủ Xuyên là Chiêm Lục Chiêm Thất, làm nghề bán cháo bán lụa. Người nhỏ còn gọi là Tiểu ca, vì đánh bạc hết tiền, sợ anh đánh mắng, lén trốn đi nơi khác, lâu ngày không về. Người mẹ nhớ con tha thiết mà nằm mơ xem bói đều là điềm bất tường, cho là tiểu ca đã chết. Gặp ngày hội Vu lan rằm tháng bảy, đêm trước họ Chiêm bày tiền giấy ra đốt trước sân. Trời sập tối, nghe như có tiếng sụt sịt bên ngoài. Người mẹ nói “Tiểu ca chết thật rồi, nay tới nói với ta đấy”. Rồi lấy một tờ giấy tiền vàng bạc khấn "Nếu đúng là con ta, thì hãy giật tờ giấy này đi là đúng, sẽ cầu khấn âm ty giúp đỡ ngươi". Giây lát gió âm nổi lên, mấy lần cuốn vào rồi giật tờ giấy tiền vàng bạc đi. Mẹ và anh trai khóc thất thanh. Kế gọi sư tới tụng kinh siêu độ, không còn mong đợi gì nữa. Sau vài tháng, chợt Tiểu ca từ ngoài đi vào. Người anh nói “Ma rồi cầm dao đuổi. Người em sấn tới ôm chặt, nói “Chưa đâu”, người anh mới nhìn kỹ, hỏi còn sống hay chết. Người em nói “Vốn sợ anh đánh nên trốn đi, nên tới Nghi Hoàng làm thuê, chứ chưa chết”. Mới biết chuyện trước kia là ma quỷ dối trá.

IV.

Ở bến đò tại thôn ngoài huyện Tân Thành, có người đánh cá đêm trăng sáng buộc thuyền sắp về, nghe bờ bên kia có người gọi đò. Bèn chèo qua, là hơn hai mươi người, đều xăm người vác đao kiếm, nghĩ là quan quân ngoài trại, không dám hỏi han, chỉ chở qua sông. Tới bờ, họ trả tiền đò, lên bờ cảm tạ rồi đi. Bình thời binh sĩ qua lại chưa từng có chuyện như thế, người đánh cá vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên. Sáng hôm sau nhìn lại tiền ấy thì đều là giấy, mới biết đã gặp ma.

V.

Núi Long Môn cách huyện Nam Thành hơn trăm dặm về phía đông, trên đỉnh núi có chùa, vắng vẻ tịch mịch, ít có vết chân người lui tới, chỉ có một nhà sư ở đó. Có nhà sư vân du ghé đó làm khách, được mời ngủ ở phòng khách, cách phòng sư trụ trì khá xa. Lúc đã đi ngủ, nghe ngoài cổng có tiếng người gọi, kinh sợ không dám dậy. Giây lát, cửa tự nhiên mở ra. Khách càng hồi hộp, không dám thở mạnh, xuống giường muốn chạy, thì thấy cửa phòng có tảng đá lớn chặn cứng phía ngoài, kêu la hồi lâu, sư trụ trì mới lên tiếng. Đang lúc hỏi han tảng đá chợt biến mất, mà cửa lại mở ra như cũ. Khách không ngủ được nữa, qua phòng sư trụ trì ngủ, lại hỏi về chuyện kỳ quái ấy. Đáp “Đó là ma núi làm ra” Trước sau những người gặp chuyện ấy rất nhiều nhưng không làm hại ai.

VI.

Thợ vẽ Hoàng sinh người Lâm Xuyên, đi chơi tới Quảng Xương, vào trại Trật Ba, trọ lại nhà Nham Quán Chi ở Trường Lang. Nửa đêm một người đàn bà xuất hiện trước đèn, rất xinh đẹp, nhân say rượu khêu gọi, người đàn bà vui vẻ ưng thuận. Hỏi là người nhà ai, đáp "Là vợ chủ nhà”, từ đó đêm nào cũng tới Hoàng có khi thiếu thốn, ắt lấy trộm tiền đưa cho. Nấn ná nửa năm, dần dần mắc bệnh gầy mòn. Nham hỏi han, cũng không chịu nói. Trước kia Nham thường đi lại với kỹ nữ, người vợ không nhịn được ghen tuông, thắt cổ tự tử chết trong phòng. Tuy đã chôn cất, nhưng vẫn mấy lần hiện hình lên tiếng, Nham bỏ trống phòng ấy không dám ở, mà Hoàng ở đó, nên Nham cho là bị ma quấy nhiễu, Hoàng mới nói thật. Nham hướng lên không khạc nhổ chửi rủa, đưa Hoàng ra ở quán trọ, đêm ấy người đàn bà lại tới. Hoàng sợ hãi định trốn tránh. Người đàn bà nói “Không cần trốn ta, ta há lại nỡ hại chàng. Chàng có trốn ta cũng tới". Hoàng bất đắc dĩ giữ lại cùng ngủ. Lâu sau, Hoàng sợ nàng hại mình, bèn phóng ngựa về quê. Dọc đường dừng lại nghỉ mệt, ngồi hóng mát dưới gốc dâu. Người đàn bà lại tới, nói “Thằng giặc quá vô tình, chung sống với nhau bấy lâu mà không có một câu chia tay, nỡ bỏ ta à? Quay lại mau!”. Hoàng không dám đáp, nhưng trong lòng cầu khấn trời đất, thầm tụng kinh. Người đàn bà chợt thở dài nói “Đây là lỗi của ta. Lúc đầu lẽ ra không nên lầm lỗi, đến nỗi gặp lúc không có tiền trình ngày nay! Quân súc sinh đâu đáng hâm mộ, ta há lại không thể tìm người khác sao?", rồi bỏ đi. Từ đó con quái tuyệt tích.

VII.

Hồ Vũ Nham du học ở vùng Đạo Vĩnh Hồ Tương, trọ lại một ngôi chùa hư nát. Có nhà sư già ngồi quay lưng lại ngọn đèn, nói “Sao khách tới muộn thế?”. Hồ nói "Không có hàng quán nên thiếu cái ăn, đi đường rất mệt”. Sư rút trong tay áo ra hai cái bánh chay bảo ăn, rồi trải chiếu dưới đất cho nằm. Sư tụng bài kệ rằng "Bách bổ cà sa cựu bát vu, Kỷ niên đồng ngã thử sơn cư. Hàn đăng dạ chiếu thanh liên tọa, Đắc bạn khan thiêm sổ diệp thư” (Bát Cũ, Cà Sa cũng vá quàng, Mấy năm chung sống giữa non ngàn. Đèn khuya hiu hắt tòa sen lạnh, Có bạn xem thêm sách mấy trang). Sáng ra thấy áo ướt mà lạnh, sờ xuống chiếu mới biết nằm trên bãi cỏ ngoài trời sương, giữa đồng trống mênh mông, không có gì cả. Hoảng sợ kể lại với hành giả, hành giả nói “Đó là chỗ chôn cất tổ sư. Tổ sư viên tịch mười lăm năm rồi. Đêm qua cúng bánh chay, đang ngạc nhiên vì mất hai cái”.

VIII.

Du sĩ Hổ Thiên Tuấn ngụ ở Giác Địa Thanh Tranh Đàm Châu. Đêm trăng đánh đàn dưới gốc mai, nhìn ra xa thấy có cô gái đẹp muốn bước tới lại thôi, bèn cố ý đùa giỡn. Cô gái thẹn thùng bước tới, Hồ đứng lên vái chào. Cô gái nói "Tiếng đàn tuy hòa hoãn, nhưng quá ai oán, không được thỏa ý lắm”. Hồ nắm tay nàng nói “Trên đời không có ai là tri âm, đêm nay gặp nhau, hay là duyên trời chăng?”. Cô gái khép nép bước đi, nói “Đêm mai trăng sáng sẽ tới gặp chàng". Hôm sau bạn bè kéo Hồ vào thành uống rượu, suốt hai ngày hai đêm vui vẻ quên về, hối hận vì lỡ hẹn. Vội trỡ về, nhặt được dưới gốc cây một cái khăn lụa trắng, trên để bài thơ rằng "Tiêu tiêu phong khởi nguyệt ngân tà, Lộ trọng vân hoàn áp ngọc già. Vọng đoạn hành vân ngưng lập cửu, Thủ đàn chau lệ tiễn mai hoa” (Vi vu gió nổi ánh trăng tà, Sương ướt vai gầy nặng ngọc thoa. Nhìn sững mây trời chờ đợi mãi, Bên mai rơi lệ ướt cành hoa). Hồ buồn rầu về ngủ. Hôm sau đưa tấm khăn cho mọi người xem. Triệu Băng Hồ hoảng sợ nói "Người vợ đã mất của Tôi người Hàng Châu, họ Kiều tên Vọng Tiên, là cháu gái Quý phi. Năm trước chợt qua đời, chôn sau gốc mai, đây đúng là nét chữ của nàng”. Hồ bèn rưới rượu tế, lại làm bài thơ rằng “Vương Tôn tự hận phụ giai kỳ, Dạ túy Trường Sa ngẫu vọng (vong) quy, Ứng ứng hoang hồn đạp tàn nguyệt, Tương tương lộ thấp khứ thời y” (Vương Tôn tự hận phụ lòng ai, Quên bẵng giai nhân bởi rượu say, Trăng lạnh soi hồn thương lúc đợi, Sương rơi lạnh áo xót khi về).

IX.

La Mỗ người Ấn Cương Lư Lăng, cùng vài người đi đêm, qua hồ Tập Gia. Nhân ăn ô mai, bèn nhét hạt vào miệng cái đầu lâu cạnh đường, hỏi “Có mặn không?". Đi tiếp tới Trường Khanh, ánh trăng sáng rực, thấy phía sau có một khối đen cuộn tròn đuôi theo, gọi “Mặn quá” Mọi người cả sợ, chạy mau hơn mười đặm. Tới thôn Vinh, qua sông mới không nghe tiếng nữa.

X.

Phía đông chợ Lư Túc ở Viên Châu có người thợ bạc họ Quách, hơn ba mươi tuổi vẫn ở một mình. Phía tây chợ có bà già bán hoa, thường ghé Quách mua các thứ vòng nhẫn. Con gái bà già khoảng mười lăm mười sáu tuổi, một buổi tối tới nhà Quách nói "Xin làm vợ chàng". Quách hoảng sợ, cô gái nói “Thiếp hâm mộ chàng đã lâu, nay tìm được kế thoát thân, xin đừng nghi ngờ”. Quách hỏi duyên cớ, nói “Vừa rồi giả chết, mẹ liệm thiếp vào quan tài, thiếp mở nắp quan tài bước ra rồi đậy lại. Mẹ đã đem quan tài rỗng đi chôn rồi, không tìm thiếp nữa đâu!”. Quách đưa nàng vào phòng kín, bảo đừng ra ngoài. Hơn một tháng, người mẹ ngẫu nhiên tới chỗ Quách, gặp lúc Quách đi vắng, nhìn vào trong thấy đôi hài đỏ của con gái lúc liệm trong nhà, bèn xô cửa vào lấy, rồi gọi hàng xóm nói “Quách Mỗ đào mộ con gái ta”. Quách về, nghe hàng xóm kể lại cả sợ. Cô gái nói “Mẹ tới bất ngờ nên thiếp vội tránh đi, để quên đôi giày. Ta cứ tạm tránh đi, chàng đừng lo”. Cô gái đi, Quách bèn trốn tới Đàm Châu.

Đi được hơn mười dặm, cô gái đuổi tới, cùng tới Đàm Châu, lâu ngày hết tiền. Cô gái nóí “Thiếp giỏi hát điệu Cung xướng, chắc chắn có người thưởng thức". Bèn mở ca trường sau phường Bình Lý, giọng ca át mây, người xem đông nghẹt. Mỗi ngày bán được mấy trăm vé, những nhà phú hào tranh nhau mời tới, đều trả bằng trâm thoa vàng. Hơn một năm, dành dụm được hàng vạn. Một hôm có đạo nhân đội giốc cân, thân cao chín thước, vỗ vai Quách nói “Hàng ngàn hàng vạn con người lại đi xem con rối ma này!”. Quách tỉnh ngộ, kéo tới chỗ vắng, lạy xin cứu giúp. Đạo nhân bảo tới cầu khẩn ở miếu Nam Nhạc. Quách tới miếu vái lạy, đến canh hai, thấy cô gái đeo gông bị kéo nhanh vào, tới hậu cung miếu Nam Nhạc đột nhiên ngã vật ra, thì là một cái xác, mới biết là ma nhập vào xác cô gái. Bèn dốc hết tiền bạc sữa miếu để chuộc tội cho cô gái, dùng hậu lễ hỏa thiêu cái xác. Đêm mơ thấy cô gái tới cảm tạ, khóc lóc từ biệt rồi đi.

XI.

Dương Nhị Lang người Kiến Khang, đem vốn đi buôn bán ở Nam Hải, đi về hơn mười năm, giàu có ngàn vạn. Trong niên hiệu Thuận Trị, gặp cướp ở Ba Trung, cả đoàn bị hại. Dương rơi xuống nước trước nên thoát thân. Gặp một cây gỗ, bèn ôm lấy cùng trôi nổi, qua hai ngày dạt vào một hòn đảo bèn lên bờ, dò dẫm đi tới một cái hang. Đàn ông đàn bà trong đó xúm lại nhìn, phần nhiều đều trần truồng, mà âm thanh có thể hiểu được. Có người đàn bà tự xưng là Quỷ mẫu, thị vệ rất đông, ngạc nhiên nói “Ở đây tựa hồ có mùi người sống", sai a hoàn khám xét, thấy Dương Nhị Lang, bèn báo với Quỷ mẫu. Sai dẫn tới trước mặt, hỏi “Ngươi có nguyện ý ở lại đây không?", Dương nghĩ không có cách nào thoát thân, cứ tạm ủy khúc để sống, bèn ứng tiếng đáp “Xin ở lại”. Quỷ mẫu liền bảo a hoàn làm một gian phòng, cho hai người làm vợ chồng, suốt hơn hai năm ăn uống đi lại giống hệt cõi trần.

Có tên lính đưa thư tới, nói "Chân tiên mời Quỷ mẫu, xin tới Quỳnh thất". Từ đó cứ mười ngày hoặc một tháng lại đi, mọi người đều theo. Nhị Lang một mình ở lại trong hang, một hôm xin đi theo. Quỷ mẫu nói "Ngươi là phận người phàm, làm sao đi được?”. Nhị Lang cứ nài nỉ, Quỷ mẫu chợt ưng thuận. Thấy dưới chân nhẹ nhàng như cưỡi mây, tới một nơi quán vũ, yến tiệc thịnh soạn âm nhạc rộn rã. Những người tới đều theo chỗ mà ngồi, Quỷ mẫu bảo Tiểu Dương nằm phục dưới tấm khăn bàn, dặn nín thở đừng động đậy. Tiệc xong thấy đốt giấy tiền vàng bạc, kế nghe tiếng khóc, lắng nghe thì là vợ con họ hàng của mình. Dương từ dưới gầm bàn bước ra, gọi tên người nhà, mọi người đều cho là ma xúm vào chửi mắng. Chỉ có người vợ khóc nói “Ngươi chết trên biển, lâu quá không có tin tức, lúc bấy giờ phát tang, chiêu hồn xem bói, hôm nay là ngày trừ phục, nên lập thủy lục đạo tràng để cúng tế, sao lại ở đây, chẳng lẽ lại là hồn ma dữ nhập vào sao”. Dương nói “Ta là người thật”, nhân kể lại duyên do, người nhà mới tin thật. Quỷ mẫu ở ngoài vẫy gọi không thấy ra, nổi giận chửi mắng, nhưng không thể vào gần, giây lát bỏ đi. Vợ Dương mời thầy thuốc dùng thuốc điều hòa bổi bổ, qua mấy năm, diện mạo dáng vẻ mới trở lại như thường.

XII.

Hoàng Tập Phố người Kiến Khang thông gia với Tăng Hồng Tử người Phủ Châu. Hoàng thích yên tỉnh, mỗi khi tới nhà Tăng, ắt xin ở trọ trong tăng xá bên cạnh, sư thường quét dọn quan phòng để chờ. Trong niên hiệu Sùng Trinh Hoàng có tang mẹ, tới nhà Tăng cảm tạ đã tới điếu tang, rồi tới tăng xá, sư cho ở phòng riêng. Hoàng cho rằng sư coi thường mình, hỏi không vui. Đêm ấy trăng sáng, nhân ra thềm hóng mát, nhìn ra xa thấy cung điện đèn lửa thấp thoáng, tiếng cười nói râm ran. Chợt có một vị sĩ phu bước ra vái nói “Ông có phải là Hoàng Tập Phố không? Mời vào uống chén trà”. Hoàng nói "Ta quên mất ông là ai?”. Người ấy nói “Ta là Trương Duy Kỷ, làm chức quan nhỏ trôi nổi giang hồ, đáo nhiệm tới đây”. Nhân mời vào cùng uống rượu, gọi vợ con ra chào. Duy Kỷ nói “Ta có đứa cháu gái, còn chưa kết hôn, xin dâng ông để hầu chăn gối". Hoàng nói “Ta đang có tang, đâu dám bàn tới chuyện ấy”. Duy Kỷ nói “Kẻ sĩ lễ pháp như con rận ở trong nếp quần. Tập Phố là kẻ đạt sĩ, sao còn câu nệ như thế”. Nhân kéo vào phòng trong, ép uống rượu hợp cẩn, vợ chồng làm lễ xong, Hoàng nghĩ đang có tang lại làm thế này, quả thật là tội nhân danh giáo, vì thế im lặng. Chợt nghe tiếng thanh la khua vang, sực hiểu là bị ma ám. Muốn vùng dậy nhưng cô gái trong màn níu chặt lại, không sao giãy ra được. Bèn lớn tiếng gọi đầy tớ, Duy Kỷ bước ra nói “Tại sao Tập Phố lại coi nhau là ma quỷ?”, bèn kéo ở lại.

Nhà sư thức dậy, thắp đuốc đưa Hoàng về nhà Tăng, Hoàng còn nhìn thấy Duy Kỷ và vợ con đi theo. Hoàng nói "Vừa rồi ai khua thanh la thế?”, mọi người đáp “Gà gáy đấy”, Hoàng càng hiểu ra. Sáng ra Tăng tiễn về, Duy Kỷ và vợ con cùng đi theo, Hoàng đi cũng đi, Hoàng dừng cũng dừng, người khác không nhìn thấy, chỉ có Hoàng nhìn thấy. Hoàng về đến nhà thì bị bệnh nặng. Bí giám Trương Uyên Huy, chơi thân với Hoàng tới thăm. Đi chưa được hai dặm, Hoàng nói "Trương Bí giám tới”. Kế quả nhiên Trương tới. Trương hỏi han, thì là Trương Duy Kỷ kể lại, kế bị bệnh mấy tháng mới khỏi. Lúc trước lúc Hoàng đang uống rượu với Duy Kỷ, đầy tớ lấy làm lạ là lâu quá không vào, bèn trở dậy nhìn vào quan phòng. Có người nói "Quan của ngươi vào trong này uống rượu”. Người đầy tớ về đi ngủ trước, hôm sau hỏi sư, sư nói gần đây có vị quan họ Trương tên Duy Kỷ đưa cả nhà tới trọ trong chùa, bị bệnh dịch đóng cửa chết hết trong quan phòng.

XIII.

Thiếu bảo Mã Lượng, lúc trẻ thắp đèn đọc sách cạnh cửa sổ. Chợt có bàn tay to như cái quạt từ ngoài song cửa thò vào. Đêm sau lại tới. Ông lấy bút chấm nước thư hoàng, vẽ một cái hoa áp lớn lên đó. Ngoài cửa la lớn “Chùi mau cho ta, nếu không sẽ có tai họa đấy?”. Ông không nghe, bỏ đi ngủ. Giây lát, bên ngoài càng tức giận, càng giục giã bảo chùi đi, ông cũng không đếm xỉa gì tới. Gần sáng chuyển thành tiếng nài nỉ mà bàn tay không rút ra được, lại nói “Ông sẽ quý hiển, nên tạm thử ông thôi, sao lại nỡ đẩy ta tới chỗ đường cùng? Ông không biết chuyện Ôn Kiều đốt sừng tê* sao?”, ông sực hiểu ra, lấy nước rửa dấu hoa áp đi, bàn tay rút ngay ra ngoài, nhìn ra thì không thấy gì.

*Ôn Kiều đốt sừng tê? Tấn thư chép ôn Kiều làm quan thời Nguyên đế, Minh đế, làm quan tới chức Thứ sử Giang Châu. Lúc Tô Tuấn làm phản vây hàm kinh sư, Kiều cùng Đào Khản đánh dẹp, được phong là Phiêu kỵ tướng quân, Thủy An quận công, trên đường về trấn đốt sừng tê soi thủy quái dưới ghềnh Ngưu Chử, đêm mơ thấy có người tới trách móc, nhân thế bị bệnh mà chết.

XIV.

Phương Tử Trương nhà ở thôn Ngụy Đường Tú Châu. Có tên tá điền là Trâu Đại, giỏi cắt tóc. Có người tới gọi, nói "Nhà Mỗ có khách, nhờ ngươi làm trò vui". Trâu từ tạ nói “Ta chỉ biết hát nhưng bài trong đám ma, ngươi dùng làm gì?". Nói "Chủ nhân chính muốn nghe khúc ấy, xin sẽ hậu tạ". Trâu vì thế rất kinh ngạc, nhưng tính toán thấy không thể từ chối, bèn ngầm giắt lục lạc vào bụng, buông tay áo lên đường. Tới nơi, chỗ ấy rất gần, nghĩ bình thường ở đây không có ai ở. Thấy phòng ốc rất nhỏ, mà điệu ai vãn không phải nên hát chỗ yến tiệc, lại càng nghi ngờ. Bèn lắc lục lạc hát, trên tiệc hơn hai mươi người đàn ông đàn bà đồng thanh nói "Bọn ta đều thông thạo điệu ấy, không cần có tiếng lục lạc chen vào". Lại hát thêm vài khúc, mọi người đều vỗ tay khen hay. Uống đến lúc ngà ngà, lại hỏi "Còn biết nghề gì khác không?", Trâu đáp "Cũng biết thần chú Đại bi uế tích”, mọi người đều nói "Không phải là cái bọn ta cần”. Trâu biết đó đều là ma, bèn rút lục lạc ra lắc mạnh, cao giọng niệm chú. Vừa được vài tiếng, gió âm nổi lên, đèn đuốc bàn ghế đều biến mất, trước mắt tối om, nhìn lên nóc thấy có lỗ nhỏ, cũng vừa đủ để ra, mà ánh trăng sáng xuyên xuống, có thể nhìn thấy chung quanh, bèn co người chui ra, may mà thoát được. Hôm sau tới xem chỗ áy, thấy gai góc cỏ dại um tùm, chỉ là một ngôi mộ cổ mà thôi.

XV.

Người đánh cá ở Hồ Châu là Ngu Nhất, nhân đi đánh cá buộc thuyền ngoài nhà dân ở cọc rào ranh giới Tân Thành. Quá nửa đêm, nghe trên bờ có người nói với nhau "Chúng ta ở nhà này đã lâu, nên tính chuyện ra đi, dời xuống thuyền nên chăng?". Có giọng ứng tiếng nói "Đây là thuyền chài, lại là người nơi khác làm sao xuống được? Ngày mai phía đông nam có thuyền tới trong đó có hai hộp chu hồng và mấy bình rượu xích nê, có thể đi theo. Người ấy là họ hàng người bệnh nên tới thăm, nhà lại khá giàu có đủ cho chúng ta dùng”, cả bọn đều nói phải. Dứt lời lại im ắng, Ngô Nhất lấy làm kỳ quái. Trời gần sáng, dậy hỏi chuyện, thì nhà dân ấy đang bị bệnh dịch, kẻ tính chuyện đêm qua là ma. Bèn đi tắt qua đường nước phía đông nam buộc thuyền lại chờ xem. Quả nhiên gặp một chiếc thuyền nhỏ tới, nhìn đồ vật trong thuyền, đều như lời ma nói, vội gọi dừng lại, kể cho chuyện nghe thấy lúc đêm. Người trên thuyền cả sợ nói “Đó là nhà con rể ta, đang định tới đó thăm bệnh. Nếu không có ông cứu, thì cả nhà này lại ghi tên vào sổ ma rồi”. Bèn đem hết rượu thịt mang theo tặng Ngô, cảm tạ rồi quay về.

XVI.

Quý Nguyên Hành tự Nam Thọ, người Tấn Vân. Sau khi thi đỗ, được điều làm Giáo thụ Thai Châu, định tới Kiến Khang yết kiến Phủ doãn. Trong nhà có người thiếp hầu, uất ức vì chủ mẫu không thể dung, thường có ý muốn chết. Lúc sắp lên đường, Lý nói chuyện với vợ, dặn “Ta đi rồi, nhất thiết đừng đánh đập, vạn nhất có chuyện không hay, lại phải tốn kém. Nếu nhất định không chứa được, cứ chờ ta về sẽ đuổi đi cũng không khó”. Vợ nói "Cứ yên tâm mà đi, ta không làm chuyện như thế đâu”, nói xong chia tay. Nguyên Hành đi mấy hôm tới Kiến Khang, đã bớt lo lắng, lại nghe bên tai có tiếng sụt sịt, giống tiếng người thiếp, nhưng không nhìn thấy hình dáng. Hỏi thì nói “Chàng vừa ra khỏi cửa là lập tức bị đánh đập, thế không sống được nữa, nên tự treo cổ chết rồi". Quý vì thế thương khóc xin nghỉ, muốn quay về, lại nghĩ ác nghiệp đã tới. Muốn gủi thư, lại không nỡ, nên tạm sai đầy tớ ngày đêm về nhà để hỏi rõ chuyện ấy. Lại thay người nhà viết thư báo cho quan huyện, lại gởi thêm tiền chôn cất. Từ đó đêm nào hồn ma cũng tới khóc lóc. Kế người đầy tớ trở lại, nói "Trong nhà vẫn vô sự, lúc Mỗ về tới bà ấy còn dọn cơm cho ăn” Quý nói "Vậy là ma quỷ giả mạo để mê hoạc ta thôi". Đêm ấy con ma lại tới, Quý nghiêm mặt nói "Ngươi là yêu tà ở đâu, lại dám như thế không chịu cút đi! Ta sẽ mời đạo sĩ tới đây, dùng phép bắt ngươi". Con ma nói "Quả thật ta không phải là người ấy. Vì lúc ông lên đường nảy dạ nghi ngờ, nên ta thừa cơ bịa đặt. Nay chỉ xin ông tụng cho vài quyển kinh Phật, đốt cho chút ít tiền giấy thôi“.

XVII.

Phong tục phương Bắc, mỗi khi đến lúc giao thừa ắt thắp đèn sáng trưng ở các nơi nhà bếp nhà xí, gọi là soi rọi hư hao. Có người nhà giàu ở Khai Phong là Triệu Tái, sai hai tỳ nữ làm chuyện ấy. Một tỳ nữ tham dầu vừng thắp đèn để chải tóc, bèn thay dầu đồng vào đèn trong nhà xí. Đến nửa đêm, tỳ nữ kia trong nhà xí thấy một người đàn bà cao khoảng ba thước, xõa tóc mặc quần đỏ từ trong đi ra, cắp một cái rương nhỏ chứa đầy quần áo mới, xếp lên góc vách. Người tỳ nữ hoảng sợ la lớn chạy về, gọi bọn gia nhân kéo tới xem, nhưng tới nơi thì không thấy gì. Riêng tỳ nữ đánh tráo dầu chợt la lớn ngã lăn xuống đất. Mọi người đỡ về, đổ nước nóng cho, hồi lâu mới tỉnh. Nói đầu tiên dùng dầu đồng thắp đèn mới đến nỗi này, bị ma đánh. Lại nói "Ta bị người ta lôi vào nhà xí không lên tiếng, làm ta bị tuột da, đau lắm. Nói đang chờ lấy dầu đêm nay để xức, ngươi lại dám đánh tráo? Đang đánh túi bụi, thấy người nhà kéo tới đông quá, mới bỏ ta mà đi".

XVIII.

Huyện Dương Xuân châu Nam Tư, tức Xuân Châu thời cổ, có con ma lạ trú ở sảnh Chủ bạ, có thể giữa ban ngày hiện hình, ăn uống cười nói như người sống, rất ghét người ta nói tới hình dáng, ai nói là tới quấy phá. Nhà Chủ bạ rất khổ, sáng dậy ắt phải lạy, ăn cơm ắt phải cúng, thờ phụng rất kính cẩn. Có viên Tuần kiểm trực ban, vừa tới làm quan, Chủ bạ mời tới uống rượu. Trò chuyện nhắc tới chuyện ấy, nhân hỏi sự quái dị. Chủ bạ chưa kịp đáp, con ma đã đứng sau lưng Tuần kiểm, Chủ bạ biến sắc đứng dậy. Tuần kiểm biết có chuyện lạ, vung tay xô luôn, con ma không đứng nổi, ngã lăn xuống đất. Tuần kiểm vừa xô vừa đánh, con ma nhìn Chủ bạ năn nỉ nhờ xin giúp, Chủ bạ hết sức xin cho, con ma mới thoát được. Nhà Chủ bạ sợ nó giận lây, cả đêm không dám ngủ, nhưng đến sáng vẫn yên ắng không có một tiếng động. Mở cửa thấy trên vách viết một hàng chữ lớn "Vì Tuần kiểm là người thô lỗ, không thèm chấp nên đi", từ đó tuyệt tích.

XIX.

Có người làm vườn ở Hàng Châu, rửa rau ở ao Bạch Quy. Nghe dưới nước có người trò chuyện, một người nói “Ngày mai ở đê Sa Hà khai trương cửa hiệu bán lụa, một viên Chưởng sự nhà họ Vương phải chết ở đây, có thể thay thế ta”. Một người nói "Ngày đi của ngươi không còn xa, làm sao bây giờ". Người làm vườn biết viên Chưởng sự, liền tới báo tin. Người kia cảm tạ thề suốt ngày không ra khỏi cửa. Đến sáng cửa hiệu khai trương, quan phủ sai tên lính khỏe tới đón, nhà chủ hiệu lại biếu tiền lụa, bất đắc dĩ phải đi. Qua khỏi cầu Thanh Hồ, tên lính đưa đi theo đường hồ Bạch Quy, viên Chưởng sự nhất định không nghe. Những nhà ở cạnh đó chỉ thấy người ấy một mình đi loạng choạng, dáng vẻ như đang ra sức cãi vã đánh nhau. Cũng có người quen biết viên Chưởng sự, liền xốc nách đưa về. Kế hôn mê không nói được, trong miệng toàn đất bùn, cho uống Tô hợp hương, lâu sau mới tỉnh. Đại khái kẻ xưng là lính quan phủ cử tới là ma vậy. Lại qua hôm sau, người làm vườn tới đó rửa rau, bị chết đuối.

XX.

Lý Chủ bạ người huyện Đan Đồ Trấn Giang, tới Hồ Châu công cán. Có hai người sai nhân trong phủ tên Từ Chương, Thái Yên đi cùng. Vào tới địa giới Hồ Châu, trọ trong tăng phòng viện Quan âm, bên cạnh có một gian phòng nhỏ, cửa nẻo khóa chặt. Hai sai nhân nhìn trộm vào, thấy trên vách treo ảnh một cô gái, phía trước bày lư hương, biết là tẫn cung. Bèn nói vụng với nhau "Bọn ta ở đất lạ lạnh lẽo cô đơn, nếu được một người như thế tới làm bạn vui vẻ một phen thì thật là may mắn". Từ bèn hỏi sư, sư nói "Người trong quận là Trương Văn Lâm, làm Huyện lệnh Tượng Sơn, vợ chết, chôn tạm dưới nền trong phòng ấy, nhờ ta cúng tế. Đó là họa tượng của nàng”. Đêm ấy, Chương đã ngủ, Yên đang thiu thiu thì có một cô gái vén màn chui vào, cười nói "Ban ngày người có ý với ta, nên tới gặp nhau, sẽ chu toàn cho ngươi, đừng nói cho ai biết, cũng đừng vì kỳ quái mà nảy ý nghi ngờ”. Yên vui vẻ vì được thỏa nguyện, giữ lại ngủ với nhau. Từ đó không ngủ cùng giường với Chương nữa, cô gái đêm nào cũng tới, như thế hơn tháng. Hai người sai nhân vì sắp hết tiền, thưa với Chủ bạ xin về. Chủ bạ nói "Chương giỏi văn từ, ta không thể thiếu, một mình Yên về được rồi”.

Đêm ấy cô gái tới hỏi vì sao trở về, Yên kể lại. Cô gái nói “Ta có chiếc thoa vàng tặng ngươi, cứ cầm đi mà bán, cũng tạm đủ dùng đến hết đợt công cán này”. Rồi rút chiếc thoa trên đầu đưa cho Yên. Hôm sau bán ở chợ, được mười sáu ngàn đồng, đem đưa Chương nói "Vừa rồi vào thành, lại gặp một người làng đưa ta mượn số tiền này, có thể tiêu chung, không cần phải về nữa”. Chương nghĩ thầm mình và y ở cùng ngõ, lẽ nào có người làng tới đây mà mình không biết. Lại nghe Yên đêm nào cũng như thì thào trò chuyện với người khác, sợ có lúc lộ ra sẽ liên lụy cả tới mình, bèn quyết ý rình xem. Một hôm, trời gần sáng, chờ lúc cô gái từ giường Yên bước ra, vội sấn tới ôm, cô gái ngã lăn xuống đất, giống hệt như mới chết, quần áo vẫn như cũ. Hai người hoảng sợ không biết làm sao, bèn kể thật với sư trụ trì, bèn bẩm với Thái thú tới xem, bắt hai người sai nhân lên quan, đưa vào nhà ngục hỏi cung, lại gởi công văn tới Tượng Sơn báo cho Trương Huyện lệnh. Trương sai bà vú già tới chùa khai quật ngôi mộ lên, thì quan tài rỗng không, hai người mới được tha. Không bao lâu trở về Đan Đồ, vì sợ hãi thành bệnh, cả hai đều chết.

XXI.

Lúc Hoàng Bưu Phụ làm Tri châu Viên Châu, một đêm tan tiệc khách ra về, bọn ngu hầu trực ban hết phiên, sau canh ba mới ra về. Một viên ngu hầu trên đường trò chuyện với người ta, thì thào không thôi, lại có vẻ mừng rỡ. Đồng bạn hỏi thì không chịu đáp, đi được trăm bước mới nói "Có cô gái từ nhà sau ra gặp nhau trên đường, nói là thị thiếp của Tri phủ, vì mọi người ruồng rẫy, muốn bỏ trốn đã lâu. Gặp lúc đêm nay chủ nhân say ngủ, đám tỳ thiếp cũng đã ngủ, nên trốn thoát ra, xin tới trú ở nhà ta để tìm kế khác. Nói xong lấy ra một chiếc thoa một chiếc xuyến đưa cho ta, lại đưa mấy cái bánh màn thầu, nói đây là trong tiệc còn thừa, đưa cả cho ông". Mọi người không tin, người ấy bèn đưa thoa xuyến cho xem, thì đều là mảnh tre. Cái gọi là màn thầu thì là quả tiết lệ, tục gọi là màn thầu gỗ. Người ấy tuy tỉnh ngộ, nhưng không kìm được, qua tháng sau thì chết. Quan quân trong quận cùng tìm con quái ấy, thì đại khái là người thiếp của Quận thú hai đời trước, sinh được con trai, bị vợ chính ghen tuông không chịu nỗi ngược đãi ôm con nhảy xuống sông tự tử, nay đã làm ma.

XXII.

Thái Hanh Khiêm người Lâm Xuyên vốn ở trong thôn, nhân lấy con gái Hoàng Bưu Phụ, bèn dời tới dưới thành, mua một khoảnh đất trống trước quân doanh xây nhà, dời cả nhà tới ở. Phía sau có khu vườn nhỏ, có bụi chuối mọc dày, thường nhìn thấy yêu quái, cũng có khi nghe tiếng cười tiếng hát. Một người thiếp đi gần đó, gặp người đàn bà bước ra trò chuyện, dung mạo rất xinh đẹp, hồi lâu chia tay, cũng không ngờ là ma quỷ. Đứa con nhỏ mới vài tuổi, ban ngày chơi đùa cạnh đó, người đàn bà từ trong chạy ra, túm tóc giật, đứa nhỏ kêu gào tiếng vang ra ngoài, Thái lập tức vác gậy tới cứu, tới gần người đàn bà mới buông tay, thè lưỡi đỏ như tấm sa hồng dài năm thước rồi chui xuống đất biến mất. Cha con Thái đều hoảng sợ ngã lăn xuống đất. Lát sau gia nhân đổ vào cứu về, đổ nước nóng cho, hồi lâu mới tỉnh. Lập tức sai đầy tớ dọn sạch bụi chuối, từ đó không thấy gì nữa. Dần dà tìm hỏi, đại khái người chủ ở đất ấy trước đó từng thắt cổ giết chết thị nhi, đào đất chôn xuống, trồng bụi chuối lên, cũng đã mười năm rồi.

XXIII.

Lữ Thúc Chiếu làm Huyện lệnh huyện Thái Bình phủ Ninh Quốc, cả nhà ở bên dãy phòng phía đông sảnh đường trong dinh. Con lớn là Tất Trung, con thứ là Hội Trung, vì đều đã lớn, nên ngủ chung giường ở phòng phía tây. Đêm mùa hè ngủ say, nghe dưới giường như có tiếng người nói, Hội Trung hỏi là ai, ứng tiếng đáp "Vâng vâng", giọng nói rất nhỏ. Bèn đưa tay sờ tìm cái chậu đi tiểu, người ấy bưng hai tay đưa cho, dài khoảng ba thước. Hội Trung đang lúc vừa tỉnh, cho là đứa tiểu tỳ, cũng không để ý. Hội Trung tiểu xong, Tất Trung tiếp theo, lấy cái chậu tiểu ở chỗ cũ thì không thấy đâu. Lúc ấy có hai bà vú ngủ ở gian gác phía sau, gọi ầm lên mà họ không biết gì, mới biết là gặp quái, Hội Trung vì thế bị bệnh, mấy tháng mới khỏi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play